Mẫu Thượng Thiên là ai ? – Phủ Dầy Nam Định

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt, Mẫu Thượng Thiên hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên là thánh Mẫu đứng đầu được thờ cùng với Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là ba vị trong hàng đầu tiên –  Tam Tòa Thánh Mẫu được chính thờ trong các ngôi đền, điện, phủ trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Sự tích nguồn gốc và tên gọi Mẫu Thượng Thiên

Mẫu Thượng Thiên còn có các danh hiệu khác như Thiên Thanh Công Chúa, Thanh Vân Công Chúa, Cửu Trùng Thánh Mẫu (Mẫu Cửu), Lục Cung Vương Mẫu, Mão Dậu Công Chúa….,.Nhiều ý kiến cho rằng Cửu Trùng Thánh Mẫu được đồng nhất với Cửu Thiên Huyền Nữ (bên Trung Hoa). Cửu Thiên Huyền Nữ bên Trung Hoa được xây dựng với một hình tượng nữ thần Linh thiêng với các sự tích kì bí. Còn trong tâm linh người Việt, đơn giản Mẫu Cửu Trùng Thanh Vân là vị Thánh Mẫu ngự nơi chín tầng mây, là vị nữ thần quyền hành cai quản tiên cung, cai quản lục cung sáu viện (Lục Cung Vương Mẫu). Ngoài ra Mẫu Cửu Trùng Thanh Vân còn có danh hiệu khác là Bán Thiên Công Chúa (Mẫu Bán Thiên). Một số các đền phủ hay những điện thờ tại gia đều có ban thờ Mẫu Bán Thiên ngoài trời.

Mẫu Thượng Thiên

Khác với Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên không giáng trần, và có rất ít thần tích kể về thân thế, xuất xứ và việc cứu nhân độ thế của bà. Về xuất xứ, có ý kiến cho rằng đồng nhất Mẫu Thượng Thiên có nguồn gốc là Cửu Huyền Thiên công chúa, một vị thần Trung Quốc, tuy nhiên tác giả cho rằng điều này là không phù hợp. Về công đức của Thánh Mẫu, có thuyết nói, Mẫu từng giúp người dân Việt Cổ từ thời lập nước đánh đuổi giặc Xuy Vưu sang xâm lược nên được nhớ ơn.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên ?

Mãi cho đến Thế kỷ XV, XVI  khi Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện thì giân dan cho là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên. Từ đó về sau, các công đức và những truyền thuyết về Mẫu Thượng Thiên đều được biết tới dưới danh nghĩa là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Mẫu Thượng Thiên

Ban chính tòa thờ Tam Tòa Thánh Mẫu trong cung cấm Phủ Tiên Hương – Phủ Dầy

Theo các tài liệu nghiên cứu về quá trình tam sinh tam hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào các thế kỷ XV, XVI, XVII thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa có thực với cuộc sống trần gian, có cha mẹ, chồng con, là biểu tượng về tấm gương đức hạnh Trung -Trinh – Hiếu – Từ cùng công, dung, ngôn, hạnh. Đồng thời, Mẫu Liễu Hạnh lại là Tiên, là Thánh, là Phật, là Đại vương luôn thương yêu, che chở giúp đỡ, cứu khổ, cứu nạn cho muôn dân, trừng trị những kẻ độc ác. Vì vậy, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân tôn thờ làm thần chủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ, là hàng Thánh  “Tứ bất tử”, và là bậc “Mẫu nghi thiên hạ”, được ghi chép trong “Thiên Bản lục kỳ chi đệ nhất”.

Thủa xưa, dân gian cho rằng vũ trụ được chia làm ba miền ứng với Tam phủ gồm Thiên (trời), Địa (đất), Thủy (nước) hoặc Tứ phủ thì có thêm Nhạc (núi rừng). Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường được đồng nhất hóa là Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Địa (còn gọi là Mẫu Bán Thiên). Công chúa La Bình, con gái đức Tản Viên Sơn Thánh được tôn vinh là Mẫu Thượng Ngàn và công chúa Tam Giang, con gái vua Động Đình Long Vương là Mẫu Thoải. Từ đó hình thành nên Tam tòa Thánh Mẫu. Trong nghi thức hầu đồng,khi cung thỉnh Mẫu có đoạn:

“Đệ Nhất Thiên Tiên cung thỉnh mời Đệ Nhất Thiên Tiên
Thanh Vân Công Chúa Thượng thiên Mẫu ngự về”

Trong bản văn Công Đồng lại có đoạn:

“Cửu Trùng Thánh Mẫu thiên đình
Bán Thiên Công Chúa quế quỳnh đôi bên
Hội bàn tiên khăn điều áo thắm
Chốn Quảng Hàn cung cấm vào ra”

Hay trong văn Cửu Trùng Thánh Mẫu có đoạn

“Lưng ong tóc phượng rà rà
Áo xông hương xạ hài hoa chân giày
Cửu trùng ngự chín tầng mây
Quản cai các bộ tiên nay thượng đình“

Thỉnh Mẫu Thượng Thiên

Mẫu Thượng Thiên có ngự đồng không ?

Điểm đặc biệt thường thấy trong hàng Tam tòa Thánh Mẫu, cả ba Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải đều không tung khăn ngự đồng, các thanh đồng khi khai đàn mở tiệc hầu Mẫu chỉ thỉnh tráng bóng và tuyên kinh, thông thường dùng khăn đỏ, một số nơi sử dụng khăn vàng, nhưng tác giả cho rằng khăn đỏ là chuẩn nhất.

Đền thờ Mẫu Thượng Thiên

Cho đến nay, để nói về đền thờ Mẫu Thượng Thiên cũng không nhiều nơi chính thờ, điều này cũng một phần do về sau này khi đã có Thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ của Đạo Mẫu nên đền thờ Mẫu Thượng Thiên ít được xây dựng hơn, người ta thường thờ và thỉnh ngài trong hàng Tam tòa Thánh Mẫu tại các đền phủ. Tại các đền, điện, phủ thờ Tam Tứ phủ cũng có nơi thờ Mẫu Thượng Thiên ở chính cung, hoặc là trong cung cấm, có nơi lại thờ ngài ở ban trung thiên (giữa trời) để thập phương bái vọng.  Đền Mẫu Cửu ở Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội là một trong số ít ngôi đền chính thờ Mẫu Thượng Thiên – Mẫu Cửu Trùng Thiên, ngôi đền này được xây từ rất lâu và không ai rõ được xây dựng vào năm nào. Ngoài ra còn một số nơi khác thờ Mẫu Thượng Thiên như đền cô Chín Sòng Sơn Thanh Hóa, đền Thượng Ba Vì  Hà Nội.

Tiệc Mẫu Thượng Thiên

Hàng năm, ngày hội chính của Mẫu Thượng Thiên là 3/3 âm lịch – cũng là ngày hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại quần thể Phủ Dầy Nam Định, thời gian này cũng là dịp tổ chức Lễ hội Phủ Dầy thu hút đông đảo nhân dân mọi miền trẩy hội.

Ngoài ra, ở một số ngôi đền khác lại tổ chức khánh tiệc lễ Mẫu Thượng Thiên – Mẫu Cửu Trùng Thiên vào ngày 9/9 âm lịch. Trong những ngày này, người dân thường sắm sửa lễ tới các đền phủ để thành tâm nhang khói cầu xin Mẫu ban cho sức khỏe, tài lộc và bình an.

Kinh Mẫu Thượng Thiên

Gần đây trên một số trang thông tin có đăng tải nội dung một bài kinh được cho là của Mẫu Thượng Thiên, tác giả xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo tại đây >>> Kinh Mẫu Thượng Thiên

Xem thêm: >>> Văn khấn Mẫu Thượng Thiên

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *