Lý thuyết Giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình.>

1. Các kiến thức cần nhớ

Các bước giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình

Bước 1. Lập hệ phương trình:

– Chọn các ẩn số và đặt điều kiện thích hợp cho các ẩn số;

– Biểu diễn các đại lượng chưa biết theo các ẩn và các đại lượng đã biết;

-Lập hệ phương trình biểu thị mối quan hệ giữa các đại lượng

Bước 2. Giải hệ phương trình vừa thu được.

Bước 3. Kết luận

– Kiểm tra xem trong các nghiệm của hệ phương trình, nghiệm nào thỏa mãn điều kiện của ẩn.

– Kết luận bài toán.

2. Các dạng toán thường gặp

Dạng 1: Toán liên quan đến mối quan hệ giữa các số

Phương pháp:

Ta thường sử dụng các kiến thức  sau:

+) Biểu diễn số có hai chữ số : $\overline {ab}  = 10a + b$ trong đó

$a$ là chữ số hàng chục và $0 < a \le 9$, $a \in \mathbb{N}$,

$b$ là chữ số hàng đơn vị và $0 \le b \le 9,b \in \mathbb{N}$.

+) Biểu diễn số có ba chữ số: $\overline {abc}  = 100a + 10b + c$ trong đó

$a$ là chữ số hàng trăm và $0 < a \le 9$, $a \in \mathbb{N}$,

$b$ là chữ số hàng chục và $0 \le b \le 9,b \in \mathbb{N}$,

$c$ là chữ số hàng đơn vị và $0 \le c \le 9,c \in \mathbb{N}$.

Dạng 2: Toán chuyển động

Phương pháp:

Ta thường sử dụng các công thức $S = v.t$, $v = \dfrac{S}{t},t = \dfrac{S}{v}$

Với $S:$ là quãng đường, $v:$ là vận tốc, $t$: thời gian

Dạng 3: Toán làm chung công việc

Phương pháp:

Một số lưu ý khi giải bài toán làm chung công việc

– Có ba đại lượng tham gia là: Toàn bộ công việc , phần công việc làm được trong một đơn vị thời gian (năng suất) và thời gian.

– Nếu một đội làm xong công việc trong $x$ ngày thì một ngày đội dó làm được $\dfrac{1}{x}$ công việc.

– Xem toàn bộ công việc là $1$ (công việc).

Dạng 4: Toán phần trăm

Phương pháp:

– Nếu gọi tổng số sản phẩm là $x$ thì số sản phẩm khi vượt mức $a\% $ là $(100 + a)\% .x$ (sản phẩm)

– Nếu gọi tổng số sản phẩm là $x$ thì số sản phẩm khi giảm $a\% $ là $(100 – a)\% .x$ (sản phẩm).

Dạng 5: Toán có nội dung hình học

Phương pháp:

Một số công thức cần nhớ

Với tam giác:

Diện tích = (Đường cao x Cạnh đáy) $:2$

Chu vi = Tổng độ dài ba cạnh

Với tam giác vuông: Diện tích = Tích hai cạnh góc vuông$:2$

Với hình chữ nhật: 

Diện tích = Chiều dài. Chiều rộng

Chu vi=(Chiều dài + chiều rộng) $.2$

Với hình vuông cạnh $a$

Diện tích = ${a^2}$

Chu vi = Cạnh . $4$

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *