Nghị luận xã hội về tình mẫu tử

Tài liệu hướng dẫn nghị luận về tình mẫu tử do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp em tìm hiểu kĩ đề bài, lập dàn ý và mở rộng vốn từ qua tham khảo một số bài văn nghị luận hay về tình mẫu tử.

Hướng dẫn làm bài

nghị luận xã hội về tình mẫu tử

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

1.

Phân tích đề

– Yêu cầu: trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử trong xã hội hiện nay.

– Dạng đề: Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những sự việc, con người quan sát được trong thực tế đời sống.

– Phương pháp lập luận chính : giải thích, phân tích, bình luận.

2.

Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích khái niệm về tình mẫu tử

Luận điểm 2: Biểu hiện của tình mẫu tử

Luận điểm 3: Vai trò, ý nghĩa của tình mẫu tử

Luận điểm 4: Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử.

3.

Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu vấn đề: tình mẫu tử.

– Dẫn dắt vào bài bằng các tình cảm cao quý trong cuộc sống của mỗi người: tình cảm gia đình, tình anh em, tình cảm bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước…

– Nhấn mạnh tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt quan trọng

a) Thân bài

* Giải thích khái niệm về tình mẫu tử:

– “mẫu” có nghĩa là mẹ, “tử” có nghĩa là con

=> Theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con.

– Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, thể hiện sự gắn bó, yêu thương và chăm sóc, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.

* Biểu hiện của tình mẫu tử

– Mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che cho con ngay từ những ngày đầu chập chững.

– Khi lớn lên, mẹ cũng luôn sát cánh cùng con trên đường đời đầy gian lao, thử thách

– Mẹ dành cả cuộc đời lo lắng cho con mà không mong một sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, trưởng thành.

– Mẹ luôn tha thứ mọi lỗi lầm của con.

(Lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống và trong văn học)

– Sự kính trọng, quan tâm, lo lắng của con khi mẹ ốm đau bệnh tật.

* Vai trò, ý nghĩa của tình mẫu tử

– Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người bởi:

+ Đó là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.

+ Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.

+ Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm (lấy dẫn chứng thực tế)

+ Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái – truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay (dẫn chứng)

– Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh (dẫn chứng).

– Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.

– Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống

* Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử:

– Tình mẫu tử là tình cảm vô cùng bao la, rộng lớn và vĩ đại, mẹ là người đã suốt đời hi sinh vì con. Chính vì thế con cái cần biết trân trọng những tình cảm đó và phải sống làm sao để xứng đáng với tình cảm đó.

– Không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội để đền đáp lại những tình cảm cao cả mà mẹ dành cho ta. Bởi điều mà mỗi người mẹ mong muốn chỉ là con mình khôn lớn nên người.

– Không được có những hành động trái với đạo làm con như vô lễ, bất kính với mẹ, đối xử không tốt với mẹ, hay hơn cả là sử dụng bạo lực, bỏ rơi mẹ của mình. Đây như một tội ác không thể tha thứ được.

– Có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình : biết vâng lời, nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ; siêng năng học hành để không phụ công ơn nuôi dưỡng, quan tâm, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất.

– Phê phán những hành động đi ngược lại với đạo lí: mẹ bỏ rơi con hay con đối xử không tốt với mẹ, bỏ mặc mẹ.

c) Kết bài

– Khái quát lại vai trò, ý nghĩa quan trọng của tình mẫu tử.

– Rút ra bài học cho bản thân.

Ví dụ: Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi người. Cần trân trọng tình cảm ấy, sống làm sao cho thật xứng đáng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Như lời Phật răn dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc – đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

4.

Sơ đồ tư duy

nghị luận về tình mẫu tử

Sơ đồ tư duy nghị luận xã hội về tình mẫu tử

Một số bài văn lớp 12

 nghị luận về tình mẫu tử hay nhất

Bài số 1:

Mỗi khi nhắc về mẹ, chắc hẳn trong lòng mỗi con người chúng ta không ai là không khỏi xao xuyến, bồi hồi. Bởi mẹ chính là người đã chăm sóc, nuôi nấng ta khôn lớn từng ngày vượt qua bao gian lao, vất vả, vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Vì vậy mà khi viết về mẹ Nguyễn Duy đã viết: “Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Tình mẹ cao cả và bao la, một thứ tình cảm đẹp đến mãnh liệt.

Hai câu thơ có tính hàm súc và sâu lắng trong một bài thơ xúc động viết về mẹ. Vẻ đẹp của hai câu thơ thật trữ tình: thể hiện ở cảm xúc vừa lắng đọng, vừa thiêng liêng, mang nặng triết lý: mấy lời mẹ ru biểu tượng cho tình cảm yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho con. Cách nói đi trọn kiếp cũng không đi hết khẳng định tình mẹ là vô cùng thiêng liêng cao cả và bất tử; là bao la vô tận, không sao có thể đền đáp hết được. Ý thơ cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.

Tình mẫu tử là tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở,…mà người mẹ dành cho con. Tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả nên sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời.

Vâng, từ xưa đến nay, trong đời sống của mỗi con người có vô vàn mối quan hệ tình cảm hết sức tinh tế, phức tạp và phong phú, nhiều thứ tình cảm cao đẹp như tình cảm với ông bà, tình cảm anh chị em, tình bạn, tình yêu, tình cảm với quê hương đất nước, thì tình cảm cao quý nhất, thiêng liêng nhất và vĩnh cửu nhất, có vị trí đặc biệt, thiêng liêng và sâu nặng nhất có lẽ, bao giờ cũng là tình mẫu tử… Vì đó là tình cảm đầu tiên của mỗi người khi sinh ra và sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”… Lòng mẹ, cũng chính là tình mẫu tử. Đó là một thứ thiêng liêng, quý giá xuất phát từ tâm hồn long lanh như pha lê, dịu ngọt như dòng suối của mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình. “Mẫu” là mẹ, “tử“ là con. Hai từ này hầu như chưa bao giờ xa cách, ví như cho dù họ có cách xa bao lâu, bao xa thì tâm hồn của mẹ và con luôn hòa quyện vào nhau.

Khi con còn bé thơ, từ lúc vừa chào đời đã được bàn tay của mẹ dỗ dành, nâng niu. Một chút lớn nữa, mẹ cũng là người đỡ từng bước đi đầu tiên. Khi đi học, cũng có những lúc con ham chơi khiến mẹ buồn lòng nhưng bà vẫn không bao giờ buồn hay hờn trách con, luôn chỉ bảo cho con thứ gì đúng, thứ gì sai. Tất cả những điều ấy đã đều chứng minh được thế nào là tình mẹ. Mẹ hi sinh tất cả để dành cho con những gì tốt đẹp nhất, mẹ thức trắng đêm trông nom khi con ốm, mẹ lận đận sớm hôm để lo cho cuộc sống con được trọn vẹn, mẹ long đong sớm chiều vì công việc để lo cho con đủ miếng cơm, manh áo…sự vất vả, tận tụy ấy không thể kể hết được bằng lời.

Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Bởi mẹ chính là người đã chăm sóc nuôi nấng ta từng ngày, vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời là người chắp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng. Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho mỗi đứa con sau mỗi lần vấp ngã; là nơi mỗi người con như chúng ta có thể thổ lộ mọi điều thầm kín; là hình ảnh thu nhỏ của những ước mong, những khát khao thanh bình và hạnh phúc, là nguồn động viên, là tình yêu, là cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở, là niềm tự hào chính đáng của một con người. Từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, trưởng thành, mẹ luôn dõi theo từng bước chân của con. Khi con vấp ngã, mẹ sẵn sàng nâng con dạy. Khi con vui hay buồn, mẹ luôn là người ở bên con, chia sẻ và động viên con. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Những người mẹ, ai đã chẳng từng một lần mang nặng đẻ đau, từng vắt cạn kiệt dòng sữa đời mình nuôi con khôn lớn?… “Con dù lớn, vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con”. Tình mẹ ấm áp như vầng thái dương, dịu hiền như dòng sông xanh. Ngay từ những ngày đầu, mẹ là người nâng đỡ, yêu thương chúng ta. Ngay cả khi lớn lên, mẹ vẫn sát cánh cùng chúng ta trên con đường đời đầy gian lao và thử thách. Tình mẫu tử cao quý ấy không gì có thể sánh bằng.

Tình yêu thương của mẹ dành cho con là vô cùng thiêng liêng, cao cả là bất tử, là bao la vô tận, không sao có thể đền đáp hết được. Phải chăng tình mẫu tử chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại: Thật cao quý và may mắn biết bao đối với những ai còn mẹ. Không có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Mẹ luôn quan tâm đến con, dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Tình yêu thương cùng những lời chỉ bảo ân cần của mẹ sẽ là hành trang quý báu giúp con vào đời. Chính tình mẫu tử sẽ là sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Có một nhà văn đã nói: “Con chẳng bao giờ cúi mặt trước uy nghi… Nhưng khi đứng trước mẹ con thấy mình nhỏ bé làm sao”. Đúng vậy, dù sau này ta có vị trí trong xã hội hay… gì gì đó đi chăng nữa, thì khi đứng trước mẹ, con vẫn chỉ là đứa trẻ tội nghiệp, yếu ớt cần sự chở che, đùm bọc. Cuộc sống của con sẽ ra sao nếu không có mẹ, chẳng thể nào nói hết được tình mẹ đối với con cái. Chỉ biết rằng mỗi chúng ta cần biết trân trọng thứ tình cảm thiêng liêng đó. Đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng hiện đại, thì vai trò của người mẹ càng được khẳng định. Người mẹ không chỉ chăm lo cho gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, với những đứa con tuổi mới lớn mẹ còn là người bạn, người chị luôn quan tâm, chia sẻ những tâm tư nhiều khi phức tạp của con. Chính điều đó mẹ trở nên gần gũi con hơn bao giờ hết…

Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có mẹ. Những ai đang còn mẹ thì hãy biết quý trọng và giữ gìn nó… Đại văn hào Nga Macxim Gorki đã viết: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ, hỏi còn đâu?”. Hãy trân trọng từng giây phút, dẫu rằng đôi khi mẹ không phải là người hiểu ta nhất trong những người bạn của ta, có thể không đồng ý với những suy nghĩ của chúng ta, nhưng người ấy vẫn là mẹ!!! Hãy luôn là những đứa con ngoan, tu dưỡng đạo đức, học thật giỏi để đền đáp những công lao, những tình cảm mà mẹ đã dành cho chúng ta. Hiện nay, trong xã hội không hiếm những kẻ bất hiếu, làm cho mẹ phải khóc không thiếu những kẻ sống lạnh nhạt. Đó là những hành vi mà chúng ta phải lên án, ngoài ra còn cần cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người. Đó là nhiệm vụ của bản thân chúng ta. Câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” có giá trị hơn nhiều lần những bài luân lí nói về lòng nhân hậu, tình người, tình mẫu tử. Sức mạnh của văn chương nghệ thuật thật cực kì sâu xa. Mẹ không thể sống đời với chúng ta vì thế hãy quan tâm mẹ hơn khi còn ở bên cạnh bạn.

Có những thứ khi đã qua rồi thì không bao giờ lấy lại được. Tình cảm của mẹ như ánh sáng trên cao, bóng mát trên cao, như dòng sữa ngọt ngào. Cuộc đời thật công bằng biết bao khi đã cho cho mỗi người chúng ta thứ gọi là “tình mẫu tử“… Tình mẫu tử của mẹ và con là thứ tình cảm đáng quí nhất mà suốt cuộc đời này những đứa con sẽ mãi trân trọng. Dù “tung cánh muôn phương”, con vẫn sẽ mãi mang theo tình mẫu tử cao đẹp mà mẹ dành cho con. Những ai đang và đã được nhận tình mẫu tử thiêng liêng ấy, hãy cố gắng trân trọng và giữ gìn vì nếu như một ngày nào đó nếu tình cảm ấy không còn thì cuộc sống này sẽ trở nên tẻ nhạt. Ôi ! Tình mẫu tử thật cao đẹp biết bao.

Lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con. Đọc hai câu thơ tuy giản dị nhưng thật thấm thía đủ để mỗi con người khi nhắc đến người mẹ, họ luôn nghĩ đến một tình cảm thật bao la, chân thành và ấm áp chứa chan bao tình yêu thương.

Mẹ như vạt nắng bình minh

Đem nguồn nhựa sống để dành cho con.

Sáng soi như mảnh trăng tròn 

Hành trình mẹ vẫn đầu non cuối ghềnh.

Tham khảo thêm: Tuyển tập văn nghị luận hay bàn về văn học và tình thương

Bài số 2:

“Nghe tiếng mẹ ơi bỗng lặng người

Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

Ví mà con đổi thời gian được

Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”

Tình mẫu tử là gì? Nếu ai đó hỏi tôi như vậy thì có lẽ tôi sẽ không thể trả lời chính xác được, nhưng tôi có thể dùng cả cuộc đời mình để nói cho bạn biết sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Đối với tôi, tình mẫu tử là thiêng liêng hơn cả. Không có một khái niệm nào chỉ rõ cho chúng ta tình mẫu tử là gì? Nhưng với tôi tình mẫu tử là tình yêu thương, là sự hi sinh, sự che chở và bao dung của mẹ đối với con mình.

Mẹ là người luôn sát cánh bên bạn tròn suốt chặng đường đời. Từ khi bạn vừa đặt chân tới thế giới này mẹ là người ôm bạn vào lòng, che chở bạn suốt chín tháng mười ngày để rồi hồi hộp chờ đợi đến ngày được gặp bạn, mong mỏi lắng nghe tiếng khóc chào đời của đứa con yêu dấu.

Tôi không may mắn như các bạn, khi tôi sinh ra đã không còn bố, mẹ vừa phải là mẹ vừa là cha chính mình. Tuy chẳng bao giờ mẹ đánh hay mắng la tôi đến nửa lời trong mắt mẹ tôi mãi là một đứa trẻ thiếu tình thương của cha và mẹ luôn cố gắng bù đắp cho tôi hết mức có thể, cho tôi hiểu được phần nào tình mẫu tử từ mẹ dành cho tôi. Vì vậy, nhiều khi tôi cảm thấy ghét cái gọi là đồng tiền, nó làm mẹ mệt mỏi.

Mẹ luôn thức khuya dậy sớm để làm hàng kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Cũng chính những áp lực từ cuộc sống làm mẹ suy nghĩ rất nhiều, phải trăn trở. Tôi thương mẹ lắm, muốn lớn thật nhanh để có thể đỡ mẹ. Dù cuộc sống này có khó khăn đến đâu thì mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi và luôn che chở cho tôi.

Nhiều khi bố mẹ nhắc nhở chúng ta phải mặc áo ấm, cố gắng học nhé rất nhiều lần là chúng ta cảm thấy bố mẹ thật phiền phức nhưng chỉ khi bạn có gia đình, ban làm cha, làm mẹ thì bạn sẽ hiểu vì sao bố mẹ lại lo lắng cho mình đến như vậy – bởi vì điều đó chính là tình mẫu tử.

Đừng nóng vội vì sau này khi mẹ bạn mất đi bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào để nghe những câu nói ấy nữa. Chẳng điều gì có thể thay thế mẹ trên cuộc đời này. Hãy tôn trọng từng giây phút bên mẹ dẫu rằng đôi khi mẹ không phải là người hiểu lòng mình nhất, có thể không đồng ý với những suy nghĩ và quyết định của bạn nhưng người ấy vẫn là mẹ của bạn.

Đối với tôi cuộc sống hạnh phúc không hẳn là cuộc sống phải đầy đủ tiền tài vật chất. Đôi khi sống trong nhung lụa nhưng tận sâu trong tim bạn vẫn cảm thấy thật sự không hạnh phúc vì khi đó mẹ đã không còn nữa. Cuộc đời của chúng ta như một cuốn phim và nếu có thể có quay ngược lại cuốn phim ấy tôi xin được trở về với tuổi thơ bên mẹ, được mẹ chăm sóc yêu thương.

Trong tình bạn cũng có những người bạn tốt, bạn xấu, trong tình yêu có người thủy chung có người phản bội nhưng chỉ riêng tình mẫu tử là không bao giờ có hai từ “phản bội”. Với mẹ bạn luôn là đứa trẻ cần được che chở. Hãy nhớ yêu thương và kính trọng mẹ. Dù bạn ở đâu, đi đến bất cứ đâu nơi nào mẹ vẫn là người luôn dõi theo, yêu thương, lo lắng cho bạn nhất. Chẳng ai ngoài mẹ yêu thương bạn vô điều kiện đến vậy.

Tình mẫu tử đối với mỗi chúng ta là tình cảm thiêng liêng nhất. Chẳng ai ngoài mẹ yêu thương bạn vô điều kiện đến vậy. Xin hãy cho tất cả những người mẹ trên thế gian này luôn được khỏe mạnh để chúng con không ai phải cài hoa hồng trắng lên ngực trong ngày lễ vu lan và cảm thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên.

Bài số 3:

Trong cuộc đời của mỗi con người đều có rất nhiều mối quan hệ xung quanh mình, từ mối quan hệ giữa những người thân máu mủ ruột thịt, rồi đến những người có quan hệ họ hàng, những mối quan hệ xóm giềng, bạn bè, đồng nghiệp và cả những mối quan hệ xã giao ngoài xã hội. Tuy nhiên, hẳn ai cũng có cảm nhận rằng tình mẫu tử trong dòng chảy chung của mối quan hệ tình cảm gia đình là có vị trí quan trọng đặc biệt với mỗi người hơn cả, vừa có sự bền chặt, vừa có sự thiêng liêng khiến con người ta cảm thấy tin yêu nhất trong cuộc đời mình.

Theo cách giải nghĩa thông thường nhất thì có thể biết đến “mẫu” là mẹ, còn “tử” nghĩa là con. Tình mẫu từ là tình cảm thể hiện mối quan hệ mẹ con. Nhưng cũng theo cách lý giải thông thường nhất, với cách nhìn nhận khách quan nhất thì tình mẫu tử là muốn hướng đến cách cảm nhận về tình yêu thương, sự chăm sóc, nâng niu, bao bọc, chở che và hy sinh của người mẹ dành cho người con của mình.

Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người. Con người ta đến được với cuộc đời là công lao sinh thành của cả cha lẫn mẹ, nhưng người có sự gắn bó với ta nhiều hơn lại là mẹ, quá trình mang thai mang nặng đẻ đau trong 9 tháng 10 ngày thật không hề dễ dàng, rồi sinh ra con, những ngày tháng đầu mẹ vất vả thức khuya dậy sớm lo bú mớm dỗ dành cho con. Không thể đong đếm được những sự mệt nhọc mẹ phải trải qua trong những tháng ngày đầu đời của con. Mẹ là người sinh ra con, mẹ rất thiết thực và thấu tỏ điều đó, tất cả những gì mẹ có thể biết, có thể hiểu đó là dành những tình yêu to lớn từ tận sâu trong trái tim mình dành cho con, cùng con nói lên tiếng nói đầu tiên trong cuộc đời dù chỉ là bi bô gọng ghịu, cùng con bước nhưng bước chân đầu tiên trên đường đời. Nhìn con từng ngày lớn khôn trong vòng tay mẹ, mẹ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, đối với mẹ con là tất cả, là niềm vui của mẹ, cũng là nỗi lo lắng to lớn nhất của mẹ. Những chuyện mà con cảm thấy không vui thì cũng là nỗi buồn của mẹ.

Mẹ là người bao dung với ta nhất trong cuộc đời, dù ta có vấp ngã, có mắc sai lầm thì mẹ cũng là người luôn lo lắng, quan tâm đến ta một cách thiết thực nhất, những người mẹ, tình yêu thương của mẹ có sức mạnh vô cùng to lớn, nó có thể giúp ta vượt lên trên tất cả. Tình mẫu tử là thứ tình cảm đem lại sự tin tưởng tuyệt đối cho con người, nó đến với cuộc sống, thể hiện giữa cuộc đời nhiều mặt sáng tối một cách rất tự nhiên. Trong thời chiến ngày xưa, những hình ảnh người mẹ che chắn mưa bom bão đạn không hề thiếu, trong xã hội hiện đại, những người mẹ bị bệnh nhưng vẫn thiết thực hy sinh bản thân mình cho vận mệnh của con.

Tình mẫu tử là thứ tình cảm trân quý vô cùng. Chính bởi vậy đạo hiếu với bậc sinh thành, dưỡng dục cũng là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Được sống trong sự bao bọc của tình mẹ là điều hạnh phúc nhất cuộc đời. Đã có rất nhiều những mảnh đời mồ côi cả cha lẫn mẹ, đối với họ cuộc sống gia đình nơi có bố, có mẹ yêu thương là niềm mơ ước lớn lao. Chính vì vậy con người ta cần phải biết quan tâm đến mẹ của mình, hãy luôn biết ơn những gì mẹ dành cho mình chứ đừng nghĩ đó là nghĩa vụ hay bổn phận mà một người mẹ phải làm.

Đã có rất nhiều những hành động trong xã hội đã không có nhận thức đúng đắn và thiết thực trong những mối quan hệ về tình mẫu tử. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay nghĩ thoáng quá mức trong chuyện yêu đương để rồi có thai ngoài ý muốn. Nhưng điều đáng được lưu tâm và nói đến đó là việc họ vẫn chưa đủ nhận thức và bỏ qua trách nhiệm của mình để rồi có những hành động như phá thai hay có khi sinh ra con nhưng cũng bỏ rơi nấm ruột của mình. Một vấn đề nữa cũng rất đáng nói đó là có những trường hợp những người mẹ đối xử tệ với con mình, áp đặt những tư tưởng của mình lên con cái, không cho con cái những quyền tự do cơ bản được làm những điều mình muốn. Những hành động ấy cần phải bị lên án. Đó chỉ là những trường hợp thiểu số nhưng cũng cần có cái nhìn bao quát và khách quan để hướng tới một môi trường sống thiết thực nhất. Phận làm con luôn phải biết hiếu kính với mẹ, thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà mẹ phải chịu đựng để biết cảm thông, biết nỗ lực để sống tốt, sống có ích, đền đáp công ơn của mẹ.

Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất của cuộc đời mỗi người. Tình yêu thương con của những người mẹ là rộng lớn mênh mông vô cùng. Yêu thương con, mẹ có thể làm tất cả vì con, hy sinh để giành những điều tốt nhất cho con. Không phải ai và cũng không phải mối quan hệ tình cảm nào trong cuộc đời mỗi con người có thể vượt qua sự lớn lao và cao thượng của tình mẫu tử.

Có thể bạn quan tâm: Những bài văn mẫu hay nói lên suy nghĩ của em về mẹ

Văn nghị luận về tình mẫu tử lớp 10

Bài mẫu 1:

Trong cuộc sống này, có thể có rất nhiều thứ tình cảm chân quý, nhưng có lẽ thứ tình cảm thiêng liêng nhất, cao đẹp và vĩnh cửu nhất chính là tình mẫu tử.

Theo phiên âm Hán Việt thì từ “mẫu” có nghĩa là mẹ, “tử” có nghĩa là con. Tình mẫu tử chính là tình cảm yêu thương, sự chăm sóc nuôi dưỡng của người mẹ dành cho con. Đó là thứ tình cảm bình dị những cũng thật cao quý của mỗi con người. Có lẽ vì thế mà có vô vàn những mĩ từ tình mẫu tử thiêng liêng.

Thứ tình cảm thiêng liêng ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc đời mỗi con người. Đó là thứ tình cảm đầu tiên mà chúng ta nhận được khi chúng ta xuất hiện và trở thành những sinh linh bé nhỏ trong cuộc đời này. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, người mẹ phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Nào là những cơn nghén khó chịu, là những cơn đau nhức mình mẩy, là tăng cân, là mất dáng, là hàng ngàn thứ bất tiện, khó khăn… nhưng nhìn thấy đứa con yêu thương của mình chào đời, có lẽ niềm hạnh phúc sẽ xua tan đi tất cả những mệt nhọc ấy. Mẹ cũng là người ru cho ta những câu hát đầu tiên, nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn ta lớn lên mỗi ngày. Mẹ là người ân cần theo sát những bước chập chững đầu tiên của cuộc đời và cả trên đường đời sau này. Không chỉ là người chăm cho ta từng bữa cơm giấc ngủ, mẹ cũng là người thầy đầu tiên dạy ta những đạo lý làm người qua lời ru, qua những bài học giản đơn.

Nguyễn Duy có viết: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Dù ta có trưởng thành, có khôn lớn thì lòng mẹ vẫn mãi dõi theo, yêu thương và động viên ta từ phía sau. Mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc mỗi khi ta vấp ngã. Là cái nôi dịu ngọt êm ái mỗi khi ta mệt mỏi. Là người bạn để ta tâm sự, gửi gắm những yêu thương. Là nguồn động lực vững vàng để ta đứng dậy tiến về phía trước. Cuộc đời của mẹ vất vả là thế, tảo tần là thế tất cả cũng chỉ vì những đứa con. Có thể nói, cuộc đời của con chính là những trang nhật ký của người mẹ.

Tình mẫu tử thương liêng, cao đẹp là thế nhưng nó lại là thứ tình cảm vô cùng tự nhiên, thứ tình cảm bản năng của những người phụ nữ. Thứ tình cảm ấy được truyền từ đời này qua đời khác và ngày một tha thiết và sâu đậm hơn. Nó không còn là thứ tình cảm đơn thuần, mà nó còn là trách nhiệm của mỗi người phụ nữ.

Hạnh phúc biết bao khi được sống trong sự chở che, chăm sóc của mẹ. Những thứ đơn giản như một bữa cơm gia đình, một cái xoa đầu dịu dàng, một cái ôm ấm áp của mẹ cũng là điều hạnh phúc. Thế nhưng, trong cuộc sống của chúng ta vẫn có những người thiếu may mắn, thiếu đi hơi ấm yêu thương của mẹ. Những con người thiệt thòi ấy cần được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Chẳng có mĩ từ nào có thể miêu tả hết được vẻ đẹp của tình mẫu tử. Tuy nhiên, thực tế xã hội hiện nay vẫn có những người mẹ dắp tâm phá bỏ hay bỏ rơi những đứa con bé bổng của mình. Chúng ta có thể bắt gặp không ít những thông tin về những đứa trẻ bị bỏ rơi, những vụ trẻ em bị bạo hành do chính bố mẹ đẻ hay những vụ con cái ngược đãi cha mẹ… Đó là những hành vi đáng lên án và cần có những biện pháp để thay đổi nhận thức hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tình mẫu tử không chỉ là tình mẹ dành cho con, mà nó còn là lòng yêu thương, sự kính trọng của những người con đối với mẹ. Niềm hạnh phúc của mẹ là con, chính vì thế, mỗi người con phải biết ơn và trân trọng thứ tình cảm cao đẹp mà mẹ đã dành cho mình. Phải biết nỗ lực, rèn luyện và hoàn thiện bản thân để xứng đáng với những công lao vất vả mà cha mẹ đã bỏ ra. Bởi vì sau này, mỗi chúng ta cũng sẽ là cha, là mẹ, sẽ hiểu được sự yêu thương và săn sóc mà cha mẹ đã dành cho mình để rồi trao nó lại cho những đứa con bé bỏng.

Tình mẫu tử cao đẹp và rộng lớn như những mạch nguồn bất tận. Thật khó có thứ gì có thể so sánh với những công lao, những hi sinh vất vả mà người mẹ dành cho con: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ mãi theo con”.

Bài mẫu 2:

Bạn biết không? Trong chính cuộc sống này, có thể có rất nhiều thứ tình cảm chân quý, nhưng không thể phủ nhận được thứ tình cảm thiêng liêng nhất, cao đẹp và vĩnh cửu nhất chính là tình mẫu tử thân yêu của mỗi người trong cuộc sống.

Nếu như chúng ta xét theo phiên âm Hán Việt thì từ “mẫu” ở đây cũng có nghĩa là mẹ, còn đối với từ “tử” có nghĩa là con. Tựu chung lại thì chính tình mẫu tử chính là tình cảm yêu thương, đó cũng còn là một sự chăm sóc nuôi dưỡng của người mẹ dành cho con. Hay tình mẫu tử cũng chính là một thứ tình cảm bình dị những cũng thật cao quý của mỗi con người chúng ta. Tình mẫu tử đẹp như vậy, thiêng liêng như vậy cho nên khi nói về tình mẫu tử ta lại có được những mĩ từ riêng thật đẹp cho tình cảm thiêng liêng này.

Thực sự mà nói thứ tình cảm mẫu tử thiêng liêng ấy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc đời mỗi con người chúng ta. Quả thực đó cũng chính là những thứ tình cảm đầu tiên mà chúng ta nhận được khi chúng ta xuất hiện và trở thành những sinh linh bé nhỏ trong cuộc đời đầy những điều kỳ diệu này. Trong suốt khoảng thời gian chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, người mẹ cũng phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, trải qua biết bao nhiêu sự hi sinh vất vả. Mới đầu khi đứa con hình thành trong bụng mẹ thì cũng đã gây cho mẹ những phiền toái nhất định, nào là những cơn nghén khó chịu, hay đó còn là các cơn đau nhức mình mẩy, là tăng cân không kiểm soát được, nào là mất dáng, là hàng ngàn thứ bất tiện, khó khăn đến với người mẹ. Thế nhưng đáng nói ở đây chỉ cần con yêu khỏe mạnh và được chào đời thì thực sự đây sẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của người mẹ. Niềm vui khi nhìn thấy con yêu thật khó tả biết bao nhiêu, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khổ cực sẽ bị đẩy lùi đi nhanh chóng. Mẹ cũng chính là câu hát ru để đưa con thơ vào giấc ngủ nuôi. Mẹ cũng chính là người thầy đầu tiên dạy cho con nhỏ biết đạo lý làm người qua các bài học tưởng chừng như thật giản đơn. Luôn lo lắng đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho con và chăm sóc con thơ thành người.

Cho dù ta có trưởng thành, có khôn lớn đến như thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn rằng lòng mẹ vẫn mãi dõi theo, luôn luôn yêu thương và động viên ta từ phía sau. Không ai có thể phủ nhận được mẹ cũng chính là điểm tựa tinh thần vững chắc mỗi khi ta vấp ngã trên đường đời. Mẹ được ví như chính là cái nôi dịu ngọt êm ái mỗi khi ta mệt mỏi, ta chán chường và mất niềm tin vào cuộc sống. Mẹ lại là người bạn để ta tâm sự, gửi gắm những yêu thương tình cảm của mình một cách dễ dàng nhất. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu khi có được mẹ, người mẹ là nguồn động lực vững vàng để ta đứng dậy tiến về phía trước để đi đến thành công, đi đến hạnh phúc. Để rồi cứ mỗi khi ta nghĩ về cuộc đời của mẹ với biết bao nhieu bộn bề là vất vả là bao sự tảo tần chỉ vì những đứa con. Không sai chút nào khi ta nói cuộc đời của con chính là những trang nhật ký của người mẹ vậy.

Trên đời này thì tình mẫu tử vô cùng đẹp, cao thượng nhưng nó cũng lại là một thứ tình cảm vô cùng tự nhiên mang tính bản năng của người phụ nữ. Thật hạnh phúc biết bao khi được sống trong sự chở che, sống trong sự chăm sóc của mẹ. Đâu cần những hành động quá cao cả mà ta có thể cảm nhận được tình mẹ thông qua một bữa cơm gia đình đầm ấm, là những đêm con ốm có mẹ chăm sóc cẩn thận. Tạo hóa không thể nào mang nhiều điều tốt đẹp hết đến với con người cho nên trong cuộc đời con người sẽ gặp phải nhiều vấp ngã, nhiều phút yếu lòng,… Và tạo hóa đã sinh ra mẹ để giúp cho con người có thể đứng vững trong cuộc sống, để tận hưởng hạnh phúc nữa.

Tình mẹ không bao giờ có một mĩ từ nào có thể nói hết được. Thật đáng thương cho ai không có được tình mẹ bao bọc, họ phải cố gắng gồng mình lên để có thể chống chọi lại cuộc sống khó khăn này. Còn một điều đáng nói là trong thực tế xã hội hiện nay thì vẫn có những người mẹ vô trách nhiệm, thiếu tình thương họ cũng đã bỏ hay bỏ rơi chính đứa con bé bỏng của chính mình. Con số nạo phá thai hay tình trạng bạo lực gia đình từ người mẹ cũng ngày càng gia tăng. Ngược lại thì tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ, thực sự đây là hành động đáng lên án và cả xã hội phải có cách nhìn nhận riêng, đồng thời cũng lại có các biện pháp thay đổi nhận thức để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng tình mẫu tử không chỉ là tình mẹ dành cho con, mà tình mẫu tử cũng chính còn là lòng yêu thương, sự kính trọng của những người con đối với mẹ nữa. Có thể nói rằng cũng chính niềm hạnh phúc của mẹ là con được khỏe mạnh và hạnh phúc. Con cái là tài sản vô giá đối với mẹ, có lẽ chính vì thế, mỗi người con chúng ta cũng phải biết ơn và trân trọng thứ tình cảm cao đẹp, thứ tình cảm xuất phát từ sự chân thành mà mẹ đã dành cho mình. Là phận làm con cũng cần phải biết nỗ lực, phải biết rèn luyện và đồng thời cũng cần phải biết hoàn thiện bản thân để xứng đáng với những công lao trời biển, công lao vô cùng vất vả mà cha mẹ đã bỏ ra. Lý do cũng chính là vì sau này, mỗi chúng ta cũng sẽ là cha, là mẹ và khi đó chúng ta chắc chắn cũng sẽ hiểu được sự yêu thương và săn sóc mà cha mẹ đã gửi gắm, đã dành cho mình để rồi trao nó lại cho những đứa con bé bỏng mà mình đã mang nặng đẻ đau.

Tóm lại thì tình mẫu tử cao đẹp và rộng lớn như những mạch nguồn bất tận đối với mỗi người. Trên đời này cũng thật khó có thứ gì có thể so sánh với những công lao hay những hi sinh vất vả mà người mẹ dành cho đứa con thân yêu, bé bỏng của mình.

» Top 5 bài nghị luận hay bàn về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

Nghị luận xã hội về tình mẫu tử

Tuyển tập văn nghị luận về tình mẫu tử lớp 9

hay và cảm động

Bài số 1:

Mọi nguời sinh ra đều mang trong mình một tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả. Tình mẹ ấm áp, bao dung dành cho con hay tình cảm kính trọng yêu quý của những đứa con dành cho mẹ mình cùng bao điều tốt đẹp.

“Mẹ!“ – thật thiêng liêng và cao đẹp biết bao. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, là người chắp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng. Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Tình mẹ ấm áp như vầng thái dương, dịu hiền như dòng sông xanh. Ngay từ những ngày đầu, mẹ là người nâng đỡ, yêu thương chúng ta. Ngay cả khi lớn lên, mẹ vẫn sát cánh cùng chúng ta trên con đường đời đầy gian lao và thử thách. Tình mẫu tử cao quý ấy không gì có thể sánh bằng.

Và cũng chính vì vậy mà những đứa con luôn trân trọng điều ấy. Chúng ta phải đáp lại những tình cảm mà mẹ dành cho mình qua những biểu hiện cụ thể. Chúng ta phải siêng năng học hành, nghe lời cha mẹ. Như vậy, tình mẫu tử càng trở nên cao cả hơn. Tình mẫu tử được thể hiện trong các câu hát, câu thơ mượt mà và sâu lắng. Có câu hát nói rằng “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”, tình mẹ bao la, vô tận được so sánh như biển Thái Bình rộng lớn.

Nếu thử tưởng tượng một ngày chúng ta không có mẹ sẽ ra sao ? Lúc ấy, cuộc sống này thật tẻ nhạt, vô vọng. Mẹ là nguồn ánh sáng, soi lối, dẫn đường cho chúng ta. Mẹ là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Mẹ là niềm hi vọng, nguồn động viên mỗi khi ta vấp ngã. Mẹ là tất cả cuộc sống của những đứa con. Tình mẫu tử của mẹ và con là thứ tình cảm đáng quí nhất mà suốt cuộc đời này những đứa con sẽ mãi trân trọng. Dù “tung cánh muôn phương”, con vẫn sẽ mãi mang theo tình mẫu tử cao đẹp mà mẹ dành cho con. Những ai đang và đã được nhận tình mẫu tử thiêng liêng ấy, hãy cố gắng trân trọng và giữ gìn vì nếu như một ngày nào đó nếu tình cảm ấy không còn thì cuộc sống này sẽ trở nên tẻ nhạt. Ôi! Tình mẫu tử thật cao đẹp biết bao.

Bài số 2:

Tình mẫu tử – một chủ đề quen thuộc với những ai học văn trên khắp thế giới. Tình yêu thương là sự lo lắng của đấng sinh thành dành cho những đứa con của mình – đó có thể là tình cảm trong sáng nhất của con người.

“Cha mẹ nuôi con chẳng mong ngày đền đáp”. Và trong cái khung cảnh lạnh lẽo, lầy lội của bức ảnh trước mắt khi mẹ dắt con đi trong mưa, tôi không hề cảm thấy sự cô đơn, lạc lõng. Bởi ở đây có hiện diện của tình mẫu tử trong hình dáng mộc mạc và đẹp nhất của nó.

Người đời vẫn nói: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của vạn vật, không riêng gì con người. Chính vì thế, dù trong hình thể của những con vật hiền lành hay tồn tại trong tâm của loài ác thú thì bản năng làm mẹ vẫn luôn giành phần chiến thắng.

Bản thân tôi không biết định nghĩa tình mẫu tử như thế nào bởi một đứa con trai ham chơi như tôi không thể đủ kinh nghiệm để diễn tả điều đó. Nhưng tôi có thể diễn tả lại cho các bạn cảm nhận của tôi về tình mẫu tử.

Không biết như thế nào và tại sao nhưng người đầu tiên mà ánh mắt tôi luôn tìm kiếm đó là má tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của má tôi trong bếp, lòng tôi lại được trấn tĩnh lại.

Tôi sinh ra trong một gia đình “người Bắc điển hình” với người bố gia trưởng và khó tính. Cố nhiên một đứa con ương bướng và nghịch ngợm như tôi luôn phải chịu những trận đòn từ bố. Những lúc ấy, má tôi sẽ đóng vai một cô y tá để sơ cứu cho bệnh nhân là tôi. Bàn tay má nhẹ nhàng xoa lên những vết bỏng rát sao mà dễ chịu đến thế. Những trận đòn roi vì nghịch ngợm trải dài khắp tuổi thơ tôi cho đến ngày vào lớp 10. Cũng có lẽ vì thế mà tôi thân với má hơn bố.

Rồi tôi nhớ có lúc phải vào viện (do ngày bé tôi hay tắm mưa nên viêm phổi triền miên), sốt cả tháng liền chỉ được ăn cháo má mang đến. Cháo má nấu dở lắm, vừa loãng lại vừa mặn. Sau này tôi mới biết cháo mặn do má trộn thuốc vào nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chịu ăn. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần bị bệnh, tôi lại được ăn món cháo ấy. Hương vị của nó có lẽ đi theo suốt cả cuộc đời tôi.

Nếu các bạn hỏi tình mẫu tử xuất phát từ đâu thì xin lỗi tôi cũng không thể giải nghĩa được. Có lẽ đó là nguồn sức mạnh tối thượng tồn tại trong mỗi người mẹ chăng?

Tình mẫu tử thiêng liêng là thế, cao quý là thế, ấy vậy mà vẫn có người dám vấy bẩn chỉ vì lợi ích cá nhân, chỉ vì đồng tiền? Những bà mẹ tuổi teen chẳng phải chỉ vì lỗi lầm mà đang tâm coi rẻ tình mẹ con, thậm chí vứt bỏ tình máu mủ ruột rà.

Lại thêm những đứa con bất hiếu chỉ vì tranh nhau mảnh đất mà đẩy mẹ ra đường. Lại cả những người con giả dối, khi mẹ còn sống thì lạnh lùng, khinh khỉnh, lúc mẹ mất mới ma chay long trọng.

Đó là chưa kể những người mẹ vì thương con mù quáng mà suốt đời o bế con cái, khiến chúng trở nên hư hỏng. Những chuyện như vậy vẫn đầy rẫy quanh cuộc sống chúng ta.

Nhưng may thay những điều trên chỉ là thiểu số, bởi đúng như bản chất tình mẫu tử là hướng về cái tốt. Những ông, bà, bố, mẹ thương con nhiều vô kể. Hành động luôn tốt hơn lời nói. Một cử chỉ bằng vạn lời “Mẹ yêu con”.

Tôi không cần kể thêm ví dụ nữa, bởi ngoài kia có biết bao người mẹ tuyệt vời, hãy bước ra đi và tự cảm nhận, các bạn của tôi. Tôi không biết các bạn ra sao nhưng đối với tôi, tôi không dám nhận mình là một đứa con có hiếu. Bởi tôi chưa làm tròn được chữ hiếu với má tôi.

Từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn là gánh nặng mà cả cuộc đời má tôi phải gánh lấy. Lúc nhỏ thì má luôn phải lo lắng cho sức khỏe của tôi, lớn lên má lại lo lắng cho tính ngang ngạnh của tôi. Tôi và bố cãi nhau luôn. Những lúc ấy má lại là người giảng hòa. Má là người nín nhịn nên nào có cãi lại bố. Sau những lần cãi vã như thế, má tôi khóc suốt. Những lúc ấy tôi chỉ muốn chạy xuống nhà ôm má nhưng cái tôi trong tâm trí lại cản tôi lại. Sao tôi lại hèn yếu như vậy, sao tôi lại để má khóc? Không, tôi vẫn chưa xứng đáng là người đàn ông trong nhà. Má ơi con biết má phải chịu nhiều áp lực khi sống trong mái nhà như thế này. Má ơi, giá mà con có thể hiểu được điều ấy sớm hơn. Con không cần phải chứng tỏ mình với bố nữa, xin hãy là con người vui vẻ như ngày nào má nhé. Bức ảnh mẹ dắt con trên xe qua nơi nước ngập gợi cho tôi nhiều suy nghĩ mà có lẽ người vụng về như tôi không nói hết được bằng lời.

Các bạn, đôi khi những người mẹ có thể cáu gắt và khó chịu. Xin hãy hiểu cho họ, đừng nhìn vào lời nói, hãy nhìn vào hành động của con người. Mẹ có thể cáu gắt nhưng trái tim mẹ luôn rộng mở ấm áp vì con. Lời nói của mẹ có thể khó nghe nhưng chúng ta luôn cảm nhận được những gì tốt đẹp nhất mẹ dành cho con. Tôi chẳng cần nói nữa có lẽ các bạn biết mình cần làm gì. Về phần tôi, có lẽ tôi vẫn là đứa con có lớn mà không có khôn. Má ơi đứa con bất hiếu này xin lỗi má”.

Tham khảo thêm bài văn phân tích ý nghĩa câu thơ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Bài nghị luận về tình mẫu tử hay nhất lớp 8

Có thể nhận thấy được rằng cũng chính tình mẫu tử trong xã hội hiện nay đang có nhiều cách nhận thức cũng như những hành động trái chiều. Dù như thế nào đi chăng nữa thì ta cũng sẽ nhận thấy được tình mẫu tử là một trong những tình cảm thật thiêng liêng. Tình mẹ cũng sẽ giúp cho con người có thể giúp cho những đứa con khi vấp ngã thì cũng lại có một điểm tựa thật vững chắc trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Mỗi người trong chúng ta lại có một cách định nghĩa, một cách hiểu khác nhau về tình mẫu tử là tình thương yêu, đó cũng còn là sự hi sinh cũng như chở che hơn hết đó cũng chính là bao dung của người mẹ đối với con của mình. Không ai có thể phủ nhận được đó cũng chính là thứ tình cảm vừa tự nhiên, vừa cao cả, theo mỗi người suốt cuộc đời của mỗi con người.

Từ nhỏ chúng ta được sinh ra đó cũng chính là do người mẹ đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày biết bao nhiêu khó nhọc thì đứa con mới có thể được ra đời, nhìn thế giới bên ngoài như thế nào. Ngay từ những ngày đầu khi đứa con còn chập chững, mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che đầu tiên. Con lớn lên bằng sữa của người mẹ và khi những hè nóng bức gió từ bàn tay của người như phe phẩy chiếc quạt nan ngày đêm khó nhọc. Không những thế giấc ngủ cuat đứa con yêu như lớn lên bằng chính lời ca tiếng hát của người mẹ. Con cái lớn lên trong sự thương yêu vô bờ bến của người mẹ. Người mẹ tảo tần luôn luôn lo lắng cho từng bữa ăn giấc ngủ của con yêu khi từ nhỏ.

Thế rồi khi con người chúng ta lại lớn lên, mẹ cũng luôn sát cánh cùng ta trên đường đời đầy gian lao, thử thách của cuộc sống bên ngoài. Mẹ chính là người luôn luôn ở lại lắng nghe khi con vấp ngã. Và quan trọng nhất cũng không bao giờ bỏ được đứa con của mình đã đứt ruột đẻ ra. Người mẹ luôn quan tâm cũng như vỗ về đứa con yêu, cho dù con có làm những điều sai trái đi đến đâu đi chăng nữa thì lòng mẹ dường như cũng thêm quặng thắt đau gấp bội nhưng không bao giờ bỏ con.

Mẹ chính là người mà cũng đã dành cả cuộc đời lo lắng cho các con mà không mong một sự đáp đền. Bởi chúng ta cũng biết được đó. Chính niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, nhìn thấy các con được trưởng thành. Ta không thể nào cầm nước mắt được khi nghe câu chuyện của gia đình thủ môn Bùi Tiến Dũng trong giải U23 Châu Á năm 2018 vừa qua, mà chủ yếu là người mẹ của Bùi Tiến Dũng kể lại câu chuyện từ hồi nhỏ gia đình cũng rất khó khăn. Và ước muốn của bậc làm cha, làm mẹ như mẹ của thủ môn xuất sắc – người hùng của dân tộc Việt Nam chỉ mong con được trưởng thành, có được cuộc sống hạnh phúc. Người mẹ này cũng đã ngồi một góc nhà không dám xem con và đồng đội đá trận bóng trong cơn mưa tuyết vì thương con quá! Còn có rất nhiều những tấm gương nói về tình mẫu tử thiêng liêng nữa. Trong những năm tháng chiến tranh những người mẹ đã tiễn chồng, tiễn con ra mặt trận mà đớn đau như cắt từng khúc ruột. Vì mẹ biết các con đi sẽ rất hiếm quay trở về nhưng lòng mẹ không lúc nào trông ngóng dù biết là mòn mỏi.

Thực tế cho chúng ta nhận thấy được tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống đầy khó khăn này. Đồng thời tình mẫu tử dường như cũng đã lại làm cuộc đời ấm áp hơn bao giờ hết. Người con đi xa làm sao không nguôi nhớ về gia đình của mình nhớ về người mẹ tần tảo của mình được cơ chứ. Thế rồi cũng chính người mẹ ở nhà cũng héo mòn mong mỏi con. Ta cũng đã biết đến câu chuyện cổ tích “Cây vú sữa” nói về người con ham chơi không nghe lời mẹ đã bỏ nhà đi. Người mẹ mong nhớ con mà chết đã hóa thân thành cây vú sữa không quên cho ra những trái có nước sữa thơm ngon cho người con. Đôi mắt mẹ đỏ hoe mong con về như chiếc lá vú sữa vậy.

Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng thì trong thực tế đã có rất nhiều những người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ cốt nhục của mình, họ như cũng đã hành hạ và có nhiều hành động ngược đãi con đẻ của chính mình. Và những người như vậy họ thật mất hết nhân tính. Đồng thời hiện tượng lại có những người lợi dụng tình mẫu tử đánh đập, hành hạ trẻ em là không nên. Còn có biết bao trường hợp có những đứa con tệ bạc với cha mẹ, đứa con đó như không chăm sóc, phụng dưỡng những lúc mẹ già tuổi cao sức yếu mà đã cho bố mẹ vào viện dưỡng lão. Thế rồi còn có trường hợp nuôi cha mẹ mà lại đánh đập tàn nhẫn, cho ăn uống kham khổ và đuổi bố mẹ ra khỏi nhà. Thực sự đây là những thực tế đáng buồn vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.

Mỗi người trong chúng ta cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ tình mẫu tử. Ta nhận thấy được cần phải có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình. Đó có thể là những việc làm thể hiện được sự biết vâng lời, luôn luôn nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ đồng thời cũng phải siêng năng học hành để không phụ công ơn nuôi dưỡng cũng như rất quan tâm và thường xuyên giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất bạn nhé!

Tình mẫu tử là một tình cảm thiêng liêng và không thứ tình cảm nào có thể sánh được. Mỗi người hãy tự ý thức được trách nhiệm làm con của mình để báo đáp công lao trời biển của cha mẹ. Đồng thời những người mẹ cũng phải quan tâm và yêu thương con cái của mình. Chắc chắn cuộc sống này sẽ trở lên tốt đẹp hơn rất nhiều.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý chi tiết về cách làm bài và lập dàn ý cho bài văn nghị luận về tình mẫu tử. Dựa trên gợi ý đó kết hợp với những hiểu biết của bản thân về tình mẫu tử, các em hãy tự viết lại thành một bài nghị luận hoàn chỉnh, có thể tham khảo vốn từ ngữ hay từ các bài văn mẫu phía trên. Chúc các em làm bài tốt !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *