1. Mục đích của việc lập biên bản bàn giao tài sản
Biên bản bàn giao tài sản là biên bản thể hiện sự chuyển giao tài sản giữa cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức này cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác. Thông qua đó, hai bên thống kê tài sản, công cụ, dụng cụ giúp quá trình bàn giao tài sản diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Sau khi bàn giao hoàn tất, người nhận bàn giao sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm bảo quản hoặc sử dụng tiếp tài sản theo quy định.
Thông thường, biên bản bàn giao tài sản được sử dụng nhằm xác nhận việc bàn giao tài sản khi:
– Hoàn thành xây dựng, mua sắm… tài sản;
– Được người khác tặng, biếu, viện trợ, nhận góp vốn, thuê… và đưa vào sử dụng, bảo quản tại đơn vị khác.
Như vậy, việc bàn giao tài sản và việc lập thành biên bản có ý nghĩa như chứng cứ khi có tranh chấp (nếu có). Qua đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên.
2. Những lưu ý khi lập biên bản bàn giao tài sản
Bởi ý nghĩa quan trọng của biên bản bàn giao tài sản nên cần phải lưu ý những điều sau:
– Nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành bàn giao và lập biên bản;
– Cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin liên lạc giữa bên giao và bên nhận;
– Ghi đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu nhất những thông tin quan trọng của tài sản: Tên gọi, số lượng, thông số nhận dạng, tình trạng thực tế, giá trị của tài sản…
– Nêu cụ thể điều kiện cũng như trách nhiệm và cam kết đối với tài sản sau khi bàn giao…
– Chữ ký của cả hai bên (nếu cần thiết có thể có cả chữ ký của người làm chứng).