“Nét chữ nết người” là câu thành ngữ mà ắt hẳn người dân Việt Nam nào cũng biết, cũng thuộc và cũng được nghe ngay từ những ngày đầu tiên làm quen với con chữ, từ lời răn của bà, từ lời khuyên của mẹ, từ lời dạy của cô. Cũng từ những ngày bé xíu ấy, chúng ta luôn được nhắc nhở rằng phải viết thật đẹp, thật sạch mới thành người giỏi giang và tư tưởng này đã luôn được mặc định trong tâm trí mỗi chúng ta ngay từ khi biết cắp sách tới trường. Chúng ta đều dễ dàng đồng ý với nhau rằng, những người viết chữ đẹp luôn mang lại thiện cảm rất tốt cho mọi người xung quanh ngay từ giây phút tiếp xúc đầu tiên với những con chữ ấy. Người ta thường đi theo lối mòn suy nghĩ rằng, chữ viết đẹp đồng nghĩa với người viết chữ cũng “đẹp”. Mà đẹp ở đây là đẹp cả về hình thức lẫn tính cách và tâm hồn của người viết.
Cha ông ta thường nói “Nét chữ nết người”, chính là những kinh nghiệm được đúc kết qua hàng trăm năm khi nhìn vào nét chữ mà đoán định được tâm tính của con người. Tùy vào từng nét thanh, nét đậm của chữ viết mà ta có thể hình dung được tính cách và tâm hồn của người viết. Ngoài việc truyền tải ý nghĩa câu chữ, cách các ký tự được viết ra, từ độ nghiêng, độ sắc nét, đậm nhạt, cũng như khoảng cách mỗi ký tự cũng đều biểu đạt được phần nào tính cách của người đó. Tương truyền rằng, ở thời kỳ phong kiến, rất nhiều vị vua đã dựa vào cách viết chữ để lựa chọn quần thần. Các bậc quân vương tin rằng, những người có nét chữ đậm là những con người của hành động, luôn có ý chí mạnh mẽ, tự tin, có khả năng ảnh hưởng đến người khác, thích hợp nơi chiến trường khốc liệt. Ngược lại, những người viết chữ quá nhạt thường thiếu tự tin, nhạy cảm, thiếu sinh lực bền bỉ, không thích hợp với chốn quan trường.
Trong tư tưởng của người Việt, người có nét chữ đẹp là những người giỏi giang, có trí thức, tính cách thanh cao và chỉn chu trong cuộc sống. Gặp người có nét chữ đẹp, người ta thường trầm trồ ngắm nhìn và buông những câu ngợi khen không tiếc lời. Mỗi người trong chúng ta đều luôn mong muốn có được sự kính trọng của những người trong xã hội, cho dù sự kính trọng đó bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Bởi thế nên, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng mong muốn mình sở hữu một nét chữ thật đẹp. Phong tục khai chữ đầu năm, xin chữ thầy đồ cũng từ đó mà hình thành.
Thời kỳ phong kiến, phàm những người có chữ thường là người có gia cảnh khá giả hoặc là người hiếu học, ham mê con chữ mà lấy đó làm nghiệp tiến thân. Xưa muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè rượu) đến nhà thầy đồ xin chữ. Thầy đồ dựa trên sự thông hiểu của mình, dựa trên nguyện vọng của người cầu chữ mà ban chữ. Một chữ đó thôi cũng gắn với ước vọng cả năm của người được nhận. Nói thì không khó nhưng việc cầu được con chữ là điều rất gian nan. Người viết phải dùng cả Thần – Trí – Lực của mình để họa ra chữ nên yêu và giữ chữ mình vô cùng. Người xin chữ cũng vì mến mộ, trọng chữ mà đến xin. Được hay không đều do duyên phận cả. Bởi thế cho nên nhà nào có chữ của thầy đồ nổi tiếng treo trong nhà, câu đối treo hai bên bàn thờ dịp tết đến xuân về là nở mày nở mặt với mọi người, là vận may cả năm coi như ùn ùn tới.
Thời bây giờ, xin chữ đầu năm không còn là phong tục phổ biến đối với nhiều gia đình hiện đại nữa. Ngay cả tục lệ khai bút cũng dần bị mai một. Việc xin chữ cũng trở nên dễ dãi hơn. Hay nói chính xác hơn, là ngày nay người ta đi “mua chữ”. Trải qua một thời kỳ bát nháo, khi số lượng thầy đồ biến tướng, chuyện cho chữ đầu năm trở thành kinh doanh. Người cho chữ có những thời điểm còn không hiểu hết ý nghĩa của con chữ, người mua chữ về cũng chỉ vì a dua mong may mắn đến bản thân mà không coi trọng con chữ được cho. Người ta kháo nhau rằng, có một cậu bé học sinh năm lớp 12 rủ bạn bè đi xin chữ lấy may để thi Đại Học. Sau bao nỗ lực chen lấn, cậu cũng xin được chữ Đậu viết trên giấy đỏ lồng trong khung kính treo trước bàn học làm động lực và bùa may cho kỳ khoa cử sắp tới. Cho đến tận vài năm sau cậu mới nhận ra chữ Đậu cậu treo là chữ Đậu từ thực vật chứ phải Đậu – Đỗ Đạt như cậu mong muốn. Câu chuyện vui về sự cảnh giác này là thực trạng của những năm người người đổ xô làm thầy và bán chữ ngoài văn miếu. Người bán chữ đã không đủ khả năng cho chữ, người mua chữ cũng không hiểu chữ mình nhận được. Phần nhiều các bạn trẻ đi xin chữ đầu năm để lấy “lộc chữ” mà không hiểu nhiều về con chữ. Cũng có một phần khác là vì yêu kính một nét chữ cổ mà hòa vào dòng người.
Thời gian gần đây, khi xã hội phát triển văn minh và hiện đại hơn, những tưởng các phong tục tập quán cũ của dân tộc cũng sẽ bị mai một theo thời gian nhưng nhờ tinh thần hiếu lễ, tôn sư trọng đạo, ham học hỏi mà tục lệ khai bút đầu Xuân, và xin chữ cầu may năm mới lại được nở rộ và phát triển mạnh mẽ trở lại. Phong tục này đã quay trở lại và được định hình một cách tốt đẹp trong lòng người dân. Thế hệ trẻ sau khi trải qua giai đoạn quá độ cũng bắt đầu hưởng ứng và chú trọng hơn đến nét đẹp này. Việc xin chữ không còn chỉ là nhu cầu thể hiện mà còn là sự gìn giữ, bảo tồn và duy trì một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các hình ảnh ông Đồ ngày Tết lại được hiện hữu rộn ràng chứ không chỉ còn trong sách vở và những trang báo cũ.■
Trần Dương Anh