Lãi suất ngân hàng là gì? Cách tính và ý nghĩa của lãi suất ngân hàng?

Lãi suất ngân hàng là gì? Cách tính lãi suất ngân hàng? Ý nghĩa của lãi suất ngân hàng?

Hiện nay, lãi suất ngân hàng luôn được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày hàng giờ. Từ đó, chúng ta có thể tự đánh giá được vai trò quan trọng của lãi suất ngân hàng đối với sự phát triển nền kinh tế, sự cải thiện đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định về mặt chính trị của nhà nước. Vậy lãi suất ngân hàng là gì mà nó lại quan trọng như vậy. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta giải quyết thắc mắc đó.

* Cơ sở pháp lý:

– Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010;

– Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017.

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Lãi suất ngân hàng là gì?

1.1. Khái niệm:

Khái niệm lãi suất tuy chưa có Luật nào quy định tuy nhiên qua bản chất và đặc điểm có thể hiểu. Lãi suất ngân hàng là tỷ lệ phần trăm trong hợp đồng vay, mượn giữa tiền vốn gửi vào hoặc cho vay với mức lãi trong một thời kỳ nhất định do ngân hàng quy định hoặc thỏa thuận phù hợp với hệ thống ngân hàng. Như vậy, lãi suất thể hiện tỷ lệ phần trăm của tiền gốc trong một khoảng thời gian nhất định.

1.2. Các loại lãi suất phổ biến hiện nay:

Chúng ta dựa vào những tiêu chí khác nhau để phân loại lãi suất:

* Thứ nhất: dựa vào tính chất khoản vay, ta có các loại lãi suất sau:

– Lãi suất tiền gửi: là lãi suất ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng. Có nhiều mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố: thời hạn gửi, quy mô tiền gửi, tiền gửi không kỳ hạn hay tiết kiệm…

– Lãi suất cho vay: là lãi suất người đi vay tiền của ngân hàng phải trả cho ngân hàng khi ký kết hợp đồng vay tiền. Mức lãi suất này tùy thuộc vào uy tín của khách hàng, sự thỏa thuận của hai bên và tùy vào hình thức, mục đích vay và quy định của pháp luật

Xem thêm: Chênh lệch lãi suất là gì? Đặc điểm và ví dụ chênh lệch lãi suất

– Lãi suất cơ bản: Các ngân hàng dùng lãi suất cơ bản làm cơ sở ẩn định lãi suất kinh doanh của mình.

– Lãi suất liên ngân hàng: là lãi suất các ngân hàng vay mượn lẫn nhau thông qua thị trường liên ngân hàng, được các bên thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật

– Lãi suất chiết khấu: là lãi suất khách hàng phải trả cho ngân hàng khi vay dưới hình thức chiết khấu thương phiếu hoặc giấy tờ có giá trị khác chưa đến hạn thanh toán. Đặc biệt mức lãi suất này được trả trước cho ngân hàng.

– Lãi suất tái chiết khấu: là lãi suất của ngân hàng trung ương áp dụng với các ngân hàng thương mại cho vay bằng hình thức tái chiết khấu các giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán của các ngân hàng này.

* Thứ hai, dựa vào giá trị thực của tiền lãi, có các loại lãi suất sau:

– Lãi suất danh nghĩa: là lãi suất được tính theo giá trị danh nghĩa, chưa điều chỉnh bởi ảnh hưởng của lạm phát, nó được thể hiện trên quy ước giấy tờ đã được thỏa thuận trước.

Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực tế + Tỷ lệ lạm phát

– Lãi suất thực tế: là lãi suất được tính toán lại sau khi lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát.

Xem thêm: Tiền lãi dự kiến là gì? Tìm hiểu về tiền lãi dự kiến

Nếu tỷ lệ lạm phát cao thì thực tế chi phí đi vay thấp. Lãi suất thực tế quan trọng nhất, là cái để chúng ta tính toán hiệu quả của một quyết định kinh tế. Các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, lãi suất thực là cơ sở chỉ dẫn người dân tốt hơn để đưa ra quyết định đầu tư chứng khoán hay mua trái phiếu chính phủ, gửi tiền hay vay tiền từ ngân hàng…

* Thứ ba, dựa vào loại tiền cho vay, ta có 2 loại lãi suất sau:

– Lãi suất nội tệ: là lãi suất đi vay và cho vay bằng nội tệ.

– Lãi suất ngoại tệ: là lãi suất đi vay và cho vay bằng đồng ngoại tệ.

Mối liên hệ giữa hai loại lãi suất này:

Lãi suất nội tệ = Lãi suất ngoại tệ + Mức tăng giá dự tính của tỷ giá hối đoái

* Thứ tư, căn cứ vào tính linh hoạt của lãi suất:

– Lãi suất cố định: Là lãi suất được ấn định cụ thể trong hợp đồng vay, không thay đổi bởi những biến động của lãi suất thị trường. Theo đó, tiền lãi được biết trước và luôn cố định, thông thường chỉ áp dụng cho vay ngắn hạn.

Xem thêm: Chính sách lãi suất bằng không là gì? Rủi ro của chính sách lãi suất bằng không

– Lãi suất thả nổi (biến đổi): là lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ, do đó nó có thể lên xuống theo lãi suất thị trường. Mức điều chỉnh lãi suất này dựa theo thỏa thuận của ngân hàng và khách hàng, quy định rõ trên hợp đồng. Kỳ điều chỉnh lãi suất có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/lần.

* Căn cứ vào phạm vi tín dụng trong nước hay ngoài nước (quốc tế)

– Lãi suất quốc gia: là mức lãi suất cho các hợp đồng tín dụng trong nước.

– Lãi suất quốc tế: là lãi suất được dùng trong các hợp đồng quốc tế. Lãi suất phổ biến là LIBOR (lấy trên thị trường liên ngân hàng London), SIBOR (trên thị trường Singapore), TIBOR (trên thị trường Tokyo), NIBOR (trên thị trường NewYork).

Lãi suất ngân hàng tiếng Anh là “Bank interest rate”.

2. Cách tính lãi suất ngân hàng:

2.1. Công thức tính lãi suất tiền vay vốn ngân hàng:

Công thức chung: Số tiền lãi hàng tháng = Số tiền nợ gốc x lãi suất %

* Cách tính lãi dựa trên dư nợ gốc

Lãi suất trên dư nợ gốc là lãi được tính trên số tiền vay ban đầu trong suốt thời gian vay.

Ví dụ: Vay 100.000.000 VNĐ, thời hạn 2 năm (24 tháng) thì trong suốt 24 tháng, lãi suất sẽ luôn được tính trên số tiền nợ gốc là 100.000.000 VNĐ. 

Cách tính này nhìn chung rất đơn giản vì số tiền gốc không đổi.

* Cách tính lãi suất dựa trên dư nợ trả dần:

Tính lãi suất trên dư nợ giảm dần là lãi sẽ chỉ được tính trên số tiền thực tế bạn còn nợ sau khi đã trừ ra phần tiền đã trả từ trước đó.

Ví dụ: Vay 100.000.000 VNĐ trong thời hạn 1 năm (12 tháng)

Tháng thứ nhất: tính lãi trên 100.000.000 VNĐ, bạn trả nợ gốc 10.000.000 VNĐ.

Tháng thứ hai, lãi sẽ chỉ tính trên 90.000.000 VNĐ, bạn trả bớt nợ gốc thêm 20.000.000 VNĐ.

Tháng thứ ba, lãi sẽ chỉ tính trên 70.000.000 VNĐ và tiếp tục như vậy ở các tháng tiếp theo.

Ngoài ra, khi vay vốn kinh doanh, ngoài việc chọn kiểu trả lãi, chúng ta còn phải quan tâm đến các vấn đề như chọn lãi suất cho vay ngân hàng nào thấp nhất, thời hạn gói vay có phù hợp với khả năng chi trả không, quy định cụ thể của từng gói,…

2.2. Công thức tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm:

* Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/360

Ví dụ: Khách hàng gửi tiết kiệm không kỳ hạn tại ngân hàng với số tiền 160.000.000 VNĐ, lãi suất gửi 1,5%. Sau 06 tháng khách hàng rút tiền gửi và số tiền lãi nhận được sẽ là:

Tiền lãi = Tiền gửi x 1,5% x 180/360 = 160.000.000 x 1,5% x 180/360 = 1.200.000 VNĐ.

Như vậy, với 160.000.000 VNĐ tiền gửi tiết kiệm, sau 06 tháng bạn sẽ nhận được 1.200.000 VNĐ tiền lãi.

* Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360

Ngoài ra, lãi suất gửi tiết kiệm có kỳ hạn được tính như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.

Ví dụ: Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng BIDV số tiền 200.000.000 VNĐ. Tương ứng với từng kỳ hạn là mức lãi suất khác như. Số tiền lãi mà khách hàng nhận được từng kỳ hạn đó là:

– Kỳ hạn 1 năm, lãi suất 7,5%, số tiền lãi cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 7.5%/12 x 12 = 15.000.000 VNĐ.

– Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất 7% số tiền lãnh cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 0,07 x 270/360 = 10.356.164 VNĐ.

– Kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 4,5%, số tiền lãnh cuối kỳ nhận được: 200.000.000 x 0,045 x 90/360= 2.219.180 VNĐ.

Từ các ví dụ trên có thể thấy, lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cao hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Trong trường hợp khách hàng rút tiền đúng thời hạn thì sẽ nhận được toàn bộ mức lãi theo thỏa thuận trước đó. Còn đối với trường hợp khách hàng rút tiền lãi trước kỳ hạn thì số tiền lãi sẽ quy về lãi suất không kỳ hạn.

* Cách tính lãi suất tiền gửi theo tháng:

Nếu bạn có nhu cầu gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng muốn nhận lãi theo tháng thì công thức tính lãi suất sẽ như sau:

Số tiền lãi hàng tháng = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm)/12

Ví dụ: Khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng TPBank số tiền 200.000.000 VNĐ, lãi suất 7%/năm. Số tiền lãi định kỳ theo tháng bạn nhận được sẽ là: 200.000.000 x 0.07/12 = 1.706.000 VNĐ.

Lưu ý: Bạn không được cộng dồn từng tháng để tính lãi cho những tháng tiếp theo. Điều này chỉ có thể xảy ra khi tới kỳ hạn gửi mà khách hàng không đến lĩnh tiền lãi và ngân hàng sẽ tự động gia hạn với 1 kỳ hạn mới bằng với kỳ hạn đã đăng ký trước đó.

3. Ý nghĩa của lãi suất ngân hàng:

– Tầm vĩ mô: Lãi suất chính là công cụ điều tiết chính sách tiền tệ, ổn định lạm phát và phát triển sản xuất. Nó có ảnh hưởng to lớn đến việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng, khích lệ hoặc hạn chế huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn cho các hoạt động ngân hàng.

Đồng thời lãi suất còn góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc điều hòa cung cầu ngoại tệ. Nếu tăng lãi suất tín dụng ngân hàng sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ vào trong nước, ngược lại nếu lãi suất giảm kéo theo giảm cung và tăng cầu ngoại tệ.

– Dựa trên góc độ vi mô: Lãi suất là cơ sở để các cá nhân, doanh nghiệp đưa ra các quyết định của mình như chi tiêu hoặc gửi tiết kiệm, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất hoặc gửi tiền vào ngân hàng, để dành cho những khoản đầu tư khác. Giúp cho những cá nhân đặc biệt là người dân khi có tiền rảnh rỗi chưa biết đầu tư vào đâu có thể lựa chọn gửi tiết kiệm, vừa giúp có tiền lãi ổn định chi tiêu cho nhu cầu cuộc sống, vừa an toàn khi cầm một số tiền lớn trong người sẽ không lo các rủi ro có thể xảy ra. mặt khác cũng giúp các ngân hàng đó có một lượng vốn nhất định xoay vòng trong kinh doanh. Việc đưa ra một mức lãi suất hấp dẫn tiền cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh cũng giúp cho đời sống xã hội ngày một tốt lên.

Qua bài viết, có thể thấy được tầm quan trọng của lãi suất ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế cũng như sự ổn định xã hội. Đó cũng là lý do vì sao mà cả nhà nước và người dân đều quan tâm đến vấn đề này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *