‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore – Kỳ cuối – Người dịch: Bùi Xuân

Tập thơ ‘Mùa hái quả’ của Rabindranath Tagore – Kỳ cuối

Mùa hái quả

Tác giả: Rabindranath Tagore
Người dịch: Bùi Xuân
(Theo bản dịch từ tiếng Begal sang tiếng Anh của Rabindranath Tagore do The MacMillan Company xuất bản năm 1916.)

L

Trong tia chớp ngắn ngủi, tôi nhìn thấy sự sáng tạo mênh mông của người trong cuộc đời tôi – sáng tạo xuyên qua cái chết từ thế giới này đến thế giới khác.
Tôi đã khóc cho sự bất xứng khi thấy đời mình nằm trong tay thời gian vô nghĩa, – nhưng khi nhìn thấy nó trong tay người, tôi biết thời gian là quý giá, bị lãng phí giữa tối tăm.

LI

Tôi biết vào cuối buổi hoàng hôn nào đó, mặt trời sẽ nói với tôi lời từ biệt.
Lũ mục đồng sẽ thổi sáo dưới tán cây đa, và trâu bò đang gặm cỏ trên các sườn đồi thoai thoải bên sông, trong lúc ngày của tôi sẽ đi vào bóng tối.
Đây là lời cầu nguyện của tôi, trước khi từ biệt cõi đời này, tôi muốn biết vì sao đất gọi tôi vào trong cánh tay của nó.
Vì sao sự im lặng thâu đêm của đất nói với tôi về những vì sao, và ánh nắng ban ngày của nó hôn lên suy nghĩ của tôi đang độ nở hoa.
Trước khi ra đi, tôi xin nán lại trong giây lát trên điệp khúc cuối cùng, cho vẹn toàn bản nhạc, xin đèn đốm được thắp lên để tôi nhìn thấy mặt người và tràng hoa kết vương miện của người.

LII

Những gì âm nhạc có được là nhịp điệu làm cho thế giới rung chuyển?
Chúng tôi cười khi nó vỗ trên con sóng nhấp nhô của cuộc sống, chúng tôi thu nhỏ lại trong nỗi khiếp sợ khi nó quay về trong tối tăm. Nhưng vở diễn giống như đến và đi, với nhịp điệu của âm nhạc bất tận.
Bạn che giấu châu báu trong lòng bàn tay của bạn, và chúng tôi khóc than rằng chúng tôi bị cướp bóc. Nhưng mở và khép lòng bàn tay khi bạn muốn, thì được và mất là giống nhau. Ở trò chơi mà bạn đang chơi với cái tôi riêng tư
của mình, bạn mất và thắng cùng một lúc.

LIII

Tôi đã hôn cõi đời với mắt và tay chân của mình; đã bao lần sung sướng ôm nó vào lòng; đã để cho những ý nghĩ của mình tràn ngập ngày đêm của nó cho đến khi cõi đời và cuộc đời tôi làm một, – và tôi yêu cuộc đời tôi bởi vì tôi yêu ánh sáng của bầu trời đã quyện chặt với mình.
Nếu từ biệt cõi đời cũng giống như là yêu mến nó – thế thì phải có ý nghĩa nào đây trong lẽ hợp tan của cuộc đời. Nếu tình yêu bị lụi tàn trong cõi chết, thì sự tàn lụi sẽ bào mòn tất cả mọi vật, các vì sao sẽ co ro và tăm tối lan dần.

LIV

Đám Mây nói với tôi, “Tôi tan biến mất”; Đêm nói: “Tôi lao vào bình minh rực lửa.” Khổ Đau nói, “Tôi vẫn còn lại trong im lặng bí ẩn như dấu chân mình.”
Cuộc đời tôi nói với tôi, “Tôi chết trong sự viên mãn.”
Trái Đất nói, “Ánh sáng của tôi hôn lên suy nghĩ của bạn trong từng khoảnh khắc.”
Tình Yêu nói, “Ngày lại ngày trôi qua, nhưng em vẫn đợi chờ anh.” Cái Chết nói, “Ta là lớp vỏ con thuyền của cuộc đời ngươi đang vượt qua biển.”

LV

Tunxida, nhà thơ, đang lang thang, trầm ngâm suy nghĩ, bên con sông Hằng, ở một bãi vắng vẻ là nơi người ta hỏa táng những người chết.
Nhà thơ thấy một người phụ nữ đang ngồi dưới chân thi thể của người chồng, hân hoan trong trang phục ngày cưới. Nhìn thấy nhà nhơ, nàng cúi đầu chào, và nói, “Thưa thầy, với phép lành của người, hãy cho con theo chồng lên thiên đường.”
“Vì sao phải vội vàng, con gái của ta?”, Tunxida hỏi. “Không phải trái đất này là nơi anh ấy xây dựng thiên đường?”
“ Thiên đường, con không muốn phải chờ đợi lâu,” người phụ nữ nói. “Con muốn gặp chồng mình”.

Tunxida mỉm cười và bảo nàng, “Con ta ơi, hãy trở về nhà. Tròn tháng này là con sẽ tìm thấy chồng mình.”
Người phụ nữ trở về nhà với niềm hi vọng tràn trề. Tunxida đến với nàng mỗi ngày và hướng cho nàng suy nghĩ những tư tưởng cao siêu, cho đến khi trái tim của nàng được lấp đầy tình yêu thiêng liêng. Thế rồi tháng vừa tròn, những người hàng xóm đến, hỏi nàng, “Này cô, cô đã tìm thấy chồng mình hay chưa?”
Người góa phụ mỉm cười và nói, “Tôi đã tìm thấy.” Háo hức họ hỏi, “Anh ta ở đâu?”
Nàng trả lời, “Trong trái tim tôi là vì chúa tể của tôi, chỉ với một mình tôi.”

LVI

Nàng đến gần tôi trong chốc lát và chạm vào tôi với biết bao điều bí ẩn tuyệt vời của người phụ nữ có trái tim sáng tạo. Bao giờ nàng trở về bên Chúa, người tự mình bay xa hơn trong nỗi ngọt ngào; nàng là vẻ đẹp tươi mới và thanh xuân của thiên nhiên; nàng khiêu vũ trong các dòng suối nổi bọt và ca hát trong ánh sáng ban mai; nàng với sóng nhấp nhô bú mớm cho mặt đất khô cằn; là Cái Một Vĩnh Hằng phá vỡ cặp đôi trong niềm hân hoan đã không còn có thể chứa đựng lâu hơn chính nó, và chảy tràn trong đau khổ của lòng yêu.

LVII

Nàng là ai mà ngự trị trong trái tim tôi, người phụ nữ khổ đau mãi mãi?
Tôi theo đuổi nàng nhưng không chinh phục được nàng. Tôi kết cho nàng tràng hoa và hát ngợi ca nàng.
Nụ cười tỏa sáng khuôn mặt nàng trong thoảng chốc, rồi nhạt dần.
“Em không có niềm vui ở chàng “, nàng khóc, người phụ nữ của u buồn.
Tôi mua tặng nàng chiếc vòng đeo chân và chiếc quạt nạm đá quý của một người hâm mộ đồ nạm ngọc; tôi làm cho nàng chiếc giường, khung bằng vàng.
Tia sáng lung linh chập chờn trong mắt nàng, rồi lịm tắt.
“Em không có niềm vui trong đó”, nàng khóc, người phụ nữ của u buồn. Tôi ngồi trên chiếc xe chiến thắng của mình và lái nó từ đầu đến cuối của trái đất.
Trái tim chinh phục quỳ gối dưới chân nàng, và tiếng nổ dòn của những tràng pháo tay vang trên bầu trời.
Niềm tự hào ánh lên trong mắt nàng một thoáng chốc, rồi lại mờ đi trong nước mắt. “Em không có niềm vui trong cuộc chinh phục”, nàng khóc, người phụ nữ của u buồn. Tôi hỏi nàng, “Hãy nói cho ta hay, ai là người mà nàng tìm kiếm?”
Nàng chỉ nói rằng, “Em chờ đợi một người mà em chưa biết tên.”
Ngày lại ngày trôi qua và nàng khóc, “ Khi nào người em yêu dấu sẽ đến, người mà em chưa hề biết, và bao giờ thì em biết được người em yêu?”

LVIII

Của bạn là ánh sáng vỡ ra từ bóng tối, là mầm non tươi tốt mọc lên từ vết nứt trái tim xung đột.
Của bạn là ngôi nhà mở ra thế giới, là tình yêu thương gọi đến chiến trường.
Của bạn là món quà còn lại khi mọi thứ mất đi, là sự sống chảy qua các hang động của cái chết.
Của bạn là thiên đường nằm trong bụi đất bình thường, và bạn cho tôi, cho tất cả.

LIX

Khi con đường mệt mỏi đè nặng lên tôi, cùng cái khát của ngày oi bức; khi thì giờ ma quái của hoàng hôn ném bóng tối sang cuộc đời tôi, bạn ơi, thế là tôi khóc, không chỉ vì giọng nói của bạn, mà còn bởi sự âu yếm của bạn.
Có nỗi đau đớn trong trái tim tôi, bởi gánh nặng của giàu sang đã không dành cho bạn.
Hãy chìa ra đôi bàn tay bạn suốt đêm, cho tôi ôm ấp, vuốt ve và nắm chặt lấy nó; cho tôi cảm nhận sự tiếp xúc đó kéo dài mãi trong nỗi cô đơn của tôi.

LX

Hương thơm kêu van trong nụ hoa, “Khổ thân tôi, những ngày mùa xuân hạnh phúc trôi qua, tôi bị giam giữ trong những cánh hoa!”
Chớ vội nản lòng, hỡi nụ hoa e ngại! Sợi dây ràng buộc ngươi sẽ dứt, nụ sẽ thành hoa, và khi ngươi chết trong trọn vẹn cuộc đời, thì mùa xuân vẫn cứ còn sống mãi.
Hương thơm bọc kín và run rẩy trong nụ hoa, kêu khóc, “Khổ thân tôi, thời giờ qua mau, nhưng tôi không biết đi đâu, hoặc tìm kiếm những gì!”
Chớ vội nản lòng, hỡi nụ hoa e ngại! Gió xuân đã nghe rõ những mong muốn của ngươi, ngày sẽ chưa đi trước khi người mãn nguyện với chính mình.
Hương thơm khóc trong tuyệt vọng bởi thấy tương lai mịt mù, “Khổ thân tôi, vì ai mà cuộc đời tôi không có ý nghĩa gì?
“Ai có thể cho tôi biết, vì sao mà có tôi?” Chớ vội nản lòng, hỡi nụ hoa e ngại! Bình minh hoàn hảo sẽ đến gần khi ngươi hòa cuộc đời mình vào bao cuộc đời khác và biết được mục đích cuối cùng của ngươi.

LXI

Quốc vương ơi, nàng vẫn còn thơ bé. Nàng chạy nhảy trong cung điện, vui đùa cùng bạn bè, và thử làm cho các bạn của mình một món đồ chơi.
Nàng không để ý khi tóc mình xõa xuống và lơ đễnh kéo lê xiêm áo trong bụi bặm. Nàng ngủ thiếp đi khi các bạn chuyện trò với mình và nàng đã không trả lời – và hoa người ta tặng nàng trong buổi sáng vô tình lấm bụi từ đôi bàn tay của nàng.
Khi cơn bão bùng phát và bóng tối bao phủ bầu trời, những con búp bê của nàng đang còn nằm rải rác trên mặt đất và nàng bám vào các bạn để chống chọi lại cơn bão.
Nàng ngại rằng mình có thể thua cuộc trong việc giúp đỡ bạn bè. Nhưng với một nụ cười, người đã bảo vệ nàng từ lúc nàng đang nô đùa.
Người biết nàng. Cô bé ngồi trong bụi đất là người phụ nữ tiền định của người, sự vui đùa của nàng sẽ còn đó và làm đằm thắm thêm tình yêu.

LXII

“Mặt trời ơi, ngoài bầu trời ra thì còn vật gì có thể giữ được hình ảnh của người?”
Giọt sương khóc lóc thở than, “Tôi mơ tưởng đến người, nhưng không bao giờ có thể hi vọng được phụng sự người. Ôi vị chúa tể vĩ đại, tôi bé bỏng thì làm sao ôm trọn được người, và cuộc đời tôi là những dòng nước mắt. “
“Ta soi sáng bầu trời vô tận, nhưng ta còn có thể hiến dâng thân mình cho giọt sương bé nhỏ,”
Mặt trời tỏ bày; “Ta sẽ biến thành đốm lửa lung linh, chiếu tỏa khắp người ngươi, và cuộc đời bé mọn của ngươi sẽ là một thiên thể tươi vui.”

LXIII

Không phải bởi vì yêu mà tôi không biết kiềm chế, nhưng cũng giống như liền sau một tiếng nổ dòn của chai rượu vang, bọt rượu trào ra một cách phung phí.
Gửi cho tôi tình yêu mát mẻ và tinh khiết như mưa ban phước lành cho mặt đất khô cằn và đổ đầy những chiếc bình đất nung giản dị.
Gửi cho tôi tình yêu ngấm sâu vào trung tâm của sự tồn tại, và từ đó lan tỏa dòng nhựa vô hình của sự sống xuyên qua các cành cây cuộc sống, cho hoa đơm trái kết.
Gửi cho tôi tình yêu để giữ trái tim mãi đầy đặn an bình.

LXIV

Mặt trời đã lặn trên dòng sông ở phía Tây, giữa khu rừng rậm rạp.
Những cậu bé sống ẩn dật đã đưa gia súc về nhà, đang ngồi quanh đống lửa để lắng nghe lời thầy, Guatama, lúc đó có một cậu bé xa lạ đi đến, bày ra hoa quả, và, cúi xuống chân thầy, nói giọng líu lo như chim hót – “Thưa Thầy, con
đến để xin Thầy dẫn dắt con đi vào con đường của Chân Lí tối cao.
“Tên con là Xatyakama.”
Thầy Guatama bảo, “Cầu Trời ban phúc cho con.”
“Con ơi, con thuộc gia tộc nào? Nó chỉ có thể là những người Bà la môn mới phù hợp với khát vọng vươn tới tầm trí tuệ cao siêu.”

LXIV

Mặt trời đã lặn trên dòng sông ở phía Tây, giữa khu rừng rậm rạp.
Những cậu bé sống ẩn dật đã đưa gia súc về nhà, đang ngồi quanh đống lửa để lắng nghe lời thầy, Guatama, lúc đó có một cậu bé xa lạ đi đến, bày ra hoa quả, và, cúi xuống chân thầy, nói giọng líu lo như chim hót – “Thưa Thầy, con đến để xin Thầy dẫn dắt con đi vào con đường của Chân Lí tối cao.
“Tên con là Xatyakama.” Thầy Guatama bảo, “Cầu Trời ban phúc cho con.”
“Con ơi, con thuộc gia tộc nào? Nó chỉ có thể là những người Bà la môn mới phù hợp với khát vọng vươn tới tầm trí tuệ cao siêu.”
Cậu bé trả lời, “ Thưa Thầy, con chưa biết gì về gia tộc của con. Con xin về hỏi mẹ.”
Nói xong, Xatyakama liền từ biệt, em lội qua dòng nước cạn, trở về túp lều của mẹ, ở một bãi cát hoang vu, nơi cuối ngôi làng còn im lìm như ngủ.
Ngọn đèn leo lét trong căn buồng, và người mẹ đang đứng bên ô cửa trong bóng tối để chờ đợi con về.
Bà ôm chặt lấy đứa con trai vào lòng, hôn lên tóc, và hỏi con về buổi lễ diện kiến thầy.
“Tên của cha con là gì, mẹ yêu ơi?” Cậu bé hỏi.
“Thầy Guatama đã nói với con, chỉ có thể là những người Bà la môn mới phù hợp với khao khát trí tuệ cao siêu.”
Người mẹ nhìn xuống, và nói thì thầm. “Ngày còn trẻ, mẹ là một người nghèo và đi làm cho nhiều chủ. Cưng của mẹ ơi, con đã chào đời trên cánh tay của mẹ Giabala, một bà mẹ không chồng.”
Những tia sáng đầu tiên của mặt trời lấp lánh trên tán cây trong khu rừng ẩn dật. Với mái tóc rối tung ướt sũng vì vừa mới tắm trong bình minh, đám học trò đang ngồi dưới gốc cây đại thụ, trước mặt người thầy.
Xatyakama đến đó. Cậu bé cúi đầu xuống sát bàn chân của nhà hiền triết, và đứng im lặng. Người Thầy vĩ đại hỏi em, “Nói cho ta biết, con thuộc gia tộc nào?”
Cậu bé trả lời, “Thưa thầy, con nào hay biết. Khi con hỏi, mẹ đã trả lời, ‘Thời trẻ, mẹ đi làm với nhiều chủ, và con đã ra đời trên tay mẹ Giabala, một bà mẹ không chồng.”’
Tiếng rì rầm nổi lên như tiếng giận dữ của bầy ong bị chọc tổ, và đám học trò xầm xì với thái độ hỗn hào xấc xược của kẻ vô thừa nhận.
Thầy Guatama từ chỗ ngồi đứng dậy, dang rộng cánh tay, ghì chặt cậu bé vào ngực mình, và nói: “Con ơi, con là người Bà la môn ưu việt. Con có cái di sản cao quý nhất là lòng chân thật.”

LXV

Có thể có một ngôi nhà trong thành phố này, mỗi sớm mai đều mở cửa để đón ánh bình minh, ở đó mục đích của ánh sáng là sự viên mãn.
Những bông hoa nở dọc bờ dậu và trong vườn, và có thể ở nơi đó có một trái tim đã tìm thấy trong sớm mai một món quà đã có mặt trên chuyến du hành của nó từ thời gian vô tận.

LXVI

Lắng nghe, trái tim tôi, trong tiếng sáo của bạn là âm nhạc của mùi hoa dại, của những chiếc lá cây lấp lánh và mặt nước sáng bóng, sự cộng hưởng của bóng tối với những đôi cánh của bầy ong.
Tiếng sáo đánh cắp nụ cười trên đôi môi của bạn và phủ lên cuộc sống của tôi.

LXVII

Bạn thường hay đứng một mình bên kia dòng suối tiếng hát của tôi. Những lớp sóng trong giai điệu của tôi tắm rửa đôi chân bạn, nhưng tôi không biết làm thế nào để sờ nắm được chúng.
Cuộc vui của tôi cùng bạn là một vở kịch từ xa. Đó là nỗi đớn đau của chia li tan chảy vào giai điệu xuyên qua tiếng sáo trúc của tôi. Tôi chờ đợi thời khắc con thuyền của bạn đi ngang qua bờ bến của tôi và bạn đang cầm chiếc sáo trúc của tôi trong tay mình.

LXVIII

Sáng nay, cửa sổ của trái tim tôi đột ngột mở ra, cửa sổ trông ra trái tim của bạn. Tôi tự hỏi để thấy rằng những cái tên mà bạn biết, được viết trong lá, trong hoa vào tháng Tư, và tôi ngồi im lặng.
Bức màn đã được cuốn đi cho một thời điểm nằm ở giữa bài hát của tôi và của bạn. Tôi cảm thấy ánh sáng ban mai của bạn tràn đầy trong bài hát riêng tư thầm lặng không lời của tôi; tôi nghĩ rằng mình sẽ học thuộc chúng ở bàn chân của bạn – và tôi ngồi im lặng.

LXIX

Người ở trong sâu thẳm của trái tim tôi, cho nên khi tim tôi lang thang, nó không bao giờ tìm thấy người; người đã ẩn mình trong tình yêu và hi vọng cho đến cuối cùng, bởi vì người luôn ở trong chúng.
Người là niềm vui sâu xa trong trò chơi thời bé dại của tôi, và từ lúc nào, tôi đã quá bận rộn với các trò vui quen thuộc.
Người hát cho tôi trong đê mê của cuộc đời tôi và tôi quên hát dâng người.

LXX

Khi bạn giơ cao chiếc đèn lên trời, nó sẽ phủ ánh sáng lên khuôn mặt của tôi và cái bóng của nó rơi xuống người bạn.
Khi tôi đặt chiếc đèn tình yêu trong trái tim mình, ngọn đèn sẽ chiếu ánh sáng lên bạn và tôi sẽ phải đứng đằng sau, trong bóng tối.

LXXII

Niềm vui trải khắp thế gian đã gom lại trong thân thể của tôi.
Ánh sáng của bầu trời hôn hoài hôn mãi cho đến khi cô nàng thức giấc.
Những bông hoa của mùa hè hối hả, thở dài trong làn hương thoảng, và tiếng nói của gió và nước, đã hát trong sự chuyển động của nàng.
Niềm đam mê của thủy triều, của màu sắc trong những đám mây và rừng cây chảy vào cuộc sống của nàng; và âm nhạc của tất cả mọi thứ đã âu yếm phiến lá đầy sức sống của nàng.
Nàng là cô dâu – người thắp sáng ngọn đèn trong căn nhà tôi.

LXXIII

Mùa xuân với lá và hoa đã nhập vào thân thể của tôi. Bầy ong vo ve suốt cả buổi sáng, và làn gió uể oải đùa vui cùng bóng mát. Dòng suối mùa xuân êm đềm chảy từ thẳm sâu trong trái tim tôi.
Đôi mắt tôi được lau sạch với niềm vui như sớm mai được tắm gội trong sương, và cuộc sống run rẩy khắp tay chân giống như dây đàn ngân tiếng. Có phải người lang thang một mình trên bờ biển cuộc đời tôi, nơi thủy triều cuồn cuộn, ơi người yêu của chuỗi ngày vô tận?
Có phải những giấc mơ của tôi bao phủ người như con bướm đêm với đôi cánh nhiều màu sắc?
Và có phải những bài hát của người đang vang vọng nơi mái hiên tăm tối của hồn tôi?
Bởi không phải là người thì ai có thể nghe thấy tiếng xôn xao của những giờ phút rộn ràng vang lên trong bầu máu của tôi, nghe được các bước chân phấn khởi đang nhảy múa trong lồng ngực tôi, nghe tiếng cuộc đời rạo rực trong tôi không ngừng đập cánh?

LXXIV

Giao kèo cắt ngang, nợ nần trả hết, cánh cửa nhà tôi mở rộng, tôi đi khắp mọi nơi.
Bọn họ thu mình trong xó xỉnh kia và thêu dệt tấm vải thời gian nhợt nhạt, họ ngồi trong bụi bặm để đếm từng đồng tiền và gọi tôi trở lại.
Nhưng thanh kiếm được trui rèn, áo giáp được mặc vào người, con tuấn mã háo hức cuộc hành trình.
Tôi sẽ đến vương quốc của mình.

LXXV

Đó là một ngày khác, ngày tôi đến đất người, trần trụi, không tên, với tiếng kêu rên rỉ. Hôm nay giọng tôi vui vẻ, trong lúc người, chúa ơi, đứng sang một bên để nhường chỗ cho tôi có thể đổ đầy cuộc sống của mình.
Ngay cả khi tôi mang đến dâng người bài hát thay vì lễ vật, tôi đã kín đáo hi vọng rằng nhân loại sẽ đến đây và thương yêu tôi như họ.
Người thích thú khi phát hiện ra rằng, tôi yêu thế giới mà người đã mang lại cho tôi.

LXXVI

Rụt rè, tôi ngồi co ro trong bóng tối để được an toàn, nhưng giờ đây, khi niềm vui trào dâng trong trái tim tôi, lòng tôi vẫn dính chặt vào tảng đá tàn nhẫn của nỗi phiền muộn.
Ngồi một mình trong xó nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều điều thiển cận về bất cứ vị khách nào, nhưng bây giờ khi cánh cửa được mở ra bởi niềm vui không mời mà đến, tôi tìm thấy có chỗ cho người và cho cả thế giới.
Tôi bước khẽ, giữ gìn dáng vóc, xức nước hoa và trang điểm – nhưng bây giờ, khi cơn lốc mừng vui đã quật đổ tôi trong bụi bặm, tôi cười và nằm trên đất, nơi chân người, như một trẻ thơ.

LXXVII

Cuộc đời là của người, chỉ một lần và mãi mãi. Quốc vương ơi, bởi vì người không mong muốn điều gì, nên người không có niềm vui trong sự giàu có của mình.
Cuộc đời của người như con số không. Bởi vì thời gian chầm chậm trôi đi, người cho tôi những gì là của người, và không ngừng chiếm lấy vương quốc của người trong tôi.
Ngày lại ngày qua người mua ánh bình minh từ trái tim tôi và người tìm thấy tình yêu đang chạm khắc hình ảnh của mình vào cuộc đời tôi.

LXXVIII

Hãy tặng bầy chim bài ca, rồi bầy chim tặng lại người tiếng hót.
Người cho tôi giọng nói, nhưng vì đòi hỏi nhiều hơn, và tôi đã hát.
Người tạo ra những làn gió nhẹ và chúng hăng hái phục vụ người. Người chất nặng tay tôi mà chính tôi có thể làm nhẹ bớt, và cuối cùng, tôi được tự do quẳng đi gánh nặng để phụng sự người.
Người tạo ra Trái Đất đầy bóng tối với các mảnh vỡ của ánh sáng. Đến đó, người tạm dừng, khiến cho tôi phải trắng tay trong bụi bặm để tạo ra bầu trời của người. Người bảo với tôi rằng, rồi người sẽ ban cho mọi thứ.
Mùa gặt của cuộc đời tôi chín trong ánh mặt trời và cho đến khi tôi thu hoạch nhiều hơn người gieo cấy, trái tim người vui sướng, Ôi Người Thầy của vựa lúa vàng tươi.

LXXIX

Xin cho tôi không nguyện cầu để được che chở khỏi những nguy hiểm, nhưng cho tôi can đảm đương đầu với chúng. Xin cho tôi không van nài sự im lặng của nỗi đau, nhưng cho tôi trái tim để chế ngự nó.
Xin cho tôi không tìm kiếm các đồng minh trong chiến trường cuộc sống, nhưng cho tôi sức mạnh của riêng mình.
Xin cho tôi không cầu khẩn trong sợ hãi lo âu để được cứu vớt, nhưng cho tôi niềm hi vọng kiên nhẫn để giành chiến thắng cho tự do của mình.
Xin ban cho tôi không bao giờ là một kẻ hèn nhát, cảm thấy lòng tốt của người trong thành công của riêng mình, nhưng xin cho tôi tìm thấy bàn tay của người trong thất bại của tôi.

LXXX

Nàng đã không nhận ra chính mình khi phải sống cô đơn và không còn khóc than bởi những việc lặt vặt khi làn gió thổi từ nơi đây tới bờ biển xa hơn. Tôi đến và nàng thức giấc, và bầu trời nở hoa với ánh sáng.
Nàng khiến tôi thổ lộ cùng hoa; đong đưa trong chiếc nôi của lề thói; giấu mình trong cái chết và thấy lại mình trong cuộc sống. Tôi đến và trái tim nàng phập phồng; khổ đau đến với nàng cùng niềm vui sướng.
Nàng cảm thương tôi và náo nức lòng yêu. Nhưng trong mắt tôi là cả một bộ phim của sự xấu hổ và trong ngực tôi thập thình nỗi sợ hãi; khuôn mặt tôi được che giấu và tôi đã khóc khi không nhìn thấy nàng.
Song, tôi biết cơn khát bất tận trong lòng nàng là bởi cái nhìn của tôi, cơn khát đó đã gào thét trước cửa nhà tôi trong sự kinh ngạc lặp đi lặp lại của bình minh.

LXXXI

Nàng, trong nỗi thao thức dằng dặc thâu đêm, lắng nghe tiếng bước chân tôi đến gần với niềm vui dâng lên trong buổi sớm tinh mơ và đang vỡ ra rạng ngời ánh sáng.
Gần gũi, tôi kéo nàng ngập sâu hơn vào điệu vũ hăng say của biển.
Thế giới của nàng là một phần ánh sáng tràn đầy đôi bàn tay nàng, nhưng thiên đường của nàng nằm trong trong trái tim thầm kín của tôi, nó chầm chậm nở hoa cùng tình yêu e lệ.

LXXXII

Một mình ngồi trong bóng đêm với những suy nghĩ lặng thầm, tôi sẽ thốt lên tên người. Tôi sẽ nói mà không có lời, sẽ tỏ bày mà chẳng có mục đích gì cả.
Bởi tôi giống như một đứa trẻ gọi mẹ trăm lần, vui mừng vì mình có thể nói được tiếng “Mẹ”.

LXXXIII

I
Tôi cảm thấy tất cả các vì sao chiếu sáng trong tôi. Cõi trần nhập vào đời tôi như một dòng nước lũ.
Những bông hoa trong thân thể tôi bừng nở. Tất cả sự tươi trẻ của đất và nước như khói hương bay lên trong trái tim tôi, và hơi thở của vạn vật trong tâm trí tôi véo von như là tiếng sáo.

II

Khi thế giới ngủ yên, tôi đến trước cửa nhà người. Những vì sao lặng lẽ, và tôi ngại ngần không dám cất lên tiếng hát. Tôi thấp thỏm đợi chờ, cho đến khi thấy được hình bóng thân thuộc của người nơi bao lơn tăm tối của đêm và tôi trở về với trái tim nguyên vẹn.
Thế rồi, trong sớm mai, tôi hát bên đường; Những bông hoa bên hàng giậu đáp lời tôi và không khí ban mai lắng nghe, Những lữ khách bất ngờ dừng lại, thoáng nhìn tôi, tưởng rằng tôi đã gọi đúng tên của họ.

III

Xin cho tôi bước tới cánh cửa mở ra bao mong ước của người, và xin cho tôi bước vào Vương quốc đó theo tiếng người gọi. Xin cho tôi không chìm đắm và biến mất trong thẳm sâu của yên lặng nặng nề.
Xin cho cuộc đời tôi không mòn mỏi gắng sức bởi cơ hàn cùng cực. Xin cho sự ngờ vực không vây bọc tôi – bụi bặm của sự phiền nhiễu.
Xin cho tôi không chạy theo những lối mòn để thu vén bao điều. Xin cho trái tim tôi không khuất phục trước xiềng xích của nhiều người.
Xin cho tôi ngẩng cao đầu trong sự can đảm và niềm kiêu hãnh được là kẻ phụng sự người.

LXXXIV

Những Người Chèo Thuyền

Bạn có nghe xáo động của cái chết ở xa, Tiếng gọi giữa lửa – lũ lụt và mây độc
– Tiếng của Thuyền trưởng gọi người lái tàu quay con thuyền về một bờ biển không tên, Để kết thúc thời gian – thời gian trì trệ trên bến cảng – Nơi hàng hóa cũ được bán mua trong vòng bất tận, Nơi trôi giạt những thứ chết chóc trong cạn kiệt và trống rỗng của sự thật.

Họ thức giấc trong nỗi sợ hãi đột ngột và hỏi, “Anh em ơi, những gì đã xảy ra?
Những gì sẽ đến khi bình minh bắt đầu? “
Những đám mây làm xóa nhòa các vì sao – Ai sẽ là người sau đó, có thể nhìn thấy những ngón tay vẫy trong ngày?
Họ chạy ra với mái chèo trong tay, giường chiếu trống không, mẹ cầu nguyện, vợ tựa cửa trông theo;
Tiếng khóc chia tay lên thấu trời, Và ở đó, tiếng gọi của Thuyền trưởng phát ra
trong bóng tối: “Đi nào, các thủy thủ, đã kết thúc thời gian trong bến cảng!”

Tất cả xấu xa đen tối trên thế giới đã tràn bờ. Vậy mà, những người chèo thuyền, đứng ở vị trí của mình với phúc lành buồn đau trong tâm hồn của họ!
Trách móc chi, người anh em? Xin cúi đầu!
Tội lỗi là của các bạn và của chúng ta. Sự giận dữ bùng lên trong trái tim của Chúa qua bao thời đại- Nhút nhát của kẻ yếu, kiêu ngạo của kẻ mạnh, ntham lam lợi lộc béo bở, thù oán sai lệch, hãnh diện về nòi giống, và xúc phạm con người – Đã làm đổ vỡ sự an bình của Chúa, dữ dội trong cơn bão.

Giống như vỏ trái chín, để cho giông tố đập vỡ ruột quả thành nhiều mảnh, phát tán sấm sét. Dừng ngay khoác lác ầm ĩ của gièm pha và tự khen ngợi,
Sự bình tĩnh của lời cầu nguyện thầm lặng trên vầng trán của bạn là cánh buồm đến với bờ biển không tên.
Chúng ta biết lỗi lầm, sự xấu xa mỗi ngày và cái chết, chúng ta đều biết;

Chúng như những đám mây đi qua thế giới của chúng ta, với tiếng cười khạc ra sấm chớp.
Bất ngờ chúng dừng lại, trở thành kẻ phi thường, Và con người cần phải đứng lên, cất tiếng nói: “Chúng ta không sợ ngươi, Ôi Quỷ dữ, bởi chúng ta còn sống thì còn chinh phục ngươi, “Và chúng ta sẽ chết với niềm tin rằng Hòa Bình là chân lí , Cái Tốt là cái đúng, và chân lí là Cái Một vĩnh hằng!”

Nếu Bất Tử không sống ở trong lòng cái chết, Nếu uyên bác nở hoa hạnh phúc thì đâu phải ngập tràn lớp vỏ khổ đau, Nếu tội lỗi không chết đi bằng cách của riêng mình,
Nếu niềm tự hào không là gánh nặng của đồ trang trí,
Thế thì, từ đâu dẫn đến niềm hi vọng, hướng con người từ ngôi nhà của họ, như các vì sao đổ xô vào cái chết trong ánh bình minh?
Có phải giá trị máu xương của những nghĩa sĩ và nước mắt của các bà mẹ sẽ hoàn toàn mất đi trong bụi đất trần gian; họ không thể mua được Thiên Đường với cái giá mà mình đã trả?
Và khi Con Người phá vỡ giới hạn thuộc về cái chết, không phải là Cái Vô Hạn hiện ra trong chốc lát đó sao?

LXXXV

Bài Ca Thất Bại

Thầy tôi gọi trong khi tôi đang đứng bên đường để hát bài ca của Thất Bại, bởi đó là cô dâu mà Người theo đuổi trong bí mật.
Nàng phủ tấm mạng che mặt u tối, giấu khuôn mặt mình trước đám đông, nhưng viên ngọc trên ngực nàng phát sáng trong bóng đêm.
Nàng từ biệt ngày, và đêm của Chúa đang chờ đợi nàng với những ngọn đèn sáng và những bông hoa ướt đẫm sương.
Nàng im lặng với đôi mắt buồn rầu mỏi mệt, nàng bỏ lại phía sau ngôi nhà của mình, ở đó gió đến để than khóc.
Nhưng các vì sao đang hát bài hát tình yêu vĩnh cửu cho khuôn mặt ngọt ngào với xấu hổ và đau khổ.
Cánh cửa đã được mở ra trong căn phòng cô đơn, cuộc gọi đã vang lên, và trái tim của bóng tối rộn ràng với nỗi lo lắng bởi cuộc hẹn hò sắp tới.

LXXXVI

Lễ Tạ Ơn

Những kẻ đi trên lối mòn của niềm kiêu hãnh đã chà đạp những cuộc đời hèn mọn dưới chân mình, và phủ lên màu xanh dịu dàng của trái đất bằng những vết chân đẫm máu.
Lạy Chúa, xin cảm ơn người, hãy để cho họ vui mừng, bởi đó là ngày của họ.
Nhưng con xin tạ ơn người đã cho con cùng chung số phận với những người hèn mọn đã chịu nhiều khổ đau và gánh nặng cường quyền, đã phải giấu mặt và bóp nghẹt những tiếng nức nở của mình trong tăm tối.
Bởi từng nhịp đập đớn đau của họ đã đập trong đêm thẳm sâu bí ẩn, và mỗi lời sỉ nhục đều được thu vào sự im lặng lớn lao của người. Ngày mai là của họ.
Mặt trời ơi, hãy mọc lên trên những trái tim rỉ máu đang nở thành hoa trong sớm mai, và ngọn đuốc hoan lạc của niềm kiêu hãnh sẽ phải lụi tàn.

Hết

LỜI BẠT

… Nếu Bầy chim lạc (cùng một dịch giả) là từng tiếng chuông một, ngân lên cho ta nghe để chiêm ngưỡng mọi vẻ đẹp của thế gian, để ta tìm phương ứng xử, thì Mùa hái quả là cây nêu lắc lư trên cao, chỉ ra từng đoạn đường đi, gặp những bạn đường (là thầy, là bạn, là người mình yêu) nhưng cũng gặp cả những kẻ lạ, thậm chí là những kẻ thù, cũng khiến ta tìm phương ứng xử.

Nếu Bầy chim lạc là triết lí  sống thành thơ, thì Mùa hái quả là sự sống trở thành huyền thoại – thơ. Thơ này có hình, có cảnh, có chuyện kể, có nhân vật, như những hoạt cảnh, những màn kịch (có lẽ ảnh hưởng từ thú viết kịch dựng kịch của nhà thơ).Về thể loại, Bầy chim lạc là thơ ngắn đúng nghĩa, có bài chỉ một câu, bài dài chỉ vài ba câu, nhưng Mùa hái quảhình như “tự do” hơn, đa dạng hơn, là thơ văn xuôi đúng nghĩa: bài ngắn hai câu, bài dài tới gần bốn mươi câu. Tuy có chỗ khác nhau, nhưng hai tập thơ vẫn nhất quán một phong cách – Tagore, tứ thơ, hình tượng, ngôn từ, biến hóa vừa đẹp đẽ, trang trọng, vừa thực vừa hư, luôn làm cho người thưởng ngoạn rung động bất ngờ.

Tuy phần lớn những bài thơ không có tên, nhưng mở đầu Mùa hái quả vẫn là một vụ thu hoạch với những giỏ đầy quả, vườn đã mang lại tất cả, thật nên thơ khi mùa dâng lên nặng trĩu tràn đầy, và tiếng sáo mục đồng rên rỉ trong bóng râm (Bài I) [1].

Đến bài thứ 2, lại là một đoản ca, như tổng thu hoạch về cả cuộc đời. “Tôi” – nhà thơ, với hai giai đoạn của đời người: khi còn trẻ giống như một bông hoa…lơi ra một vài cánh hoa từ sự phong phú của mình. Nhưng khi tuổi trẻ trôi qua, cuộc đời tôi giống như một trái cây, chẳng còn gì phải giữ, và chờ đợi để tận hiến thân mình với gánh ngọt ngào nặng trĩu(II).

Mấy chục năm sau, tại đất Việt, một nhạc sĩ trẻ thiên tài cũng miêu tả hai giai đoạn của đời người với hai hình ảnh: ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi, và, ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi (Trịnh Công Sơn – Cát bụi).

Ngườixa lạ vĩnh cửu mải gọi “tôi” ra đi, với âm thanh những bước chân người ấy gõ lên ngực tôi, khiến tôi đau khổ! (VII). (Có gì giống nhau của những âm thanh này với “tiếng động đã gõ nhịp trong Cát bụi của bài ca Trịnh).

Từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 của cuộc đời là những câu chuyện, những chuyến đi, với những con người – nhân vật, vừa thực vừa hư. Qua từng trang thơ, suốt dọc đường đời, nhà thơ luôn hướng về một nhân vật thiêng liêng, cao cả nào đó. Trước tất cả, và trên tất cả, là những đấng thiêng liêng cao cả mà nhà thơ hướng về, khi là Chúa, khi là Phật, khi là Thầy, khi là một Hoàng đế anh minh, nhưng luôn luôn có một người, ngôi thứ ba, không viết hoa. Người tạo ra Trái Đất đầy bóng tối với các mảnh vỡ của ánh sáng (LXXVIII)… tôi sẽ thốt lên tên người… như một đứa trẻ gọi mẹ trăm lần (LXXXII). Những niềm tin yêu lớn nhất, mục đích của những cuộc hành trình, và cả những lời cầu xin (6 điều cầu xin trong bài LXXIX, 7 điều cầu xin trong bài LXXXIII…) đều hướng tới người. Vậy người là ai? Ta chỉ cần biết, mỗi một thiên tài đều có một Vì Sao – Chân lí  Vĩnh cửu của riêng mình.

Tuổi trẻ không chịu đựng nổi một cuộc sống chật hẹp được nuông chìu khác nào con sâu gặm nhấm bầu bóng tối trong ruột quả, cái nhà tù thối rữa….Ôi trái tim tôi, trong cỗ xe ngựa đó,…tôi băng qua thời gian…trên con đường tìm kiếm tuổi trẻ đời đời (IX). Tim ta ơi! hãy sẵn sàng lao tới…. Tim ta ơi, hãy đập vỡ vỏ bọc của mình, và lao tới!(VIII). Tuổi trẻ dấn thân, nhà thơ tham gia nhiều hoạt động đấu tranh xã hội không phải là trường hợp dễ kiếm, nhất là với một nhà thơ từng đoạt giải Nobel. Lao tới, đi đâu? Một bài thơ loại dài nhất trong tập thơ, có khí vị như một bản hùng ca, nói về cuộc hành trình đi chinh phục cái ác, tìm đến cái Bất Tử cho con người – bài Những người chèo thuyền, ở những trang gần kết thúc tập thơ.

Một con thuyền rời bến, những thủy thủ từ biệt gia đình, bỏ lại giường chiếu trống không, mẹ cầu nguyện, vợ tựa cửa trông theo…như mọi cuộc biệt li thông thường. Nhưng không, con thuyền kì lạ này lại có một sứ mệnh cực kì lớn lao, hướng về phía bờ biển không tên, nó ra đi vì tất cả xấu xa đen tối trên thế giới đã tràn bờ, loài người với bao thói tật nhút nhát của kẻ yếu, kiêu ngạo của kẻ mạnh,tham lam của kẻ phát đạt, thù oán của kẻ xấu, hãnh diện về dòng dõi, và xúc phạm con người…Cái chết, là Quỷ dữ, chúng như những đám mây đi qua thế giới của chúng ta với tiếng cười khạc ra sấm chớp…Bất ngờ chúng dừng lại, thành kẻ phi thường….Ôi Quỷ dữ, bởi chúng ta còn sống thì còn chinh phục ngươi…Và chúng ta sẽ chết với niềm tin rằng Hòa bình là chân lí , Cái Tốt là cái đúng, và chân lí  là Cái Một vĩnh hằng. Trong cuộc đọ sức này có giá trị máu xương của nghĩa sĩ và nước mắt của các bà mẹ, (và trong đoàn thủy thủ ta thấy có hình ảnh nhà thơ).Nhà thơ như trút tất cả nỗi căm thù vào Cái chết, hiện thân là Quỷ dữ (trong bài LXXXIV) được khái niệm hóa thành Cái Khủng Khiếp, đối lập với khái niệm Cái Đẹp (trong bài XXXVI) khiến tôi nghĩ đến những kẻ thù tệ hại nhất của loài người và dân tộc ta trong lịch sử cổ kim. Trong Bầy chim lạc, có bài thơ một câu, bài số 248: Con người tồi tệ hơn con vật khi hắn là con vật. Tồi tệ hơn, vì con vật chỉ có bản năng, còn con người là loài vật có lí  trí.

Nhưng chỉ có căm thù thì đâu còn là nhà thơ. Tuy hình thức có khác nhau, nhưng Bầy chim lạc và Mùa hái quả vẫn chung một chủ đề, một điệp khúc: Tình yêu: Cõi đời ơi, khi tôi chết, trong vắng lặng của người chỉ một lời này còn lại, “Tôi đã yêu” (Bầy chim lạc 278; và 279, 280, 284 đều có chữ “yêu”) và bài cuối của Bầy chim lạc là: Này, đây là lời nói cuối cùng của tôi, rằng tôi tin ở tình yêu con người (Bầy chim lạc 326).

Vậy không phải yêu một người, mà yêu con người: chữ yêu lớn mang trong lòng một chữ yêu nhỏ.

Tình yêu lớn lao của con người là yêu cuộc đời, yêu con người. Tôi đã hôn cõi đời với mắt và tay chân của mình; đã bao lần sung sướng ôm nó vào lòng; đã để cho những ý nghĩ của mình ngập tràn ngày đêm của nó cho đến khi cõi đời và cuộc đời tôi làm một (LIII).

Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu…thân phận thì hữu hạn mà tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời….Tôi là ai, là ai, mà yêu quá đời này (Trịnh Công Sơn).

Một xã hội mà sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt nam nữ nặng nề hơn ở đâu hết, nhà thơ lại thuộc đẳng cấp quý tộc Bà la môn, nhưng trong thơ, những nhân vật được trìu mến nhất, hơn nữa, được bảo vệ, được ca ngợi, tôn vinh với những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, là người nghèo khổ:

Xin cho tôi sức mạnh
Để không bao giờ khinh rẻ người nghèo khổ

(R.Tagore – Thơ Dâng)

Nhà thơ dành những hình ảnh đẹp nhất và tất cả tình thương yêu cho những cô gái nghèo thông minh nhưng bất hạnh (làm ta nhớ những cô gái Ấn Độ trong phim hiện đại “Triệu phú ổ chuột”). Xơrimati, người hầu gái của hoàng hậu, bị nhà vua và hoàng hậu cấm đoán, vẫn bình thản mang lễ vật dâng cúng Đức Phật, nhà vua sai lính chém chết, máu từ trái tim cô nhuộm đỏ đá cẩm thạch lạnh lẽo (XLIII). Nàng vũ nữ xinh đẹp một thời không may mang bệnh, bị xua đuổi, nằm co đôi chân trong bóng tối, nhà sư khổ hạnh ngồi xuống bên nàng… “ta đến thăm nàng và sẽ ở lại nơi đây”(XXXVII). Người chèo thuyền vượt biển dữ trong đêm… tìm đến nơi có ngọn đèn chong và người con gái đang ngồi trong bụi đất đợi chờ (XLI).

Và hiển nhiên, người con gái trong tình yêu của nhà thơ – tình yêu nhỏ trong tình yêu lớn – đắm say đến mức tôikhóc khi không nhìn thấy nàng,… nàng đã không nhận ra chính mình khi phải sống cô đơn,… tôi đến và nàng thức giấc,… tôi đến và trái tim nàng phập phồng; khổ đau đến với nàng cùng niềm vui sướng… và bầu trời nở hoa cùng với ánh sáng. Nàng, trong nỗi thao thức dằng dặc thâu đêm, lắng nghe tiếng bước chân tôi đến gần…(LXXX, LXXXI) và v.v…

Kì thực, để có tình yêu lớn thật không dễ. Ôi Nỗi Đau Đớn Của Tình Yêu (XXIV).Vì phải biết ghét “ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” “vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu). Những gì xa hoa phù phiếm phải bị khinh ghét. Người ưa ca hát khinh ghét chuỗi đá quý vì nó bóp nghẹt giọng hát của mình, (XI) Người Bà la môn nghèo khổ tìm được viên ngọc quý nhưng đã ném nó xuống nước (XXVII). Nhân vật Xuda hái được đóa sen quý giá qua mùa đông, một ông vua và một du khách thi nhau trả nhiều tiền để mua, nhưng Xuda từ chối và mang đóa sen đặt dưới chân Đức Phật.

Khi cái xa hoa phù phiếm trở thành tội lỗi thì bị người đời từ chối lánh xa (Đức Vua cho xây ngôi đền mái vàng trong khi hàng ngàn thần dân nhà cửa cháy trụi, không ai cứu giúp, do đó mà ngôi đền vắng tanh không ai ra vào thờ phụng (XXXIV). Tình thương yêu được dành cho những con người nhỏ bé; chính họ mới gần gũi Đức Phật và Chúa hơn ai hết (Cô gái con người hành khất nhận lãnh trách nhiệm đi ủy lạo những người đang đói khổ, trong khi những kẻ giàu sang cùng tướng lĩnh đều lắc đầu từ chối cứu trợ trước lời khuyên của Đức Phật)(XXXI).

Cái khó hơn cả của tình yêu, là sự tha thứ. “Ghét vào tận tâm”, nhưng lại tha cho kẻ đáng căm ghét, cho những Cái khủng khiếp? Cũng chỉ có thể là người, vì tòa án của người đặt ở trong vườn hoa… bên đôi bờ sông râm mát, nơi mà cây cối thì thầm… và công lí  của người đã cảnh giác (…nước mắt của người mẹ, niềm tin bất diệt của người tình.) Và cuối cùng, người đã tha thứ: Sự tha thứ của người ở trong lưỡi tầm sét; trong cơn mưa máu, trong màu đỏ giận dữ của hoàng hôn (XXXVI). Đó là nỗi đau đớn của tình yêu, thật chẳng dễ dàng.

Phải chăng lòng vị tha là nơi ẩn náu cuối cùng của tình nhân loại.

Có những bài thơ trong Mùa hái quả không thể trích và không nên trích; vì nó quá hoàn chỉnh, như bài cuối cùng của tập thơ: Lễ Tạ Ơn. Bài thơ mang tính thời sự thật sâu sắc, xin mời bạn đọc lại.

Mới tiếp cận được một góc của tòa lâu đài, nhưng sao nói dài vậy. Những tập thơ cỡ này là thế, đào xới mãi không hết, nó đáng đặt trên khám thờ như những cuốn thánh kinh.

*

Tôi cứ bị ám ảnh về hình ảnh một ông già tám mươi, nắm trong tay quyền trượng của ngôn ngữ thơ ca, đang đứng trên đỉnh Hi malaya đầy tuyết phủ, mái tóc bạc phơ trước gió…

Đà Lạt, tháng 10 năm 2012

TS.LÂM VINH    

THOÁNG HIỆN VỚI ĐỜI

Thơ Tagore là lời tụng ca với ban mai này cũng như với nghìn ban mai, với đời này cũng như với muôn đời.

Thơ ông thường nhắc đến “Dòng trôi vĩnh cửu của cái vô thường, thoáng hiện” (This eternal stream of the transitory, the fugitive).
Cái phôi pha, thấp thoáng, nhất thời trong Tagore luôn luôn mang chiều kích của vĩnh cửu.
Nhà thơ cũng ví đời sống chúng ta như một dòng sông. Đôi mạn bờ nào phải là tường thành giam giữ dòng trôi.Từng sát na một, hãy biết rằng ta có lối thoát vô cùng mênh mang về phía trùng dương vô tận.
Tư tưởng huyền vĩ và cảm thức thâm thiết đó được thể hiện chứa chan trong thi phẩm Người thoáng hiện (The Fugitive) cũng như trong nhiều sáng tác khác của Tagore.
Ở Việt Nam, thơ Tagore đã được yêu mến từ lâu, đã qua vài thế hệ.
Trong những người mê thơ Tagore hiện giờ có Bùi Xuân. Bạn đọc sẽ cảm nhận được điều đó qua các bản dịch đầy đam mê và nỗ lực của anh. Và bạn đọc cũng là người thưởng thức, nhìn nhận một lần nữa bóng dáng Rabindranath Tagore trong một cuộc gặp gỡ mới. Đó sẽ là niềm vui của người dịch, niềm vui thoáng hiện với đời.

Mùa xuân 2015
Nhà văn Nhật Chiêu

 

DỊCH THƠ NGHĨA LÀ ĐỒNG SÁNG TẠO

Đã có nhiều dịp tiếp cận với các bản thảo dịch thơ và cả tiểu thuyết Tagore qua bản dịch tài hoa của Đỗ Khánh Hoan, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy… Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là lần đầu tiên cùng làm việc với nhà thơ Bùi Xuân về bản dịch tập thơ Tagore “Bầy chim lạc” năm 2012 của anh. Sau đó “Mùa hái quả” năm 2013 và bây giờ – năm 2015 là “Người thoáng hiện”… Say đắm thơ Tagore, Bùi Xuân mê mải lội trong thế giới thơ mênh mang, bí ẩn và huyền diệu, ngập tràn tình yêu, ánh sáng và hương hoa của thiên tài thi ca R. Tagore bằng thái độ tin sùng của một tín đồ hơn là một dịch giả chuyển ngữ thơ. Anh mê man, nâng niu mỗi câu, mỗi chữ, trăn trở suy nghĩ, vận dụng đến tất cả mọi nguồn lực ngôn từ, kiến thức, khả năng cảm thụ và cảm xúc để có thể đạt được đến sự hoàn hảo mĩ  mãn trong việc thể hiện tinh thần và nội dung thơ Tagore qua âm điệu ngôn từ Việt. Tôi bắt gặp trong tinh thần làm việc của anh ở các bản dịch thơ Tagore là tinh thần của một người sáng tác hơn là một người dịch thuật… Ở mức độ nào đó, anh thật sự là một người đồng sáng tạo của thiên tài Tagore…

Đà Nẵng, 23.3.2015

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy

 

NHƯ MỘT LỰC ĐẨY

Ở Việt Nam, từ khoảng hơn nửa thế kỉ trước, đã có những người dịch thơ Tagore như Đỗ Khánh Hoan, Đào Xuân Quý… Trong vài năm gần đây, Bùi Xuân đã dịch hai tập thơ Tagore: Bầy chim lạc (2012), Mùa hái quả (2013). Và nay là tập thứ ba: Người thoáng hiện (2015).

Thường nghe nói: Dịch là phản. Dịch thơ, lại càng dễ “phản” hơn. Như trong bất kì công việc nào, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu-sáng tác, luôn cần có sự đam mê, như là một lực đẩy cần thiết. Nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ, mà phải có hiểu biết về nghề nghiệp, vốn kiến thức và cả những phương tiện cần và đủ. Sự “thuận lợi” của Bùi Xuân trong việc chuyển ngữ có phải do chính anh là một nhà thơ và đã từng viết nhiều bài thơ theo thể thơ văn xuôi?

Tam Kì, ngày 15 tháng 3 năm 2015

Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật

 

MỚI THOÁNG HIỆN ĐÃ ĐẦY ẤN TƯỢNG

Mỗi khi nghĩ về Tagore, tôi thường nhớ tới hai câu thơ của ông được chuyển ngữ tiếng Việt: Cỏ tìm bạn bè dưới đất / Cây tìm nỗi cô đơn trên trời. Trên bầu trời cao vợi mênh mông của văn đàn thế giới, Tagore đã tìm thấy nỗi cô đơn – nghĩa là đã trở thành một đại thụ thi ca từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1913. Chỉ riêng chuyện hơn nửa thế kỉ sau đó mới có nhà văn châu Á thứ hai dành được giải thưởng văn chương danh giá này đủ chứng tỏ Tagore cô đơn đến nhường nào trong sáng tạo nghệ thuật và cũng đủ để khẳng định Tagore là một tài năng chỉ mới thoáng hiện đã đầy ấn tượng. Chỉ mới thoáng hiện đã đầy ấn tượng, huống chi trong quá trình lao động nghệ thuật, Tagore từng đặt dấu vân tay của mình vào hơn năm chục tập thơ, hơn bốn chục vở kịch, hàng chục tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn và bút ký… chưa kể hai nghìn tranh vẽ và thêm ngần ấy bài hát, thì ấn tượng ấy càng đậm nét biết bao. Mặc dầu từ năm 1924 – tức là trước thời điểm Tagore đến Sài Gòn giao lưu văn hóa khoảng năm năm, người Việt đã dịch Tagore đăng trên báo Tiếng chuông rè/La Cloche Fêlée và cả trên Tạp chí Nam Phong, nhưng nhiều độc giả người Việt chủ yếu mới tiếp cận thơ Tagore – mà cũng chỉ vài tập thơ được chuyển ngữ trong vòng năm mươi năm nay ở cả hai miền Nam-Bắc qua sự đồng sáng tạo của một số dịch giả đáng tin cậy như Đỗ Khánh Hoan, Đào Xuân Quý…

Nhà xuất bản Đà Nẵng là một trong không nhiều nhà xuất bản địa phương “có duyên” với thơ Tagore. Từ năm 1997, nhà xuất bản của thành phố bên sông Hàn đã tái bản các tập thơ Tâm tình hiến dâng/The Gardener, Lời dâng/Gitanjali, Tặng vật/Lover’s gift qua bản dịch của Đỗ Khánh Hoan và Mảnh trăng non/The Crescent Moon qua bản dịch của Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thủy. Và đáng chú ý là từ năm 2012 đến nay, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho ra mắt độc giả ba tập thơ Tagore: Bầy chim lạc/Stray Birds, Mùa hái quả/Fruit – Gathering và Người thoáng hiện/ The Fugitive qua bản dịch của chính một người Đà Nẵng là nhà thơ Bùi Xuân. Trong bối cảnh Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ vừa được thành lập tại thành phố Đà Nẵng hồi tháng 10 năm ngoái, nỗ lực của Nhà xuất bản Đà Nẵng và nhất là công phu lao động dịch thuật nghiêm túc của Bùi Xuân qua Người thoáng hiện được xem là đóng góp đầy ý nghĩa nhằm giúp người đọc thâm nhập sâu hơn vào vũ trụ thơ (mượn chữ Đặng Tiến) của nhà thơ Ấn Độ kiệt xuất này và qua đó mà thâm nhập sâu hơn vào văn hóa của đất nước bên sông Hằng.

Đà Nẵng, tháng 3 năm 2015

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng

[1] Những dòng in nghiêng là trích trong nguyên văn. Những chữ in đậm là người viết muốn nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *