Việc chăm sóc trẻ sơ sinh đối với những cha mẹ trẻ không có kinh nghiệm là một nhiệm vụ khó khăn. Sau khi cất tiếng khóc chào đời, bé rời khỏi môi trường an toàn thân thuộc trong bụng mẹ và phải thích nghi dần với môi trường bên ngoài, học cách bú sữa… Cha mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Khi đứa trẻ chào đời, bên cạnh niềm hạnh phúc là sự lo lắng của người mẹ trong việc chăm sóc con khỏe mạnh. Nguồn ảnh: Pexels
Khi đứa trẻ chào đời, bên cạnh niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ thì cũng không tránh khỏi những lo lắng trong việc chăm sóc bé, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ còn thiếu kinh nghiệm.
Thực tế, có nhiều mẹ hoang mang mất phương hướng khi chăm sóc con. Nếu các bà mẹ không chuẩn bị sẵn sàng kiến thức cũng như tâm lý sẽ dễ rơi vào trầm cảm sau sinh.
Hiểu được điều đó, Thạc sĩ Dược sĩ Trương Minh Đạt – Giám đốc trung tâm sức khỏe Nhi khoa – Phó viện trưởng viện nghiên cứu Y Dược với hơn 10 năm kinh nghiệm đã chia sẻ với các bà mẹ 9 lưu ý then chốt trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi.
Vậy 9 lưu ý then chốt đó là gì? Các bạn cùng AVAKids tìm hiểu trong bài viết tiếp theo nhé!
1Tình trạng phân có gì cần lưu ý?
Trong 1-2 ngày đầu sau khi sinh, bé sẽ bài tiết phân su thường có màu xanh đậm và nhỏ như viên bi. Nếu bé không đi ngoài ra phân su, đó là dấu hiệu bất thường, bạn cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Thông thường trẻ sẽ đi ngoài 3- 4 lần một ngày. Tuy nhiên bạn cần lưu ý trường hợp trẻ bất dung nạp Lactose, cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời để được điều trị, tránh trường hợp để lâu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa miễn dịch của trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bất dung nạp Lactose:
-
Khi bú hay vặn mình, khó chịu
-
Hay són phân, phân nhiều bọt có mùi chua
-
Áp tai vào bụng bé thấy sôi bụng, chướng bụng
-
Đi ngoài 7-8 lần một ngày
2Cho bé bú sữa sớm nhất có thể
Sữa non có vai trò quan trọng giúp bé tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh ngay từ khi chào đời. Nguồn ảnh: pexels
Các bà mẹ lưu ý cần cho bé bú ngay khi có sữa về vì lượng sữa non đầu tiên rất giàu giá trị dinh dưỡng và tốt cho bé.
Nhiều người thường vắt bỏ sữa non, nhưng sữa non có vai trò rất quan trọng. Trong sữa non chứa nhiều chất đạm, chất béo, bột đường và hàm lượng kháng thể cao giúp bé tăng sức đề kháng chống lại những tác nhân gây bệnh ngay từ khi chào đời.
Thạc sĩ Dược sĩ Trương Minh Đạt khuyên: “Các bà mẹ nên cho bé bú sữa non ngay khi sữa về. Lượng sữa non này chỉ kéo dài trong vài ngày, nên bạn hãy tận dụng tốt để đảm bảo sức khỏe cho bé.”
Trong trường hợp các mẹ nào bị mất sữa cần sử dụng sữa công thức loại cho trẻ 0-6 tháng tuổi để thay thế.
3Mẹ nên cho bé bú sữa bao nhiêu là đủ?
Dưới 1 tháng tuổi, các bà mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu, cữ bú khá dày (2 giờ một cữ) và một cữ kéo dài 8-10 phút.
Có thể tính lượng sữa cần cho bé dựa vào hai yếu tố đó là cân nặng và lượng nước tiểu.
-
Theo tiêu chí cân nặng: 150ml/kg/ngày
-
Theo lượng nước tiểu: thông thường 10-12 lần/ngày và ít nhất là 6 lần/ngày.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu khác nhận biết trẻ bú đủ sữa hay chưa như: theo dõi cân nặng, quan sát sự hài lòng của bé…
Bài viết liên quan: Trẻ sơ sinh cần bao nhiêu sữa mỗi ngày? Cách tính lượng sữa cho trẻ sơ sinh
4Nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của bé
Trẻ mới sinh từ 1-3 ngày đầu thân nhiệt chưa ổn định, bạn nên để nhiệt độ phòng trong khoảng 26-32 độ C. Sau một tuần, thân nhiệt trẻ ổn định hơn, bạn có thể chỉnh nhiệt độ 22-26 độ C.
Các bà mẹ cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, cho trẻ mặc đồ thoáng mát, không ra mồ hôi.
5Tắm nắng để hấp thụ vitamin D3, nên hay không nên?
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi cần bổ sung vitamin D3 với hàm lượng 400 IU/ngày. Vì vitamin này từ sữa mẹ rất ít không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.
Nhiều người cho rằng trẻ sơ sinh cần tắm nắng để tổng hợp vitamin D3 nội sinh. Tuy nhiên khung thời gian có thể hấp thụ vitamin D3 là 9h sáng đến 3h chiều, lúc này bức xạ tia cực tím cao gây hại cho da của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không nên cho trẻ tắm nắng với mục đích hấp thụ vitamin D3.
Trẻ cần tiếp xúc với ánh nắng dịu nhẹ để tăng sức đề kháng. Nguồn ảnh: Freepik
Thay vào đó, cha mẹ có thể cho trẻ tắm nắng ở môi trường thông thoáng, không quá lạnh, không bụi bẩn. Trẻ cần được tiếp xúc với ánh nắng dịu nhẹ (8-9h sáng) để thay đổi bầu không khí, làm quen với môi trường sống bên ngoài, điều này tốt cho sức đề kháng của trẻ và tạo miễn dịch đặc hiệu sau này.
Bài viết liên quan: Hướng dẫn bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh
6Da của bé hay có mụn cám, mẹ phải làm sao đây?
Mụn cám xuất hiện trên da của trẻ sơ sinh là điều bình thường. Một số mẹ lo lắng về điều này nên đã vội nghe bài tắm lá để da mịn, đây là sai lầm có thể gây viêm da cho bé. Thực tế đã có nhiều trường hợp bé bị như vậy.
Vì vậy, cha mẹ lưu ý không được tắm lá, không nên dùng sữa tắm, chỉ cần tắm và vệ sinh cho bé với nước sạch là đủ, mụn cám sẽ tự hết.
7Tắm và vệ sinh cho bé như thế nào?
Mẹ cần giữ cho cơ thể bé luôn sạch sẽ khô thoáng. Nguồn ảnh: Pexels
Mẹ cần lau mặt, vệ sinh vùng cổ, vùng mông bẹn… cho bé. Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, 2 ngày tắm một lần. Nếu thời tiết nóng bức, trẻ dễ đổ mồ hôi thì tắm 1 ngày một lần.
Một lưu ý khác, nhiều bé mới sinh có ghèn mắt (nhất là những bé được sinh thường), mẹ chỉ nên rửa mắt cho bé bằng nước muối sinh lý và bông gòn vô khuẩn.
Bài viết liên quan: Cách tắm cho trẻ sơ sinh vừa sạch vừa an toàn
8Tại sao phải tưa lưỡi cho bé?
Việc tưa lưỡi sẽ giúp bé không bị những vấn đề liên quan nấm miệng, đặc biệt những bé bú sữa ngoài hoàn toàn cần tưa lưỡi thường xuyên. Mẹ có thể dùng nước trắng hoặc nước muối sinh lý để giúp bé tưa lưỡi.
9Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh
Sau khi tắm cho bé xong cần lau khô vùng rốn, không băng kín. Mẹ cần giữ cho rốn của bé khô và thoáng, sau vài ngày cuống rốn sẽ tự rụng.
Bên cạnh đó, mẹ cần quan sát xem rốn của bé có bị nhiễm trùng không? Trong trường hợp nhiễm trùng dây rốn, mẹ không tự ý rửa để tránh tình trạng nặng thêm. Lúc này mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để nhân viên y tế giúp vệ sinh dây rốn.
Nếu mẹ phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng rốn nhẹ, có thể dùng dung dịch Betadine để vệ sinh dây rốn cho bé.
Quan trọng nhất đó là luôn giữ rốn của bé khô thoáng và sạch sẽ. Nguồn ảnh: Pexels
Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Hy vọng với những chia sẻ hữu ích được AVAKids tổng hợp từ Thạc sĩ Dược sĩ Trương Minh Đạt, sẽ giúp các bà mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc bé, giải tỏa những áp lực căng thẳng khi lần đầu làm mẹ.
Hoài Thương tổng hợp từ Century-Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi khoa
1. Century – Trung tâm chăm sóc sức khỏe nhi khoa: https://www.youtube.com/watch?v=UVWCUyp31cY