Khi đăng ký kết hôn thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một người nằm trong trình trạng hôn nhân và được cấp giấy đăng ký kết hôn. Sau khi đăng ký kết hôn thì sẽ phát sinh quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân. Việc đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền và người đăng ký kết hôn sẽ phải điền đầy đủ các thông tin theo mẫu tờ khai đăng ký kết hôn theo quy định.
Quy định về tờ khai đăng ký kết hôn
Kết hôn là một việc rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Việc kết hôn cần phải tuân theo đúng quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn như đủ độ tuổi quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn là sự tự nguyện quyết định của nam và nữ và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra việc kết hôn phải không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định.
Giữa nam và nữ chỉ được coi là vợ chồng khi đã thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thì tờ khai đăng ký kết hôn là một trong những giấy tờ không thể thiếu vậy mẫu tờ khai đăng ký kết hôn được quy định như thế nào.
Hiện nay mẫu tờ khai đăng ký kết hôn được quy định ở Thông tư số 04/2020/TT-BTP – Thông tư của Bộ tư pháp, nội dung tờ khai này gồm các thông tin như sau:
– Thông tin của bên nam và bên nữ như: họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú sẽ ghi theo nơi đăng ký thường trú nếu như không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú, trong trường hợp không có cả nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì sẽ ghi theo nơi đang sinh sống;
– Thông tin về giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/1982); kết hôn lần thứ mấy;
– Cam đoàn về những lời khai trong giấy là đúng sự thật, việc kết hôn là tự nguyện và không vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, sau đó bên nữ và bên nam ký, ghi rõ ho, chữ đệm và tên;.
Trong trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ vào mẫu tờ khai đăng ký kết hôn theo quy định.
Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn
Mẫu số 1:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Kính gửi: (3)……………………………………………………………………………………
Thông tin
Bên nữ
Bên nam
Họ, chữ đệm, tên
Ngày, tháng, năm sinh
Dân tộc
Quốc tịch
Nơi cư trú (4)
Giấy tờ tùy thân (5)
Kết hôn lần thứ mấy
Chúng tôi cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, việc kết hôn của chúng tôi là tự nguyện, không vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan của mình.
Đề nghị Quý cơ quan đăng ký.
………………………………., ngày ……….…tháng ………… năm……………
Bên nữ
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
………………………………
Bên nam
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
………………………………
Đề nghị cấp bản sao(6): Có , Không
Số lượng:…….bản
Chú thích:
(1) (2) Trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thì phải dán ảnh của hai bên nam, nữ.
(3) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký kết hôn.
(4) Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
(5) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/1982).
(6) Đề nghị đánh dấu X vào ô nếu có yêu cầu cấp bản sao và ghi rõ số lượng.
Mẫu số 2:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Kính gửi: Ủy ban nhân dân phường Ngô Quyền
Thông tin
Bên nữ
Bên nam
Họ, chữ đệm, tên
Nguyễn Thị Lan Anh
Đặng Tiến Dũng
Ngày, tháng, năm sinh
26 – 09 – 1995
19 – 07 – 1991
Dân tộc
Kinh
Kinh
Quốc tịch
Việt Nam
Việt Nam
Nơi cư trú
Tổ 1, phường Quang Trung, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Tổ dân phố Đoàn kết. phường Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Giấy tờ tùy thân
– Chứng minh thư nhân dân
– Sổ hộ khẩu
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
– Chứng minh thư nhân dân
– Sổ hộ khẩu
Kết hôn lần thứ mấy
1
1
Chúng tôi cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, việc kết hôn của chúng tôi là tự nguyện, không vi phạm quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan của mình. Đề nghị Quý cơ quan đăng ký.
Hòa Bình, ngày 24 tháng 12 năm 2020
Bên nữ
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
Bên nam
(Ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên)
Đề nghị cấp bản sao: Có , Không Số lượng:…….bản
Tải (Download) mẫu Tờ khai đăng ký kết hôn
Thủ tục đăng ký kết hôn
Có thể nói kết hôn là một sự kiện pháp lý để làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn thì các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Mẫu tờ khai đăng ký kết hôn;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được UBND cấp xã nơi cư trú cấp;
– Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật (nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn);
– CMND, hộ chiếu, thẻ CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND xã phường
Người có yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn sẽ nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền; hồ sơ phải nộp gồm có tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Sau khi nhận được hồ sơ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu những thông tin trong tờ khai và tính hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ viết giấy tiếp nhận trong đó có ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
Nếu hồ sơ đăng ký kết hôn chưa đầy đủ cần hoàn thiện thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; nếu không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn trong đó có nêu rõ loại giấy tờ và nội dung cần phải bổ sung sau đó ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
Bước 3: Xét xét thẩm định hồ sơ đăng ký kết hôn
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn đầy đủ hợp lệ thì công chức tư pháp hộ tịch báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và trả kết quả
Khi trả kết quả đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp hộ tịch sẽ hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Nếu các bên thấy nội dung đúng với hồ sơ đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ và hướng dẫn các bên cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ, mỗi bên sẽ được nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Khi nam, nữ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì tờ khai đăng ký kết hôn là một loại giấy tờ không thể thiếu khi nộp hồ sơ, do đó cần phải sử dụng đúng mẫu tờ khai đăng ký kết hôn theo quy định hiện hành.
Ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn
Theo phong tục tập quán từ xưa đến nay dấu mốc được coi là đánh dấu cho việc nam nữ tiến đến quan hệ hôn nhân chính là việc tổ chức đám cưới.
Nhưng xét trên phương diện về mặt pháp lý nếu như chỉ có đám cưới thôi là chưa đủ vì vậy nam, nữ cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn mới là sự kiện pháp lý quan trọng đánh dấu cho mối quan hệ vợ chồng hợp pháp và được pháp luật bảo hộ.
Từ đó có thể thấy được rằng giấy đăng ký kết hôn là một loại giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xác nhận về tình trạng hôn nhân của một cá nhân.
Việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn chính là cơ sở để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người trong quan hệ hôn nhân nếu như trong trường hợp có xảy ra tranh chấp về tài sản sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định.
Như vậy có thể thấy được rằng việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại có quan có thẩm quyền có vai trò rất quan trọng. Sau khi được cấp giấy chứng nhận kết hôn thì giữa bên nam và nữ sẽ được coi là vợ chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Theo đó vợ và chồng sẽ có quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình.
Từ những phân tích trên có thể thấy được rằng ngoài việc tổ chức đám cưới theo phong tục thì vấn đề quan trọng nhất để chứng minh mối quan hệ vợ chồng hợp pháp đó chính là phải đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là một loại giấy tờ hộ tịch xác nhận về tình trạng hôn nhân của một người do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi đã đăng ký kết hôn thì quyền lợi của các bên vợ, chồng sẽ được pháp luật đảm bảo một cách tốt nhất.
Hướng dẫn viết tờ khai đăng ký lại kết hôn
Trên thực tế có thể thấy rằng vì những nguyên nhân khác nhau nên nhiều người đã đánh mất giấy chứng nhận kết hôn. Về nguyên tắc, khi làm mất giấy chứng nhận kết hôn thì cá nhân sẽ phải đến cơ quan có thẩm quyền để cấp lại bản trích lục từ sổ gốc. Tuy nhiên với những trường hợp sổ gốc không còn thì buộc cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn theo đúng quy định.
Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm có tờ khai đăng ký lại kết hôn theo mẫu; bản sao giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây; nếu như không còn thì nộp bản sao của hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến việc đăng ký kết hôn.
Cũng giống như việc đăng ký kết hôn trong hồ sơ đăng ký kết hôn cần phải sử dụng đúng mẫu tờ khai đăng ký kết hôn thì khi đăng ký lại kết hôn hồ sơ cũng yêu cầu nộp tờ khai đăng ký lại kết hôn.
Mẫu tờ khai đăng ký lại kết hôn được quy định tại thông tư số 04/2020 thông tư của Bộ tư pháp và gồm có những nội dung như sau:
– Ở phần kính gửi sẽ là kính gửi cơ quan đăng ký lại kết hôn;
– Thông tin của người yêu cầu đăng ký lại kết hôn gồm có họ, chữ đệm, têm; giấy tờ tùy thân; nơi cư trú;
– Đề nghị cơ quan đăng ký lại kết hôn theo nội dung: Ở phần này sẽ ghi đầy đủ thông tin của vợ, chồng gồm có họ, chữ đệm, tên; ngày tháng năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; giấy tờ tùy thân; kết hôn lần mấy; đã đăng ký kết hôn tại..cần ghi rõ tên cơ quan đã đăng ký kết hôn trước đây; theo giấy chứng nhận kết hôn số…thông tin này chỉ khai khi biết rõ thông tin;
– Nêu lý do đăng ký lại kết hôn và cam đoan về nội dung thông tin đã khai sau đó người yêu cầu đăng ký lại kết hôn ký và ghi rõ họ và tên, ghi ngày tháng năm.
Như vậy khi muốn đăng ký lại kết hôn thì người có yêu cầu đăng ký lại kết hôn sẽ phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định như trên và nộp tại cơ quan có thẩm quyền.
Thông thường khi đăng ký lại kết hôn sẽ thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi mà trước đây cá nhân đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.
Tải (Download) mẫu Tờ khai đăng ký lại kết hôn
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Hoàng Phi về vấn đề quy định về mẫu tờ khai đăng ký kết hôn, hồ sơ và thủ tục khi thực hiện việc đăng ký kết hôn, mẫu tờ khai đăng ký lại kết hôn. Mọi vấn đề thắc mắc cần được giải đáp hãy liên hệ ngay cho chúng tôi theo số 1900 6557 để được tư vấn trực tiếp nhất.