Tắc sữa luôn là một “cơn ác mộng” đối với mẹ bỉm, khiến mẹ đau đầu tìm ra cách điều trị nhanh, đơn giản, không đau đớn. Gần đây một số mẹ rỉ tai nhau một phương pháp dân gian “độc lạ” – mẹo chữa tắc tia sữa bằng lược. Thực hư về hiệu quả của phương pháp này ra sao và mẹ có nên áp dụng không? Bài viết này sẽ giải đáp tất tần tật cho mẹ!
1. Chữa tắc tia sữa bằng lược có khoa học không?
Theo nguyên lý được nhắc tới, lược có răng cưa dày và đều, giúp mẹ tác động nhẹ nhàng lên vùng ngực đang bị căng cứng vì tắc sữa. Những chiếc răng lược được chải theo chiều dòng sữa lưu thông sẽ giúp kích thích dòng chảy và phần nào làm tan những cục sữa đông đang làm tắc nghẽn các nang sữa.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có bất kỳ cơ sở khoa học nào chứng minh tính hiệu quả của việc dùng lược để chữa tắc tia sữa. Đây hoàn toàn là những kinh nghiệm dân gian được mẹ bỉm truyền tai nhau nhằm cải thiện tình trạng tắc tia sữa.
Như vậy, mẹ tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng phương pháp này nhé.
2. Các phương pháp chải lược hiện nay
Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ lựa chọn dùng lược theo 1 trong 2 cách dưới đây để giảm tình trạng tắc sữa:
- Chải lược: Dùng lược chải lên bầu ngực theo một chiều cố định (xuôi theo bầu ngực từ chân tới đỉnh vú)
- Chải lược kết hợp đắp lá mít: Kết hợp động tác chải lược và đắp lá mít lên ngực để tăng hiệu quả chữa tắc sữa
3. Cách chữa tắc tia sữa bằng lược tại nhà
Về cách làm, cả hai cách chữa tắc sữa với lược dưới đây đều khá đơn giản, dễ thực hiện. Mẹ muốn áp dụng tại nhà bất cứ lúc nào cũng được, không cần chuẩn bị nhiều đồ cầu kỳ đâu ạ!
3.1 Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lược
Nguyên liệu mẹ cần: 1 chiếc lược (mẹ nên chọn loại lược thưa, chất liệu nhựa hoặc gỗ để ngực không bị cào xước) và 1 chiếc khăn ấm.
Mẹ thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ 2 bầu ngực bằng khăn. Sau đó mẹ lấy lược chải lần lượt 2 bầu ngực theo hướng từ trong ra ngoài (từ chân bầu vú đến núm vú)
- Bước 2: Mẹ dùng khăn ấm chườm lên ngực và tiếp tục lặp lại bước 1
Mẹ thực hiện các bước trên trong vòng 3-5 phút và vài lần mỗi ngày (tuỳ theo lịch trình của mẹ) để thấy được hiệu quả mẹ nhé!
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Mẹ đừng dùng lực quá mạnh sẽ khiến răng cưa ở lược cọ xát vào da khiến da ửng đỏ, trầy xước.
3.2 Chữa tắc tia sữa bằng lược kết hợp đắp lá mít
Đối với cách này, mẹ sẽ cần chuẩn bị nguyên liệu cầu kỳ hơn một chút, lượng nguyên liệu như sau:
Nguyên liệu:
- Khoảng 6-10 lá mít đun sôi với 1 lít nước
- 1 chiếc lược
- 1 chiếc khăn ấm
Các bước thực hiện vô cùng đơn giản như sau:
- Bước 1: Rửa và lau sạch bầu ngực bằng khăn ấm
- Bước 2: Mẹ nhúng lược vào nồi nước lá mít còn đang ấm (khoảng 40 độ). Sau đó chải lên ngực theo hướng từ trong ra ngoài (từ chân bầu ngực đến núm vú)
- Bước 3: Mẹ vớt lá mít vừa đun đắp trực tiếp lên ngực để chườm ấm bầu ngực, giúp lưu thông tuyến sữa tốt hơn.
- Bước 4: Sau khi đắp bằng lá mít, mẹ dùng khăn nhúng vào nồi nước lá, vắt bớt nước và đắp lên ngực thêm khoảng 5-10 phút
Mẹ lưu ý: đắp lá mít lên ngực khi lá đang ấm mẹ nhé, lá vừa đun sôi sẽ rất nóng dễ khiến mẹ bị bỏng rát đó
Theo như kinh nghiệm truyền lại, mẹ cần kiên trì thực hiện trong vòng 3-5 ngày để cảm nhận được dần dần tác dụng của phương pháp này mẹ nhé!
4. Lưu ý khi áp dụng phương pháp chải lược chữa tắc tia sữa
Cách thức dùng lược để hỗ trợ điều trị tắc tia sữa là phương pháp đơn giản và dễ thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, để tình trạng tắc sữa của mình được cải thiện rõ rệt nhất, mẹ cần lưu ý những điều sau trong quá trình áp dụng phương pháp này:
- Mẹ đừng ngừng cho con bú trong thời gian trị tắc sữa: Theo cơ chế sinh học, bé bú mẹ càng nhiều, lượng oxytocin tiết ra sẽ giúp tuyến vú của mẹ lưu thông tốt hơn. Nếu mẹ đang bị tắc sữa mà ngưng cho con bú, bầu ngực sẽ thêm căng cứng do không giải phóng được lượng sữa vẫn đang tiết ra. Từ đó tình trạng tắc sữa càng trở nên trầm trọng hơn.
- Khi kết hợp với lá mít, mẹ chỉ đắp lá khi lá ấm khoảng 50-60 độ C thôi, mẹ đừng đắp lá quá nóng lên ngực, vì nhiệt độ quá cao sẽ dễ làm mẹ bỏng da bởi vùng da ngực rất mỏng và nhạy cảm. Nhất là khi sau sinh, bầu ngực căng ra sẽ càng làm da ngực dễ bị tổn thương hơn.
- Công dụng những bài thuốc này mới chỉ cho thấy hiệu quả ở những trường hợp mới tắc sữa, mức độ nhẹ. Nếu sau khi sử dụng phương pháp này mà tình trạng tắc sữa của mẹ không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn sau 2 ngày,mẹ nên ngừng áp dụng phương pháp này và tìm đến những phương pháp có tính khoa học hơn. Ngoài ra, nếu mẹ bị tắc sữa đi kèm những biểu hiện như sốt cao, sưng nhức, mưng mủ, mẹ cần đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời, tránh dẫn tới viêm nhiễm, hoại tử.
- Đây là mẹo dân gian được truyền tai nhau mà chưa được kiểm duyệt bởi bất kỳ cơ quan y tế nào. Hơn nữa, ngay cả khi mẹ mới chớm bị tắc sữa, phương pháp này cũng không cam kết đem lại hiệu quả 100% vì còn phụ thuộc vào cơ địa của từng mẹ. Do vậy mẹ không nên quá kỳ vọng vào phương pháp này mà hãy cân nhắc tới những phương pháp trị tắc sữa đã được kiểm chứng để đảm bảo về độ an toàn và tác dụng lâu dài mẹ nhé!
5. Phương pháp chữa tắc tia sữa được khuyến khích hiện nay
Nếu mẹ còn e dè và phân vân không biết phương pháp dùng lược có đem lại hiệu quả, giúp mẹ hết tắc sữa hay không, mẹ tham khảo sang các cách thức sau. Đây đều là những cách điều trị có cơ sở khoa học hơn, được các bác sĩ khuyến khích áp dụng.
5.1 Đối với các trường hợp mới tắc
Tính hiệu quả của những cách chữa tắc sữa phụ thuốc rất nhiều vào mức độ tắc sữa của mẹ. Nếu mẹ mới bị tắc tia sữa, tình trạng không quá nghiêm trọng với những biểu hiện như:
- Mẹ vẫn thấy ngực tiết sữa, tuy nhiên có cảm giác sữa không được “giải phóng” dễ dàng như trước. Tia sữa tiết ra chậm và yếu hơn, trong bầu ngực nổi cục, khiến mẹ cảm thấy căng tức.
- Mẹ cảm nhận được có những mảng cứng bất thường xuất hiện khi sờ vào bầu vú
- Sữa mẹ bắt đầu tiết ra ít dần, vắt sữa cũng không ra nhiều. Bầu ngực mẹ bắt đầu căng cứng và to hơn bình thường. Càng ngày mẹ càng cảm thấy ngực mình cứng và đau hơn.
- Trong một vài trường hợp mẹ thấy sữa tiết ít hơn và kèm theo sốt nhẹ hoặc cảm giác bị vón cục trong bầu ngực.
Lúc này, mẹ áp dụng ngay những phương pháp sau để giải phóng tuyến sữa mẹ nhé:
1 – Chườm ấm ngực
Chườm ấm ngực giúp làm mềm vú, các nang sữa giãn nở hoặc làm tan những cục sữa đông trong nang sữa. Từ đó giảm cương sữa, giúp sữa chảy ra ngoài dễ hơn. Mẹ có thể lựa chọn chườm ấm ngực bằng khăn hoặc cho nước ấm vào bình nhựa và chườm lên ngực.
Cách chườm ấm vô cùng đơn giản với 3 bước:
- Bước 1: Chuẩn bị khăn và nước ấm. Nhúng khăn trong nước ấm khoảng 40-45 độ và đặt lên quầng vú.
- Bước 2: Massage ngực nhẹ nhàng để kích thích dòng chảy của sữa
- Bước 3: Dùng tay bóp 1 ít sữa ra trước để giảm sự căng sữa, giúp tia sữa thông thoáng hơn. Thao tác này cũng giúp làm mềm vú để bé mút được tốt hơn
Lưu ý: Không chườm ấm quá 3 phút vì có thể làm phù nề các mạch máu dưới tuyến vú gây vỡ mạch và tổn thương vú, áp xe vú/viêm vú.
2 – Massage ngực
Khi đều đặn massage ngực, bầu ngực của mẹ trở nên mềm mại hơn. Các động tác trong quá trình massage góp phần đánh tan các cục sữa đông gây ách tắc tuyến sữa, làm giãn nở các nang sữa giúp tia sữa được lưu thông. Ngoài ra, một lợi ích tuyệt vời của việc massage vú giúp lưu thông tuyến sữa, làm giãn nở các nang sữa, giúp mẹ tránh được các bệnh liên quan đến tuyến vú như xơ nang tuyến vú, u xơ tuyến vú, viêm tuyến vú và áp xe vú…
Mẹ có thể tham khảo cách Massage ngực trong bài viết này, kết hợp với chườm ấm ngực sẽ đem đến hiệu quả cao hơn đó mẹ!
Các bước massage ngực cũng rất dễ thực hiện, mẹ tham khảo quy trình dưới đây:
- Bước 1: Dùng 3 ngón tay (gồm ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón giữa) vuốt từ bầu ngực qua đầu vú về phía dưới theo chiều động mạch. Tay còn lại đỡ bầu ngực. Lặp lại mỗi bên 5 lần.
- Bước 2: Tiếp tục vuốt quanh bầu ngực khoảng 2 vòng bằng 3 ngón tay. Sau đó lặp lại tương tự 2 vòng ngược chiều kim đồng hồ
- Bước 3: Mô phỏng lại động tác bú mẹ của em bé bằng cách dùng 3 ngón tay kéo nhẹ đầu vú ra phía ngoài với lực tương tự lực bú của em bé. Lặp lại thao tác này 4 lần
- Bước 4: Lấy 1 bàn tay khum lại thành hình chữ C giữ phía dưới bầu vú. Sau đó nhẹ nhàng rung bầu vú với tần suất rung tăng dần. Lấy 3 ngón tay ở bên còn lại massage nhẹ nhàng khu vực quầng vú. Thực hiện 2 bên mỗi bên khoảng 1 phút
- Bước 5: Lấy ngón cái và ngón trỏ đặt bên trên quầng vú, ép nhẹ theo chiều từ trên xuống và hướng ra ngoài quầng vú. Tay kia làm tương tự nhưng ép theo chiều từ dưới lên. Lặp lại thao tác khoảng 3-5 lần cho mỗi bên
- Bước 6: Dùng tay ấn và kéo nhẹ đầu vú, trong khi đó tay kia xoa bóp nhẹ đầu vú. Thực hiện thao tác 4 lần.
3 – Sử dụng những sản phẩm chức năng hỗ trợ
Ngoài các phương pháp chữa tắc tia sữa trên, mẹ kết hợp sử dụng một số loại thực phẩm chức năng lợi sữa để tăng tiết sữa, giảm tắc tia sữa cho mẹ. Các loại thực phẩm chức năng này chứa nhiều canxi, Vitamin K, D3, B6, Magie, DHA… giúp phục hồi sức khoẻ mẹ nhanh chóng cũng như kích thích các hoạt động của tuyến sữa. Mẹ tham khảo các dòng thực phẩm chức năng uy tín như:
- Thuốc lợi sữa Mabio
- Thuốc lợi sữa Ích mẫu lợi nhi
- Thuốc lợi sữa Pigeon
Mặc dù thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ trong việc tăng tiết sữa và giảm tình trạng tắc sữa của mẹ, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước về loại thuốc, liều lượng để an tâm hơn mẹ nhé!
5.2. Đối với các trường hợp tắc nặng
Những trường hợp mẹ bị tắc sữa nghiêm trọng hơn, những cách trên sẽ không phát huy được tác dụng. Mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên môn khám chữa và điều trị kịp thời nếu mẹ bị tắc sữa và đi kèm những dấu hiệu sau:
- Mẹ sốt cao (trên 38.5 độ C). Sốt cao có thể là dấu hiệu của những bệnh về vú nguy hiểm như viêm vú, áp xe… cần được thăm khám, chẩn đoán và chữa trị sớm
- Vú mẹ sưng, căng cứng dù đã thử các phương pháp massage, chườm vú,..sờ vào thấy ấm nóng và hơi sần, không mịn màng
- Mẹ thấy trong người mệt mỏi, đau đầu, hay có cảm giác ớn lạnh, thở khó khăn.
- Mẹ bị tắc sữa và tình trạng không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn sau 3-4 ngày dù đã áp dụng các phương pháp kể tới phía trên.
Dù tắc sữa là vấn đề thường gặp ở những bà mẹ đang cho con bú, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có cách điều trị giống nhau. Đó là lý do vì sao mẹ cần theo dõi và lắng nghe cơ thể để xác định mức độ tắc sữa mình gặp phải, từ đó áp dụng phương pháp phù hợp.
Những bài thuốc dân gian, cụ thể là mẹo chữa tắc tia sữa bằng lược hẳn có tác dụng trong việc điều trị tắc sữa ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, mẹ đừng quá phụ thuộc vào phương pháp này bởi chúng chưa được kiểm định bởi bất cứ một tổ chức nào. Vì vậy, mẹ ưu tiên lựa chọn những cách thức khoa học để chữa tắc sữa mẹ nhé!
Đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới nếu muốn trao đổi thêm về chủ đề này mẹ nhé!