Hồ sơ xin việc là một trong những tiêu chí quan trọng giúp nhà tuyển dụng tiếp cận và đánh giá ứng viên của mình. Vì vậy để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ và chuyên nghiệp nhất.
Tạo CV xin việc nhanh tại đây !
Bộ hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?
Một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ sẽ bao gồm các loại giấy tờ liên quan đến người có nhu cầu cần tìm việc làm để nhà tuyển dụng nắm được thông tin của ứng viên. Do đó, một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Sơ yếu lý lịch tự thuật (dán kèm ảnh và có xác nhận của địa phương)
- Đơn xin việc (viết tay hoặc đánh máy)
-
CV xin việc
- Giấy khám sức khoẻ (trong thời gian 6 tháng gần nhất)
- Bản photo chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh công chứng
- Ảnh chân dung (kích thước 3×4 hoặc 4×6)
- Các loại bằng cấp, chứng chỉ (nếu có)
Hồ sơ xin việc bao gồm những gì?
Cách viết hồ sơ xin việc đúng chuẩn cho ứng viên
Sau khi đã biết rõ một bộ hồ sơ xin việc gồm những gì, các ứng viên sẽ cần biết cách ghi hồ sơ xin việc thật ấn tượng với nhà tuyển dụng. Dưới đây sẽ là những hướng dẫn giúp bạn viết hồ sơ xin việc chuyên nghiệp nhất.
Cách viết bìa hồ sơ xin việc
Có rất nhiều các bạn ứng viên quá quan tâm vào những nội dung, giấy tờ bên trong mà quên rằng bìa hồ sơ xin việc cũng rất quan trọng. Nhà tuyển dụng khi nhìn vào bộ hồ sơ của bạn, điều đầu tiên họ nhìn thấy chính là bìa của hồ sơ. Vậy đâu là cách viết bìa hồ sơ xin việc đẹp và ấn tượng nhất?
Bìa của hồ sơ chính là túi đựng tất cả các loại giấy tờ cần thiết bên trong. Điều cơ bản nhất khi nộp hồ sơ trực tiếp là bạn cần biết cách điền đầy đủ thông tin ở khu vực bên ngoài túi đựng đó. Thông thường, bìa hồ sơ chính là bản tóm tắt ngắn gọn nhất các loại giấy tờ có trong bộ hồ sơ của bạn. Những nội dung cần có bao gồm:
- Họ và tên đầy đủ (viết chữ in hoa)
- Ngày/tháng /năm sinh
- Địa chỉ hiện tại, nơi đang cư trú
- Quê quán
- Số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)
- Ảnh 4×6
- Những giấy tờ có trong bộ hồ sơ
Bởi bìa hồ sơ chính là đại diện cho gương mặt của bạn, vậy nên hãy chuẩn bị thật sạch đẹp, gọn gàng, chỉnh chu. Đặc biệt, hạn chế việc tẩy xóa nhem nhuốc khiến bìa hồ sơ trở nên mất thẩm mỹ.
Cách viết bìa hồ sơ xin việc đúng chuẩn
Cách viết sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch tự thuật là phần đầu tiên và không thể thiếu trong bất kì bộ hồ sơ tuyển dụng nào. Thường mẫu sơ yếu lý lịch sẽ được xây dựng theo form có sẵn và các ứng viên chỉ cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu. Lưu ý các thông tin kê khai cần chính xác vì bạn sẽ cần xin dấu xác nhận của chính quyền địa phương đối với bản sơ yếu lý lịch đó. Chi tiết cách điền như sau:
THÔNG TIN BẢN THÂN:
- Họ và tên: Ghi rõ họ và tên đầy đủ theo giấy khai sinh, kiểu chữ in hoa
- Ngày sinh, nơi sinh: Thông tin phải trùng khớp với chứng minh thư hoặc căn cước công dân hiện tại.
- Nguyên quán: Là nơi ông bà nội hay bố mẹ đẻ của bạn sinh sống (nơi bạn được nuôi dưỡng từ nhỏ).
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Là địa chỉ có trong sổ hộ khẩu.
- Chỗ ở hiện nay: Là nơi bạn đang sinh sống hiện nay. Lưu ý viết rõ số nhà, tên đường (thôn), phường (xã), quận (huyện), thành phố (tỉnh).
- Điện thoại liên hệ: Số điện thoại bạn sử dụng để liên lạc thường xuyên.
- Dân tộc: Thuộc người dân tộc nào bạn ghi đúng tên dân tộc đó.
- Tôn giáo: Nếu có ghi rõ tên tôn giáo bạn theo (Phật Giáo, Hồi Giáo…). Nếu không ghi “Không”
- Số chứng minh: Điền chính xác sốCMND, ngày cấp và nơi cấp.
- Trình độ văn hóa: Ghi 12/12 đối với người đã tốt nghiệp lớp 12. Ghi Đại học/Cao đẳng/Trung cấp đối với những người đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp tương ứng.
- Trình độ ngoại ngữ: Điền bằng cấp ngoại ngữ nếu bạn có, ví dụ ielts 8.0…
- Trình độ chuyên môn: Điền các bằng cấp về chuyên môn bạn có, ví dụ chứng chỉ tin học MOS…
- Kết nạp Đoàn TNCS HCM: Ghi rõ ngày, tháng và nơi kết nạp.
- Kết nạp Đảng CSVN: Ghi rõ ngày, tháng và nơi kết nạp.
- Khen thưởng/ Kỷ luật: Ghi rõ thời gian, hình thức khen thưởng hoặc loại vi phạm, lý do và hình nhức nhận kỷ luật.
QUAN HỆ GIA ĐÌNH
Điền đầy đủ các thông tin về người thân trong gia đình: bố, mẹ, anh/chị/em ruột, vợ (chồng), con ruột… Ví dụ:
- Họ và tên cha_Năm sinh
- Nghề nghiệp hiện nay
- Đơn vị công tác
- Nơi ở hiện nay
TÓM MẮT QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO
- Điền quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo mà bạn đã theo học. Ghi rõ tên trường, ngành học, hình thức đào tạo và bằng cấp bạn đạt được.
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- Ghi rõ khoảng thời gian và đơn vị mà bạn công tác, làm việc và giữ chức vụ gì.
Sơ yếu lý lịch trong bộ hồ sơ xin việc
Tải mẫu sơ yếu lý lịch tại đây !
Cách viết đơn xin việc
Để viết một lá đơn xin việc đúng chuẩn thì bạn cần đáp ứng đủ những nội dung cần thiết. Cụ thể, một mẫu đơn xin việc chuẩn bao gồm các mục sau:
Tiêu ngữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
Tiêu đề: Đơn xin việc hoặc Thư xin việc
Phần mở đầu:
- Kính gửi ông/bà… Hoặc bộ phận tuyển dụng công ty….
- Giới thiệu về bản thân và vị trí mà bạn muốn ứng tuyển
Phần thân:
- Trình bày về kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến yêu cầu công việc mà bạn đang ứng tuyển.
- Nêu những điểm mạnh bạn có hỗ trợ tốt cho công việc.
- Đưa ra lý do chinh phục nhà tuyển dụng nên chọn bạn cho vị trí này.
Phần kết: Đưa ra lời gợi ý về một cuộc phỏng vấn một cách khéo léo. Sau đó gửi lời cảm ơn và ký tên.
Cách viết đơn xin việc
Cách viết CV xin việc
CV xin việc lại là một bản tóm tắt khoa học về năng lực và trình độ của ứng viên. Thông tin cơ bản cần có trong một bản CV chuyên nghiệp gồm:
- Thông tin cá nhân: Viết rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và cung cấp thông tin liên hệ (email, SĐT…)
- Mục tiêu nghề nghiệp: Định hướng nghề nghiệp trong tương lai (ngắn hạn và dài hạn)
- Trình độ học vấn: Viết rõ thông tin trường Đại học/Cao đẳng, chuyên ngành đào tạo và thời gian học tập tại đây, loại bằng đạt được (Giỏi/Khá/Trung bình). Ngoài ra, nếu bạn tham gia nghiên cứu khoa học hoặc đoạt các giải thưởng khác có thể liệt kê vào đây.
- Kinh nghiệm làm việc: Nêu rõ đơn vị làm việc, vị trí công việc và mô tả chi tiết nhiệm vụ của công việc đó.
- Kỹ năng: Các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm khác.
- Sở thích/Hoạt động ngoại khóa: Trình bày sở thích liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển cũng như các hoạt động ngoại khóa bạn từng tham gia.
Cách viết CV xin việc ấn tượng
Tạo CV xin việc ấn tượng tại đây !
Giấy khám sức khỏe
Trong bộ hồ sơ xin việc sẽ không thể thiếu giấy khám sức khỏe. Thông thường, giấy khám sức khỏe sẽ có 2 loại, một loại khổ A4 và một loại khổ A3 gấp đôi lại. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng sẽ yêu cầu các ứng viên nộp giấy khám sức khỏe để đánh giá xem họ có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe để nhận công việc này hay không.
Việc làm giấy khám sức khỏe sẽ có những yêu cầu riêng như về thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Những cơ sở y tế được chấp nhận đủ điều kiện cấp loại hồ sơ này mới được quyền cấp và công nhận.
Bằng cấp, chứng chỉ
Tất cả những bằng cấp, chứng chỉ đính kèm trong bộ hồ sơ phải là bản photo công chứng trong thời gian 6 tháng gần nhất. Việc nộp các bằng cấp, chứng chỉ trong bộ hồ sơ là yêu cầu bắt buộc mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn ứng viên đáp ứng đầy đủ.
Bên cạnh đó những bằng cấp, chứng chỉ này sẽ là bằng chứng cho những thông tin bạn viết trong CV xin việc và sơ yếu lý lịch là chính xác. Đó cũng là cách để bạn nói cho nhà tuyển dụng rằng bạn có đủ năng lực và trình độ chuyên môn, có thể đảm nhiệm vị trí công việc mình ứng tuyển.
Bằng cấp, chứng chỉ được công chứng
Ảnh chân dung
Ảnh chân dung sử dụng trong hồ sơ xin việc thường là ảnh có kích thước 3×4 hoặc 4×6 được chụp trong 6 tháng gần nhất. Thông thường ảnh sẽ được dán vào sơ yếu lý lịch hoặc CV xin việc. Việc dán ảnh có tác dụng giúp nhà tuyển dụng có thể nhận diện ứng viên.
Đặc biệt, với những công việc ưu tiên yếu tố ngoại hình thì ảnh cá nhân cũng sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Vì vậy dù mục đích là gì thì trong một bộ hồ sơ nhất định cần phải có ảnh chân dung rõ nét.
Các loại giấy tờ khác
Ngoài những giấy tờ trên, bộ hồ sơ hoàn thiện còn cần những loại giấy tờ khác, chẳng hạn như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh,… Tùy thuộc yêu cầu của nhà tuyển dụng mà ứng viên cần bổ sung thêm những giấy tờ cần thiết. Với trường hợp bạn chưa nhận được bằng tốt nghiệp, hãy xin giấy chứng nhận tốt nghiệp để nhà tuyển dụng biết được bạn đã hoàn thành quá trình tốt nghiệp của mình. Với tất cả những loại giấy tờ xác thực cá nhân bạn đều cần có dấu công chứng của những cơ quan có thẩm quyền.
Giải đáp một số thắc mắc của ứng viên khi làm hồ sơ xin việc
Liên quan đến hồ sơ xin việc, có rất nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra, dưới đây là một số câu hỏi News.timviec.com.vn đã tổng hợp được, bạn có thể tham khảo.
Hồ sơ xin việc mua ở đâu?
Việc mua hồ sơ xin việc rất đơn giản. Bạn có thể tìm đến các cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng sách hoặc thậm chí tại các cửa hàng tạp hóa cũng bày bán. Mỗi bộ hồ sơ chỉ có giá khoảng từ 5.000 đến 10.000 đồng.
Hồ sơ xin việc có cần công chứng không?
Đối với câu hỏi hồ sơ xin việc có cần công chứng không? Thì câu trả lời là có nhưng không bắt buộc, tùy vào yêu cầu của từng doanh nghiệp. Thường các công ty, doanh nghiệp trong nước hay các tổ chức, cơ quan nhà nước đều yêu cầu công chứng bộ hồ sơ để đảm bảo tính xác thực của các giấy tờ bên trong.
Những giấy tờ quan trọng như: bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, các loại chứng chỉ nghiệp vụ thì ứng viên nên đi photo công chứng. Việc sử dụng bản photo công chứng sẽ hạn chế được việc thất lạc giấy tờ cần thiết.
Riêng với sơ yếu lý lịch bạn cần lấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn đang sinh sống. Bạn có thể ra công an xã, phường hoặc những tổ chức có thẩm quyền để công chứng giấy tờ.
Những câu hỏi liên quan đến hồ sơ xin việc làm
Hồ sơ xin việc có thời hạn bao lâu?
Rất nhiều ứng viên thắc mắc về vấn đề, liệu hồ sơ ứng tuyển việc làm có thời hạn hay không? Câu trả lời là thời hạn của hồ sơ sẽ phụ thuộc vào thời hạn của các giấy tờ có bên trong hồ sơ. Mỗi loại giấy tờ sẽ có những quy định về thời hạn hiệu lực riêng mà bạn cần nắm được.
- Bản sao công chứng vô thời hạn: đó là bản sao của những loại giấy tờ có thời gian hiệu lực vĩnh việc gồm bằng đại học, chứng chỉ, bảng điểm…
- Bản sao hữu hạn: chứng minh thư, giấy khám sức khỏe, một số loại chứng chỉ có thời hạn khác.
Hiện nay, nhiều cơ quan không tiếp nhận những loại bản sao giấy tờ quá 6 tháng trước thời điểm xin việc. Vậy nên, để tránh mất công mất sức hãy chuẩn bị những bản sao giấy tờ mà thời hạn còn dài để không phải tiến hành làm lại giấy tờ, hồ sơ.
Nên dùng hồ sơ xin việc online hay hồ sơ viết tay?
Mỗi bộ hồ sơ xin việc đều bao gồm những loại tài liệu, giấy tờ có nội dung ngắn gọn, độ dài khoảng tầm 2 trang giấy A4 đổ lại, riêng sơ yếu lý lịch sẽ là 4 trang. Và các ứng viên có thể lựa chọn nộp hồ sơ xin việc online hoặc hồ sơ viết tay. Tuy nhiên, thông thường tại các công ty ở Việt Nam hiện tại thì đa số các nhà tuyển dụng sẽ đều yêu cầu ứng viên chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ và nộp trực tiếp trong buổi phỏng vấn hoặc khi vào làm chính thức.
Đối với hồ sơ xin việc online thì các loại giấy tờ, chứng chỉ đều cần được để ở dạng file Word hoặc PDF. Thường việc gửi hồ sơ xin việc online sẽ được chuyển đi bằng phương pháp online thông qua các trang web tuyển dụng hoặc gửi bằng thư điện tử qua địa chỉ email chính thức của đơn vị tuyển dụng. Với những giấy tờ không thể tạo online thì bạn cần scan giấy tờ để định dạng tệp phù hợp.
Có thể sử dụng hồ sơ online hoặc hồ sơ viết tay
Trong khi đó, nếu nộp bộ hồ sơ cứng thì bạn có thể viết tay các loại giấy tờ như: đơn xin việc, sơ yếu lý lịch tự thuật và CV xin việc. Còn những giấy tờ chứng chỉ khác sẽ được in thành bản cứng, có dấu công chứng của chính quyền chức năng. Hồ sơ xin việc viết tay có thể dựa theo mẫu có sẵn để điền những thông tin cần thiết.
So sánh giữa hồ sơ xin việc online và hồ sơ xin việc viết tay, mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu làm hồ sơ xin việc online, bạn chỉ cần tập trung vào các phần quan trọng như: kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn… để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ngược lại, nếu làm hồ sơ xin việc bằng tay, bạn sẽ thể hiện được sự thiện chí cũng như mong cầu của bản thân về công việc mà bạn ứng tuyển. Tuy nhiên, dù làm theo cách nào thì hồ sơ xin việc cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin một cách chuyên nghiệp nhất.
Sắp xếp giấy tờ như thế nào để thu hút nhà tuyển dụng?
Vì một bộ hồ sơ xin việc bao gồm rất nhiều giấy tờ khác nhau và nhà tuyển dụng lại không dành quá nhiều thời gian để xem xét nó. Bởi vậy, để nhà tuyển dụng nhanh chóng nắm bắt thông tin, ứng viên cần đưa một số giấy tờ quan trọng lên trước. Cụ thể, bạn nên đặt CV xin việc và đơn xin việc lên đầu tiên, sau đó mới đến các chứng chỉ, văn bằng. Như vậy ứng viên không chỉ thể hiện được sự chuyên nghiệp của bản thân mà còn được đánh giá cao trong mắt nhà tuyển dụng.
Những lưu ý khi chuẩn bị bộ hồ sơ xin việc
Muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, ứng viên cần lưu ý những vấn đề sau trong bộ hồ sơ xin việc:
- Đảm bảo các nội dung trong hồ sơ chính xác, đầy đủ thông tin.
- Sử dụng một loại mực để viết hồ sơ xin việc. Tránh các lỗi sai chính tả không đáng có.
- Câu văn diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, truyền tải đúng nội dung ứng viên mong muốn.
- Chuẩn bị thêm một bản CV xin việc bên ngoài bộ hồ sơ để gửi nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
- Nộp hồ sơ xin việc đúng địa chỉ, thời gian và địa điểm của công ty bạn ứng tuyển.
- Nên công chứng các loại giấy tờ trong hồ sơ để đảm bảo tính xác thực của nó.
Những lưu ý cần biết khi chuẩn bị một bộ hồ sơ chuyên nghiệp
Hi vọng với những thông tin trên đây, bạn đọc đã có những câu trả lời thỏa đáng cho các thắc mắc của mình liên quan đến hồ sơ xin việc. Từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tìm việc và nhận được công việc mà mình mong muốn.
➣ Đọc thêm: Hướng dẫn hoàn thiện các giấy tờ trong bộ hồ sơ xin việc