Mụn cám là biểu hiện cho tình trạng lỗ chân lông đang bị tắc nghẽn. Đây cũng là nguyên nhân gây nên mụn cám rất phổ biến, nhất là khi da nhiều bụi bẩn kèm với bài tiết nhiều chất nhờn. Mụn cám là một mối quan tâm chăm sóc da rất thường gặp và có thể là một nỗi đau lớn khi cách xử lý chúng cũng có thể là một thách thức.
1. Mụn cám là gì?
Cấu trúc da có một số túi nhỏ được gọi là tuyến mồ hôi ở lớp hạ bì. Các tuyến này tạo ra mồ hôi như tên gọi đi qua các ống nhỏ và thoát ra từ các lỗ nhỏ gọi là lỗ chân lông. Lỗ chân lông đóng một vai trò thiết yếu trong việc giữ cho cơ thể mát mẻ thông qua phản xạ bài tiết mồ hôi và thải ra các chất độc hại mà cơ thể không cần đến. Bên cạnh đó, da còn chứa các tuyến bã nhờn tiết ra dầu tự nhiên, có nhiệm vụ giữ nước cho da bằng cách khóa độ ẩm và củng cố hàng rào bảo vệ của da. Bã nhờn di chuyển đến bề mặt da cũng thông qua các lỗ chân lông trên da. Tuy nhiên, bã nhờn cũng có thể thu hút bụi bẩn, đọng lại trong lỗ chân lông trên da và càng làm tăng khả năng gây tắc nghẽn.
Như vậy, khi các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, chúng có thể dẫn đến nổi mụn, từ mụn cám nếu nhỏ và không bị nhiễm trùng đến mụn trứng cá nghiêm trọng.
Da mặt, mũi, trán và má thường bị tắc lỗ chân lông do tế bào da chết, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông. Điều này cũng có thể dẫn đến sự phát triển không chỉ của mụn cám mà còn là của mụn trứng cá, mụn đầu đen và mụn đầu trắng, khiến làn da trông không đều màu.
2. Các nguyên nhân gây nên mụn cám là gì?
Nếu đang bị nổi mụn, nguyên nhân có thể là do lỗ chân lông bị tắc với các tác nhân cụ thể sau đây:
2.1. Tế bào da chết
Da thường xuyên trải qua một chu kỳ bong tróc, rụng và tạo ra các tế bào da mới. Điều này có nguy cơ gây tắc lỗ chân lông khi các tế bào da chết tích tụ trên bề mặt da. Khi càng lớn tuổi, khả năng loại bỏ các tế bào da chết đó khỏi bề mặt da sẽ chậm lại, điều này có thể dẫn đến tích tụ, hình thành mụn cám nếu không được tẩy tế bào chết. Vì vậy, hãy đảm bảo sử dụng sản phẩm tẩy da chết 2-3 lần một tuần để giúp lỗ chân lông thông thoáng.
2.2.Tăng tiết bã dầu
Da có các tuyến bã nhờn, tạo ra dầu tự nhiên để nuôi dưỡng da và giữ cho da luôn mềm mại, ngậm nước. Tuy nhiên, đôi khi các tuyến bã nhờn có thể hoạt động quá mức, dẫn đến lượng dầu dư thừa được tạo ra. Điều này sau đó có thể khiến các tế bào da chết dễ kết dính lại với nhau thay vì bong ra. Vì thế, hãy đảm bảo sử dụng sữa rửa mặt phù hợp để giảm lượng dầu thừa cùng bụi bẩn, tránh hình thành mụn cám.
2.3.Vệ sinh da quá mức
Làm sạch và tẩy tế bào chết đóng một vai trò thiết yếu trong thói quen chăm sóc da nhưng nếu lạm dụng sẽ lại làm kết quả xấu hơn. Thực tế, khi làm sạch hoặc tẩy tế bào chết quá nhiều, lớp dầu tự nhiên của da vô tình bị tước đi, điều này có thể khiến các tuyến dầu bù đắp quá mức và tạo ra nhiều dầu hơn. Sau đó, lượng dầu thừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng, bạn chỉ nên làm sạch da hai lần một ngày (một lần vào buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ) và chú ý đến làn da khi tẩy tế bào chết. Nếu thấy da bị kích ứng, hãy giảm số lần tẩy tế bào chết mỗi tuần.
2.4 Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp
Một số sản phẩm làm đẹp có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn cám. Vì vậy, hãy tìm các sản phẩm có công thức không gây mụn, được tạo ra với các thành phần không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ngoài việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm không gây mụn, các bác sĩ da liễu cũng khuyên người có tình trạng mụn cám trên da nên sử dụng các sản phẩm dành cho da mặt có ghi rõ là không chứa dầu.
3. Các biện pháp khắc phục mụn cám tại nhà
Mọi người có thể sử dụng các biện pháp khắc phục mụn cám tại nhà để làm thông thoáng lỗ chân lông trên da. Hãy nhớ rằng các thành phần tự nhiên này chỉ hữu ích ở một mức độ nào đó đối với trình trạng mụn cám do lỗ chân lông bị tắc từ nhẹ đến trung bình vì các yếu tố bên ngoài.
- Tránh làm bí lỗ chân lông: Bạn không được gãi các lỗ chân lông bị tắc nghẽn trên da để cố gắng loại bỏ bụi bẩn, đặc biệt nếu chúng nhô cao hơn da. Cách làm này có thể gây kích ứng da và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, việc bóp lỗ chân lông có thể làm to chúng theo thời gian. Điều cần thiết là nên để da yên và tránh chạm vào da.
- Làm sạch da mặt: Để loại bỏ bụi bẩn và dầu trên da, bạn nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, cân bằng độ pH để rửa mặt hai lần mỗi ngày. Điều này giúp loại bỏ bụi bẩn và dầu trên bề mặt da, ngăn không cho chúng đọng lại trong lỗ chân lông trên da.
- Dưỡng ẩm hàng ngày: Luôn thoa kem dưỡng ẩm sau khi rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết để tránh bị khô và tiết dầu quá mức. Tuy nhiên, hãy đảm bảo sử dụng các loại kem, kem dưỡng và toner dạng nước, nhẹ. Tránh sử dụng các chất dưỡng ẩm nặng như dầu ô liu hoặc dầu dừa vì chúng có thể đọng lại trong lỗ chân lông và làm tắc nghẽn chúng.
- Xông hơi mặt: Có thể giúp mở lỗ chân lông trên da, giúp dễ dàng làm sạch bụi bẩn và tế bào chết bám trên da, đồng thời mang lại làn da sạch sẽ và thư giãn. Phương pháp khắc phục này không chỉ an toàn mà còn ít hoặc không tốn kém.
- Dùng mặt nạ than hoặc đất sét: Có thể giúp làm thông thoáng lỗ chân lông trên da. Cơ chế là than hoạt tính có thể hút các tạp chất lắng đọng trong lỗ chân lông trên da, đưa chúng lên bề mặt. Điều này cho phép dễ dàng loại bỏ các tạp chất và làm thông thoáng lỗ chân lông. Ngoài ra, than còn có tác dụng tẩy tế bào chết trên da, kiểm soát dầu. Tương tự, đất sét giàu khoáng chất giúp làm sạch sâu làn da bằng cách thông thoáng và thu nhỏ lỗ chân lông.
- Làm mặt nạ lột: có thể giúp làm sạch da với mức độ sâu bằng cách loại bỏ tế bào da chết và làm sạch mụn đầu đen, giúp thông thoáng lỗ chân lông. Ngoài ra, mặt nạ lột có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, thu nhỏ kích thước lỗ chân lông và làm săn chắc làn da, mang lại vẻ ngoài tươi trẻ và rạng rỡ.
- Sử dụng mặt nạ tự làm: có thể giúp làm thông thoáng lỗ chân lông trên da với các thành phần tự nhiên như vài giọt dầu cây trà và cây phỉ vào nước hoa hồng.
- Tẩy tế bào chết bằng bột yến mạch: chà mặt bằng bột yến mạch có thể giúp ích cho làn da, vừa tẩy tế bào chết tự nhiên giúp làm sạch lỗ chân lông, vừa loại bỏ các tế bào da chết mà không làm tổn thương da. Bên cạnh đó, bột yến mạch cũng kiểm soát việc sản xuất dầu và dưỡng ẩm cho da.
- Cải thiện chế độ ăn uống: Các chất tiêu thụ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của làn da. Do đó, bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều trái cây, rau và thịt. Ngoài ra, các loại thực phẩm chứa probiotic như kim chi và sữa chua trong chế độ ăn uống cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tương tự như vậy, vitamin C cũng được quan tâm vì các đặc tính tăng cường miễn dịch của nó.
- Tập thể dục thường xuyên: có lợi cho sức khỏe tổng thể và cả làn da. Các hoạt động thể lực hằng ngày không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, cân đối mà mồ hôi bài tiết còn giúp làm sạch da từ bên trong.
Thăm khám bác sĩ da liễu: Mặc dù nguyên nhân gây nên mụn cám thường gặp là lỗ chân lông bị tắc nghẽn nên hiếm khi cần đến sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nếu không thấy cải thiện với các biện pháp khắc phục tại nhà thì bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu là điều cần thiết. Theo đó, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm nếu lỗ chân lông bị tắc kèm theo bất kỳ dấu hiệu như: Da bị viêm, mẩn đỏ, tổn thương đầy mủ, ngứa và đau đớn.
Ngoài ra, bạn cần chú ý hơn khi chọn mỹ phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc da: Bạn hãy đảm bảo mua những sản phẩm tốt cho da và an toàn, có hiệu quả trong việc giữ cho làn da sạch sẽ. Đồng thời, cần tránh sử dụng các sản phẩm không gây dị ứng vì các sản phẩm gốc dầu hoặc bơ có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, mụn cám, mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn trứng cá.
4. Cách điều trị mụn cám chuyên sâu như thế nào?
Lỗ chân lông bị tắc gây ra mụn cám thường không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu lỗ chân lông bị tắc kéo dài hoặc thường xuyên thì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, gây ra các vấn đề lớn hơn như mụn trứng cá. Trong những trường hợp này, phải tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để điều trị mụn cám hay mụn trứng cá nhiễm trùng cũng như các bệnh nhiễm trùng da liên quan.
4.1. Lột da hóa học
Lột da hóa học có thể giúp tẩy tế bào chết trong lỗ chân lông bằng cách sử dụng axit hydroxy alpha và beta. Các axit này bao gồm axit salicylic, axit glycolic, axit lactic, axit malic và dung dịch Jessner.
4.2. Bôi Niacinamide
Có thể dùng niacinamide hoặc nicotinamide bôi tại chỗ để kiểm soát sản xuất bã nhờn nên chúng có tác dụng ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông.
4.3. Tiêm hyaluronic
Những mũi tiêm này làm thu nhỏ lỗ chân lông có kích thước to, từ đó làm giảm khả năng tích tụ bụi bẩn và dầu.
4.4.Dùng Retinoids tại chỗ
Chúng rất hữu ích trong việc điều trị mụn cám, mụn trứng cá từ nhẹ đến nặng, vì ngăn chặn sự tắc nghẽn lỗ chân lông bằng cách hạn chế sự kết tụ của các tế bào.
Lưu ý: Các loại kem chứa retinoid có thể khiến da rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Vì thế, bạn nên sử dụng cùng với kem chống nắng. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng các sản phẩm chứa retinol hoặc retinyl palmitate.
4.5. Dùng phức hợp chlorophyllin
Các loại thuốc chứa đồng có nguồn gốc thực vật này có thể rất hữu ích trong việc điều trị mụn cám và mụn trứng cá.
Bạn có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh như clindamycin kết hợp với điều trị bằng benzoyl peroxide để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn.
4.6. Dùng thuốc uống
Bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc kiểm soát mụn cám, mụn trứng cá như spironolactone, isotretinoin hoặc thuốc tránh thai. Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của mụn nhiễm trùng.
4.7. Áp dụng các phương pháp điều trị vật lý
Có nhiều quy trình điều trị vật lý khác nhau có thể giúp làm thông thoáng lỗ chân lông trên da, ví dụ như:
- Liệu pháp laser không bóc tách và vi điểm để kiểm soát việc sản xuất và tiết bã nhờn.
- Liệu pháp quang động có thể được sử dụng để điều hòa các tuyến bã nhờn, do đó ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông do bã nhờn.
- Tia laser CO2 tác động sâu vào da để thúc đẩy quá trình sản sinh collagen, se khít lỗ chân lông và chống tắc nghẽn.
- Mài da vi điểm gồm việc sử dụng một công cụ cơ học để loại bỏ tế bào da chết, tẩy tế bào chết sâu và mang lại vẻ mịn màng và tươi trẻ cho da.
- Phương pháp điều trị bằng laser YAG tác động vào các lớp da để tiêu diệt các tế bào già cỗi, tăng cường sản sinh collagen, làm căng da từ bên trong, tất cả đều góp phần làm thông thoáng lỗ chân lông cho làn da mịn màng.
Tóm lại, da có nhiều lỗ chân lông giúp da thở và thải bã nhờn. Tuy nhiên, những lỗ chân lông nhỏ này có thể dễ dàng bị tắc nghẽn do sự tích tụ của bụi bẩn, tế bào da chết, dầu và vi khuẩn bên trong chúng, trở thành nguyên nhân gây nên mụn cám, nặng hơn là mụn trứng cá, mụn mủ. Vì vậy, điều quan trọng để tránh bị mụn cám là bạn phải giữ cho lỗ chân lông trên da luôn thông thoáng và sạch sẽ, bắt đầu đơn giản từ việc cải thiện thói quen chăm sóc da hằng ngày cũng như các biện pháp khắc phục tại nhà trên đây.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm được nhiều thông tin sức khỏe, kiến thức dinh dưỡng, làm đẹp để chăm sóc cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec
để được giảm ngay 20% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 – 31/12/2022).
Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn
tư vấn từ xa qua video
với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: lorealparisusa.com, emedihealth.com,