Nguyễn Ngọc Tư | Đặc sản miền Nam

 

eVan
7-2-06

Tạp văn Nguyễn Ngọc

Thanh Vân

Tên sách: Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư
NXB Trẻ – Thời Báo kinh tế Sài Gòn, 12/2005.

Tuy chỉ là “bình mới rượu cũ” nhưng vì là rượu thật, rượu ngon nên
người “uống” phải tấm tắc khen.

Nói “bình mới rượu cũ” vì quyển tạp văn này chỉ là một tập hợp những
bài Nguyễn Ngọc Tư đã đăng trên báo. Chị không ít lần phải xin lỗi độc
giả việc vài NXB thỉnh thoảng lại tập hợp những truyện chị đã đăng, đã
in thành một tập sách mới. Khi biết mọi người kéo nhau đi mua, chị áy
náy, lỡ người xem phật ý… Thế nhưng, nếu là người yêu văn Nguyễn Ngọc
Tư, vô tình đọc lại những gì chị viết cũng đâu thừa. Với quyển tạp văn
này cũng vậy, đã liếc qua đâu đó trên báo, tạp chí rồi, đọc lại vẫn thấm
thía giọng văn sâu thẫm tình quê của một nhà văn có bút lực dồi dào cả
về ý tưởng lẫn cảm xúc.

Chính vì thế, sau đợt xuất bản đầu tiên với số lượng 2.000 cuốn vào
cuối năm 2005, đầu tháng 1/2006, sách đã được tái bản với số lượng 5.000
cuốn và hiện nằm trong danh mục sách bán chạy của NXB Trẻ.

Thủng thẳng, nhỏ nhẹ như người con gái quê đang vừa hái rau muống vừa
kể chuyện, những câu chuyện lúc thì da diết lúc lại hóm hỉnh, tưng tửng,
vui vui, tạp văn Nguyễn Ngọc Tư có sự kết hợp rõ nét giữa văn và báo.
Nếu như ở truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư chưa chạm nhiều đến “kinh tế,
chính trị” thì trong tạp văn, chị bộc lộ cái nhìn của mình về chuyện lúa
chết non, tôm chết lãng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, chuyện
giữ đất hay bán đất, chuyện quan lại nhũng nhiễu, hạch sách người dân
trong Ngậm ngùi Hưng Mỹ, Đi qua những cơn bão khô, Ngơ ngác mùa dưa, Chờ
đợi những mùa tôm, Làm cho biết, Kính thưa anh nhà báo…

Trong quyển tạp văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của cây bút Thảo Hảo
(nhà văn Phan Thị Vàng Anh) cũng có bài viết về cái khổ của người nông
dân trước nạn ốc bươu vàng. Thảo Hảo viết sắc, gọn, đanh, đưa ra những
thống kê, bảng so sánh chi tiết, dẫn chứng khoa học cụ thể. Vì thế, đọc
Thảo Hảo xong người ta thấy tức tối vì cái sự “mù mắt” của những người
có trách nhiệm trước thảm họa ốc bươu làm khổ nông dân.

Nguyễn Ngọc Tư cũng có bài viết về cái khổ của người nông dân trước
dịch ốc bươu vàng. Viết không đanh, không sắc nhưng mà sâu, đọng, day
dứt: “Tôi đi học xa, chiều thứ bảy về nhà bắt ốc. Cả nhà bắt ốc, cả xóm
bắt ốc, cả tỉnh bắt ốc. Lúc sức trẻ tôi rệu rã thì má tôi vẫn chăm chăm
từng con ốc theo mỗi bước chân thụt lút dưới sình… phải lượm lại ốc để
gieo sạ đợt hai… Má già sọp như trăm ngày góp lại… Mắt tôi nhức,
rụng xuống những giọt nước mắt trong và mặn…” (Mơ thấy mùa đang tới).

Tình người, tình quê và chút tình riêng đan xen hoà quyện vào nhau
trong Đất Mũi mù xa, Xa Đầm Thị Tường, Quán nhớ, Tháng Chạp ở rạch Bộ
Tời, Lời nhắn, Sân nhà… Tôi tin chắc những độc giả thích đọc văn
Nguyễn Ngọc Tư không ít lần sẽ thấy sống mũi cay xè khi đọc truyện của
chị. Vì người viết đã biết cách đưa vào những chi tiết lay động lòng
người. Với tạp văn, Nguyễn Ngọc Tư cũng có được sức rung cảm từ những
chi tiết như thế. Đọc hết 35 tạp văn của chị, gấp sách lại vẫn còn vương
vấn hình ảnh những người nông dân tảo tần, lam lũ rưng rưng cầm con tôm
chết trên tay, hình ảnh chợ quê, cái lu, khạp muối, vườn cây trái xào
xạc, món canh măng tre mẹ nấu vàng óng ánh cả trưa hè.

Nhà văn Nam Cao nói: “Sống rồi hãy viết!”. Những trang văn của Nguyễn
Ngọc Tư đều đi thẳng vào lòng người đọc có lẽ vì chị đang tập sống,
nghe, nhìn, trải lòng với miền quê của mình. Chính vì vậy, những trang
tạp văn không chỉ để giải trí mà còn để người miền khác hiểu biết về đời
sống của một vùng đất, và để cho chính những người sống ở vùng đất đó
kịp nhận ra được dù không đi đâu đất cũng hóa tâm hồn.

Có lần trả lời phỏng vấn, Ngọc Tư nói vui: thích viết tạp văn vì nhẹ
nhàng và dễ kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống hơn viết truyện.
Nhưng đọc tạp văn của chị thì không thấy “nhẹ nhàng” chút nào, bởi vì
bên trong vỏ bọc của giọng văn đó người ta thấy ẩn sâu nỗi niềm của một
người con đất Mũi. Viết vì thương quê, thương cái nghèo, cái khó, cái
mộc mạc, chân sơ của nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi mình hớp ngụm nước
mưa trong lành ở cái lu đầu ngõ, nơi mình hâm nồi cơm nguội buổi chiều,
nướng con khô cá lóc, cá sặt, nhấp chén rượu cay mà thương quê đến nao
lòng.

Thương quê nghèo đến độ phải thốt lên: “Làm nông dân mà, cực từ đằng
Đông, Tây, đem lại, cực từ Nam, Bắc cực vô, cực từ trên trời rơi xuống”
(Mơ thấy mùa đang tới). Thế nhưng, than là than vậy trang viết nào kết
lại vẫn lấp lánh niềm tin. Bởi vì vốn cái tạng của dân “Hai Lúa” là lạc
quan. Tôm chết đợt này, nuôi đợt tôm khác cẩn thận hơn, lúa chết đợt này
gieo đợt lúa mới đúng kỹ thuật hơn, đời mình chưa sướng thì làm hết sức
để đời con cháu mình sướng hơn.

Nằm trong bộ sách ra mắt bạn đọc cả nước nhân dịp 15 thành lập Thời
báo Kinh tế Sài Gòn gồm những cuốn tập hợp nhiều bài viết, nhận định,
đánh giá mang tính chuyên môn cao của những doanh nhân, nhà nghiên cứu,
khoa học nổi tiếng về kinh tế Việt Nam, tưởng như Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư
rất lạc loài. Thế nhưng, đọc rồi mới thấy những điều chị viết cần thiết
lắm, gắn bó lắm với nỗi niềm đau đáu chung của những nhà khoa học cho sự
phát triển của nước nhà (Để nông dân giàu lên – Võ Tòng Xuân, Doanh
nhân, doanh nghiệp và cải cách kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, Góp vào đổi
mới – Nhiều tác giả…).

Nhân Dân
3-2-2006

Nguyễn Ngọc Tư: Sợ nhất là sự vô cảm

Cánh đồng bất tận là một trong những quyển sách có số phát hành cao
nhất trong năm vừa qua. Đó cũng là một bằng chứng thuyết phục Nguyễn
Ngọc Tư vượt qua được rào cản của thành công ban đầu để làm một cuộc
thay đổi sâu sắc. Sau đây là những tâm sự của chị.

Nguyên cớ để bạn làm nên sự thay đổi ấy?

Một bữa nọ, tôi chợt nghĩ, sau những gì đã viết đã in, nếu bắt qua
các đề tài khó, liệu mình có viết được không vậy. Sau một số thành công,
được thừa nhận ban đầu, viết cái khó hơn là một thử thách cũng hấp dẫn.
Câu hỏi “mình có thành công tiếp không” lúc đầu cũng gây suy nghĩ.

Nhưng rồi niềm vui được viết, thôi thúc làm việc bên trong đã lấn át
những băn khoăn về việc vượt qua chính bản thân. Viết là viết thôi, gạt
qua một bên hết thảy các lo lắng “được” hay “bại”. Viết xong, là trút
được hết nỗi lòng ra giấy, không nghĩ ngợi gì nữa.

Chị có nghĩ tình yêu thương trong tác phẩm nhiều hơn thực tế cuộc
đời không. Như tình cảm của hai nhân vật cô chị và cậu em dành cho người
phụ nữ trong Cánh đồng bất tận hơi khó tìm ngoài đời thực.

Ồ, tôi nghĩ nhân vật của tôi tâm trạng rất thật đó chớ. Với những ai
khao khát được thương yêu, họ sẽ bộc lộ tình thương yêu mạnh hơn người
bình thường đã dư thừa đến nỗi không thèm tình cảm. Tôi thường nhìn thấy
quanh mình những đứa trẻ khao khát tình thương, những người phụ nữ khao
khát cuộc sống yên bình, được che chở.

Nếu chú ý một chút, người ta sẽ nhận ra ai cũng có nhu cầu được ấm
áp, thương yêu, ngay cả những người mạnh mẽ tàn nhẫn nhất cũng mong muốn
có một ngày được hoàn lương, một mái nhà yên ấm. Các nhân vật trong Cánh
đồng bất tận của tôi đều là những tâm hồn cô độc, bị ruồng bỏ…

Đề tài cái ác những góc tăm tối trong tâm hồn người có hấp dẫn Tư
thử sức không?

Cái ác, sự tàn nhẫn, thói vô tâm luôn làm tôi ghê sợ, hấp dẫn cái nỗi
gì chớ? Chỉ mỗi việc bày ra trong viết những góc tăm tối ấy thôi, tôi đã
quá mệt mỏi và bải hoải rã rời.

Viết xong Cánh đồng bất tận, tôi thấy buồn, nặng nề và đau đớn ghê
gớm, hệt như trút ra hết những gì mình mang bên trong. Chắc phải nghỉ
ngơi lâu lắm, tôi mới quên được hết ấn tượng về những điều tàn nhẫn mà
mình đã phải mô tả. Tôi đã động tới cái ác vì có nó, thì cái thiện, sự
thương yêu, sự yếu ớt mong manh của những tình cảm tốt đẹp mới nổi lên
được, để cho người ta nhìn thấy rõ hơn. Chỉ vậy thôi.

Đề tài tình dục đang được văn học trẻ đề cập một cách trực diện.
Độc giả trẻ cũng muốn đọc, đối thoại và hiểu nó dưới góc nhìn nhân văn.
Tư đã làm được điều này trong tác phẩm. Suy nghĩ của Tư về vấn đề này ra
sao?

Người ta cứ xôn xao bàn tán về khía cạnh tình dục. Nhưng tình thiệt
là tôi không chú ý tới nó lắm đâu. Nó không phải là sở trường của tôi
khi viết. Cũng không là sự quan tâm của tôi khi đọc.

Tôi đã nếm trải sự vất vả, nỗi ray rứt khi buộc phải viết ra những
chi tiết đó. Nghĩ sao nói sao cũng được. Nhưng đã là nhà văn, trình bày
nó thành chữ nghĩa, phải viết sao cho đừng sống sượng, đừng nhơ nhớp,
làm sao lồng ghép chúng vào tình huống và tính cách nhân vật một cách
hợp lý, không thiếu không dư. Tóm lại, viết về chuyện này thiệt là…
khó!

Theo suy nghĩ riêng Tư, lòng nhân hậu, sự thương yêu có giá trị ra
sao trong cuộc sống hôm nay? Biểu hiện thương yêu của tuổi trẻ giờ đây
có điều gì khác lạ không?

Tôi rất sợ lòng mình vô cảm. Tôi cũng sợ y như vậy khi thấy những
người chung quanh không còn biết thương yêu nữa.

Nhiều người nhận xét người trẻ giờ đây thực dụng, ít nhân hậu hơn thế
hệ đi trước. Tôi không tin là vậy. Chẳng qua cuộc sống giờ đây bận rộn
quá, cấp tập quá, nên tình cảm yêu thương ít được thổ lộ hơn. Chớ thật
ra nó vẫn giữ nguyên trữ lượng như thế. Thậm chí những biểu hiện của
lòng quan tâm, trắc ẩn của người trẻ còn tìm được những cách bày tỏ mới,
sâu sắc và đầy bất ngờ, trong cuộc sống hôm nay.

Tôi nghĩ đừng bao giờ mất hy vọng vào tâm hồn người trẻ. Bởi vì sau
tất cả những bốc đồng, những biểu hiện vô tâm nếu có, thì rồi ai cũng
cần được yêu thương. Mà muốn được vậy, phải biết chia sẻ lòng nhân từ,
sự quan tâm từ chính trái tim mình trước nhất.

Theo Theo Sinh viên

Người Lao Động
05-02-2006

Nhà
văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi là đứa ham chơi!

Năm 2005 vừa qua là một năm bội thu của
nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Trong những ngày đầu năm mới, nhà văn đồng
quê này có dịp tâm sự với bạn đọc Báo Người Lao Động những suy nghĩ của
mình.

.Phóng viên: Sau một năm gặt hái nhiều
thành công như 2005, cảm xúc của chị bây giờ là…?

-Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi thấy thoải
mái. Và muốn chơi nhiều hơn để thoải mái hơn nữa. Dù năm qua có thành
công hay không, tôi vẫn dành những ngày đầu năm để chơi, như một cách
nạp lại năng lượng sau một năm kiệt sức.

. Khai bút đầu năm, chị đã có tác phẩm
nào trong những ngày đầu tiên của Xuân này chưa?

– Tôi không có thói quen khai bút. Thường
thì sau Tết vài ba tháng tôi mới có thể viết lại. Như đã nói, suốt một
năm bù đầu với văn chương rồi, Tết là để chơi cho đã đời, mắc gì lại cắm
đầu vô công việc nữa.

. Cuối năm 2005, khi cơn sốt Cánh
đồng bất tận
chưa hạ nhiệt, NXB Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã
cho ra đời Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư. Sách chưa xuất bản thì Giám
đốc NXB Trẻ tiết lộ đã có đơn vị xin in nối bản tác phẩm. Cảm xúc của
chị khi nhận thông tin này thế nào?

– Tôi cười.

. Trên thế giới, nhiều trường hợp
chính nhà văn tạo nên xì-căng-đan cho tác phẩm để đẩy con số phát hành
lên cao. Chị nghĩ sao về điều này?

– Tôi thấy hơi buồn cười. Với tôi, văn
chương chẳng đáng đánh đổi vậy đâu.

. Truyện ngắn của chị xuất hiện khá
nhiều trên báo Xuân Bính Tuất năm nay. Có vẻ như chị “độc canh” mảnh đất
này, chị có thể thống kê số lượng?

– Tôi quan niệm, ừ lúc này người ta gọi
đến mình thì mình cố gắng được đến đâu hay đến đấy. Sẽ tới lúc chẳng ai
cần mình, lúc xuân về…

. Nếu tự nhìn nhận, chị thấy mình đã
làm hết sức trong năm vừa qua chưa?

– Tôi chẳng bao giờ thấy mình đã làm hết
sức. Tôi là đứa ham chơi, dù nhiều khi chẳng chơi gì cũng không thèm
làm.

. Dự định của chị trong năm mới là gì?

– Trong văn chương tôi thường không có kế
hoạch gì, tùy vào cảm hứng. Nhưng cuộc sống tôi có nhiều dự định lắm,
sửa nhà nè, sinh con nè… Nhiều lắm chứ!

Phương Quyên thực hiện

Người Lao Động
02-02-2006

Ngày Xuân với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Năm 2005 là năm bội thu của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Với tác phẩm
Cánh đồng bất tận, cô đã tạo nên một tiếng vang lớn trong làng văn học.

Dù việc đánh giá tác phẩm vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, người khen
cũng nhiều mà người chê cũng lắm. Trong ngày đầu năm mới, nhà văn đồng
quê này có dịp chia sẻ với Người Lao Động online những cảm xúc đầu tiên
của năm Bính Tuất

Phóng viên: Chào nhà văn trẻ, trong không khí của ngày đầu năm
mới, sau một năm làm việc nhiều thành công ở năm 2005, cảm xúc của chị
bây giờ là…?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi thấy thoải mái. Và muốn chơi nhiều
hơn để thoải mái hơn nữa. Dù năm qua có thành công hay không tôi vẫn để
những ngày đầu năm để chơi, như một cách nạp lại năng lượng sau một năm
kiệt sức.

– Những ngày Tết, chị thường làm gì?

– Đi thăm họ hàng cô bác. Thời gian còn lại ăn và ngủ. (cười)

– Khai bút đầu năm, chị đã có tác phẩm nào trong những ngày đầu
tiên của Xuân này chưa?

– Tôi không có thói quen khai bút. Thường thì sau tết vài ba tháng
tôi mới có thể viết lại. Như đã nói, suốt một năm bù đầu với văn chương
rồi, Tết là để chơi cho đã đời, mắc gì laị cắm đầu vô công việc nữa.

– Cuối năm 2005, khi cơn sốt Cánh đồng bất tận chưa hạ nhiệt, NXB
Trẻ và thời báo kinh tế Sài Gòn đã cho ra đời Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư.
Sách chưa xuất bản thì Gíám đốc NXB Trẻ tiết lộ đã có đơn vị xin in nối
bản tác phẩm. Cảm xúc của chị khi nhận thông tin này thế nào?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi cười.

– Trên thế giới, nhiều trường hợp chính nhà văn tạo nên scandal
cho tác phẩm để đẩy con số phát hành lên cao. Thậm chí có trường hợp
chụp cả ảnh khỏa thân của tác giả làm bìa tác phẩm, chị nghĩ sao về điều
này?

– Tôi thấy hơi buồn cười. Với tôi, văn chương chẳng đáng đánh đổi vậy
đâu.

– Truyện ngắn của chị xuất hiện rất nhiều trên báo xuân Bính Tuất
năm nay. Có vẻ như là chị “độc canh” mảnh đất này, chị có thể thống kê
số lượng ?

– Tôi quan niệm, từ lúc người ta gọi mình, cố gắng được đến đâu hay
đến đấy. Sẽ tới lúc chẳng ai cần mình khi xuân về…

– Nếu tự nhìn nhận, chị thấy mình đã làm hết sức trong năm vừa qua
chưa?

– Tôi chẳng bao giờ thấy mình đã làm hết sức. Tôi là đứa ham chơi, dù
nhiều khi chẳng chơi gì cũng không thèm làm.

– Gia đình đánh giá thế nào về thành quả chị đạt được trong năm
2005 ?

– Thật tình tôi cũng không biết nữa.

Và dự định của chị trong năm mới là gì?

– Tôi cũng chưa biết. Trong văn chương tôi thường không có kế hoạch
gì, tùy vào cảm hứng. Nhưng cuộc sống tôi có nhiều dự định lắm, sửa nhà
nè, sinh con nè… Nhiều lắm chứ!

– Cuối cùng là “đất” cho chị gởi gắm đến bạn đọc những lời tốt
lành đầu năm mới…

– Lời chúc của tôi đơn giản thôi. Chúc bạn đọc một năm mới thật nhẹ
nhàng và có nhiều điều thú vị.

– Xin cám ơn và chúc chị tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn và
có thêm nhiều tác phẩm ưng ý trong năm Bính Tuất.

Phương Quyên thực hiện

Công An Nhân Dân
30-1-06
 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Đằng sau
thành công là gánh nặng”

“Cánh đồng bất tận” là một lối viết hoàn toàn mới của nhà văn trẻ Nguyễn
Ngọc Tư. Người đọc không tìm thấy sự mơ mộng, lãng mạn trên những cánh
đồng như người ta tưởng. Cuộc sống người nông dân được “bóc vỏ” trần
trụi như nó vốn có. Khốc liệt, quằn quại và dữ dội.

Ngay khi vừa ra đời, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt dư luận. Sách có số
lượng phát hành lên tới 25.000 bản – số ấn bản cao nhất cho sách văn học
Việt Nam trong năm 2005. Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với
nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

– Đọc “Cánh đồng bất tận”, tôi thấy nhân vật bị “dồn đuổi” ráo
riết quá! Vì sao chị không mở cho nhân vật một lối thoát?

– Không có lối thoát nào cho người luôn khép lòng mình vào trong nghèo
đói, dốt nát và hận thù. Lối thoát chính là khi người ta mở lòng ra tha
thứ cho cuộc đời vốn nhiều phản trắc.

– Nỗi đau không còn gì đau hơn, nỗi buồn không còn gì buồn hơn.
Tràn ngập trong những câu văn là nỗi cô đơn “hoang hoải” của số phận con
người. Bắt nguồn từ đâu mà chị đã quyết định viết những trang văn như
vậy?

– Bắt nguồn từ cảm xúc. Tôi sống trong đầy ắp tình thương yêu của gia
đình, đồng nghiệp, bè bạn. Vậy thì rơi vào bối cảnh hoang liêu tiêu điều
như thế thì mình có điên không? Chắc có, cô đơn rất dễ sợ.

– Nhân vật trong “Cánh đồng bất tận” có nguyên mẫu không?

– Không, tôi tự nghĩ ra. Tìm đỏ con mắt cũng không thấy người nông
dân Nam Bộ nào dữ dằn vậy đâu.

– Có người còn cho rằng “Cánh đồng bất tận” viết về sex còn hay
hơn cả một số tác phẩm của các cây bút nữ thời thượng hiện nay. Lúc bắt
tay vào viết “Cánh đồng bất tận”, chị có “cố tình” viết sex một tí cho
tác phẩm có thêm “gia vị” không?

– Thế bạn thấy tôi có cố tình không? Chuyện tôi có “cố tình” không là
suy nghĩ của người đọc, họ cho tôi thế này, thế khác là tùy. Tôi mà nói
là “không” thì họ bảo tôi chối bỏ. Nói “có” tôi thấy không đành…

– “Cánh đồng bất tận” là một tác phẩm gây xôn xao dư luận. Vừa mới
ra đời đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Đây là cách viết rất mới của
chị. Lần đầu tiên chị chọn cho mình một “lối đi” riêng. Để tách ra khỏi
bút pháp quen thuộc của mình, chị có cần thời gian để “lắng lại” không?

– Không, tôi có bị khuấy động gì đâu mà cần “lắng”. Khi tôi viết nó
xong, tức là xao động cũng qua rồi. Lâu rày, chỉ tác phẩm làm cho tôi
thấy run rẩy, những việc chung quanh nó thì không.

– Chị có cho rằng đây là một “cú hích” để chị quyết định chọn
hướng viết cho mình?

– Không, đây là một vụ “xen canh”.

– Năm 24 tuổi, chị đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác văn
học tuổi 20. Nhưng năm nay, ở độ tuổi 29, chị đã khiến độc giả “giật
mình” hơn nhiều. Cảm xúc của chị khi đón nhận thành công của mình lần
này có gì khác so với cảm xúc của chị ngày ấy?

– Cảm giác đã thay đổi ít nhiều, lần này tôi thấy đằng sau thành công
là gánh nặng.

– Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” có hơi hướng của tiểu thuyết.
Sắp tới, chị có dự định cho ra đời cuốn tiểu thuyết nào không? Hiện nay,
có nhiều nhà văn bắt đầu “có hứng thú” với tiểu thuyết đề tài lịch sử.
Chị có ý định thử sức với đề tài này không?

– Không. Ban đầu tôi định viết “Cánh đồng bất tận” như một tiểu
thuyết. Nhưng tôi không đủ sức, nó quá dài mà sự kiên nhẫn của tôi thì
ngắn.

– Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư!

Tiền Phong
31-1-06

Nguyễn Ngọc Tư: Nhón chân hái trái ở cành quá cao!

TPCN – Sinh năm 1976. Là chủ nhân của rất nhiều giải
thưởng từ ngày bước chân đến với văn chương, nhưng Ngọc Tư luôn “xấu hổ”
khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách của mình.

Con người nhỏ bé, kiệm lời ấy vừa khuấy động văn đàn Việt Nam (VN) năm
2005 bằng một tác phẩm ám ảnh lòng người: Cánh đồng bất tận.
Chị trò chuyện với TPCN nhân dịp năm mới.

Con người nhỏ bé, kiệm lời ấy vừa khuấy động văn đàn Việt Nam (VN) năm 2005 bằng một tác phẩm ám ảnh lòng người: Cánh đồng bất tận. Chị trò chuyện với TPCN nhân dịp năm mới.

Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có người nhận xét
rằng, năm 2005 là năm của chị! Chị vui chứ?

Nói không vui gì thì giống như đóng kịch. Có vui, nhưng
tôi thấy áp lực bắt đầu vờn quanh mình…

Con người chúng ta nhiều khi rất mâu thuẫn: Khi
chưa viết thì muốn tác phẩm thành công, được bạn đọc đón nhận, và nếu
được là “hiện tượng” thì quả là hạnh phúc, và khi ước nguyện thành hiện
thực thì bắt đầu thấy một lô các áp lực như chị vừa nói ở trên.

Ờ, cũng như bạn đọc vậy, lúc người ta mới viết thì bảo
phải có phong cách riêng, trầy vi tróc vẩy, cố gắng tận cùng người viết
mới định hình được, thì nghe bảo, sao không có gì mới, kỳ vậy ? 

Cho đến thời điểm này “Cánh đồng bất tận” đang là
một best – seller. Trước lúc viết, chị có đoán biết về điều đó?

Tôi nói, ôi thật bất ngờ quá, bạn có thấy buồn cười
không, thấy trẻ con không? Thật lòng, khi viết “Cánh đồng bất tận”, tôi
chỉ mơ ước người đọc, bạn bè đồng nghiệp ghi nhận sự cố gắng, sự lao
động nhọc nhằn của mình. Văn hóa đọc đã đìu hiu đến mức, tôi chẳng mảy
may nghĩ sách của mình vượt quá con số 5.000 bản…

Có một bạn đồng nghiệp kể với tôi rằng chị viết
truyện này vì tự ái nghề nghiệp khi người ta bảo chị chẳng có gì mới cả?

Không hẳn vì tự ái nghề nghiệp đâu. Tôi còn muốn nhìn
mình thật rõ. Có thật mình bất tài? có thật mình không thể với tới những
đề tài gai góc hơn? Có thật mình đang buông xuôi, đang tụt dốc? Nếu
không phải, thì làm thử coi. Đấy hoàn toàn không phải thách thức bạn bè,
tôi thách thức chính mình.

Tuy vậy, khi “Cánh đồng bất tận” ra mắt, nhiều nhà
phê bình cho rằng từ đây chị phải có trách nhiệm hơn với trang viết của
mình?

Đó là các nhà phê bình “cho rằng”, tôi thì nghĩ, mình
đã nhón chân hái trái ở một cành quá cao, đến nỗi dường như tôi đã nhảy
thót lên nhiều lần mới chạm được nó. Mệt mỏi, chông chênh lắm. Tôi cần
thời gian để mình đủ cao. Mặt khác, “Cánh đồng bất tận” chỉ là một lối
nhỏ mà tôi đã rẽ vào vì thấy lạ. Có thể tôi sẽ quay lại con đường “êm
đềm” lâu nay đã chọn… Sẽ có người thất vọng, có người lại mừng…

Đâm lao thì phải theo lao, chị đã thử, sao không cố
tiến thêm một đoạn nữa, chứ không phải là lùi lại?

Tôi không nghĩ mình lùi, tôi nghĩ đang quay trở lại con
đường quen thuộc của mình. Suốt con đường đó, sẽ có một ngã rẽ hợp với
tôi. Còn bây giờ, tôi phải đi, để tìm kiếm.

Chị có nghĩ rằng, “Cánh đồng bất tận” là một cái
mốc chia văn nghiệp của mình thành 2 chặng trước và sau nó?

Ồ không. Đấy là bạn nghĩ vậy thôi. Tôi thấy “Cánh đồng
bất tận” đâu có quan trọng đến nỗi phải chọn là mốc. Trong lòng tôi luôn
luôn nuối tiếc những tác phẩm trong trẻo, hồn nhiên ngày xưa mà do tuổi
tác, sự va chạm với đời… bây giờ tôi không viết được nữa…

Nhưng có vài ý kiến của những độc giả khó tính cho
rằng, đến “Cánh đồng bất tận” người ta mới thấy chị là “hiện tượng” chứ
không phải là sự ồn ào của những tập truyện trước. Bởi vì trước đây,
truyện của chị vẫn mang hơi hướng của một vài nhà văn Nam bộ nào đó?

Chính xác là giống nhà văn nào? Nói như vầy có vẻ hơi…
tự cao, nhưng tôi thấy lúc trước tôi viết cũng có phong cách riêng lắm
đó chớ. ít nhất, khi tham gia một vài cuộc thi, tác phẩm đã bị rọc
phách, ban giám khảo vẫn nhận ra đấy là của Nguyễn Ngọc Tư.

Có thể giọng văn Nam Bộ của tôi giống nhiều người khác,
nhưng không hề gì, tôi rất tự hào về dòng văn học Đồng bằng sông Cửu
Long, hiền hòa, nhân hậu. Ai chê nó không sâu sắc, không sang trọng, tôi
thấy hơi giận…

Theo cách nói của nhiều người đàn ông khi tán tỉnh
phụ nữ, thì, khi giận dỗi trông Ngọc Tư xinh hơn đấy!

Không, tôi xấu gái, không cười càng xấu hơn. Bạn thấy
hình nào tôi cũng buộc miệng cười, không phải cười vì vui mà vì không
muốn xấu.

Văn phong dung dị, ngôn ngữ truyện cứ như được bê
vào từ đời thường nhưng chính nỗi đau của những kiếp người, những số
phận nhỏ bé ở một vùng quê nghèo và triết lý nhân quả của cuộc đời lại
làm nên sức ám ảnh rất lớn cho truyện… Chị đã sống trong tâm trạng như
thế nào cùng các nhân vật của mình trong suốt hành trình câu chuyện?

Trong cõi  văn chương, tôi là đứa cực kỳ cô đơn. Nên tôi rất dễ dàng để
nhân vật của mình sống trong cô đơn tận cùng, trong hoang hoải, chán
chường. Tôi, cũng như những con người trong “Cánh đồng bất tận”, sống
giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, sống giữa biển người nhưng có cảm
giác như bị bỏ rơi…  

Trong cõi văn chương, tôi là đứa cực kỳ cô đơn. Nên tôi rất dễ dàng để nhân vật của mình sống trong cô đơn tận cùng, trong hoang hoải, chán chường. Tôi, cũng như những con người trong “Cánh đồng bất tận”, sống giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, sống giữa biển người nhưng có cảm giác như bị bỏ rơi…

Nhiều nhà văn nói rằng khi viết xong một tác phẩm
họ thường có cảm giác rỗng, chị thì thế nào?

Cũng vậy. Vì thế tôi viết rất chậm. Tôi cần nghỉ ngơi,
cần nạp lại năng lượng sau khi trút cạn vào một tác phẩm nào đó…

Viết truyện ngắn, cái gì là khó nhất đối với chị?

Tôi sợ viết phần vào đầu, bởi vì lối viết truyện của
tôi phần vào đầu rất quan trọng, diễn biến toàn bộ câu chuyện hoàn toàn
ảnh hưởng và bị chi phối ở cái phần mào đầu ấy. Đặc biệt tôi thích viết
kết và muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đâu cũng được.

Chị từng kể rằng, chị ở một miền đất không nhiều
sách báo, ít thông tin về văn nghệ, còn các cuốn sách nổi tiếng trong và
ngoài nước thì hầu như  không được đọc. Liệu khi cái  vốn liếng miền Tây
Nam bộ vơi cạn chị có chuyển hướng đề tài của mình?

Tôi chưa nghĩ tới vì cảm thấy vốn liếng Nam Bộ vẫn chưa
cạn, mình vẫn khai thác chưa tới đâu, chưa được bao nhiêu. Đất và người
ở đây luôn làm tôi thấy mới mẻ hoài…

Chị đã gặt hái được khá nhiều thành công so với
tuổi nghề, chị có tiếc là đã không viết văn sớm hơn?

Trước khi viết truyện  ngắn đầu tiên, mình đơn thuần là
một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm
sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm.

Đến bây giờ tôi vẫn làm việc ấy mặc dù không thường
xuyên.Tôi vẫn không nghĩ mình đã là nhà này, nhà nọ, cũng như biết đâu
sẽ đến một lúc nào đó tôi sẽ không viết văn được nữa thì sao.

Đôi lúc tôi ví văn của mình như một quả sầu riêng (tôi
rất muốn làm một quả sầu riêng) người thích thì nói thơm còn người không
thích thì chê thối. Nhưng trời đã cho vậy thì biết làm sao.

Có nghĩa là có sự may rủi của số phận ?

Tôi tin vào số phận vì tôi là một người may mắn. Viết
truyện ngắn đầu tiên đã được in ở tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Điều đó làm
tôi cảm thấy tự tin hơn.

Sau này khi tham gia cuộc thi “Văn học tuổi 20” của NXB
Trẻ và được giải nhất, đó là một niềm vui lớn bất ngờ mà lúc tham dự tôi
không bao giờ nghĩ tới. Tôi là một cây bút có thế nào viết thế ấy, nghĩ
sao viết vậy. Có lẽ vì sự hồn nhiên đó mà Ban giám khảo cũng như người
đọc dành cho sự ưu ái chăng!

Là người lặng lẽ, ít giao du, “Cánh đồng…” liệu có
đảo lộn mọi thứ của chị: gia đình, chồng, con, các quan niệm sống…?

Không, tôi sống bình thường, tôi quen với những cái gọi
là “sự kiện” rồi. Mà, hồi văn học tuổi 20, cũng là “sự kiện”, lúc ấy còn
trẻ, còn non nớt nhưng tôi đã giữ được bình tĩnh thì những việc sau này
nhằm nhò gì…

Trong những thành công của chị, anh ấy đóng vai trò
như thế nào?

Ảnh phải lo kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ảnh đọc tác
phẩm của tôi như một độc giả nhưng không bao giờ ảnh can thiệp vào công
việc viết lách của tôi cả.

Chị đang có bên mình mọi thứ: gia đình yên ấm, tác
phẩm in đều đặn, giải thưởng, chị có nghĩ suôn sẻ quá cũng… tẻ nhạt
không?

Nhà văn thì cũng phải sống bình thường chứ, mình thấy
con người văn chương và con người đời thường của mình chẳng có sự khác
biệt là mấy, mình viết văn lúc mình rỗi, về nhà vẫn phải lo cho gia
đình.

Nếu phải hy sinh gia đình vì văn chương thì mình thấy
không đáng. Đó là thiên chức của người phụ nữ cơ mà. 

Chị nghĩ thế nào, nếu có thể đến trước giao thừa
vẫn có người đi tìm “Cánh đồng bất tận” để đọc ?

Tôi xin can. Trời ơi, Tết nhất tìm cái gì vui vẻ, nhẹ
nhàng, thi vị mà đọc. Để sang năm mới thấy tâm hồn phơi phới, hớn hở.
“Cánh đồng bất tận” u ám lắm. Người quá buồn, không nên đọc. Người quá
vui, không nên đọc.

Vậy là chị đang áp đặt cho độc giả đó. Năm Bính
Tuất chị có định sẽ tung ra một “cú huých” nào nữa không khi mà nhiều hy
vọng đều hướng về chị?

Với văn chương, tôi không hoạch định gì, mà nói năm tới
tôi viết cái này hay lắm nè, chẳng phải buồn cười, lố bịch lắm sao. Tôi
là đứa viết văn không chuyên, tựa vào cảm xúc mà viết… bạn nói “mọi hy
vọng hướng vào tôi” thì thấy hơi… sợ! Tôi thì hy vọng ở các bạn viết trẻ
khác. Viết cho người khác đọc riết cũng chán, tôi mong ai đó viết cho
tôi… đọc.

Nhân nói về các bạn viết, xin hỏi, văn học trẻ hiện
nay, chị thích đọc của tác giả nào?

Mạc Can, mà ông ấy có được tính  là viết văn trẻ không
?

Xin cảm ơn và chúc chị một năm mới hạnh phúc, may
mắn!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

VietnamNet
25/01/2006

Nguyễn Ngọc Tư:
Hạnh Phúc phía sau trang viết


Gần 10 tiếng đồng hồ ngồi xe đò từ TP.HCM về Đất Mũi, qua bao nhiêu
chặng đường đầy bụi, tôi mới hiểu vì sao có lần Nguyễn Ngọc Tư than, cô
rất ít khi đi khỏi Cà Mau vì say xe và mệt lử khi phải ngồi hàng giờ như
thế. Tôi đến nơi lúc thành phố cấp 3 này vừa lên đèn, lồng lộng gió
chướng cuối năm. Nguyễn Ngọc Tư chờ tôi ở bến xe. Cô gái trẻ với nước da
nâu dòn, mái tóc cắt ngắn nở nụ cười thật tươi. Khác với cách nói chuyện
dè dặt qua điện thoại, Ngọc Tư thân tình hơn khi quyết định đưa tôi về
nhà, nơi mà cô luôn từ chối lời đề nghị viếng thăm của nhiều người…

1. Trên chiếc xe dream,
Ngọc Tư đưa tôi qua một chiếc cầu dài giữa trung tâm thành phố, rồi chỉ
tay về phía dãy nhà sàn nằm san sát cạnh mé sông Đắc Thủ, nhà Tư ở cuối
phố. Cô nói: Dòng sông này chảy thêm vài chục mét nữa thì gặp nhánh sông
Gành Hào, nơi tàu bè liên tục ra vào Cà Mau “ăn hàng”. Cho nên, như tất
cả những căn hộ khác trên phố Lý Văn Lâm, hơn phân nửa ngôi nhà số 43
của vợ chồng Ngọc Tư nằm doi ra phía sông, suốt ngày nghe tiếng máy tàu
bình bịch chạy qua chạy lại. Ngọc Tư cho biết, từ sáng đến tối, tiếng ơi
ới của người mua bán trên chợ trước nhà, tiếng còi tàu giục gióng giả
từng hồi phía sau, rồi tiếng gò, mài, xi mạ nữ trang của chồng cùng hai
người thợ làm công ở gian trước, đã trở thành một thứ âm thanh quen
thuộc khi cô ngồi vào bàn viết.

Sáng nào cũng vậy, sau khi đưa Huy An – cậu con trai 4 tuổi đi nhà trẻ,
ông xã mở cửa hàng đón khách thì Ngọc Tư xách giỏ đi chợ. Những hôm
không cần phải đến cơ quan sớm, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cô bắt đầu ngồi
vào bàn viết. Công việc của một nhân viên văn thư, biên tập viên trang
thiếu nhi tạp chí Bán đảo Cà Mau thuộc Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cà
Mau (xuất bản hai tháng một kỳ) không quá bận rộn, đã giúp cho Ngọc Tư
có nhiều thời gian “trốn ở nhà” để viết.

Chiếc bàn vi tính đặt ở
góc trái gian nhà sát phòng ngủ và nhà bếp, chính là sắp xếp hợp lý nhất
cho công việc “hai trong một” của cô. Ngưng tay gõ bàn phím là Ngọc Tư
lao vào chuẩn bị buổi trưa, buổi tối cho chồng, con và hai người thợ.
Rồi sau đó, lại tất tả đến cơ quan. Quần quật như thế cô bảo vẫn không
cực bằng việc đầu óc không bao giờ thanh thản, khổ nhất là đi đâu, nhìn
thấy gì cũng phải để ý, ghi nhận vào trong bộ nhớ để làm chất liệu. Cô
cười, mắt nheo lại: “Ngay cả chính tôi nhiều lúc cũng không biết vì sao
mình có thể làm được như vậy. Đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng riết
rồi quen!”.

“Thằng nhỏ” kén ăn, nên
cô phải thường cho về nhà ngoại, cách đó 5 cây số để chơi với lũ trẻ và
“dụ” nó ăn ngày hai buổi. “Các nhà văn khác thì viết vào buổi tối, còn
tôi do bận dỗ con ngủ nên phải chọn giải pháp viết… vào buổi sáng!”.
Càng cực Tư càng viết khỏe mới lạ. Liên tiếp trong những năm đầu mới
sinh con, cô cho ra đời hàng loạt những truyện ngắn dung dị của miền
sông nước như: Dòng nhớ, Nước chảy mây trôi, Ngọn đèn không tắt, mối
tình năm cũ, Qua cầu nhớ người, Nhà cổ, Một mái nhà.
.. và hàng loạt
tạp bút trên các báo. Ngọc Tư lý giải vào thời điểm ấy mình viết như là
một nhu cầu và thiệt lòng là cô muốn có… thêm tiền.

2. Vốn là một học sinh
giỏi văn của Trường Phan Ngọc Hiển, nhưng từ nhỏ chưa bao giờ Ngọc Tư
nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn. Ngay khi đám bạn cùng lớp tập tễnh
viết truyện, làm thơ gửi đăng các báo thì cô vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Sinh ở Bạc Liêu, 4 tuổi chuyển về Cà Mau, nhưng Tư không sống gần ba mẹ
như anh chị của mình mà gắn bó với ông ngoại. Năm Tư học lớp 10, ông đau
nặng, cô phải nghỉ học để hàng ngày lo thuốc thang chăm sóc. Sau đó cô
xin được một chân làm văn thư cho tạp chí Bán đảo Cà Mau, bắt đầu mưu
sinh cho mình và cũng là lúc cô vừa làm vừa học để tốt nghiệp phổ thông.
Hiện Ngọc Tư đang học năm thứ hai tại chức Đại học Ngoại ngữ (ngành ngữ
văn Anh).

Chính những ngày “vào đời
sớm” này đã đưa Nguyễn Ngọc Tư đến với văn học. Năm 1996, truyện ngắn
đầu tay Đổi thay của Tư được đăng trên báo nhà, cô mừng rỡ về
khoe với Ba. Vốn là một người làm báo và yêu thơ, ba của Ngọc Tư, ông
Nguyễn Thái Thuận đã trở thành người đầu tiên đọc và góp ý cho cô con
gái út. Cho đến khi Nguyễn Ngọc Tư đạt giải nhất “Sáng tác văn học tuổi
20” lần thứ 2 của Hội Nhà văn TP.HCM với tập truyện ngắn Ngọn đèn
không tắt
và liên tiếp được bạn đọc đón nhận với các tập truyện:
Nước chảy mây trôi, ông Ngoại, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Giao thừa

Cánh đồng bất tận thì cô con gái đã trở thành niềm tự hào của
ông, làm đựơc nhiều hơn cả những điều ông mơ ước.

3. Nhưng Ngọc Tư không
muốn mọi người nhìn như “một nhà văn nổi tiếng”. Ngay chính trong khu
phố nhỏ ven sông này, bà Hai bán quán giải khát đối diện nhà cô cũng chỉ
biết cô làm nhà báo gì đó ở trong tỉnh. Ngọc Tư hài lòng với hình ảnh
mình trong mắt mọi người xung quanh kiểu “sáng xách túi đi, tối xách túi
về” như vậy. Cô nói, sự hòa đồng và yên ổn này đã giúp cô rất nhiều để
sống hạnh phúc và để viết. Lấy chồng đã 5 năm, từ khi còn là một cô gái
24 tuổi, Ngọc Tư đã quen với những buổi tối vợ chồng bên nhau chỉ có
tiếng líu lo của con trẻ. Ăn cơm với vợ chồng Ngọc Tư một bữa, tôi biết
rằng cô nói rất thật. Ngọc Tư cũng là một người kín đáo. Cô tự nhận mình
“viết được, nhưng không ngon lành gì lắm”.

Cô cũng tự nhận mình “nói
nhiều hơn ông xã”. Quang Hà – chồng Ngọc Tư là một chàng trai hiền khô,
kiệm lời. Cách nay 7 năm tình cờ thấy cô em gái của bạn… ngồ ngộ, thế
là anh chàng mượn cớ học nghề thợ bạc ở gần đó để ghé thăm “em Tư”
thường xuyên, mà cũng chỉ để đứng nhìn… nhau cười. “Tôi thương ảnh
tính hiền lành, chịu khó, ba mẹ mất hết tự lập làm ăn, gầy dựng sự
nghiệp”. Họ nên vợ nên chồng sau hai năm tìm hiểu. Có căn nhà do ba mẹ
để lại, Quang Hà mở cửa hàng xi mạ nữ trang để gia công cho các tiệm
vàng trong phố. Thuê hai người thợ phụ việc, lại đắt hàng nên công việc
của anh luôn tất bật.

Biết vợ đang làm công
việc sáng tác, nhưng anh không có thời gian đọc “những gì cô ấy viết”.
Mãi đến khi truyện Cánh đồng bất tận của vợ được báo đăng nhiều
kỳ, Quang Hà mới có dịp đọc hết. Từ đó, sau giờ làm việc anh sẵn sàng
tình nguyện chăm con cho vợ mỗi khi bận trả lời phỏng vấn, tiếp khách
hay ngồi vào bàn viết… Thu nhập của anh mỗi tháng trên 5 triệu đồng,
là chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống của gia đình nhỏ, nên tiền bạc của vợ
có từ việc viết lách, anh cũng không để ý. Khi hí hoáy trên máy, Ngọc Tư
cũng không nói cho chồng biết mình đang làm gì, chỉ đến khi có nhuận
bút, in sách… “hơi bị nhiều”, cô mới tiện thể “báo cáo”.

4. So với chồng, Ngọc Tư nhận mình là người hay “xài lớn”. Tiền đi làm,
viết báo mỗi tháng kiếm hơn 2 triệu đồng, cô thường đổ vào sách báo
và… quần áo. Nên những khoản kha khá có được từ in sách trở thành
nguồn “dự trữ” để mua một món gì lớn cho gia đình. Không bận tâm về
chuyện có hay không sự chia sẻ của chồng trong công việc, Ngọc Tư cho
rằng, nếu không phải là một người am hiểu thật sự về văn chương thì một
người chồng chỉ cần biết yêu vợ, thương con như vậy đã là niềm mơ ước
của cô.

Không cùng trăn trở với
những trang viết, nhưng cả hai vợ chồng có cùng một nỗi lo về con, về
cơm áo gạo tiền, cùng ước mơ có một ngôi nhà mới, rộng rãi hơn, an toàn
hơn. Để hàng đêm khi nghe tiếng còi tàu rúc lên inh ỏi, sẽ không phải
bừng tỉnh giấc ngủ, chạy ào từ trên gác xuống đất vì sợ bị tàu đâm sầm
vào ngôi nhà nhỏ bé ở mé sông…

Được tin Cánh đồng bất
tận
đã tái bản đến con số hàng chục ngàn cuốn, Ngọc Tư cho biết mình
vừa vui vừa lo. Nhẩm tính, cô nói chiếc máy tính xách tay từ lâu mơ
ước… sắp có điều kiện thành hiện thực. Nhưng cũng từ đây, cô sẽ không
thể “thấy cái gì, viết nấy” dễ dàng được nữa. Cô ví von mình đang có một
mảnh ruộng, năm này trồng dưa thì năm sau cô phải trồng lúa, thay đổi
thời vụ cho hoa màu tươi tốt. Điều quan trọng là Ngọc Tư biết ruộng mình
“hạp với loại nào” và thấy cần thiết nên làm gì.

Cũng như hôm tôi ghé thăm
là ngày chủ nhật, cô ở nhà đi chợ mua cá, thịt làm một bữa cơm tươm tất
để cúng ông bà “phù hộ”, khi tuần qua trộm viếng nhà chỉ “nẫng” mất
chiếc máy chụp hình kỹ thuật số, còn y nguyên hơn 20 cây vàng của khách
mà cô cất ở một nơi ít ai ngờ đến. Với Ngọc Tư thì đâu thể nói chuyện
này hay chuyện viết văn quan trọng hơn trong cuộc sống.

Cẩm Lệ (Phụ nữ
TP.HCM Xuân 2006)

Báo Đồng Nai
24-1-06

Một nhịp cầu

Họ chưa từng gặp mặt nhau trước đó, chỉ biết nhau qua internet. Và
rồi, sau một lần hội ngộ ở Cà Mau, con đường thiên lý xuyên lục địa ấy
đã thành nhịp cầu gần gũi hơn cho bao nhiêu người khác…

Cuối năm 2004, sử dụng dịch vụ đường truyền tốc độ cao (ADSL) ở Cần
Thơ, tôi lang thang trên mạng nhanh hơn. Gặp trang web “Văn hóa và giáo
dục” ở địa chỉ www.viet-studies.info/culture.htm, tôi biết được nhiều
chuyện bổ ích. Chủ nhân trang web này là ông Trần Hữu Dũng, giáo sư khoa
kinh tế Đại học Wright State ở Dayton, bang Ohio, Mỹ. Dù biên tập và
trình bày kỹ càng, ông vẫn khiêm tốn bảo rằng lao động hằng ngày của
mình trước hàng trăm bài viết khác trên toàn cầu chỉ là việc sưu tầm.
Nhưng khi vào những trang sưu tầm ấy, với tôi, nó rất có ích cho công
việc hằng ngày. Những trang đó có tên như “Kinh tế Việt Nam”, “Điện hạt
nhân”, “Thời đại mới”, “Trần Đức Thảo”, “Hội thảo mùa hè”… và đáng yêu
nhất với tôi là trang “Nguyễn Ngọc Tư”.

Sau này, dạo tháng 8-2005, khi gặp ở TP. Hồ Chí Minh, nhân chuyến ông
về Đà Nẵng dự một hội thảo về phát triển kinh tế Việt Nam, tôi đã gọi đó
là “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư”. Và sau khi trò chuyện với ông về trang web
này và về “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” mà theo tôi, ông bỏ công chăm chút
hơn hết, tôi chợt hiểu ra rằng, sống trên đời này, có những con đường
vạn dặm lắm người qua lại, nhưng nếu như thiếu một “cơ duyên” nào đó,
chưa hẳn mọi người đã gặp gỡ nhau, chưa nói tới chuyện chia sẻ được gì
với nhau.

Nhưng cái cơ duyên ấy thì chẳng bao giờ là chuyện từ trên trời rơi
xuống. Bao giờ nó cũng bắt nguồn từ chuyện tấm lòng, từ cái tâm của mỗi
người. Tỉ như chuyện lập trang web và tủ sách trên.

Giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng nói: “Thú thật là khi làm trang đó, tôi
nghĩ trước tiên đến nhu cầu nghiên cứu, theo dõi văn chương Việt Nam của
tôi. Tất nhiên, nhu cầu đó bắt nguồn từ cái tình của tôi với quê hương
(quê ông ở Mỹ Tho, ông sang Mỹ du học từ năm 1963). “Nếu không có
internet thì chắc còn lâu tôi mới đọc được văn Nguyễn Ngọc Tư, còn lâu
người yêu thích văn Nguyễn Ngọc Tư mới có thể trở về, trong tâm tưởng,
với quê hương mình, dù ở nơi nào trên thế giới”. Còn nhà văn nữ ở Cà Mau
chỉ nói: “Tấm lòng của ông làm tôi cảm động muốn chết. Dường như công
sức mà ông bỏ ra không phải nhỏ”.

Như vậy là chính từ văn chương của Nguyễn Ngọc Tư và tấm lòng của
Trần Hữu Dũng mà ở hai phương trời xa nhau biền biệt, họ đã có cơ duyên
gặp nhau trên internet. Rồi nhờ đó, bao nhiêu người khác đã gặp lại quê
nhà yêu dấu của mình, qua văn chương Nguyễn Ngọc Tư.

Dạo đó, giáo sư Trần Hữu Dũng đã quyết lòng về Cà Mau thăm Nguyễn
Ngọc Tư. Trở về Mỹ, ông mail về Cần Thơ cho tôi: “Chuyến đi ấy là một
cao điểm của đời tôi. Xin cho tôi ấp ủ nó cho riêng mình trong một thời
gian và sẽ kể trong một dịp khác”.

Cái “dịp khác” ấy, ông đã không kể cho riêng ai. Ông dành thì giờ
chăm sóc cho “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” ngày càng có nhiều thông tin và
đẹp hơn, để có thêm nhiều bạn đọc hơn. Và mỗi một lần truy cập vào tủ
sách ấy, tôi như lại được dịp, hay như là một cơ duyên, gặp gỡ bao nhiêu
người xa lạ khác. Gặp nhau ở chỗ, dường như đồng cảm với nhau về bao
nhiêu chuyện đời đầy hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si ở chung quanh mình mỗi
ngày. Lạ thay, lần nào cũng vậy, tận trong sâu thẳm lòng mình, ta cảm
thấy thương yêu cuộc đời này hơn.

Chẳng hạn như với “Cánh đồng bất tận” và bạn đọc quanh cái truyện
ngắn này trong tủ sách ấy, tôi vẫn cảm nhận như lần đầu tiên đọc nó. Lần
đó, giữa tháng 7-2005, Nguyễn Ngọc Tư gởi mail cho tôi bản thảo của…
nửa truyện. Tôi in ra gởi nhiều người cùng đọc, và ai cũng đau đáu chờ
mong tác giả viết cho xong cái câu chuyện cuộc đời thương đau lạ lùng
đó. Văn chương mà làm cho nhiều người xích lại gần nhau như vậy, có gì
hạnh phúc bằng.

Một lần tôi hỏi chủ nhân trang web “Văn hóa và giáo dục” ấy: “Theo
ông thì văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?”.
Vị giáo sư kinh tế đưa ra một ý kiến hơi lạ: “Tại sao lại phải dịch văn
Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước
ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều
người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc
cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải … học tiếng Việt! Như vậy có phải
là hợp lý hơn không”.

Biết đâu chuyện đó sẽ là sự thật.

Huỳnh Kim

Thanh Niên
19-1-06

Đọc
Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư: Nguyễn Ngọc Tư – Quen mà lạ

Hạ Anh

 

Thật thú vị khi “gặp” Nguyễn Ngọc Tư trong loạt sách kỷ niệm 15 năm
ngày xuất bản số báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đầu tiên giữa những quyển
sách bàn về kinh tế như: Doanh nhân, doanh nghiệp và cải cách kinh tế,
Để nông dân giàu lên, Góp vào đổi mới, Doanh nhân viết.

Vẫn là giọng điệu thủ thỉ tâm tình của nhà văn vùng Đất Mũi về những
câu chuyện “nhỏ xíu” quanh mình. Vẫn là chút lòng “để gió cuốn đi” của
người ăn cơm nông dân, tắm nước sông và nghĩ về nông thôn với tất cả sự
thuần hậu yêu thương. Ta đã từng gặp điều ấy trong những truyện ngắn làm
nên phong cách Nguyễn Ngọc Tư.

Viết tạp văn – viết những chuyện nhỏ bé, kiểu trà dư tửu hậu – tưởng
như dễ nhưng thực chất lại rất khó. Làm sao để tạo một dư vị đằm sâu
trong lòng độc giả vốn là việc “thiên nan vạn nan”. Nói chuyện nhỏ mà
vấn đề thực chất lại lớn, nói chuyện thời thế mà chạm đến đáy những tấm
lòng trong thiên hạ là việc chẳng dễ dàng gì. Thế mà bằng giọng điệu nhỏ
nhẹ ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã làm được. Đọc sách, để nghe chị kể về miền quê
Đất Mũi: “…Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt
đầu nôn nả lấn biển rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên,
một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho
người…”. Đọc sách, ta cùng chị ghé những quán chợ ven đường với những
buổi họp chợ dường như “chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình
có”, để trò chuyện, tâm tình. Những phiên chợ ven đường ấy thắm nghĩa
đượm tình làm sao!

Nét mới lạ nổi bật trong tập tạp văn này là giọng điệu chính luận
kiểu Nguyễn Ngọc Tư khi bàn về những vấn đề thiết thực, sát sườn với quê
mình. Đó là Ngậm ngùi Hưng Mỹ với tôm chết, hệ thống thủy lợi trục trặc,
nợ ngân hàng chất chồng lên vai người nông dân. Tính chính luận đó thể
hiện nhẹ nhàng mà có phần nghiêm khắc trong Kính thưa anh nhà báo. “Đoản
khúc kính thưa” này có thể làm giật mình nhiều nhà báo/nhiều tờ báo khi
chị “nhắc nhở” rằng xin anh nhà báo đừng chỉ viết toàn tiêu cực về một
vùng đất bởi vì vẫn còn đó những tấm lòng, những con người tốt đẹp đang
vun đắp xây dựng…

Chỉ là tập hợp những bài viết của chị trên các số Thời báo Kinh tế
Sài Gòn nhưng tập sách đã phác họa một chân dung quen mà lạ của Nguyễn
Ngọc Tư. Ở đó, người đọc bắt gặp những ưu tư từ trách nhiệm công dân
trong giọng điệu trữ tình thế sự.

Chỉ với “ngón út dính bùn vạn dặm” cuối Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư cũng
kịp làm chút phù sa lắng đọng trong tâm hồn người đọc. Đọc, để thương Cà
Mau và những vùng nông thôn Việt Nam nhiều hơn, để sẻ chia gánh nặng của
bà con và để thanh lọc một chút bụi trong tâm hồn mình – một người phố
thị đôi lần trót nghĩ quê nhà như chốn lạc hậu và chỉ chực quên mình vốn
lớn lên từ rơm rạ.

Hạ Anh

Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Bính Tuất
28-1-2006

Nhớ nhà
Huỳnh Kim

1 – Có lần tôi hỏi anh Trần Hữu Dũng:

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư, qua trang web của anh, có là một “nhịp cầu
tình cảm” giữa nhiều bà con Việt kiều, nhất là trong giới trí thức sống
xa nhà, với quê hương mình hay không?

Anh trả lời:

Tôi không nghĩ cách đó. Nhưng qua những thư từ mà tôi nhận được, từ
Sài Gòn, từ Cần Thơ, từ một thành phố nhỏ bang Iowa ở Mỹ, từ Montréal ở
Canada, từ Munchen ở Đức, từ Paris ở Pháp, từ Sydney ở Australia…, tôi
không thấy có sự khác nhau nào giữa “Việt kiều” và người trong nước ở
những gì mà Nguyễn Ngọc Tư gợi dậy trong lòng họ. Đến một chừng mực nào
đó, ai cũng là xa quê hương làng xóm của mình, dù là chỉ từ Mỹ Tho lên
Sài Gòn. Ai cũng thấy lòng dịu lại khi hồi tưởng đến thời thơ ấu của
mình, nhất là những người ở tỉnh nhỏ hay thôn quê. Ai cũng thích nghe
một câu chuyện hay, đọc những nhận xét tinh tế. Trong văn chương Nguyễn
Ngọc Tư, chúng ta, ở khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương
đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những
kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ.

Mới đây, anh còn trả lời một bạn đọc trang web ấy, rằng: “Có rất
nhiều người, từ mọi nơi trên thế giới, viết mail cảm ơn tôi về tủ sách
Nguyễn Ngọc Tư. Có những em sinh viên còn rất trẻ, cũng có những người
trạc tuổi tôi. Nhiều người xa quê hương đã lâu, người chỉ mới đây, người
ở Hà Nội, người ở Cần Thơ. Có điều lạ là đa số đều cho tôi biết là họ
đã… khóc khi đọc truyện của cô. Nhưng đó là những giọt nước mắt thương
yêu, êm đềm”.

Hồi tháng 7.2005, anh Dũng về Đà Nẵng dự một hội thảo về phát triển
kinh tế Việt Nam. Sau đó, anh về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Trở về Mỹ,
anh viết một bài giới thiệu cho cuốn Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (do Thời báo
Kinh tế Sài Gòn và nhà xuất bản Trẻ ấn hành). Anh mail cho tôi đọc bản
thảo, có một đoạn đầy nỗi nhớ nhà: “Tôi sẽ không kể lại từng phút giây
của hai ngày đáng nhớ ấy. Bởi vì cuộc hành trình này, không chỉ là non
mười một tiếng đồng hồ ngồi xe về đất Mũi, mà là một chuyến trở về “quê
thật” của tôi. Quê ấy chẳng phải là một nơi nào đó trên bản đồ địa lý,
nhưng là một vùng tâm tưởng của một người đã ra đi hơn bốn chục năm. Và
gặp Tư không phải vì tò mò về một tác giả tôi đã đọc nhiều và yêu thích,
mà để hình tượng hoá khung cảnh sản sinh những tác phẩm có sức rung cảm
tuyệt vời của một nhà văn mà tôi đã gọi là đặc sản miền Nam”.

Thật ra quê anh ở Mỹ Tho. Anh sang Mỹ du học từ năm 1963, tốt nghiệp
kỹ sư điện tử và tiến sĩ kinh tế. Hiện anh là giáo sư khoa kinh tế Đại
học Wright State, bang Ohio, Mỹ.

Mới đây, anh lại mail về Cần Thơ, giọng như tiếng reo vui của trẻ thơ
được quà: “Mèn ơi, nhờ bài phỏng vấn của tôi mà bữa nay thiên hạ vô đọc
cô Tư đông dễ sợ! Mới nửa buổi mà đã hơn 1.000 mạng rồi. Kiểu này thì
hết ngày dám tới 2.000 lắm à, gấp 4-5 lần bình thường. Tức cười hơn nữa
là nhờ tôi nói rằng Mối tình năm cũ là truyện đầu tiên của cô Tư mà tôi
đọc, nên thiên hạ ào vô coi truyện đó”.

2 – Không chỉ có Mối tình năm cũ có thể làm vơi bớt đi bao nỗi nhớ
nhà của kẻ xa nhà, mặc dù đó là một chuyện tình. Cô gái Nguyễn Ngọc Tư ở
Cà Mau giờ đây đã có năm tập truyện và ký, kể từ năm 2000 khi cô 24
tuổi, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác Văn học tuổi hai mươi lần thứ 2.

Có một “mái nhà” mới của cô Tư, như cô nói “Tôi viết trong nỗi im
lặng”, khi cô cho ra đời truyện vừa đầu tay Cánh đồng bất tận mà báo Văn
Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng liền bốn kỳ hồi tháng 8.2005.
Cái mái nhà ấy, kỳ lạ thay, còn làm lay động trái tim con người ta mạnh
hơn bao nhiêu mái nhà xưa của cô. Nó đang làm dằn vặt, suy tư, xao xuyến
biết bao nhiêu người đọc nó. Còn với chủ nhân của “tủ sách Nguyễn Ngọc
Tư” trên trang web của mình, giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng, anh lại nhận
xét: “Đến Cà Mau, tôi mới thấy sự gắn kết của Nguyễn Ngọc Tư với con
người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn
Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật
trưởng thành nhưng của một người rất trẻ. Đó là cái nhìn của kẻ đã sống
qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một
người sinh ra sau chiến tranh. Đó là cái nhìn của một người chân chất và
trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không
chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về
những mặt bất toàn của hiện tại”. Và anh trả lời một độc giả: “Mỗi lần
về nước tôi thích giao du với các bạn trẻ. Ở họ, và nhất là ở những
người như Nguyễn Ngọc Tư, tôi thấy tương lai một nước Việt Nam làm tôi
vui và tin tưởng”.

Tết nhất, nói chuyện nhớ nhà kiểu này, chỉ mong làm rộn ràng tấm lòng
bạn đọc. Vậy thì mời bạn ghé vào cái mái nhà có tên là “Văn hoá và giáo
dục” ấy thử xem sao: www.viet-studies.info.

Huỳnh Kim

Tiền Phong
21-1-06

Nguyễn Ngọc Tư: Cô
đơn lên dốc

NĐVN – Dáng thấp, da bánh mật, nữ nhà
văn Nguyễn Ngọc Tư ngày ngày bận bịu với việc văn thư cơ quan, chạy xe
đưa rước con và nội trợ trong một mái ấm ở khu phố nghèo phường 1 (TP Cà
Mau).

Từ tác phẩm đầu tay “Ngọn đèn không tắt” năm 2000, đến nay cô vẫn đều
đặn cho bạn đọc những tác phẩm mộc mạc, bình dị mà dữ dội như vùng đất
mới cuối trời Tổ quốc.

Cuộc sống văn chương của Ngọc Tư đang
diễn ra như thế nào?

Đi chậm, dò dẫm để khẳng định phong cách.
Từ khi có chồng, sinh con thì phải cố gắng gấp đôi để viết đều, để không
tụt dốc. Một số bạn bè nói Ngọc Tư viết không có gì mới.

Nhưng em nghĩ cũng có tuy không nhiều.
Bạn đọc lạ lắm, khi mới viết thì bảo phải định hình phong cách, vất vả
định hình lại nói không thấy đổi mới.

Ngọc Tư sống được bằng nghề không ?

Nhiều khi… Mỗi tháng em viết vài tạp văn.
Em thích viết tạp văn, vừa nhẹ nhàng, vừa tiện đăng báo để kiếm tiền
(cười).

Ngọc Tư là đại biểu HĐND?

Vâng, để học hành thêm, đi học tiếng Anh
phải trả học phí bằng tiền, học trong làm đại biểu HĐND trả học phí bằng
thời gian.

Chồng Ngọc Tư làm nghề thợ bạc, loại
nghề “tĩnh” có chỏi với nghề của Ngọc Tư là “động”không ?

Lấy chồng thợ bạc em thấy thoải mái gì
đâu ấy! Việc của ảnh chẳng liên quan gì tới văn chương. Còn em viết văn
cũng muốn một cõi thật sự hoang vắng của riêng mình và em sống ở đó, cô
đơn viết, cô đơn lên dốc.

Chồng của Ngọc Tư có là bạn đọc chung
thuỷ với văn của vợ?

Em xin hai chữ “chung thuỷ” thôi. ở nhà
tụi em chỉ nói chuyện nhà cửa, con cái. Thỉnh thoảng em hỏi: “Anh ơi
trong tủ mình còn bao nhiêu tiền?”

Vì ảnh giữ tiền, lâu phải hỏi dè chừng.
Nhờ có ảnh làm chỗ dựa, em không phải bươn chải kiếm sống. Đôi lúc, ảnh
còn rước bé An giùm em.

Dư luận cho rằng với tác phẩm “Cánh
đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư đã trưởng thành nhiều?

Thì cũng phải lớn lên chứ anh. “Ngọn đèn
không tắt” ra đời khi em mới hơn 24 tuổi. Năm nay em đã 29 tuổi rồi. Với
em, “Ngọn đèn không tắt” như một kỷ niệm đẹp, trong trẻo, dễ thương. Bây
giờ em viết không được giọng văn như lúc đó.

Thèm muốn nhất trong nghề văn của Ngọc
Tư là gì?

– Thèm được thoải mái để viết.

Nguyễn Tiến Hưng

Báo Cần Thơ
25-12-05

Gặp Nguyễn Ngọc Tư

Từ ngày biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vào năm 2000 cho
tới giờ, tôi gặp chị ba lần, đều ở Cần Thơ.

Dạo đó, chị trúng giải nhất cuộc thi Sáng tác văn học
tuổi hai mươi lần thứ 2 (do báo Tuổi Trẻ, nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà
văn TPHCM tổ chức). Đọc tập truyện “Ngọn đèn không tắt” đoạt giải, thật
là thích vì văn chương sâu sắc mà dung dị, tinh tế mà lại tràn trề tánh
nết của người dân Nam bộ trong khi tác giả mới 24 tuổi. Sau đó, Ban biên
tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn (nơi tôi làm việc) nhắc tôi mời Nguyễn Ngọc
Tư cộng tác. Tôi viết một lá thư nhờ người bạn ở Cà Mau gởi cho chị; lúc
đó và tới giờ Nguyễn Ngọc Tư vẫn làm việc tại Hội Văn nghệ Cà Mau.

Còn nhớ trong lá thư đó, tôi có nói là viết bất cứ cái
gì chị thích, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong khi tờ báo của mình
chỉ có mục Trà dư tửu hậu là hợp gu sáng tác của giới văn nghệ. Thế
nhưng, Tết năm đó, tờ báo xuân này đăng tạp văn “Xa đầm Thị Tường” quá
hay của Nguyễn Ngọc Tư. Và rồi suốt mấy năm nay, hễ có bài của Nguyễn
Ngọc Tư thì tờ báo cho đăng ở mục Trà dư tửu hậu hoặc tạp văn hoặc bút
ký. Mấy năm đó, Tư chưa cài email, nên viết bài xong thì gởi qua bưu
điện về tòa soạn ở Sài Gòn. Hơn hai năm nay thì Tư đã có email, chơi với
cả thế giới, và bản thảo của Tư gởi về tòa soạn thường ghé lại chỗ tôi,
nó tiện lợi trăm bề, nhất là cho việc tôi… đặt bài của chị. Riết rồi
thành bạn bè, chưa gặp mà coi như đã gặp nhau bao nhiêu bận. Và cũng
hiểu tánh nết của nhau sơ sơ.

Còn chạm mặt nhau lần đầu tiên thì cách nay đã hơn ba
năm. Tư lên Cần Thơ in báo Tết, ghé văn phòng tôi khoảng năm phút. Tôi
rủ Tư ra quán… nhậu cóc ổi bên lề đường 30-4 lai rai một chút với nhà
văn Lê Đình Trường cùng đi với Tư. Tôi mời cụng ly hoài mà cô Tư hổng
thèm chia sẻ một miếng, mặt mày sao mà… lạnh lẽo, chắc là chỉ lo tới
chuyến về, phải ngồi xe bốn, năm tiếng đồng hồ với không biết mấy bận
say xe.

Chạm mặt lần thứ hai hồi giữa năm 2004, Tư qua Cần Thơ
dự buổi họp báo của ban tổ chức cuộc thi Sáng tác Văn học tuổi hai mươi
lần thứ 3. Tư là nhân vật chính ngồi trên đoàn chủ tịch để trả lời giao
lưu của nhiều cây viết trẻ ái mộ cô. Lúc này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã
có bốn tập truyện ngắn và bút ký rồi, mà tập nào cũng được bạn đọc đón
nhận nồng nhiệt. Thế nhưng cái người có sao ấy vẫn chẳng có chút gì khác
năm xưa, ăn mặc quá giản dị, bình dân và… lạnh lẽo. Nhưng mà len lén
ngắm kỹ thì thấy cũng thiệt là… nồng nàn. Trưa bữa đó, tôi mời Tư và
hai cô bạn phóng viên ở nhật báo Cần Thơ đi ăn cơm, trong đó có một bạn
đã viết bài đọc sách tập truyện “Giao thừa” của Tư. Có một bó hoa nho
nhỏ người ta tặng Nguyễn Ngọc Tư; trước khi chia tay, Tư tặng lại cho cô
bạn đã viết bài đọc sách đó, nói là ưu tiên cho người mới có em bé – một
cô bé kháu khỉnh mà sáng bữa đó, Tư đã ghé nhà thăm và chụp hình kỷ
niệm, chắc là cũng dễ thương lanh lẹ như cậu bé trai đầu lòng của Tư ở
Cà Mau.

Chạm mặt lần thứ ba là gần đây, hồi tháng 11-2005, khi
mà Nguyễn Ngọc Tư đã nổi tiếng hơn với cái truyện “Cánh đồng bất tận”
vừa đăng trên báo Văn nghệ Trung ương và trên hai trang web Văn nghệ
sông Cửu Long ở Việt Nam và Văn hóa và giáo dục ở Mỹ. Trưa bữa đó, nhà
thơ Lê Chí điện thoại rủ tôi vào quán lẩu mắm Dạ Lý ở đường 3-2, nói có
Nguyễn Ngọc Tư lên. Ghé vào thì thấy mọi người, cả nhà thơ Lê Chí, nhà
văn Nguyễn Thanh và anh Huỳnh Thanh Bé, Giám đốc Xí nghiệp In Cần Thơ,
toàn là cánh Cà Mau thứ thiệt. Té ra là Nguyễn Ngọc Tư đã quá mệt vì mấy
ngày đi… chơi cùng cơ quan từ Hà Tiên qua Châu Đốc, lên Cần Thơ để
vòng về Cà Mau, không còn muốn giao tế với ai nữa. Bữa đó cũng hổng thấy
Ngọc Tư uống một chút rượu nào, chỉ thấy mặt mày… lạnh ngắt. Bữa sau
cô nói qua điện thoại, rằng hôm đó nửa đêm mới về tới Cà Mau vì xe bị hư
phải đẩy hoài mới nổ máy! Nghe mà chạnh lòng cho thân gái dặm trường.

Chuyến đi mệt mỏi như vậy mà đã sinh thành được những
tác phẩm đọc thấm thía quá. Tư mail cho tôi hai ban thảo truyện ngắn,
nói là để gởi cho mấy tờ báo Tết. Cũng giống như cái tạp văn “Cúi vọng
người xưa” của Tư gởi nhờ tôi chuyển cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn tết
năm nay, hai cái truyện “Hoang đường” và “Núi ở lại ấy”, với tôi, vẫn
rất Nguyễn Ngọc Tư, đọc xong rồi cứ nằng nặng thương yêu, nghĩ ngợi.

***

Có một Nguyễn Ngọc Tư như vậy nên không khí văn học
nước nhà năm 2005 coi bộ vừa rộn ràng vừa lắng đọng. Với tôi, truyện của
Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện nhà quê. Ở trong đó, ai đọc, dù không
hợp gu, cũng như tìm gặp được bóng dáng Quê-Nhà của riêng mình. Nhớ hồi
tháng 7-2005, khi mới viết nửa chừng “Cánh đồng bất tận”, cô mail nói
tôi đọc thử. Không cầm lòng được, tôi đã in ra cho mấy người bạn trái
tánh nết nhau đọc, vậy mà ai cũng kêu thương đau, thương đau… và mong
sao tác giả bình yên, khỏe mạnh để viết cho xong cái câu chuyện quê mùa
kỳ lạ ấy.

Chứ không dưng sao mà tập truyện mới nhất của cô, cũng
tên “Cánh đồng bất tận”, 5.000 bản in đầu tiên đã bán hết chỉ trong một
tuần lễ?

Và không dưng sao mà mấy năm nay, có một người ở tận
phương trời xa thẳm với Cà Mau, đã lập hẳn một tủ sách Nguyễn Ngọc Tư ở
trong trang web của mình? Đó là Giáo sư Kinh tế Trần Hữu Dũng dạy ở Đại
học Wright State, bang Ohio (Mỹ).

Huỳnh Kim

Sài gòn Tiếp Thị
13-12-05

Cánh đồng bất tận

Tập truyện gồm 14 truyện ngắn mới nhất
của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Sách do NXB Trẻ hợp tác với báo Tuổi Trẻ
xuất bản. Sách dày 220 trang, giá bán 27.000đ.

Người ta đã được đọc truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư trên các báo trong thời gian gần đây. Hầu hết tình tiết trong
truyện là đời sống thực ở vùng quê Nam Bộ, một vùng có sông rạch ngang
dọc với vườn cây trái um tùm, những cánh đồng trải ngút mắt. Nội dung
chủ đề các truyện không có gì lớn lao. Đó là những truyện đời thường mới
xảy ra đâu đây. Chuyện ông già đi tìm đứa con gái của vợ. Ông đi theo
gánh hát lưu diễn khắp nơi để tìm kiếm. Có lần ông phải đi ăn trộm trâu
để được bắt đưa lên truyền hình ngõ hầu cho con gái thấy mặt (chi tiết
này hơi khiên cưỡng) cho đến cuối truyện, ông vẫn không tìm ra con (Cải
ơi). Đó là chuyện ở vùng Mút Cà Tha, theo phương ngữ Nam bộ chỉ cho vùng
sâu, hẻo lánh như “mút cà tha” hoặc “hóc bà tó”. Có một cô gái thương
anh bác sĩ trạm xá nhưng cuối cùng anh này buồn quá bỏ về (Thương quá
rau răm). Một anh tên Hết rất mê cờ nhưng ở rất có hiếu với cha. Anh Hết
thương một người nhưng người đó đi lấy chồng. Một người khác lại thương
anh nhưng anh cứ dửng dưng như thế để người con gái vẫn tự hỏi “Chờ tới
bao lâu?” (Hiu hiu gió bấc). Chuyện Huệ và Thi là đôi bạn từ nhỏ, lớn
lên họ yêu nhau. Nhưng Thi lại đi với con gái ông trưởng phòng giáo dục
huyện khiến cô ta mang bầu rồi cưới. Huệ đi lấy chồng. Hai người gặp lại
nhau “rồi nó quên anh, quên thiệt” (Huệ lấy chồng)… Đại khái là những
chuyện yêu nhau, rồi tan vỡ như không có chuyện gì xảy ra, không bi lụy.
Nó thực như cuộc sống, tỉnh bơ như cuộc sống. Và cuộc sống vẫn trôi đi.

Truyện ngắn dài 58 trang – có thể gọi là
truyện vừa – được chú ý nhất vẫn là truyện được đặt tựa cho cả tập sách:
“Cánh đồng bất tận”. Có thể nói lần đầu tiên tác giả muốn bứt thoát.
Không còn là cảnh yên ả, bình lặng của cuộc sống Nam bộ heo hút như các
truyện trước đó. Không tẻ nhạt, một cuộc sống trên con đò du mục khốc
liệt hơn nhiều. Một người mẹ ngoại tình bỏ con đi theo tình nhân. Một
người cha trả thù bằng các cuộc tình lang bạt. Một người tình của ông là
một con điếm bị đánh xé, bầm dập nhưng vẫn tự nhận mình là “con đĩ”. Tất
cả đều nhìn với cặp mắt trẻ thơ. Cuối cùng con cái phải gánh tội cho bố
mẹ.

Nếu đọc Nguyễn Ngọc Tư để tìm cho mình
một thông điệp thì ngoại trừ “Cánh đồng bất tận” (triết lý nhân quả xem
ra không có gì đặc biệt) thì có thể thất vọng. Tác giả không muốn gởi
thông điệp, mà cũng chẳng cần gởi. Cuộc sống vẫn có cái lý của nó. Một
cuộc sống thật phóng khoáng nhưng cũng rất bộc trực. Nói theo người Nam
bộ, nhân vật trong các truyện “Nghĩ sao, nói vậy” không màu mè trau
chuốt. Cuộc sống cho ta thấy mọi điều, tất cả đều có ý nghĩa từ người
già đến người trẻ, từ đô thị đến nông thôn heo hút. Phải chăng đó là
điều Nguyễn Ngọc Tư muốn gởi tới.

X.T

Tuổi Trẻ
4-12-05

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Đánh “ùm”
một tiếng mà thôi!

TTCN
– Được trích đăng nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ, tập truyện Cánh đồng bất
tận
của Nguyễn Ngọc Tư đang là sách bestseller. Trong câu chuyện
trao đổi với chúng tôi, cây bút nữ xứ Cà Mau đã hé lộ một lưng vốn dồi
dào mà cô đang từ từ “thanh toán” trên bước đường văn chương.

* Lúc viết Cánh đồng bất tận, có lúc
nào Ngọc Tư nghĩ rằng truyện của mình rồi sẽ trở thành best-seller
không?

– Thiệt tình là không. Lúc viết thì vì
cảm xúc, cũng vì chút tự ái mà quyết liệt viết vậy thôi. Vừa rồi đọc báo
thấy nói sách bán chạy, Tư nghĩ bán được nhiều, có tái bản, chắc là được
thêm ít nhuận bút (cười).

* Viết vì tự ái ư?

– Lúc đó bạn bè chê mình viết không có
gì mới. Và tự mình Tư cũng thấy cần phải đổi mới mình đi.

* Còn cảm hứng?

– Từ một chuyến đi An Giang, khi nghe
một ông cán bộ nói bây giờ thợ gặt quê ông bị nhiễm HIV còn nhiều hơn
con gái trên phố nữa. Vậy là cảm xúc bị kích lên, Tư thấy cần phải viết.
Vậy thôi…

* Đọc Cánh đồng bất tận, thấy nổi
lên triết lý nhân quả qua nỗi đau của những phận người. Tư có chủ ý viết
về nhân quả?

– Có chủ ý chứ. Với lại nhân quả trong
cuộc sống có nhiều lắm, ngay trong các câu chuyện, lời nói của bà ngoại
Tư. Và nhân quả không phải là cái gì do Trời giáng xuống, mà do chính
lòng người; những nỗi đau bắt nguồn từ lòng thù hận của con người. Tư
nghĩ con người nên mở lòng ra, sống nhân ái với nhau.

* Tư có nghĩ rằng con người có thể
vượt ra khỏi qui luật nhân quả không?

– Chắc là không.

* Nếu bây giờ có nhân vật Điền và
Nương ở ngoài đời thực, khi đưa truyện Cánh đồng bất tận cho họ đọc,
theo Tư thì hai người đó sẽ nói gì?

– Chắc họ kêu mình nói dóc quá. Làm gì
mà có người cha ghê gớm quá vậy. Với lại mình là nhà văn mà. Thế nào
người ta cũng nghĩ mình… nói dóc!

* Nhà văn Sơn Nam từng nói: đọc
Nguyễn Ngọc Tư thấy những người nghèo ở miền Tây Nam bộ trong Cánh đồng
bất tận còn nghèo hơn cả những người nghèo mà ông từng viết các thời
trước… Tư nghĩ sao?

– Người nghèo thì trước đây hay bây giờ
đều có. Tư chọn viết những gì mà người đi trước không viết thôi. Với
những gì người đi trước viết rồi, nếu mình đi lại con đường ấy, hoặc
mình phải tránh qua một bên, hoặc là mình phải vượt trội hơn. Nhưng vượt
trội thì khó quá, ví dụ như để vượt qua Vũ Trọng Phụng thì… thôi đi,
Tư không tự làm khó mình mà chọn cái mình làm được. Như viết Cánh
đồng bất tận.

* Ngọc Tư có quan tâm tại sao người
ta thích đọc sách, đọc truyện của mình?

– Chắc là không. Mình không thể hiểu
hết bạn đọc, có khi viết xong cái truyện mà bản thân mình thấy thích lắm
nhưng bạn đọc lại chê. Còn với truyện Cánh đồng bất tận, Tư không nghĩ
nó sẽ được nhiều người thích mà chỉ mong có bạn bè, đồng nghiệp thích là
đã hạnh phúc lắm rồi. Với lại Tư cũng không có ý tìm hiểu bạn đọc của
mình.

Vì nếu biết người ta muốn cái gì, thích
đọc cái gì có khi mình lại viết chiều theo ý của họ. Thôi thì cứ đường
ai nấy đi, nếu gặp nhau là tốt. Cũng có người mê truyện của Tư nhưng
không giải thích tại sao. Mấy nhà phê bình cũng không nói sâu cho Tư
hiểu. Họ chỉ khen mấy cái mà bản thân Tư đã rõ về mình.

* Khen sâu sắc hay chê sâu sắc cũng
là đóng góp tích cực cho người viết chứ, phải không?

– Đúng, nên khen hay chê cho sâu. Chỉ
có đánh bóng và vùi dập là không tốt. Mình còn trẻ, chưa dày dạn, nếu
đánh bóng thì không tốt mà bị vùi dập là chết liền đó nghen. Có thể nói
là Tư hơi nhát gió. Truyện nào viết xong cũng phải đưa ai đó đọc qua,
nghe họ nhận xét, về suy nghĩ lại rồi mới dám gửi báo.

* Tư tích lũy, bồi đắp thêm cho nghề
văn như thế nào?

– Khi tuổi đời mình lớn lên thì sự tích
lũy tự nhiên nhiều lên thôi. Cái nhìn của Tư so với cách đây năm, bảy
năm cũng khác lắm rồi. Và Tư muốn đọc nhiều sách, nhiều lúc muốn đọc các
trường phái, xu hướng mới để biết người ta đang viết như thế nào. Nhưng
ở dưới này ít sách quá. Thật ra sự bồi đắp cho nghề theo Tư nghĩ cũng
không cần phải làm gì ghê gớm đâu, tự nó đến thôi.

* Cánh đồng bất tận có vai
trò quan trọng như thế nào trong chuyện viết văn của Tư?

– Tư nghĩ vượt qua chính mình là quan
trọng nhất. Tư không biết đến 50 tuổi mình sẽ viết cái gì, viết như thế
nào đâu. Lâu lâu mình đánh “ùm” một cái cho người ta nhớ mình. Với lại
khi bạn đọc thấy mình đã nhàm, bản thân mình thấy mình cũng cạn kiệt khi
đi theo hướng đó thì mình phải vẹt một hướng khác mà đi chứ. Vẹt một
hướng khác nhưng là mình vẹt theo kiểu của mình, trước khi người đọc
chán mình. Cánh đồng bất tận là món mà Tư xen vào cho người ta thấy khác
lạ, để còn nhớ đến mình…

* Thường thì nhà văn có hai cách
nói: tôi có ảnh hưởng ai đó, và tôi không ảnh hưởng ai cả. Còn Tư thì
sao?

– Người cho rằng mình bị ảnh hưởng ai
đó thì có vẻ không tự tin, còn người tự cho là mình không chịu ảnh hưởng
của ai thì lại quá tự tin. Với Tư thì có khi mình bị ảnh hưởng mà không
hay. Tư nghĩ ít nhiều mình cũng bị ảnh hưởng chứ, vì sống giữa đời mà.
Cũng như có người cứ nói là từ nhỏ tới lớn và tới già tới chết tôi không
nhờ vả ai. Nhưng lỡ mai mốt xảy ra cái gì đó, chẳng hạn bị… cháy nhà
thì sao. Nói tuyệt đối thì cũng không chắc chắn được!

* Trong khi viết, Tư có cái gọi là
“trường hợp sáng tác” không? Và Tư có bao giờ nghĩ rằng mình viết cái
này là để chuyển tải một tư tưởng gì không?

– Không. Tư tưởng gì thì chắc do mấy
nhà phê bình đọc truyện rồi nói ra thôi. Còn sáng tác thì cứ lúc nào
thấy xúc động, đủ cảm xúc, có suy nghĩ về cái mình đã trải qua, có nhu
cầu phải viết, nếu không viết chắc… tự tử mất thì Tư viết thôi.

Với lại mình viết mấy cái dễ dễ trước,
cái khó để đó từ từ viết. Với những đề tài hiền hiền Tư viết một trăm
cái truyện nữa cũng chưa hết vốn. Cũng có đề tài suy nghĩ rồi nhưng chưa
viết được, nói ra sợ người ta cản mình à nghen. Từ từ thôi, mình không
thể tự hủy mình trong sáng tác.

* Có bao giờ vì xác định đề tài sai,
hay xác định thời điểm công bố tác phẩm sai mà thành ra nhà văn tự hủy
mình không?

– Có chứ, Tư thấy nhiều người bị nạn
rồi. Mình có nhiều cách để lựa chọn chứ, hãy làm những cái sức mình chịu
đựng được. Có những người sùng bái văn chương nhưng với Tư văn chương có
quan trọng gì đâu, cuộc đời mình còn nhiều thứ khác chứ. Nói thiệt, văn
chương không là gì để cho mình đánh đổi tất cả.

Với riêng Tư, một truyện được viết ra
là trút bỏ một cái gì đó từ cảm xúc của mình, chứ không phải “đứa con
tinh thần” gì như nhiều người nói. Đứa con thiệt là đứa Tư đang ẵm trên
tay nè. Còn văn chương chỉ là cái nghề sống được.

Khi Tư viết xong, tác phẩm ra đời,
người ta muốn làm gì nó thì làm, thây kệ nó. Người ta có lấy cái truyện
hay của mình mà làm phim dở thì cũng… kệ họ. Tư viết ra được cái
truyện hay là quá mệt rồi. Nhiều người cũng muốn Tư tôn sùng văn chương
giống họ, nhưng Tư thì không. Nếu vì chuyện văn chương mà mình chịu hệ
lụy này khác thì phải suy nghĩ trước khi viết. Tư có cảm giác mình tỉnh
táo quá, nhưng mà như vậy cho khỏe.

* Không phải văn chương, vậy với Tư,
cái gì mới là quan trọng trong cuộc sống?

– Thoải mái và vui vẻ, cảm giác bản
thân là quan trọng. Gia đình, chồng con, văn chương… cũng là quan
trọng, nhưng cảm giác bản thân là quan trọng nhất. Bởi mình có muốn sống
thì mình sẽ sống vì gia đình, sống cho văn chương, cho những cái quan
trọng kia nhiều hơn.

LAM ĐIỀN thực hiện

Tuổi Trẻ
3-12-05

Phạm Xuân Nguyên

Dữ dội và nhân tình

Tôi có thích, nhưng chưa phải là thích lắm, truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Thích vì cách viết tự nhiên, thoải mái của người
viết, ngỡ như bất cứ cái gì Tư cũng viết thành truyện được, những câu
chuyện bình thường về những điều bình thường của những người bình thường
của cuộc sống quanh cô.

Ngay cái truyện Ngọn đèn không tắt đã thấy Tư
biết kể những chuyện nhân tình bằng một giọng chân tình khiến người đọc
dễ nghe và dễ chịu. Tôi đã từng phân tích một truyện của Nguyễn Ngọc Tư,
Chuyện vui điện ảnh, trên một tờ báo trong nước, và cho một dịch
giả Nhật Bản, để thấy sức viết của cây bút này.

Cũng chính vì sức viết đó mà tôi chưa thích lắm một số
truyện của Tư vì tôi nghĩ cô có thể bứt phá được xa hơn, sâu hơn trên
mảng viết của mình, nếu không sẽ quanh quẩn và lặp lại.

Điều tôi thầm tin và thầm mong ở Nguyễn Ngọc Tư đã
đúng, với truyện Cánh đồng bất tận. Tư đã đưa ngòi bút mình ra
khỏi nhà, khỏi xóm, đến với cánh đồng. Hình như phải sống giữa đất trời
mới ra con người Nam bộ, cả sự ngang tàng lẫn nỗi đau đớn.

Nhưng cánh đồng ở đây tôi còn muốn nghĩ là cánh đồng
cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư đã ném mình và nhân vật của mình ra cánh đồng
cuộc đời để xem họ và mình vật lộn thế nào. Và cả nhà văn cùng nhân vật
đã thành công.

Người đọc đã được bất ngờ trước những phận người, kiếp
người hôm nay, tại đây như trong truyện kể, và bất ngờ trước một văn bút
khác lạ của người viết truyện. Nguyễn Ngọc Tư đã bắt đầu chạm được vào
những vỉa tầng cuộc sống của vùng đất cô sống và viết văn. Dữ dội và
nhân tình, văn Tư bắt đầu là như thế.

Và như thế, tôi muốn nói Cánh đồng bất tận đã
chia đoạn sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thành những truyện trước và sau
nó.

Từ đây người đọc đòi hỏi cao hơn đối với cô.

Từ đây cô phải chịu áp lực văn chương mạnh hơn, nhiều
hơn.

Từ đây cô phải có trách nhiệm nặng hơn với trang viết
của mình. Không dễ đối với người viết cắm được mốc mới sẽ lại có mốc
khác cao hơn. Nhưng đã cắm mốc rồi thì phải (nên) viết theo hướng đã mở.

Nguyễn Ngọc Tư đã có cái nhìn mới trong cái nhìn mới
chung của thế hệ mình. Cô lại có sức viết. Cho nên tôi bắt đầu thích hơn
truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, từ Cánh đồng bất tận.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Một thế giới nghệ thuật riêng

…Từ thực tế của cuộc sống, nhà văn có tạo ra được “thế giới nghệ
thuật” của riêng mình, khi đó tác phẩm mới có sức dẫn dụ người đọc. Tôi
nghĩ Cánh đồng bất tận là một tác phẩm như thế.

Và có thể nói rằng Cánh đồng bất tận là của riêng Nguyễn Ngọc
Tư, là một “khái niệm văn học chứ không phải là một khái niệm về địa lý,
là một hoàn cảnh văn học được tưởng tượng ra bằng cơ sở của những kinh
nghiệm tuổi thơ của… Nguyễn Ngọc Tư” (ý của Mạc Ngôn, tác giả của Đàn
hương hình, Báu vật của đời…).

Những “cánh đồng” như thế đều là bất tận vì mỗi người có một quê
hương riêng, cách nhìn riêng, cũng như chuyện văn chương là… bất tận
vậy!…

Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ

Lao Động
1-12-05

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:

“Tôi cho nhân vật nhiều con đường để đi…”

Minh Thi thực hiện


“Cánh
đồng bất tận” – truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư đang làm dấy lên mối quan
tâm trong giới phê bình và văn học, từ khi đăng nhiều kỳ trên Báo Văn
Nghệ (Hội Nhà văn VN) và bây giờ Báo Tuổi Trẻ TPHCM đang in lại.

Trước hiện tượng thay đổi “tận gốc rễ” này của nữ nhà văn trẻ ở Cà Mau,
nhà văn
Nguyên Ngọc tuyên bố rằng ông đặt kỳ vọng vào chính những người trẻ
dám thử nghiệm như thế và hy vọng họ sẽ là những người góp phần thay đổi
bộ mặt văn học tẻ nhạt lâu nay. Sau đây là cuộc trò chuyện với nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư.

´ “Cánh đồng bất tận” (CĐBT) là sự
thay đổi về bút pháp của chị: Dữ dội, sắc sảo về tâm lý nhân vật, khai
phá tận cùng mối xung đột giữa đàn ông và đàn bà trong một bối cảnh xã
hội nông thôn nhiều thiên kiến, bất công với phụ nữ. Để có được một bút
pháp mạnh mẽ như thế, chị đã phải dày công như thế nào?

– Tôi theo đuổi, vật vã với CĐBT khoảng
bảy tháng, không viết được bất cứ cái gì khác. Thật khó khăn khi thay
đổi thói quen, vượt qua chính mình. Nhưng thật lòng, tôi muốn thử sức ở
những mảng đề tài khó. Tôi cảm nhận được bạn đọc bắt đầu nhàm chán văn
tôi.

´ Thân phận của những người phụ nữ
trong truyện, kể cả nhân vật xưng tôi đều quá bi thảm. Nhưng đã có sự
thay đổi lớn trong nhận thức cũng như hành động từ người phụ nữ thứ nhất
đến nhân vật nữ chính. Họ đi từ chỗ bị động, sang “chủ động”, ước mong
hàn gắn thù hận và có một tinh thần vị tha. Nhưng phải chăng họ không
thể thay đổi gì hơn thân phận của mình?

– Tôi sống chưa nhiều nên không dám
chắc. Nhưng cảm nhận từ cuộc sống quanh mình, tôi chưa bao giờ thấy thân
phận người phụ nữ có sự thay đổi lớn. Họ phản kháng yếu ớt, họ tranh đấu
e dè, họ ngại ngần thay đổi…

´ Vấn đề nữ quyền, hay bình đẳng giới
đang được đặt ra trong xã hội hôm nay. Nhưng hình như đó vẫn chỉ là lý
thuyết suông?

– Nhưng chính phụ nữ mới là mảnh đất
gieo và nuôi dưỡng điều tốt, vì chính ở khả năng tha thứ và yêu thương
của họ.

 ´ Nhân vật người cha – người đàn ông thứ nhất trong truyện –
dường như suốt đời không thoát ra khỏi sự thù hận phụ nữ. Chính vì thế
mà tính cách ông ta trở nên tàn nhẫn, khinh bạc. Liệu nhân vật này có
giống một số nhân vật người cha của nhà văn M.J Coetzee không? Một số
người cho rằng tâm lý của ông ấy không giống người Nam Bộ lắm, mà “tây”
quá?

– Ờ ha, ông ấy có vẻ “tây” thiệt. Còn
giống nhân vật trong “Ruồng bỏ” hay không thì tôi chẳng rõ, tôi có đọc
được những tác phẩm đó đâu. Nhưng nếu tôi viết theo tính cách người Nam
Bộ thì sau khi vợ bỏ theo người, ông ấy sẽ buồn, uống rượu. Sau đó nguôi
ngoai và ở vậy nuôi con. Hay sẽ lấy vợ khác (bà này cũng rất mực thương
con của chồng dù tụi nó không thương lại, nhưng cuối cùng cũng hiểu được
tấm lòng nhau). Tôi viết theo kiểu đó hoài, nên rành lắm. Nhưng như vậy
thì tôi có gì mới?

´ Phải chăng, phần kết của câu chuyện
hơi vội, chưa thấy bước chuyển dữ dội nhất trong tâm hồn nhân vật nữ đầy
thương tích như vậy?

– Tôi đã thử nhiều cái kết cho CĐBT, tôi
đã cho nhân vật của mình nhiều con đường để đi. Cuối cùng, tôi buộc phải
chọn hoặc tận cùng của vùi dập hoặc đề huề hạnh phúc. Có thể tôi diễn tả
tâm lý nhân vật đoạn này chưa “tới”. Nhưng tôi không đưa thông điệp của
hy vọng mà là sự tha thứ. Người ta sẽ hạnh phúc khi cởi mở tấm lòng.

´ Hiện giờ chị sống ra sao?

– Tôi sống cũng bình thường. Lương là
thứ cầm trên tay mà… ngơ ngẩn. Hàng ngày, tôi chờ anh nhân viên bưu
điện coi có phiếu lãnh tiền nhuận bút không. May, nếu được món tiền kha
khá để khoe với chồng, “thấy nghề tui tào lao vậy mà cũng có tiền nè”.
Mà, ông ấy cũng có bao giờ thắc mắc đâu, tại đôi khi mình thấy ngại…

– Cảm ơn Ngọc Tư.

Tuổi Trẻ
Trò chuyện với Cánh đồng bất tận

30-11-05
Đỗ Hồng Ngọc

Im lặng thở dài

Không chỉ nhận được những lời khen, Cánh đồng bất tận còn mang đến
một sự tiếc nuối… Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã “thở” một tiếng dài, khi
ngọn gió phương Nam mát rượi bỗng trở thành cơn lốc xoáy…

Tôi nhớ hình như đó là một bài hát của Trịnh Công Sơn. Không hiểu tại
sao tôi chợt nhớ đến nó khi đọc những trích đoạn Cánh đồng bất tận
trên Tuổi Trẻ.

Tôi im lặng như nhiều bạn đọc cũng im lặng vì biết mình là “người
ngoại đạo”, chỉ dám dựa cột mà nghe, khi quanh tác phẩm là những lời
khen ngợi của giới văn học, của những người có thẩm quyền, coi như một
hiện tượng hiếm có của một nhà văn, nhất là một nhà văn nữ, trẻ, đầy hứa
hẹn của đất phương Nam khi từ bỏ lãnh địa quen thuộc của mình lao vào
một cõi đất mới, một cánh đồng bất tận toàn cầu hóa: cái dục, cái ác,
cái xấu, cái phần “con” trong mỗi con người!

Tôi như cảm thông sâu sắc với người cha của Nguyễn Ngọc Tư khi ông
đọc bản thảo của con mình đã im lặng… Nguyễn Ngọc Tư của ông đã là một
cơn gió mát rượi của đất phương Nam bỗng trở thành cơn lốc, xoáy lên,
chướng lên trên cánh đồng bất tận thì ông đành phải im lặng và giấu sau
đó là một tiếng thở dài.

Tiếng thở dài rất nhẹ mà tôi ngờ rằng một người rất nhạy cảm như
Nguyễn Ngọc Tư cũng có thể đã không nghe thấy, nhưng đó sẽ là một tiếng
thở dài bất tận nếu Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục thổi phồng lên, tiếp tục
khai thác, tiếp tục tô đậm phần “con”, phần cái ác, cái xấu, cái sex.

Dĩ nhiên nhà văn có toàn quyền, có quyền chắt mót những đây đó để tô
đậm, dồn nén, đóng khuôn thành tác phẩm, nhất là trong trào lưu chung,
toàn cầu hóa. Đây chính là con đường mà các nhà văn phương Tây đã đi qua
từ đầu thế kỷ trước và hiện nay hình như họ đã khác, họ đã quay ngoặt
lại với Phong thần, với Tây du ký (trừ một số phim ảnh, game tiếp tục
khai thác bạo lực và sex).

Nhưng hình như bản chất của Nguyễn Ngọc Tư không thế. Hình như cô
đang ráng làm một điều gì đó chỉ để đổi mới mình, ngờ rằng người ta đang
ngán ngẩm mình, chán nản mình nên phải làm mới.

Tôi từng đọc và rưng rưng cảm xúc với Người nhà quê, một viết
ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trên báo Tuổi Trẻ dạo nọ. Người nhà
quê
Nguyễn Ngọc Tư sâu sắc đến vậy, làm cho những người nhà quê
trong mỗi chúng ta phải cảm động, ray rứt, giật mình, cứ muốn được quê
mãi như thế, dù trên đà hội nhập. Nhưng khi đọc Cánh đồng bất tận
tôi lại thấy một dạng luận đề, nhà văn muốn nói lên một điều gì đó, muốn
nhân danh cái gì đó, dàn xếp cái gì đó, tô đậm cái gì đó rồi dùng văn
chương của mình để đúc khuôn nó lại.

Cô rất dễ có được những sự trầm trồ, bù lại độc giả bình thường thân
thiết của cô, những người như tôi, cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng, cảm
thấy như mình đã mất đi, một niềm tin chẳng hạn. Dĩ nhiên xấu và tốt đan
xen trong cõi người ta, nhà văn có quyền dòm bên xấu hay dòm bên tốt hay
chạy qua chạy lại dòm cả hai bên để tô đậm thì tùy, nhưng độc giả có
quyền của độc giả: im lặng thở dài!

Nhưng Nguyễn Ngọc Tư vẫn là Nguyễn Ngọc Tư. Tôi tin vậy. Cô chỉ
“hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” thế thôi…

ĐỖ HỒNG NGỌC

29-11-05

Đừng ngừng lại, nhe chị!

Thư gửi chị Nguyễn Ngọc Tư.

Đọc Cánh đồng bất tận, tôi không thấy bỡ ngỡ, bất ngờ như những độc
giả khác, có lẽ vì tôi chưa từng đọc những tác phẩm trước đây của chị.
Thông thường khi đọc một tác phẩm, dù thích hay không thích, tôi cũng
không có thói quen diễn đạt suy nghĩ của mình về tác phẩm – tác giả đó
với mọi người. Nhưng khi chị nói sẽ ngưng viết những tác phẩm như thế
này để trở về với “chiếc áo” thường ngày, tôi vội viết ngay lá thư này
để mong chị suy nghĩ lại.

Tôi biết yêu cầu chị tiếp tục với lối viết dữ dội như thế này là tôi
ích kỷ. Bởi vì, như chị đã tâm sự, rằng chính bản thân chị cũng “mệt
mỏi, kiệt sức, hoang mang” không biết đến bao giờ mới thoát khỏi “cánh
đồng bất tận”. Nhưng… Cánh đồng bất tận đã mở ra trong tôi những cảm
xúc, những suy nghĩ “bất tận” mà tôi biết mình sẽ rất tiếc nuối nếu
không còn có được những suy ngẫm, cảm xúc như thế với những tác phẩm sau
này của chị.

Tôi hi vọng bên cạnh “chiếc áo” quen thuộc chị vẫn sẽ tiếp tục xen
vào những “chiếc áo” tuy quằn quại, đau đớn và tàn nhẫn nhưng cũng rất
thật và đầy tình người. Những tác phẩm mộc mạc, giản dị về những người
nông dân đôn hậu, chất phác tuy mang đến cho người đọc sự nhẹ nhàng,
thanh thản hay mãn nguyện với những cảnh đời êm ấm, hạnh phúc nhưng rồi
tác phẩm đó cũng sẽ nhẹ nhàng trôi vào quên lãng, bởi vì độc giả đã mãn
nguyện, đã bằng lòng với diễn biến của truyện.

Chỉ khi nào tác giả bắt họ phải trăn trở, phải tức tối, phải nghẹn
ngào với những tâm trạng, những biến chuyển của nhân vật, khi đó tác
phẩm sẽ khắc sâu trong lòng người đọc.

Vì vậy, đừng ngừng lại chị nhé, hãy tiếp tục góp nhặt những vụn vặt
phũ phàng, nhẫn tâm, độc ác của cuộc sống để tạo nên những đứa con tinh
thần gai góc, ngang tàng mà như chị đã nói, làm nhiều người “ngợp thở”
nhé chị.

TRẦN THỤY ANH TRANG

Người đọc đã thích đọc sách văn học VN hơn

Đọc truyện ngắn Cánh đồng bất tận trên Tuổi Trẻ, tôi xin cảm ơn tác
giả đã cho tôi một góc nhìn rõ hơn về một phần cuộc sống của người dân ở
vùng sông nước. Với lối viết mộc mạc, chân thành nhưng sức nặng của từng
con chữ đã làm tôi cảm thấy buồn, trăn trở và thương cho những phận
người.

Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đăng, vì trên hết đó là một tác phẩm văn học,
nhưng đã tác động gián tiếp đến những vấn đề xã hội và “văn hóa đọc” cho
lớp trẻ. Từ trước đến nay, các tác phẩm văn học thường chỉ có một số ít
những người quan tâm đến văn chương tìm đọc và trao đổi, nên việc quyết
định đăng tác phẩm này trên báo là một cách nhìn mới, trẻ của báo, tạo
điều kiện cho người đọc cảm thấy yêu và thích đọc sách văn học VN hơn.

Mong rằng “câu chuyện cuộc sống” này có sức lan tỏa đến nhiều người,
để chúng ta thấy gần hơn, tin yêu và giúp đỡ nhau hơn trong một xã hội
mà sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt.

thaituyetdung5@…

Sách best-seller

Bạn đọc chọn mua tác phẩm Cánh đồng bất tận

tại nhà sách Fahasa TP.HCM sáng 28-11-2005 – Ảnh: T.T.D

1.800 bản sách Cánh đồng bất tận (của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ
xuất bản) đã bán hết tại các cửa hàng Công ty Phát hành sách
TP.HCM (Fahasa) trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua.

Đặc biệt từ 10g – 13g thứ bảy 26-11, tại cửa hàng 60-62 Lê
Lợi bán hết 130 quyển. Hiện nay giới đọc sách văn học đang rất
muốn đọc trọn vẹn cả câu chuyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn
Ngọc Tư sau khi báo Tuổi Trẻ trích đăng từ ngày 21-11.

Ông Phạm Minh Thuận, giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM,
xác định đây là bản sách văn học bán chạy nhất trong thời gian
kể từ sau sự kiện nhật ký Đặng Thùy Trâm đến nay.

“Chúng tôi vừa đặt hàng 5.000 bản nữa cho NXB Trẻ. Mới chỉ
phát hành hai ngày qua nên Fahasa chưa kịp bán sỉ, sắp tới sẽ
đưa sách về hệ thống các nhà sách ở các tỉnh”.

Giám đốc NXB Trẻ cho biết đợt đầu in 5.000 bản và hiện đang
tái bản, dự kiến đến thứ tư tuần này, sách tái bản sẽ được phát
hành.

LAM ĐIỀN

Tuổi Trẻ
25-11-2005

Nguyễn Quang Sáng

Nỗi nhớ qua Cánh đồng bất tận

Cách
đây hơn tháng, nhà văn Ngô Thảo từ Hà Nội điện cho tôi rằng anh sẽ vào
Sài Gòn, mượn tôi về Cà Mau để gặp tác giả Cánh đồng bất tận
hỏi tôi đã đọc chưa. Nói thật lòng là tôi chưa đọc. Tôi có một cái thói
là khi tôi viết tôi quên hết mọi sự và chẳng đọc của ai.

Nghe Ngô Thảo khen, tôi đành xếp giấy và đọc. Đọc
xong, tôi ngẩn ngơ… Tôi nhớ sông, nhớ rạch, nhớ rừng, nhớ miền đất U
Minh. Tôi người An Giang, người sống trên bờ sông Tiền, sông Hậu, hai
dòng sông mênh mông. Năm 16 tuổi, tôi theo bộ đội về với “cánh đồng bất
tận” của Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi là thằng học trò, đi học tôi đi xe ngựa, đi xe
đạp hoặc xe hơi, còn về “cánh đồng bất tận” thì đi xuồng. Thích nghi với
môi trường, tôi biết chèo. Một mình, xuồng hai chèo, từ Chắc Băng về
Rạch Ráng tôi chèo suốt đêm. Đúng là tôi chèo trên kinh, trên sông của
“cánh đồng bất tận” – vùng đất: Muỗi kêu như sáo thổi / Đỉa lền như
bánh canh
.

Trên những sông dài hun hút, ghe thương hồ xuôi
ngược suốt đêm, vừa chèo vừa hò đối đáp, qua câu hò ta có thể hình dung
được con người ấy cũng như con người bây giờ trong Cánh đồng bất tận.

Con cò nó mổ con lươn

Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi hôn

Tía tôi lịch sự quá chừng

Cái lưng mốc thếch cái đầu chôm bôm

như nhân vật đàn ông trong câu chuyện của Nguyễn
Ngọc Tư.

Tôi thường bật cười một mình mỗi khi nhớ lại một
câu hò:

Anh thương em từ đầu tới đít

Đêm anh muốn nằm khít bên em

Không hò, không chọc ghẹo nhau thì sức đâu mà đi
suốt con sông dài qua những cánh đồng bất tận.

Chín năm đánh Pháp, tôi đi khắp miền Tây, qua
nhiều cánh đồng, những cánh đồng đầy rùa rắn, qua nhiều vườn ổi, qua
nhiều rẫy khóm. Sau này tôi đã từng về lại chiến trường xưa – nhiều thay
đổi quá mừng quá vui. Tôi cũng về những vùng sâu xa, nơi là căn cứ cách
mạng, vẫn thấy đìu hiu, thấy đau lòng. Làm sao đây, làm sao đây hỡi
người có trách nhiệm!

Tôi đóng quân trong nhà dân, nhà bên con rạch, nhà
bên bờ kinh Xáng, nhà bên bờ kinh đi thẳng vào rừng sâu. Rừng tràm mênh
mông, rừng của chim cá, rùa rắn, ếch nhái, rừng của mật ong, rừng của
dây choại.

Người dân ở đây thường mang trong mình ba dòng
máu: người Kinh, người Tiều, người Khơme. Ba dòng máu, ba dòng văn hóa
trong một con người. Tính cách của người dân cũng có cái gì đó vừa chung
lại vừa riêng. Cần cù với ruộng rẫy, miệt mài trên sông nước, trung hậu,
sống đầy tình cảm, tình cảm đến mức có khi lạc lòng…

Cánh đồng bất tận khiến tôi thấy nhớ nhiều
chuyện quá – văn chương mà đánh thức kỷ niệm trong lòng người đọc và gợi
cho người đọc nghĩ ngợi nhiều điều là điều rất hiếm. Đó là sức mạnh của
văn chương, không phải nhà văn nào cũng làm được. Với tôi, Cánh đồng
bất tận
của Nguyễn Ngọc Tư hay là như vậy.

Nhà văn Ngô Thảo là người nhạy cảm, đánh hơi được
hương vị trong Cánh đồng bất tận nên cất công bằng đường bay,
đường bộ, đường sông tìm gặp tác giả, mua đứt cái miếng đất gọi là
Cánh đồng bất tận
để chuyển thành phim. Chuyện có, văn có, cảnh có,
nhân vật rất đậm nét, chỉ còn có hình có nhạc nữa là xong bộ phim. Sẽ là
bộ phim hay, tôi tin lắm.

NGUYỄN QUANG SÁNG

 

Người Viễn Xứ
16-11-05
Hoàng Tá Pháp phỏng vấn

Một GS kinh tế Việt kiều Mỹ
“mê”
Nguyễn Ngọc Tư

Trong một dịp tìm tư liệu về nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư trên internet, tôi thật sự ngỡ ngàng khi phát hiện có cả
một thư viện điện tử về tác phẩm của nhà văn này do một Việt kiều Mỹ là
Giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng “thiết kế và trông nom”.

Lời tự bạch thật nhẹ nhàng: “Tôi lập
trang này với mục đích, trước hết, cho tôi thu thập vào một nơi những
bài của (và về) Nguyễn Ngọc Tư rải rác trên web, và sau đó chia sẻ với
những bạn thích văn Nguyễn Ngọc Tư như tôi. Tuy nhiên, xin nhắc các bạn
là Nguyễn Ngọc Tư, như mọi nhà văn khác, phải mưu sinh. Tôi hi vọng các
bạn sẽ tiếp tục mua sách (và báo đăng truyện) của cô, và cổ động người
khác mua. Hãy cùng mong Nguyễn Ngọc Tư có một đời sống an bình, thoải
mái, để tiếp tục viết cho chúng ta. Xin cám ơn các bạn
– THD”.

Cũng thông qua nhịp cầu, thư điện tử,
chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng GS Trần Hữu Dũng, xung quanh việc
làm thú vị này.

PV: Làm công việc giảng dạy kinh tế
nhưng lại đam mê văn học, vậy xin cho hỏi con đường đến với văn học của
GS như thế nào?

GS THD: Tôi nghĩ “mê văn thơ” hầu như là
bản tính của mọi người Việt. Mang dòng máu Việt, tôi cũng vậy thôi.
Giảng dạy và nghiên cứu kinh tế là cái nghề sau này. Đáng lẽ phải nói
tôi là người đam mê văn chương mà vì hoàn cảnh đưa đẩy (và không đủ tài
để mưu sinh với nghiệp văn!) nên phải đi vào ngành kinh tế học, không
phải là ngược lại!

– GS đến với tác phẩm của nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư từ một cơ duyên nào?

– Tình cờ tôi đọc truyện “Mối tình năm
cũ” của cô trên mạng. Tôi sửng sốt! Rồi từ đó tôi tìm đọc tất cả những
gì cô viết.

– Điều gì từ các tác phẩm của nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư làm GS thích thú và hình thành một thư viện điện tử dành
cho các tác phẩm của nhà văn này?

– Trước hết, cô là một nhà văn có biệt
tài, trong văn phong cũng như trong những nhận xét vô cùng tinh tế của
cô, ai đọc cô cũng thấy điều đó. Thứ nữa là sự chân thật, đôn hậu, trong
sáng toả ra từ những gì cô viết (cả truyện lẫn bút ký). Nhưng có thể
điều làm người miền Nam như tôi xúc động nhất là những phương ngữ,
phương ngôn mà cô dùng. Tôi chưa bao giờ sống gần như trọn vẹn lại thời
thơ ấu, ở quê hương tôi, như khi tôi đọc văn Nguyễn Ngọc Tư.

– Thông qua, thư viện điện tử về các
tác phẩm của nhà văn, GS muốn gửi gắm điều gì chăng?

– Tôi không có một “thông điệp” nào cho
ai cả, chỉ muốn làm một việc nhỏ, vui cho tôi và chia sẻ với những bạn
thích văn Nguyễn Ngọc Tư ở bốn phương trời. Có vậy thôi.

– Trung bình mỗi ngày có khoảng bao
nhiệu lượt người truy cập vào thư viện điện tử này, thưa GS?

– Khoảng 500 người!

– Có lẽ cũng có ít nhiều phản hồi từ
các “du khách” khi vào website này? GS có thể chia sẻ một vài cảm nhận
mà các “du khách” đã gửi gắm?

– Vâng có rất nhiều người, từ mọi nơi
trên thế giới, viết mail cám ơn tôi về tủ sách Nguyễn Ngoc Tư. Có những
em sinh viên còn rất trẻ, cũng có những người trạc tuổi tôi. Nhiều người
xa quê hương đã lâu, người chỉ mới đây, người ở Hà Nội, người ở Cần Thơ.
Có điều lạ là đa số đều cho tôi biết là họ đã… khóc khi đọc truyện của
cô. Nhưng đó là những giọt nuớc mắt thương yêu, êm đềm… (tôi nghĩ
thế).

– Đến với văn chương như vậy, GS có
thấy rằng văn chương chia sẻ và hỗ trợ phần nào công việc của mình
không?

– Tôi không cho là văn chương hỗ trợ công
việc, hay ngược lại. Đời sống mỗi người chúng ta luôn luôn phong phú (dù
ta có biết thế hay không): văn chương, kinh tế, chuyện xã hội, chuyện
gia đình… chúng hoà quyện với nhau trong mỗi chúng ta. Và mỗi chúng ta
chỉ có một ta!

– Trong lần về nước gần đây, GS có thể
chia sẻ phần nào cảm nhận của mình với độc giả “người viễn xứ”.

– Mỗi lần về nuớc tôi thích giao du với
các bạn trẻ. Ở họ, và nhất là ở những người như Nguyễn Ngọc Tư, tôi thấy
tương lai một nuớc Việt Nam làm tôi vui và tin tưởng.

– Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện thú
vị này!

H.T.P (thực hiện)

Tuổi Trẻ
21-11-05

Cánh đồng bất tận,
bạn đã đọc chưa?

Sau rất nhiều năm buồn tẻ, đời sống
văn học vài ba tháng nay lại được hâm nóng một cách thầm lặng. Không tạo
nên những cuộc tranh cãi ồn ào nhưng sáng tác mới nhất của cây bút trẻ
Nguyễn Ngọc Tư đã và đang được người nọ truyền tai (và chuyền tay) người
kia.

Khi người đọc đã bắt đầu thấy quen
thuộc với những câu chuyện dân dã hồn hậu, khi Nguyễn Ngọc Tư như đã
không còn gây lạ nữa sau những tập truyện Biển người mênh mông,
Giao thừa, Nước chảy mây trôi… thì bất ngờ Cánh đồng
bất tận
của cô xuất hiện.

Một sự xuất hiện đủ sức gây ngỡ ngàng
bằng một câu chuyện man dại và khốc liệt. Vẫn là chuyện của những dòng
sông, những vùng đất dọc ngang kênh rạch nhưng mọi sự ở đây đều bị đẩy
đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng, yêu thương đến tận cùng, cái giá mà
con người ở đây phải trả cũng tận cùng oan nghiệt…

Một câu chuyện có mở đầu và có kết
thúc, sự hồn hậu vẫn còn đó nồng ấm mà cay đắng, nhưng cây bút 29 tuổi
của mảnh đất Cà Mau lần này làm sửng sốt người đọc nhiều lần hơn cái năm
cô 24 tuổi đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 (do NXB
Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức) với tập truyện Ngọn đèn không tắt.

Truyện viết xong vào tháng 7-2005, báo
Văn Nghệ đăng tải vào tháng chín, nhưng ngay cả trước khi truyện được
chính thức công bố, bằng cách nào đó nhiều người đã đọc Cánh đồng bất
tận
. Và cái tên Nguyễn Ngọc Tư ngay lập tức trở thành đề tài trong
các câu chuyện văn chương.

Mà cũng hiếm khi thấy như thế, không
phải truyện cấm phát hành, cũng chẳng phải truyện “khó ra” nhưng bản
thảo cứ được nhiều người hối hả truyền tay nhau đọc. Giống như một tin
vui, một điềm lành, dân “sành đọc” người nọ hỏi người kia “đọc Cánh
đồng bất tận
chưa?”…

THÚY NGA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *