Nhóm bạn trẻ là sinh viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM do Minh Tú, Ngọc Sơn (quê Quảng Nam) dẫn đầu thường xuyên có mặt ở hầu hết các chương trình nhạc đỏ tổ chức tại TP.HCM.
tin liên quan
Đắt show nhạc đỏ
Nhìn các bạn trẻ vừa bước vào tuổi 19, 20 hát vang những bài ca đi cùng năm tháng như: Bài ca đất nước, Đất nước, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca bên cánh võng, Tàu anh qua núi… mới hiểu nhạc đỏ vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trẻ. “Người lớn luôn nghĩ thế hệ còn trẻ như chúng em chỉ thích nghe nhạc trẻ, nhạc ngoại và ít khi say mê những bài ca hào hùng, truyền thống cách mạng. Nhưng thực tế chúng em không chỉ thích nghe ca sĩ hát mà mỗi lần đi karaoke, đi hoạt động phong trào… cả nhóm đều đồng thanh hát vang những ca khúc ấy”, sinh viên Minh Tú chia sẻ.
Nhìn các bạn trẻ vừa bước vào tuổi 19, 20 hát vang những bài ca đi cùng năm tháng như: Bài ca đất nước, Đất nước, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bài ca bên cánh võng, Tàu anh qua núi… mới hiểu nhạc đỏ vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trẻ. “Người lớn luôn nghĩ thế hệ còn trẻ như chúng em chỉ thích nghe nhạc trẻ, nhạc ngoại và ít khi say mê những bài ca hào hùng, truyền thống cách mạng. Nhưng thực tế chúng em không chỉ thích nghe ca sĩ hát mà mỗi lần đi karaoke, đi hoạt động phong trào… cả nhóm đều đồng thanh hát vang những ca khúc ấy”, sinh viên Minh Tú chia sẻ.
Không chỉ thể hiện sự yêu thích bằng việc hát lên và thưởng thức, không ít bạn trẻ còn thích được dàn dựng các tiết mục ca khúc nhạc đỏ. Diễn viên – biên đạo múa Ngọc Huyền (27 tuổi, vũ đoàn Phương Việt) cho biết cô yêu từng giai điệu, lời ca của những bài nhạc đỏ và mỗi khi được dàn dựng các ca khúc ấy cô rất hứng khởi. “Để thổi hồn vào một tác phẩm âm nhạc truyền thống, điều đầu tiên là phải hiểu và cảm nhận ý nghĩa ca từ của ca khúc đó, do đó em thường xuyên nghe, tìm hiểu những câu chuyện, bối cảnh lịch sử của các ca khúc… Sau mỗi chương trình, em thấm hơn những buồn, vui, gian khổ, sự hy sinh của ông cha ta vì độc lập dân tộc…”, Ngọc Huyền xúc động nói.
ẢNH: ĐỘC LẬP
Ca sĩ trẻ Ninh Đức Hoàng Long thể hiện ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh trong chương trình Nhớ lời di chúc theo chân Bác
Một biên đạo múa trẻ khác là Trần Quốc Sơn cho biết, mỗi khi nghe những ca khúc như Tự nguyện với lời ca “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”, lòng anh lại ngập tràn xúc động trước lý tưởng của lớp người đi trước. “Khi dàn dựng các tiết mục nhạc đỏ, tôi luôn mong muốn các bạn trẻ có thể cảm nhận những điều tuyệt vời từ các ca khúc cách mạng. Không có sự hy sinh của cha anh trong quá khứ, sẽ không có sự thanh bình hôm nay. Tôi học được qua các ca khúc ấy rằng trong gian khó, hiểm nguy, thế hệ cha ông chúng ta vẫn yêu đời, yêu người, vẫn có lý tưởng sống mạnh mẽ, vẫn luôn muốn cống hiến hết mình cho quê hương đất nước – điều ít thấy trong các ca khúc nhạc trẻ ngày nay”, Trần Quốc Sơn nhận định.
ẢNH: NGUYÊN VÂN
Khán giả trẻ trong một chương trình nhạc truyền thống cách mạng
Truyền lửa
Đạo diễn Cao Trung Hiếu (đạo diễn các chương trình lớn Câu chuyện hòa bình, Giai điệu tự hào, Khát vọng trẻ…) cho biết, qua những chương trình đã dàn dựng, anh nhận thấy: “Nhạc đỏ như một dòng chảy vừa thầm lặng vừa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Các dòng nhạc khác có lúc nổi lên rồi thoái trào, nhưng nhạc đỏ vẫn có vị trí quan trọng không thể thay thế”.
Theo Cao Trung Hiếu, do được sản sinh và gắn với một giai đoạn đấu tranh giành độc lập hào hùng của dân tộc, các ca khúc nhạc đỏ mang trong mình bao câu chuyện, không khí kỷ niệm của một thời không thể quên. Với ca từ hào hùng, trong sáng, hướng tới những cảm xúc tích cực, không ít bạn trẻ xem các ca khúc nhạc đỏ là nguồn khích lệ, nâng đỡ, nuôi dưỡng tinh thần trong đời sống hôm nay.
Mới 35 tuổi, đạo diễn Lê Việt đã có đến 17 năm dàn dựng cho dòng nhạc đỏ ở hàng trăm chương trình, sự kiện lớn nhỏ. Anh cho biết: “Tôi gắn bó cùng các hoạt động Đoàn, Hội, Đội… từ nhỏ (từng làm Liên đội phó, Phó bí thư đoàn trường, đội trưởng đội tình nguyện mùa hè xanh….) nên âm nhạc truyền thống, nhạc phong trào đã ăn sâu vào máu tôi. Càng lớn, tôi càng cảm nhận những ca khúc ấy ở những tầng nghĩa sâu sắc hơn”.
Trong nhiều chương trình, ca khúc truyền thống cách mạng qua sự thể hiện của các giọng ca trẻ đang được giới trẻ yêu thích như Phương Linh, Quốc Thiên, Uyên Linh, Võ Hạ Trâm, Đào Lê Mận, Vũ Thắng Lợi, Trung Quân, Ninh Đức Hoàng Long, Dương Hoàng Yến…; nhóm O-Plus, Uni5… đã được giới trẻ cổ vũ nồng nhiệt. Đây được xem là cách đưa nhạc đỏ đến với khán giả trẻ một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.