Nhân vật Nhuận Thổ trong tiểu thuyết “Cố hương” dưới ngòi bút của Lỗ Tấn là một nhân vật mang đầy màu sắc bi thương, trong kí ức của Lỗ Tấn, Nhuận Thổ là một đứa trẻ đẹp trai khỏe mạnh, tháo vát, phóng khoáng, tràn đầy hoài bão, còn Nhuận Thổ của hiện tại lại già nua, thô kệch, trông vô cùng khổ sở, da dẻ “vàng xạm, lại có thêm những nếp nhăn sâu hoắm”, khi gặp lại người bạn cũ Lỗ Tấn, lai chỉ có thể ngại ngùng gọi hai tiếng “lão gia”. Lỗ Tấn cảm thấy mọi thứ đều đã không còn như trước nữa, cố hương cũng không còn cái bóng dáng thân thuộc ngày xưa.
Cậu bé Nhuận Thổ ấy là bóng hình của những ước mơ lớn lao, đơn thuần khi còn nhỏ, nhưng trước những áp lực vô hình và trách nhiệm, cuối cùng đành cam chịu số phận, trở thành một con người bình bình như chính cái cách mà chẳng ai muốn mơ tới.
Từ một cậu bé đơn thuần trở thành một thiếu niên lanh lợi, phóng khoáng, không sợ quyền lực, dám yêu dám hận, dám lên tiếng, cũng giống như Tề thiên đại thánh dám phản kháng lại những bất công của vận mệnh, vì đàn khỉ của mình mà tới Thiên cung cũng dám đi náo loạn.
Căm hận thói đời luôn là chủ đề chính trong cuộc sống của người trẻ, còn chúng ta khi đối mặt với sự chà đạp của cuộc sống lại không bao giờ có thể cứ trẻ mãi không già. Tề thiên đại thánh rồi cũng biến thành Tôn Ngộ Không, vì để bảo vệ Đường tăng đi lấy kinh mà không thể không khom lưng trước cái nơi mà mình từng làm loạn.
Càng trưởng thành, chúng ta sẽ không ngừng phải từ bỏ những chuẩn mực lập thân và hoài bão của mình để đi uốn mình theo người, từng bước từng bước rút lui khỏi cuộc sống khiến chúng ta trở thành những con người dập khuôn, “nhắm mắt theo đuôi” từ bỏ lý tưởng hoài bão lớn lao của thời niên thiếu rực rỡ. Cuộc sống giống như một vòng tròn, chúng ta luôn trở thành người mà chúng ta ghét, rồi lại đi ngưỡng mộ chúng ta của quá khứ, người từng ghét chúng ta ở hiện tại.
Tạo hình nhân vật Nhuận Thổ thời niên thiếu
“Nhuận Thổ” thời niên thiếu
Chúng ta luôn không ngừng hoài niệm về quá khứ, đi góp nhặt lại những kí ức và khoảng thời gian tươi đẹp đã bị chúng ta từng xem nhẹ, rồi nhìn vào bóng hình với đầy sự khát khao tiến lên khi đó.
Nhuận Thổ của thời niên thiếu không có khái niệm giai cấp trong tim, cậu mặc ý chạy chơi trên khắp các cánh đồng ngõ ngách vùng nông thôn, tự do tự tại, so với một Lỗ Tấn bị mắc kẹt trong tường cao cửa lớn, Nhuận Thổ hiểu biết nhiều hơn, chọc con tra (một loài vật thích ăn dưa), nhặt vỏ ốc bên bờ sông, rình ếch khi thủy triều. Trong mắt Lỗ Tấn, một cậu bé tò mò, đầu nảy ra không biết bao nhiêu ý tưởng nghịch ngợm như Nhuận Thổ, là một người rất đáng để ngưỡng mộ. Thậm chí một người từ nhỏ đã được sinh ra trong gấm vóc lụa là như Lỗ Tấn cũng nhận là “Nhuận Thổ ca”, một chú chim nhỏ tự do bay lượn trên bầu trời, sẽ không bao giờ cảm thấy mình thua kém con rồng bị nhốt trong lồng.
Chúng ta của thời niên thiếu thường mộng tưởng về tương lai của mình, chúng ta kì vọng một ngày nào đó mình sẽ trở thành anh hùng tỏa ra ánh sáng chói chang, cứu giúp bà con nông dân hoặc trở thành những nhà khoa học tạo ra những thành quả thúc đẩy sự tiến bộ của thế giới.
Rồ một ngày nào đó trong lớp học, nội tâm vui mừng khi được thầy cô hỏi ước mơ, chí hướng của mình sau này là gì, chúng ta tự hào và đầy hứng khởi nói ra chí hướng của mình, giống như kiểu tương lai ta nhất định sẽ trở thành nhân vật như vậy. Chúng ta không hiểu được vì sao ba mẹ lại làm những công việc bình thường, sống một đời bình thường tới như vậy, chúng ta không tiếp nhận được sự bình thường đó của cha mẹ.
Xiềng xích của giai cấp không trở thành gánh nặng cho chúng ta, “nhân định thắng thiên” dường như là cụm từ được tạo ra để cho chúng ta, chúng ta hết mình xông pha, tung hoành tới “sứt đầu mẻ trán”.
Nhưng rồi theo thời gian, chí hướng của chúng ta dần bị ăn mòn, rồi từ từ mất phương hướng, kèm theo đó là tần suất oán than xã hội bất công ngày một tăng, không còn ảo tưởng bản thân có thể đi thay đổi thế giới, mà thay vào đó là làm sao để không bị thế giới thay đổi là được.
Cho tới một ngày nào đó, khi lại có người hỏi chúng ta chí hướng của mình là gì, ta chỉ có thể thở dài “Haizz…” một cái, đánh trống lảng “thời tiết hôm nay đẹp nhỉ!” rồi tiếp tục cắm đầu vào công việc còn đang dang dở. Chúng ta không chỉ chấp nhận sự bình thường của cha mẹ, mà còn chấp nhận cả sự tầm thường của chính mình.
Chú chim nhỏ tự do Nhuận Thổ và con rồng bị nhốt trong lồng Lỗ Tấn
“Nhuận Thổ” trong công việc
Chú chim nhỏ tự do năm nào, cho tới cuối cùng, vẫn không thể thoát khỏi xiềng xích của trách nhiệm. Cậu không thể không đeo chiếc gông xiềng đó để tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Nhuận Thổ còn chưa kịp ca thán vận mệnh bất công, thì đã bị cuộc sống đè cong cả eo, gặp lại người bạn thời niên thiếu, Lỗ Tấn, cậu ngập ngừng, chỉ có thể cung kính gọi “lão gia”, rồi sau đó gọi cậu con trai thứ 5 của mình tới thỉnh an lão gia Lỗ Tấn.
Có 6 người con, Nhuận Thổ trở nên bất lực với cuộc sống, cậu chỉ biết cuộc sống này khổ, nhưng lại không biết khổ đó tới từ đâu, chỉ biết gõ gõ tẩu thuốc trong tay rồi hít lấy một hơi dài đầy não nề.
Khi giấc mơ anh hùng tan vỡ, chỉ còn lại những mảnh vỡ trên mặt đất, chúng ta sẽ không còn muốn sửa chữa hay ghép lại chúng nữa, thay vào đó sẽ chôn vùi chúng, vùi ở nơi mà không một ai có thể tìm thấy.
Luôn có vô số những bất ngờ cản trở những bước chân tiến về phía trước của mình, ranh giới của khổ sở ở đâu, chúng ta không biết được, và khi chúng ta quen với quy tắc của xã hội, đồng thời vùng vẫy trong đó một thời gian dài, chúng ta sẽ thỉnh thoảng hỏi lại bản thân, mình rốt cuộc trở nên tốt hay xấu đi.
Những vấp váp liên tục trong công việc khiến chúng ta ngụy trang chính mình, đối mặt với chỉ trích của lãnh đạo không thể không mỉm cười dạ vâng, đối mặt với những chỉ trích không biết từ đâu ra của đồng nghiệp, chúng ta học được cách bình tĩnh, “nhịn” để ứng đối, một người luôn đúng giờ đi làm tan làm như chúng ta sớm đã không còn phản kháng lại thế giới, không biết từ khi nào chúng ta đã bị mài mòn thành những chiếc bánh mochi tròn vành vạnh, không còn một chút sắc sảo nào trong đó.
Công việc vất vả khiến chúng ta tê liệt trước cuộc sống. Đối mặt với những chuyện bất bình đã không còn dám lớn tiếng, mà im ỉm tránh đi. Đối mặt với những người yếu hèn bị ức hiếp vẫn phải lựa chọn nhắm mắt làm ngơ.
Khi trải qua khó khăn vất vả, chúng ta không còn ôm mộng với cuộc sống “rượu nay nay say, sầu mai mai tính”, sống cho qua ngày đã trở thành chủ đề của cuộc sống hiện tại.
Hoặc có lẽ ta sẽ trao hi vọng cho những cơ hội mong manh nào đó. Chúng ta sẽ một lần hứng lên vào cửa hàng xổ số, mua một vài con số mà mình cũng chẳng biết mức độ may mắn tới đâu. Dẫu biết rằng trông chờ vào những thứ như vậy là vô cùng mong manh, nhưng vẫn mong chờ vận mệnh chiếu cố bản thân, từ đó thay đổi số phận.
Đứng trước ngã tư cuộc đời, chúng ta, những người đang bị thúc đẩy bởi thời gian sẽ vô thức lựa chọn điều trông có vẻ đơn giản, điều mà có lẽ chúng ta không muốn. Bởi lẽ chúng ta phải gánh vác trên mình quá nhiều trách nhiệm, không thể chịu đựng thêm bất cứ làn sóng dù là lăn tăn nào nữa. Chúng ta không biết liệu mọi chuyện có trở nên tốt đẹp hơn không, chỉ có thể cố gắng hết sức không để nó xấu đi.
Thay đổi! Chưa bao giờ là muộn!
Khi thời gian từ từ đánh bại tinh thần và thể xác, chúng ta mới phát hiện ra, những nơi mà chúng ta tới, những người mà chúng ta gặp, tất cả đều là số mệnh, chúng ta một bên tiếp nhận sự tầm thường của bản thân, một bên không từ bỏ sự nhiệt tình với cuộc sống.
Xiềng xích của cuộc sống cũng chính là động lực để tiến về phía trước. Thực ra, chúng ta sớm đã không còn bị thời gian thúc về phía trước, bảo vệ người mà chúng ta muốn bảo vệ đã trở thành thanh âm chính trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta chủ động trở thành Nhuận Thổ, chủ động gánh vác lấy mọi trách nhiệm, để thế hệ sau không phải sống giống như chúng ta.
Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta thức dậy và đột nhiên nhớ tới giấc mơ anh hùng bị chôn vùi dưới gầm giường, lấy nó ra, một lớp bụi dày đặc, ta nhìn vào bên trong, dù đã vỡ nát thành trăm mảnh, nhưng giấc mơ ấy vẫn luôn tỏa ra ánh hào quang rực rỡ.