Mụn nhọt: Cách xử trí và phòng tránh hiệu quả – YouMed

Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng da rất thường gặp. Nhọt ở da là bệnh lý lành tính và nhìn có vẻ đơn giản. Tuy nhiên không ít tai biến đã xảy ra vì chủ quan trong cách chăm sóc và điều trị bệnh. Trong bài viết này, YouMed sẽ chia sẻ đến bạn đọc phương pháp điều trị mụn nhọt hiệu quả.

Nên làm gì khi bị mụn nhọt?

Đây là bệnh lý lành tính nên chúng ta có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, mụn nhọt có thể trở nên trầm trọng và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, mọi người nên nhận biết những dấu hiệu xấu và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Bạn cần phải gặp bác sĩ khi nhọt da có các triệu chứng sau:

  • Nhọt da khiến bạn đau không thể chịu nổi. Cơn đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc giấc ngủ.
  • Mụn nhọt to nhanh và lan rộng tạo thành một khối sưng viêm lớn ở da. Kích thước nhọt to hơn 5 cm là dấu hiệu đáng báo động.
  • Bạn bị sốt khi bị nhọt. Thông thường một mụn nhọt đơn giản sẽ không gây sốt. Nếu xuất hiện triệu chứng sốt kèm lạnh run có khả năng cao bị nhiễm trùng máu hoặc ảnh hưởng đến cơ quan khác.
  • Bạn bị nổi hạch khi bị nhọt cũng là dấu hiệu xấu cho thấy mụn nhọt có thể trở nên nghiêm trọng.
  • Mụn nhọt tồn tại kéo dài hơn hai tuần. Thông thường những mụn nhọt đơn giản sẽ lặn và lành trong vòng hai tuần chỉ với những cách xử trí đơn giản tại nhà. Nếu nhọt da vẫn hiện diện và có triệu chứng sưng đau kéo dài hơn hai tuần, tình huống có thể sẽ nghiêm trọng.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, ung thư có hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi bị nổi nhọt da, những đối tượng này nên nhanh chóng đến cơ sở y tế trong thời gian sớm để tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.

Mụt nhọt thường mọc ở mặt, tay, thậm chí ở cả trong tai hay lỗ mũi… Cách điều trị mụn nhọt như thế nào

Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở nang lôngMụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở nang lông

Điều trị mụn nhọt như thế nào?

Nhọt da là tình trạng nhiễm trùng nang lông do một loại vi khuẩn tên Staphylococus aureus (tụ cầu vàng). Khi bi nhọt da người bệnh sẽ có các triệu chứng sưng đau và có mủ. Các phương pháp giúp xử trí mụn nhọt là giảm đau, giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.

Giảm đau

– Cơn đau có thể rất tồi tệ và làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Thậm chí nhọt da còn khiến cho người bệnh không thể ngủ được. Các phương pháp giúp giảm đau bao gồm đắp gạc ấm và sử dụng thuốc giảm đau.

– Sử dụng gạc y tế với nước sạch được làm ấm đắp lên vùng bị nhọt khoảng 10 phút. Lặp lại động tác này vài lần trong ngày sẽ có hiệu quả. Chườm ấm không chỉ giúp giảm đau mà còn làm lành vùng nhọt nhanh chóng.

– Thuốc giảm đau có thể hiệu quả đẩy lùi cơn đau do nhọt da gây ra. Lưu ý, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế khi cơn đau không thuyên giảm với thuốc giảm đau.

Giảm viêm

Nhọt có thể tự lặn trong vòng 10 ngày đến hai tuần mà không cần dùng thêm thuốc gì. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh để đẩy lùi nhiễm trùng. Điều này có ích giúp ngăn chặn biến chứng nặng xảy ra.

Chống nhiễm trùng

– Rửa sạch tay bằng xà phòng khi chăm sóc vùng da bị nhọt để hạn chế lây nhiễm thêm vi khuẩn.

– Vệ sinh vùng da bị nhọt bằng nước sạch hay nước muối sinh lý.

– Nếu nhọt da quá to, có thể rạch nhọt để thoát mủ ra ngoài giúp nhanh lành vết thương. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý nặn nhọt tại nhà vì có nguy cơ làm nhiễm trùng lan rộng hơn. Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ y tế vô khuẩn để rạch mủ từ nhọt.

Làm thế nào để phòng tránh bị mụn nhọt?

Nhọt da là một bệnh lý lành tính và có thể chữa khỏi. Tuy nhiên nó cũng có thể diễn tiến nặng hơn và gây biến chứng. Vì vậy chúng ta cần có những thói quen chăm sóc thật tốt để hạn chế bị mụn nhọt.

Các cách ngăn ngừa mụn nhọt bao gồm:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
  • Duy trì chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi khoa học.
  • Tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân để ngăn ngừa lây nhiễm nhọt da và các bệnh lý khác.
  • Chăm sóc tốt vết thương ở da hay vết côn trùng cắn.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính ở da như bệnh vảy nến.
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, bệnh thận và các bệnh lý khác có hệ miễn dịch bị suy giảm.

Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng da cấp tính gây ra bởi vi khuẩn. Tuy là bệnh lý lành tính nhưng người bệnh cần thận trọng trong chăm sóc và điều trị để hạn chế xảy ra những tai biến không mong muốn.

Để hiểu hơn về vấn đề này, hãy tham khảo bài viết được viết bởi bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền để hiểu lý do vì sao “Không nên chủ quan với mụn nhọt” nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *