Khi sữa mẹ dồi dào và nhiều hơn nhu cầu của trẻ, mẹ có thể vắt ra và trữ đông để con uống lâu dài. Việc trữ sữa mẹ cần phải thật đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, hạn chế nguy cơ con trẻ mắc bệnh vì sữa mẹ nhiễm khuẩn. AVAKids sẽ tổng hợp một số thông tin cơ bản trong quá trình vắt sữa, trữ đông và rã đông sữa, các mẹ cùng tham khảo nhé!
Mẹ nên chú ý vấn đề vệ sinh khi vắt sữa. Ảnh: freepik
1Vắt sữa mẹ
Những lưu ý căn bản để vắt và trữ sữa mẹ một cách an toàn, bao gồm:
- Luôn rửa tay và dụng cụ thật sạch trước khi vắt sữa.
- Chọn dụng cụ trữ sữa hợp lý và vệ sinh, tốt nhất nên sử dụng bịch vô trùng dành riêng cho việc trữ sữa mẹ.
- Ghi rõ ràng ngày, giờ của từng bịch sữa để có thể theo dõi thời hạn sử dụng
- Không nên trộn sữa đã đông với sữa mẹ mới vắt ra.
- Nên bỏ phần sữa còn lại nếu trẻ bú không hết, mẹ đừng tiết kiệm vì có thể gây bệnh cho trẻ.
- Khi rã đông sữa, tốt nhất là rã đông bằng cách bỏ xuống ngăn tủ mát, hoặc để vào nước ấm. Tuyệt đối không nên cho sữa vào lò vi sóng để rã đông, vì có thể làm nóng không đồng đều, làm giảm hoặc mất chất lượng sữa mẹ, có nguy cơ gây phỏng miệng trẻ.
Mẹ nên chọn những dụng cụ vô trùng chuyên biệt cho trữ sữa. Ảnh: freepik
2Thời gian trữ sữa
Sữa mẹ sau khi vắt ra cần cho ngay vào đồ đựng tiệt trùng như bình sữa, bọc hoặc bao đặt biệt dành riêng để trữ sữa.
- Ở nhiệt độ phòng dưới 26 độ C: sữa mẹ vắt ra có thể giữ tốt trong khảng 6-8 giờ.
- Ở nhiệt độ phòng trên 26 độ C: thời gian giữ sữa mẹ chỉ tối đa 4 giờ.
Khi có ý định trữ sữa, mẹ nên để sữa vào tủ lạnh ngay lập tức, nếu để ở phần ngăn mát, nên ở nơi sâu nhất để được nhiệt độ lạnh nhất, tối đa 48 giờ trước khi đưa lên ngăn đông. Nếu quá thời gian, không nên trữ đông sữa mẹ.
Khi có ý định trữ sữa, mẹ nên để sữa vào tủ lạnh ngay lập tức. Ảnh: freepik
Khi để ngăn mát, sữa mẹ chỉ được giữ tối đa 3 ngày (72 giờ).
Thời gian giữ sữa mẹ sẽ khác nhau tùy loại tủ lạnh, cụ thể:
- Đối với tủ lạnh 1 cửa (nhiệt độ tủ đông là -15 độ C) chỉ giữ được sữa mẹ đông lạnh tối đa 2 tuần.
- Tủ lạnh 2 cửa (tủ đông có cửa đóng mở riêng, nhiệt độ là -18 độ C), sữa trữ đông được tối đa 3 tháng.
- Nếu có tủ đông riêng biệt (không phải tủ lạnh, nhiệt độ -20 độ C), sữa mẹ trữ được lâu nhất tối đa 6 – 12 tháng.
Bài viết liên quan: Những dấu hiệu trẻ sơ sinh đau bụng do bú sữa sai cách, mẹ cần lưu ý!
3Cách sử dụng sữa mẹ trữ đông
Nếu trẻ bú không hết sữa mẹ đã rã đông, không nên dùng hoặc cấp đông lại. Ảnh: freepik
Nếu rã đông bằng cách đem sữa mẹ đông lạnh cho vào ngăn mát của tủ lạnh thì có thể giữ sữa tối đa 24 giờ hoặc để ở bên ngoài nhiệt độ phòng tối đa 4 giờ.
Sữa đã rã đông bằng cách này, nếu không dùng hết phải bỏ đi, không nên để tiếp vào tủ đông để dùng lần sau, vì nguy cơ nhiễm trùng sữa mẹ rất cao và nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng.
Trường hợp rã đông bằng cách để bịch sữa đông vào nước ấm, thời gian giữ sữa rã đông bằng cách này trong ngăn mát tủ lạnh tối đa là 4 giờ, nếu giữ bên ngoài phải cho trẻ bú ngay. Sữa rã đông theo cách này cũng không thể nào cấp đông lại lần nữa, mẹ nên bỏ đi.
Lưu ý: nếu sữa mẹ rã đông không dùng hết 1 lần, nên bỏ đi, không được dùng lại dù có cất vào tủ lạnh hay cấp đông tiếp.
NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG:
- Đảm bảo vệ sinh là vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc vắt và trữ sữa mẹ. Nên ghi rõ ngày giờ vắt sữa để xác định hạn dùng đúng.
- Tùy theo loại tủ lạnh, tủ đông mà thời gian trữ sữa mẹ khác nhau. Thời gian giữ sữa mẹ ở ngăn đông của tủ lạnh 1 cửa là 2 tuần, tủ lạnh 2 cửa là 3 tháng và tủ đông riêng biệt là 6 – 12 tháng.
- Không nên sử dụng lò vi sóng để rã đông sữa mẹ
- Sữa mẹ đã rã đông không được tái đông lại
- Nếu trẻ bú không hết sữa, mẹ nên bỏ đi, không được bỏ lại vào ngăn mát tủ lạnh hoặc cấp đông để dùng cho lần sau.
Ngày nay, mẹ có nhiều sữa hoặc quá bận rộn vì công việc nên vắt sữa và trữ đông cho trẻ dùng dần ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra an toàn, mẹ cần phải nhớ rõ những lưu ý trên để đảm bảo chất lượng sữa và sự an toàn cho trẻ.
Ngọc Hà tổng hợp từ sách “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng” của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo
1. Proper handling and storage of human milk; Centers for Disease Control and Prevention, USA, 2016.
2. Eat for Health – Infant feeding guidelines: Information for health workers; National health and Medical research Council; Department of health and aging; Australian Government, 2012.
3. Storage of breast milk: Effect of temperature and storage duration of microbial growth; The Central Afican journal of medicine; 2000; 46(9):247-251.