Bà là một trong 3 vị Tam Tòa Thánh Mẫu trong Tứ Phủ. Nguồn gốc Mẫu Thượng Thiên như thế nào?
Nguồn gốc Mẫu Thượng Thiên
Sự tích về Mẫu Cửu Trùng Thiên còn nhiều điểm chưa rõ ràng và vị trí Mẫu Đệ Nhất giữa bà và Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn là điều đang được tranh luận. Tuy nhiên, theo các tài liệu chính thống như bản văn chầu, khoa cúng thì hình ảnh Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên vô cùng quan trọng trong thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Cửu Trùng Thiên có nghĩa là chín tầng trời, ý chỉ khắp cõi trời đất nơi Mẫu Thượng Thiên cai quản trốn tiên cung, thượng giới.
Mẫu Thượng Thiên là Cửu Huyền Thiên công chúa
Khác với Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên không giáng trần, và có rất ít thần tích kể về thân thế, xuất xứ và việc cứu nhân độ thế của bà. Về xuất xứ, có ý kiến cho rằng bà có nguồn gốc là Cửu Huyền Thiên công chúa, một vị thần Trung Quốc. Về công đức của Thánh Mẫu, có thuyết nói, bà từng giúp người dân Việt Cổ từ thời lập nước đánh đuổi giặc Xuy Vưu sang xâm lược nên được nhớ ơn.
Mẫu Thượng Thiên là Mẫu Liễu Hạnh
Thần tích về bà không nhiều, có lẽ một phần do đến thế kỷ XV, trong đạo Mẫu xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được cho là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên. Từ đó về sau, công đức và những truyền thuyết về Mẫu Cửu Trùng Thiên đều được biết tới dưới danh nghĩa là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Hiện nay, đền thờ Mẫu Thượng Thiên cũng không có nhiều. Một phần có lẽ vì về sau này khi đã có Mẫu Liễu Hạnh, đền thờ của Mẫu Cửu Trùng Thiên ít được xây dựng hơn. Tại các đền, điện thờ Tứ phủ, có nơi thờ bà ở chính cung, có nơi thờ ở ban trung thiên (giữa trời) để thập phương bái vọng. Một trong số những đền thờ chính có thể kể tới là Đền Mẫu Cửu ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền được xây từ lâu nhưng không ai biết chính xác vào năm nào.
Theo thần tích của đền, trước đây vùng này nổi tiếng với nghề mây tre đan. Có một ông lão thường qua sông để bán hàng nhưng rất ế ẩm. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một bức tượng đang trôi trên sông, ông bèn lấy dây cột vào bờ và dặn dò bức tượng sẽ quay lại vớt lên sau khi bán hàng xong. Thật kỳ lạ là ngày hôm đó ông bán rất đắt hàng và sớm quay về vớt bức tượng lên. Lúc đầu bức tượng nhẹ bẫng nhưng khi tới chính nơi sau này là đền thờ, bức tượng bỗng nhiên nặng trĩu. Ông lão đành phải đặt ở đó, rồi hàng ngày hương khói. Cũng kể từ hôm ấy, ông ngày càng buôn may bán đắt hơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong vùng cũng đến cúng viếng và gặp được điều thuận lợi. Từ đó trở đi, nơi đó dần trở thành một ngôi đền, chính là đền Mẫu Cửu Trùng Thiên ngày nay. Năm 2004, ngôi đền bị hỏa hoạn nhưng hiện đã được tu bổ khang trang hơn trước.
Ngoài đền Mẫu Cửu Trùng Thiên còn có đền cô Chín ở đền Sòng Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có Cung Cấm dành thờ bà. Đáng lưu ý là tại đền này có bức tượng Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên được dựng bằng đồng, nặng một tấn, cao khoảng 2,3 mét, ngự trên đền Thượng Ba Vì ở đỉnh cao nhất của ngọn núi Cổ Bồng. Hàng năm, lễ Mẫu Cửu Trùng Thiên diễn ra vào ngày 9/9 âm lịch, người dân thường tới đây nhang khói cầu xin sức khỏe, tài lộc và bình an.