Người mẹ nuôi biến đứa trẻ mồ côi thành ‘thủ lĩnh trẻ’

TP HCMKhi đón đứa bé 5 tháng tuổi Lê Hoàng Phong từ tay anh công an, bà Hạnh chỉ biết cha mẹ cậu bé đều đã mất, cũng chẳng rõ tung tích người thân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, 70 tuổi, gọi Phong là “trẻ mồ côi cấp độ 1” ở làng trẻ SOS Gò Vấp, TP HCM. Những trẻ khác, đứa mất cả cha mẹ vẫn còn họ hàng, có đứa mất cha vẫn còn mẹ, người thì có cha mẹ nhưng không thể nuôi con, riêng Phong không chút thông tin về nguồn cội.

“Tui hay dặn mấy đứa, em nó thiệt thòi, bây phải thương lấy nó. Những đứa khác còn có người này người kia để trông ngóng, chứ nó gia đình, người thân chính là chúng ta”, bà Hạnh nhớ lại.

Theo trí nhớ của bà, năm 1992, Lê Hoàng Phong đến làng trẻ lúc 5 tháng tuổi, kèm giấy khai sinh. Cậu bé sinh ra ở ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ở cột cha mẹ đều ghi “đã chết” vì bệnh. Anh công an trao Phong cho làng trẻ nói, trên Phong còn một người anh bị mù. Nhưng hiện tại, chẳng ai biết người anh còn hay mất.

Trong công văn gửi làng trẻ SOS, Hội phụ nữ tỉnh Tây Ninh viết Phong mồ côi khi chưa tròn một tháng tuổi, được một cán bộ phụ nữ ấp 4, xã Suối Ngô nuôi dưỡng. Nhà nữ cán bộ nghèo, phải nhờ cả ấp hỗ trợ nuôi Phong. Cậu bé được gửi lại làng trẻ trong tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng độ 1.

Ngày rời đi, anh công an cắt ít tóc của Phong, dặn sẽ có ngày về tìm lại. Nhiều lần bà Hạnh vừa bế con vừa ngóng ra, mong người đó trở lại, mang chút tin tức về họ hàng của con nuôi. Mẹ nuôi chỉ muốn khi lớn lên, Phong biết chút gốc tích về mình, bớt chạnh lòng trước khó khăn trên những ngả đường mưu sinh. Nhưng 18 năm Phong ở làng trẻ, chưa ai trở lại tìm. “12 đứa con trong nhà, đứa nào tui cũng thương, nhưng tui muốn bù đắp cho nó nhất”, bà nói.

Ông Nguyễn Văn Phu, Phó giám đốc làng trẻ SOS Gò Vấp cho biết, ở làng trẻ, các mẹ đều là phụ nữ độc thân, không vướng bận gia đình để có thể dành tình yêu thương trọn vẹn cho các con. “Với mẹ Hạnh nói riêng và các mẹ ở làng trẻ nói chung, các con đều là ruột thịt”, ông nói.

Bà Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng các con trước sân nhà ở làng trẻ SOS. Phong là cậu bé gối đầu lên chân mẹ, lúc đó học lớp Ba. Ảnh: Phong Lê

Bà Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng các con trước sân nhà ở làng trẻ SOS, năm 2000. Phong là cậu bé gối đầu lên chân mẹ. Ảnh: Phong Lê

Về làng trẻ, Phong ốm dặt dẹo, mẹ nuôi phải bế đi khắp bệnh viện. Nghe nói có thầy ở Củ Chi chữa được, bà cũng mang về. Năm lớp 9, Phong tranh cãi với cô giáo, phải viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh tới. Trong đầu, đứa con nuôi nghĩ mẹ sẽ đánh mắng mình. Nhưng bà Hạnh trách ngược cô giáo không lắng nghe tâm tư của học trò, chưa hiểu ý đã trách phạt. “Mẹ bảo vệ tôi, thương tôi như một đứa con chứ không chỉ làm vì nghĩa vụ”, cậu vỡ ra.

Có lần, Phong sang nhà hàng xóm, cũng thuộc làng trẻ, nghịch phá nên bị chiếc gương lớn đập vào người, mảnh gương vỡ cứa khắp nơi. Bà Hạnh bế con vào bệnh viện. Bác sĩ bảo phải khâu 10 mũi ở mắt, 15 mũi ở đầu, bà khóc, nắm chặt tay Phong. “Khi tỉnh lại, tôi thấy mẹ vẫn đang nắm tay mình. Cảm giác sướng lắm, vì nghĩ mình cũng có một người yêu thương, vỗ về”, anh kể.

Tự nhận mình không hiểu biết nhiều, nhưng bà Hạnh luôn dặn dò Phong “con không có ai để tựa nên phải ráng học cho giỏi để làm chủ cuộc đời”. Ngày Phong trượt đại học, nhiều người khuyên nên cho đi học nghề. Bà Hạnh không nói gì, lặng lẽ đạp xe 30 km về quê ở Củ Chi mượn người thân một chỉ vàng, bán lấy tiền cho Phong đến trung tâm ôn luyện.

“Cầm chỉ vàng trên tay tôi vừa sợ vừa run. Nghĩ mình phải đậu cho bằng được. Lúc đó, tôi mới hiểu thế nào là hy sinh, dặn mình phải biết báo đền”, chàng trai nhớ lại. Phút đó, anh chính thức lao đầu vào ôn luyện. Năm 2011, Phong rời làng trẻ, trở thành sinh viên ngành Quốc tế học, trường ĐH Sư Phạm TP HCM.

Vừa đi học, Phong vừa làm gia sư, đi phục vụ quán cà phê, lúc đi phát tờ rơi, bưng bê. Dịp Tết, anh được người quen giới thiệu cho đi lau dọn nhà, bán hàng siêu thị. Trường bắt đầu ca học lúc 6h sáng nên Phong dậy trước đó hai tiếng, bắt qua 2-3 tuyến xe bus mới tới nơi. Sáng học, chiều anh làm nhân viên phục vụ quán tới sáng hôm sau.

Tiền kiếm được, Phong đều mang về gửi mẹ Hạnh giữ giùm. “Nhiều khi mệt mỏi, áp lực đến muốn bỏ cuộc, nhưng gọi cho mẹ, thấy mẹ cười, nếp nhăn xô vào nhau, tôi lại giục mình phải gắng lên”, anh nhớ lại.

Cuối năm hai đại học, Phong được một người anh quen trong làng SOS cho đi làm trợ lý phiên dịch các sự kiện. Ở đây, anh được trau dồi và truyền cảm hứng học ngoại ngữ. Sau những ngày vừa khổ luyện vừa thực hành, Phong trở thành phiên dịch cabin, từng dịch cho nhiều sự kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hồi đó, tình cờ đọc bút ký của một người phụ nữ hiện đại ưa xê dịch, Phong ước mình có thể ra nước ngoài để học hỏi thật nhiều. Anh về kể với mẹ nguyện vọng của mình, xin lại bà khoản tiền đã gửi. Chuyến đi đầu tiên của Phong là đất nước Malaysia.

Nghe có người mách qua cửa hải quan phải có 500 USD, bà Hạnh chạy đi mượn người thân. Hôm con nuôi sắp đi, bà dúi vào tay xấp tiền dặn “chỉ cầm để trình cho người ta thấy rồi mang về cho mẹ đi trả”.

Sau hành trình đầu được mẹ ủng hộ, hết bốn năm đại học, Phong đi hết các nước Đông Nam Á. Trở về sau mỗi chuyến đi, anh thấy lòng ấm áp khi biết có mẹ Hạnh đợi ở nhà. Vừa làm và trải nghiệm, Phong vừa tìm kiếm các cơ hội học tập để phát triển bản thân. “Càng lớn tôi càng sợ không sớm trưởng thành, sẽ chẳng còn cơ hội báo đáp mẹ”, chàng trai tâm sự.

Lê Hoàng Phong bên mẹ trong dịp sinh nhật năm 2018 (ảnh trái) và mỗi dịp lễ, Tết hay có tin mừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Hoàng Phong bên mẹ trong dịp sinh nhật năm 2018 (ảnh trái) và mỗi dịp lễ, Tết hay có tin mừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2017, Lê Hoàng Phong theo học thạc sĩ ngành Lãnh đạo giáo dục (Master of Educational Leadership) tại University of Malaya (trường top 1 Malaysia, top 40 thế giới về ngành giáo dục). Cuối năm 2021, anh là một trong bốn thủ lĩnh trẻ tương lai Việt Nam được lựa chọn vào chương trình kết nối các nhà lãnh đạo tương lai (Future Leaders Connect Program), một chương trình chính sách toàn cầu của Hội đồng Anh. Chương trình có sự tham gia của 63 bạn trẻ đến từ 13 quốc gia, được lựa chọn từ hơn 9.000 hồ sơ xuất sắc nhất trên toàn thế giới.

Hiện tại, anh là nhà sáng lập và giám đốc điều hành một doanh nghiệp xã hội, cung cấp các khóa học tiếng Anh tại TP HCM. Phong cũng là thành viên ban tổ chức Care Leaver International Community (Cộng đồng quốc tế trẻ mồ côi trên 18 tuổi), vận động chính sách nhằm hỗ trợ toàn diện cho các thanh niên mồ côi đã trưởng thành và rời khỏi các trung tâm, mái ấm, nhà mở trên toàn thế giới.

Đầu năm nay, đứa trẻ mồ côi háo hức về Củ Chi báo công với mẹ Hạnh, khi được Bộ Ngoại giao Mỹ trao học bổng toàn phần tham gia chương trình YSEALI Professional Fellowship (Sáng kiến thủ lĩnh Đông Nam Á), chủ đề Governance and Society (Quản trị và Xã hội).

Phong(chính giữa) tại Colombia năm 2019, khi tham quan học tập cộng đồng. Ảnh: Lê Phong

Phong(chính giữa) tại Colombia năm 2019, khi tham quan học tập cộng đồng. Ảnh: Lê Phong

“Trong bất kỳ sự kiện lớn nào trong đời, Phong cũng đón mẹ Hạnh đến dự, như một cách tri ân. Mỗi dịp lễ Tết, cậu ấy đều về lại làng trẻ thăm các mẹ, cán bộ nhân viên và các em đang sống trong làng. Chúng tôi rất vui và tự hào khi Phong đã thực sự trưởng thành”, Phó giám đốc làng trẻ SOS Gò Vấp, ông Nguyễn Văn Phu, nói.

Ba năm nay, mẹ Hạnh về hưu, dọn về nhà hưu trí của làng trẻ sống. Suốt hơn 30 năm ở làng trẻ, bà đã nuôi dạy, yêu thương khoảng 40 đứa con. Mỗi dịp lễ Tết, cũng như Phong, các con lại bế cháu nội, cháu ngoại về thăm người mẹ nay tóc đã ngả bạc. Đầu năm nay, bà Hạnh ốm một trận thập tử nhất sinh, các con bà người ở Australia, người ở Mỹ… cũng kéo nhau về thăm nom, săn sóc.

“Với nhiều người, mồ côi là bất hạnh, nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Nhờ tình yêu và sự bao dung của mẹ, của làng trẻ, tôi đến với đời mà không cô đơn”, chàng trai nói.

Phạm Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *