Năm Dậu tìm gà trong câu đối, thành ngữ, tục ngữ

Năm Dậu tìm gà trong câu đối, thành ngữ, tục ngữ

18/01/2017 14:01


Nhân năm Dậu đến, xin bới bếp tìm một ít thành ngữ, tục ngữ và câu đối mà nhân dân và các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa bảng xưa có nói về và liên quan đến con gà góp vui cùng bạn đọc.

Nhân nói về vẻ đẹp bề ngoài của gà và con người, người xưa có câu :

Gà đẹp mã vì lông, người dễ trông về của. Lại có câu :

Con gà tốt mã vì lông,

Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men.

Nhân chuyện gà cùng một mẹ, người xưa nhắn nhủ việc dân một nước, anh em trong một nhà phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau :

Khôn ngoan đối đáp người ngoài,

Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau.

Nói về cảnh bơ vơ gà lạc mẹ – con…

Gà con lạc mẹ, gà con chiu chít,

Gà mẹ lạc con, miệng tục chân bươi,

Anh gặp em đây chúm chím miệng cười,

Năm ba phần thảm, chín mười phần thương.

Nói về kẻ hèn kém, chỉ biết làm ăn, kiếm chác quanh quẩn nơi quen thuộc, không có tầm nhìn xa trông rộng, không làm nên được sự nghiệp lớn lao :

Gà què ăn quẩn cối xay

Hát đi hát lại tối ngày một câu.

Gà què ăn quẩn cối xay

Ăn đi ăn lại cối này một câu.

Năm 2017 là năm con gà

Nguyễn Bính (1918-1966), nhà thơ, tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ở xóm Trạm, thôn Thiên Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nổi tiếng với thơ lục bát truyền thống. Tác phẩm nổi tiếng như các tập thơ: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi, Hương cố nhân, mười hai bến nước, v.v… Ông có sáng tác câu đối, lại dùng cả chữ Hán lẫn chữ Pháp làm câu đối:

Chuồng gà kê áp chuồng vịt;

Chú chuột ra bớp chú bò.

(Kê: gà, áp: vịt, ra: chuột (rát); bớp: bò (bang).

Phạm Đình Toái (1818-1901), Tự Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh, người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Đậu Cử nhân khoa Nhâm Dần – Thiệu Trị 2 (1842). Làm quan đến Án sát Bình Định. Bố chánh, Hiệp lý thương trường, bị cách, phục chức Điển tịch, về hưu phong Hồng lô tự khanh. Ông bổ sung sửa chữa “Quốc sử diễn ca”. Tác phẩm: Đường thi diễn ca, Trung Dung diễn ca, Quốc âm diễn ca…Vua Thành Thái ban cho ông bức đại tự “Hiếu học hành thiện”. Ông có công chiêu dân lập ra một làng mới ở huyện Quỳnh Lưu, nên được dân làng thờ làm phúc thần – Thành hoàng làng. Ông có làm đôi câu đối để nói về việc lập làng vào năm Quý Dậu:

地從季酉開基矢

蔭字庚辰見效來

Địa tòng Quý Dậu khai cơ thỉ;

Ấm tự Canh Thìn kiến hiệu lai.

Khai đất lập làng từ Quý Dậu;

Đặt tên của xóm đến Canh Thìn.

Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), hiệu là Ngọc Đường, Hiến Đình và Lương Giang tướng công. Sinh ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu (10-5-1825), quê ở xã Lương Điền, tổng Thái Xá, nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông hay chữ học rộng, nhớ nhiều, được người đời mệnh danh là “Tủ sách bụng”, đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867), đậu Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1871) cùng khoa với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Phó bảng Lê Doãn Nhạ. Làm quan đến Biện lý Bộ Hình. Vì kiên quyết xin Triều đình chống Pháp nên bị cách chức. Ông về quê dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp, được Tôn Thất Thuyết cử làm Hiệp đốc quân vụ An Tĩnh. Năm 1887, ông bị bắt, cho an trí ở Huế cho đến khi mất.

Ông từng ứng khẩu vế đối khi đi hỏi vợ vì bị cô gái được hỏi ra vế đối rất hóc hiểm. Trong vế ra có bóng trăng xuyên qua lỗ thủng mái ngói như những quả trứng gà nơi ba nơi bốn quả. Vế đối của ông thâm thúy, nói được chí của ông không phải bậc tầm thường, tài năng như sóng nước sẽ được lan tỏa vang xa và làm cho cô gái phải xiêu lòng trắc ẩn:

Vế ra của cô gái:

屋漏月穿形雞卵三三四四

 Ốc lậu nguyệt xuyên hình kê noãn tam tam tứ tứ;

Nhà thủng bóng trăng xuyên qua, trứng gà nơi ba, nơi bốn quả;

Vế đối của Nguyễn Xuân Ôn:

池中波動影籠令萬萬千千

Trì trung ba động ảnh lung linh vạn vạn thiên thiên.

Mặt ao sóng động hình lan toả, lung linh nghìn lớp, vạn sóng lan.

– Vế ra đối của Phan Thị Nhâm con gái Huấn đạo Phan Triển, người được gả cho Nguyễn Xuân Ôn.

Ông từng sáng tác câu đối để răn dạy con, khi con đã trưởng thành:

一片功名一片辱

十年事業十年憂

Nhất phiến công danh nhất phiến nhục;

Thập niên sự nghiệp thập niên ưu.

Một miếng công danh một miếng nhục;

Mười năm sự nghiệp mười năm ưu.

Tú Mỡ (1900-1976), tên thật là Hồ Trọng Hiếu, quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng tác nhiều thơ và câu đối trào phúng. Có câu các cụ quan chức xã, huyện xưa hay bắt dân đóng góp tiền bày đặt tiệc cỗ linh đình để kiếm miếng ngon bồi bổ sức khỏe. Các miếng ngon có của lợn, của gà, đặc biệt món phao câu gà các cụ thích nhất được nêu lên đầu các món như một miếng ăn bẩn của các quan tham:

Lộc thánh thừa ơn, các cụ trong dân hỉ hả, phao câu, bồ dục cái thủ, cái tai;

Lệ làng đóng góp, đàn em dưới trướng lu bù, thịt mỡ, lòng dồi, miếng gan, miếng tiết.

Đào Tam Tỉnh

Xem thêm

Người đàn bà và những bức tranh về chuối

Người đàn bà và những bức tranh về chuối

Áo Nhật bình - Di sản văn hóa quý của Cố đô Huế

Áo Nhật bình – Di sản văn hóa quý của Cố đô Huế

Vào vòng rồi, càng múa sẽ càng say...

Vào vòng rồi, càng múa sẽ càng say…

Lễ hội Nhúng nước lưới ở Sa Huỳnh

Lễ hội Nhúng nước lưới ở Sa Huỳnh

Kring-ning, mùa Lễ hội Ca Dong

Kring-ning, mùa Lễ hội Ca Dong

Có thể bạn quan tâm

Top

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *