Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung – Văn hóa tâm linh

Quê hương của Trần Thị Dung là làng Lưu Xá, đây cũng quê hương của Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Liễu, Trần Cảnh… Về Lưu Xá ngày nay, tới thăm làng Lưu Gia xưa nằm sát bên bờ sông Luộc, chúng ta chỉ còn thấy sót lại ở đây hai ngôi mộ được xây từ thời Lý của Thái phó Lưu Ba và Lưu Khánh Đàm.

Công tác khảo cổ học giúp ta biết được cách ngày nay khoảng vài trăm năm, do sông bị nắn dòng (khi bị nước dâng, bão lụt) nên phần lớn “Bến Lưu Gia” và thôn Lưu Gia bị chìm trong nước. Theo các cụ ở làng Lưu Xá thì hiện tại con đê lớn nằm sát bờ sông ngày nay là giữa làng Lưu Gia xưa. Khu vực sát bờ đê, khi đào xuống khoảng 1 mét vẫn tìm được gạch, đồ gốm có niên đại thời Lý, thời Trần.

Hiện ở đây còn hai giếng cổ tương truyền có từ thời nhà Trần. Ngược về xã Liên Hiệp, Hưng Hà, tới thăm làng Nại, chúng ta được biết nơi đây có mộ và đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Qua tìm hiểu được biết làng Ngừ và làng Nại xưa là thái ấp của Tô Trung Từ (nhà Lý phong cấp). Mẹ Trần Thị Dung là chị gái Tô Trung Từ, khi còn nhỏ tuổi, Trần Thị Dung đã về Lưu Xá ở với cậu ruột tại làng Ngừ. Sau này đất làng Ngừ được triều đình cấp phong cho Linh Từ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trang 474 viết: “Yên Sinh Vương có hiềm khích với Thái Tôn (vua Trần Cảnh), Linh Từ điều đình cho hòa giải, lại làm anh em như trước. Đến khi người Nguyên sang xâm lấn, kinh thành thất thủ. Linh Từ ở Hoàng Giang giữ gìn thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng thoát khỏi giặc cướp.

Lại khám xét thuyền của các nhà có chứa đồ quân khí, đều lấy hết đưa đến quan. Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần thì Linh Từ có nhiều công lớn. Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nhà Trần”…

Cuộc đời của Linh Từ Trần Thị Dung luôn gắn chặt với giai đoạn đầu của Vương triều Trần. Từ việc lấy Hoàng tử Sảm để dọn đường đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý, cho đến khi bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ, bà đã trải qua biết bao thăng trầm, vinh có, nhục có, vui cũng có và buồn cũng có. Nhìn lại cuộc đời của Linh Từ, tuy lấy chồng từ năm 1209 nhưng mãi đến tháng 2 năm 1211, Trần Thị Dung mới chính thức về kinh thành Thăng Long.

Việc Tô Trung Từ được phong làm Thái úy phụ chính, Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu và Trần Thị Dung được phong làm Nguyên phi thì ít nhiều cũng là cái gai trong mắt của hoàng tộc nhà Lý và Thái hậu Đàm Thị. Nhất là khi thế lực của Trần Tự Khánh và Tô Trung Từ mạnh lên thì sự nghi ngờ họ Trần của vua và thái hậu càng tăng. Thậm chí đầu năm 1213, Trần Thị Dung bị vua và thái hậu giáng xuống làm ngự nữ.

Với tài năng và sắc đẹp của mình, bà đã thuyết phục và xóa được sự nghi ngờ của vua Lý Huệ Tông đối với họ Trần. Vì vậy, vào năm 1216, vua Lý đã phong cho bà là Phu nhân Thuận Chinh. Mặc dù được vua tin yêu nhưng bà vẫn không thoát được sự giám sát gay gắt của thái hậu Đàm Thị. Sử cũ ghi thái hậu cho rằng phu nhân (Trần Thị Dung) là bè đảng của giặc, bảo vua bỏ đi, rồi sai người nói với phu nhân tự giải quyết lấy. Đỉnh cao của sự nghi ngờ này là việc thái hậu sai người bỏ thuốc độc vào món ăn của phu nhân, việc không thành, thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải tự tử. Nhưng nhờ có Lý Huệ Tông che chở nên Trần Thị Dung đã thoát nạn.

Tháng 12 năm 1216, khi thế lực nhà Trần đã mạnh lên, Trần Tự Khánh được phong làm Thái úy phụ chính, Trần Thừa làm Nội thị phán thủ và bản thân bà được phong làm Hoàng hậu thì sóng gió đến với Trần Thị Dung mới tạm lắng xuống. Sau khi sinh công chúa Chiêu Thánh và công chúa Thuận Thiên, đặc biệt là khi Lý Huệ Tông mắc chứng điên thì vai trò của Trần Thị Dung ngày càng được thể hiện rõ nét ở cương vị Hoàng hậu.

Nhất là khi bà liên kết cùng Trần Thủ Độ trong “màn kịch” vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh; chấm dứt hơn hai trăm năm cầm quyền của nhà Lý trên đất Đại Việt. Đây là cuộc “đoạt ngôi” hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Nó diễn ra rất hòa bình, rất văn hóa (vợ nhường ngôi cho chồng) không xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn.

Khoảng năm 1226-1227, bà lấy Trần Thủ Độ. Trong điều kiện lúc đó, Trần Thị Dung tái giá cũng không có gì là đáng trách. Nhưng với việc lấy Trần Thủ Độ, sau này bà bị các sử gia Nho giáo chê trách. Xét thấy ở thời kỳ nhà Trần thì đạo Nho chưa thực sự phát triển như thời Lê, Nguyễn sau này; mặt khác, trong hoàng tộc nhà Trần lúc đó cũng khuyến khích và cho phép. Nhiều người cho rằng Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ yêu nhau từ nhỏ, điều này cũng chưa hẳn đã đúng. Vì thực tế thì Trần Thị Dung sống với cậu là Tô Trung Từ từ nhỏ, đến khi về ở với cha thì gặp Thái tử Sảm.

Tất nhiên, Trần Thủ Độ lúc còn bé ở với bác là Trần Lý (bố Trần Thị Dung) nhưng đến nay vẫn chưa có một tư liệu nào đề cập một cách chính xác và có sức thuyết phục về mối tình này. Thực ra, việc Trần Thị Dung lấy Trần Thủ Độ là lẽ tự nhiên quy luật tất yếu của xã hội cuối nhà Lý, đầu nhà Trần tạo ra, đưa họ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong việc củng cố và xây dựng Vương triều Trần khi còn non trẻ.

Thực tế cho thấy, khi Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu, dẫn đến việc Trần Liễu nổi loạn chống lại Trần Thủ Độ, thì không ai khác mà chính Trần Thị Dung đứng ra hòa giải mối xích mích giữa Trần Liễu và Trần Cảnh, Trần Thủ Độ. Việc tiến phong An Sinh Vương và cấp thái ấp ở Yên Sinh, Đông Triều cho Trần Liễu cũng là cách hòa giải hợp lý của vợ chồng Trần Thủ Độ để tránh mầm họa về sau cho triều đình nhà Trần. Hiện nay ở huyện Hưng Hà, Thái Bình còn có làng Quán Triều (Triều Quyến, xã Hòa Tiến), tương truyền là nơi bà Linh Từ đưa gia quyến của hoàng tộc và vợ con các tướng lĩnh về sinh sống để tránh sự tấn công truy ép của giặc Nguyên Mông. Quả là đúng khi “Toàn thư” viết: “Trời sinh Linh Từ cốt để mở nghiệp nhà Trần”.

“Kỷ Mùi Thiệu Long năm thứ 2 (1259), (Tống Khai Khánh năm thứ 1), mùa xuân, tháng giêng, Linh Từ quốc Mẫu Trần Thị (Dung) mất”(1). Từ đất Phù Ngự, Tinh Cương, bà ra đi góp phần mở nghiệp nhà Trần; khi mất bà được hoàng tộc nhà Trần đưa về chôn cất tại làng Phù Ngự. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ngôi mộ của bà cũng bị hao mòn theo mưa gió, thời gian.

Theo một số cụ cao tuổi ở Liên Hiệp thì mộ của bà nằm ở gần bờ mương. Vào những năm 1960-1970, khi làm sân kho, làm nghĩa trang, người ta đã đào đất ở khu Nấm Cao (tương truyền là nơi đặt mộ của Trần Thị Dung) và phát hiện có một ngôi mộ cổ (hiện ở gần nghĩa trang liệt sĩ làng Nại, Liên Hiệp) gỗ vàng tâm được chôn theo kiểu quách cũi (gỗ đóng bốn xung quanh) gần lăng của Trần Thủ Độ. Cho rằng có thể đây là mộ của bà Chúa Ngừ, mọi người đã lấp đất và trông nom hương khói hàng năm.

Năm 2006-2007, khu lăng mộ đền thờ Trần Thị Dung đã được ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình và ngành văn hóa đầu tư xây dựng khang trang, to rộng, cảnh quan rất đẹp. Quả là nơi hấp dẫn khách du lịch gần xa và cũng là sự tri ân của thế hệ sau đối với người phụ nữ làng Phù Ngự đã góp phần mở nghiệp nhà Trần từ những năm đầu của thế kỷ XIII.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *