Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng – Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng . Bác sĩ đã có trên 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu.
Nấm da đầu không chỉ gây ra tình trạng ngứa, tróc vảy, rụng tóc ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh dễ nhầm lẫn do tổn thương trên da đầu có nhiều loại như chốc, vẩy nến, viêm da dầu… và có nhiều loại nấm gây bệnh. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị nấm da đầu trong đó có cả trẻ em được cha mẹ điều trị theo dân gian nên da đầu bị viêm nặng, rụng tóc và sẹo vĩnh viễn.
1.1 Nấm da đầu do Trichophyton gây nên
Bệnh nấm da đầu khởi phát với các nốt sần nhỏ, rải rác trên da đầu. Nền tổn thương có các mảng vảy mỏng, tóc lành xen kẽ tóc bị cụt gần gốc (do tóc bị nhiễm nấm trở nên cứng và dễ gãy).
Mảng vảy bong ra khỏi da đầu tạo thành một mảng hói tạm thời. Bệnh này gây ngứa, người bệnh có thể mắc nấm da ở các vị trí khác (bẹn, mông, móng).
1.2 Bệnh tóc hột (trứng tóc) do chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli gây ra
Biểu hiện đặc trưng là dọc theo thân tóc, từ 2-3 cm tính từ gốc tóc, có những hạt tròn mềm (gần bằng hạt kê), màu đen hoặc nâu và có thể tuốt ra như trứng chấy. Bệnh này không gây rụng tóc vì sợi nấm chỉ phát triển ở thân tóc, có thể gây khó chịu hoặc ngứa ít. Bệnh thường phát sinh do vệ sinh cá nhân kém.
Nguồn bệnh nấm da đầu chủ yếu là người, ngoài ra có thể có từ một số loại súc vật như chó, mèo. Nấm có thể tồn tại dai dẳng ở vật dụng bị nhiễm. Bệnh lây trực tiếp từ da, qua da, nhưng cách thường gặp là gián tiếp qua việc dùng chung lược, mũ, gối…với người bệnh.
Để chẩn đoán, ngoài việc dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cần làm các xét nghiệm: Soi tươi bệnh phẩm là mảng vảy da đầu hoặc chất bám trên tóc. Nuôi cấy trong môi trường đạm thạch để chẩn đoán xác định loại nấm và có phác đồ điều trị thích hợp.