LUẬN NGỮ – KHỔNG TỬ

LUẬN NGỮ – KHỔNG TỬ 

Có lẽ đây là bài cảm nhận sách dài nhất trong cuộc đời của mình, có thể làm nản lòng bất cứ ai mở ra đo gang tay chứ chưa bắt đầu đọc, cả một đêm dài… Sách quản trị hoặc giá trị sống của phương Tây viết thì rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng. 

Tác phẩm của những học giả phương Đông sâu sắc, đọc, chiêm nghiệm với những trải nghiệm sẽ thấy được chiều sâu hun hút của từng câu chữ. 

Hàng ngàn nhà nghiên cứu Đông – Tây trên thế giới nghiên cứu về Khổng Tử, về Luận ngữ đủ cho thấy qua trăm năm trường những giá trị mà Khổng Tử đưa ra chưa bao giờ ngừng được quan tâm.

Nên đọc cả sách của tác giả phương Tây lẫn phương Đông để vận dụng linh hoạt vào từng ngữ cảnh trong cuộc sống.

Làm người cũng phải học, là quản lý cần phải học.

Sách rất nên đọc

—————————

VIẾT VỀ LUẬN NGỮ – KHỔNG TỬ (Nguyễn Hiến Lê)

ĐỂ DÀNH ĐỌC LẠI NHỮNG NĂM SAU…..

Năm 1986, đất nước Việt Nam đổi mới, cải cách nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Với sự phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường vốn, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ, chúng ta có thể nhận thấy rằng thị trường lao động ở Việt Nam cũng có rất nhiều nỗ lực để thích nghi, tự điểu chỉnh với sự phát triển của nền kinh tế. 

Năm 2007, Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng nghĩa với việc chúng ta chính thức bước vào một sân chơi lớn với nhiều cơ hội, thách thức mới. Đặc biệt, sự dịch chuyển cơ cấu các ngành nghề để đáp ứng cung – cầu lao động của nền kinh tế làm cho thị trường lao động trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp sở hữu nguồn nhân lực tốt, lợi thế cạnh tranh sẽ tăng cao. Tuy vậy, để “bắt kịp” với thị trường lao động thế giới, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hội nhập WTO với các nước khác, sự cạnh tranh gay gắt về trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng làm việc quốc tế, luật pháp lao động…

Nhìn lại quá trình chuyển đổi Việt Nam từ nền kinh tế “ngoại bất nhập, nội bất xuất” như ngày xưa cộng với văn hóa làng xã truyền thống của con người Việt Nam lúc ấy, chúng ta có thể thấy được những giá trị văn hóa – xã hội được gìn giữ (tà áo dài của thiếu nữ, những chiếc áo bà ba…), con người Việt sống lối sống trọng tình nghĩa, có trước có sau, kính trên nhường dưới. Khi Đất nước mở cửa, văn hóa ngoại du nhập tràn lan vào Việt Nam như một cơn bão khiến giới trẻ và cả những người lớn đã sống qua hai thời kỳ (trước, sau khi mở cửa) trở nên bối rối với việc tiếp nhận nền văn minh phương Tây hay giữ nguyên truyền thống văn hóa phương Đông. Có thể dễ dàng nhìn thấy những cô gái, chàng trai trong gia đình, trường học, ở nơi công cộng có nhiều lối hành xử “nửa nạc, nửa mỡ” cho rằng bản thân là con người của thế giới hiện đại mà quên đi đạo đức, lễ nghĩa với người khác trong cùng cộng đồng xã hội đang sinh sống. 

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu tôi thấy rằng nho giáo của Khổng Tử là một trong những học thuyết có sức sống lâu bền trong lịch sử tư tưởng của thế giới. Khổng Tử hệ thống hóa lại các vấn đề cốt lõi của tư tưởng nhà Chu, đỉnh cao của văn hóa Trung Hoa như ông đã nghĩ. Nội dung cơ bản của “Luận ngữ” được Khổng Tử thể hiện rõ tư tưởng đạo đức, lễ nghĩa, duy trì trật tự xã hội cũng như sự hiếu học.

Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên khi Đất nước đã hòa bình và sau giai đoạn 1986, trong quá trình học tập, làm việc, tôi có cơ hội tiếp cận với nền tảng kiến thức từ các nước phát triển. Tuy vậy, tôi nhận thấy rằng, con người sống không thể tách biệt ra khỏi “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” như Mác đã nói. Để có thể phát triển bản thân trong môi trường làm việc, xây dựng tốt các mối liên hệ với bên ngoài, tất cả chúng ta, nhất là thế hệ thanh thiếu niên, hạt giống của đất nước trong tương lai, cần thấm nhuần tư tưởng lễ nghĩa, hình thành nhân cách sống tốt.

Mỗi một ngày truy cập vào các trang báo mạng, chúng ta có thể thấy nhan nhản các bài đăng về bạo lực, giết người, con cái bạo hành cha mẹ, bạo lực trong học đường…Truyền thông định hướng hành vi xã hội bằng cách thổi phổng bóp méo sự thật. Thông tin trở nên quá dễ dàng để tiếp cận mà không bàn đến tính đúng sai người ta có thể tùy tiện chia sẻ, bình luận vào đấy một cách hết sức tiêu cực như một hiệu ứng của đám đông. Dân số trên toàn cầu gần 7,5 tỷ người, trong đó theo số liệu thống kê mới nhất về số lượng sử dụng internet gần một phần hai tổng số người có mặt trên trái đất. Cho đến tháng 1/2017, dân số Việt Nam là 94,93 triệu người, số người sử dụng internet chiếm hơn 50 triệu người, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (báo điện tử…) chiếm 46 triệu người, kết nối thuê bao điện thoại là hơn 124 triệu thuê bao (một người có khi sử dụng nhiều số khác nhau) và sử dụng điện thoại có kết nối vào các phương tiện xã hội là 41 triệu người.

Lối sống thời số hóa đã khiến các mối tương tác xã hội bị rời rạc, giao tiếp xã hội bằng cách tương tác trực tiếp giảm xuống tối thiểu. Thay vì đào tạo cho giới trẻ những đạo nghĩa sống, là người tử tế, nhà trường, xã hội, gia đình muốn con em họ làm sao có thể tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại. Đạo đức xã hội không phải là ưu tiên chính trong đào tạo, giáo dục con người mới trong khi đó theo bác Hồ, muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa với những đặc tính tiên tiến, không ngừng nâng cao, hoàn thiện bản thân với lối sống hiếu với dân, trung với nước, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có lối sống lành mạnh trong sáng và tinh thần quốc tế. 

Chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam năm 2014 xếp thứ 116 thế giới, theo con số hiện tại của Wikipedia cung cấp, Việt Nam hiện đang xếp thứ 115 trên thế giới. Dù chỉ số này không thay đổi qua các năm nhưng đây không phải là tín hiệu đáng để vui mừng vì Việt Nam chỉ xếp trên các nước rất nhỏ như Bolivia, El Salvador, Iraq, Cape Verde….So với các nước Châu Á như Singapore, Hong Kong, Japan, Korea là những nước trong Top 10 về phát triển chỉ số con người ở Châu Á thì Việt Nam cần một quá trình rất lâu dài để có thể bắt kịp. 

Trong khi đó, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2014 xếp thứ 119/174 quốc gia, thứ 18/28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tháng 1/2017, tổ chức Minh bạc quốc tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016, Việt Nam xếp thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu, đây là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam, tuy vậy xét trên thang điểm 100 (0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch) thì điểm số 33/100 của Việt Nam cho thấy vấn đề tham nhũng cũng vẫn là sự nhức nhối cần giải quyết của quốc gia. 

Bằng cảm quan và thông tin có được trong quá trình học tập, làm việc. Tôi cho rằng, gia đình, trường học, xã hội cần nâng cao giáo dục lối sống lành mạnh, đạo đức cho thanh thiếu niên, thế hệ dân số vàng sẽ là trụ cột đất nước trong tương lai để tự phản tỉnh và có nhận thức đúng đắn hơn, nâng cao ý thức làm người.

“Nhân” – “Lễ” – “Đức” theo quan điểm của Khổng Tử là một phần trong Nho giáo đã được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời, nay đã có xu hướng không còn được xem trọng nhất là với lớp trẻ Việt Nam nhưng ý nghĩa đạo đức của Khổng đạo là không thể chối bỏ được, dù có những sự bất cập trong vấn đề thích nghi với sự chuyển biến xã hội. Tôi tin rằng, giá trị của “Trung thành”, “Thành tín”, “Lễ nghĩa”, “Khiêm tốn”, “Kỷ luật bản thân”, “Lòng nhân ái” và “Hiếu học” là luôn luôn cần bất kể con người Việt Nam hay một xã hội nào khác.

Vì thế, khi lựa chọn đọc “Luận ngữ” của Khổng tử tôi mong muốn rằng với những giá trị cốt lõi của Luận ngữ có thể phần nào giúp chính tôi cảnh tỉnh và sống lối sống chừng mực, đạo đức. Bên cạnh đó, việc đặt ra vấn đề ứng dụng Luận ngữ vào thực tế tôi hi vọng rằng bằng thực tiễn cuộc sống có đối chiếu với lý luận triết học, sự vận dụng các kiến thức đã được đào tạo trở nên triệt để hơn, rút tỉa được tinh hoa văn hóa của nhân loại vào việc xây dựng con người mới góp phần vào việc xây dựng đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân – gia đình – xã hội nói chung.

Qua quá trình tìm hiểu về Luận ngữ của Khổng Tử và nho giáo nói chung, có rất nhiều công trình nghiên cứu về nho giáo, về Khổng Tử, một số minh chứng tiêu biểu: 

Bộ Tứ thư của Chu Hy, một nhà kinh học đời Tống do Nguyễn Đức Lâm dịch được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in năm 1998

Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Trấn Vũ, học giả nổi tiếng của Trung Quốc có rất nhiều sách về chính trị, lịch sử, triết học do Trần Văn Tấn dịch và xuất bản bởi Nhà xuất bản Sự thật năm 1964. Trong tập sách này Lã Trấn Vũ chỉ ra rằng Luận ngữ thể hiện những tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử về giáo dục, đạo đức, con người…Con người phải có Nhân, Lễ, Nghĩa và “chính danh định phận”. 

Giáo trình Triết học dùng cho học viên Cao học và Nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết học của Bộ giáo dục và đào tạo được xuất bản Lý luận chính trị ban hành năm 2006 cũng có đề cập đến tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử.

Giáo trình Triết học Mác – Lê Nin của Bộ giáo dục và đào tạo có đề cập đến triết học Trung Hoa và Nho giáo, các trường phái triết học Trung Hoa xem con người làm trung tâm trong quá trình nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chính trị – đạo đức của xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ. 

Cuốn Luận ngữ của Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, bản đầu tiên được xuất bản của cụ Lương Văn Can in lần đầu năm 1954, Lê Phục Thiện xuất bản năm 1962-1967 có cả nguyên văn chữ Hán, phiên âm và chú thích. 

Luận ngữ và Những ứng dụng trong kinh doanh do tác giả Thiệu Vũ viết bao gồm các chương viết về Nhân ái, Thủ chính, Tuân lễ, Thành tín, Trung thành, Hiếu học

Khổng Tử tinh hoa – Những điều kỳ diệu từ tư tưởng và triết lý sống của Khổng Tử, tác giả Yu Dan xuất bản bởi nhà xuất bản trẻ là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, lý giải triết lý Khổng Tử rất đơn giản, dễ hiểu để dạy con người cách sống hạnh phúc theo nhu cầu tinh thần của chính mình. 

Minh triết phương Đông và triết học phương Tây hay thể tạng khác của triết học do Nguyên Ngọc dịch để cố gắng thấu hiểu thực chất của nền minh triết phương Đông trong đó có nhắc đến câu nói của Khổng Tử “Buổi sáng nghe được đạo lý, buổi chiều chết cũng vui” (trang 24), câu nói này được trích trong sách Luận ngữ cho thấy “đạo” – cái chết, sự khởi đầu và kết thúc chính là hai thời điểm qua đó cuộc sống trở nên chính đáng.

Trung Quốc triết học sử đại cương, do Minh Đức dịch từ tác phẩm của Hồ Thích, Giáo thụ Đại học Văn khoa Bắc Kinh năm 1917, có cả tiếng Trung Quốc lẫn tiếng Việt và đề cập đến các đệ tử của Khổng Tử gồm 77 người, trong chương này đề cập nhiều đến chữ Hiếu, chữ Lễ, với cha mẹ và các ví dụ chứng minh liên quan.

Không chỉ ở Châu Á, ở các nước phương Tây cũng có rất nhiều sách, công trình nghiên cứu, bài báo viết về Khổng Tử và đạo lý của ông như:

Cuốn sách “On the Negative Version of the Golden Rule as Formulated by Confucius” của tác giả Allinson, Robert E xuất bản năm 1982. 

Tác giả trên còn có nhiều bài đăng trên tạp chí Triết học Trung Quốc năm 1982 như “The Confucian Golden Rule: A Negative Formulation” nói về những nguyên tắc vàng của Khổng Tử và đánh giá sự tích cực, tiêu cực khi áp dụng chúng trong xã hội . Năm 1985, ông viết bài “The Golden Rule in Confucianism and Christianity” đăng trên tạp chí văn hóa Châu Á so sánh giữa các nguyên tắc của Khổng Tử và Đạo Thiên chúa. Năm 1992, ông lại viết “The Golden Rule as a core value in Confucianism and Christianity: Ethical Similarities and Differences” trên Triết học Châu Á nội dung so sánh giữa sự giống nhau về mặt đạo đức của Khổng giáo và đạo Thiên chúa….

Tác giả Ames, Roger T and Henry Rosemont Jr, viết “The Analects of Confucius: A philosophical Translation” năm 1998, cuốn sách đã đưa triết lý đạo Khổng sang tiếng Anh để giới thiệu về lịch sử, triết lý, các lý luận của Khổng Tử.

Beattie, Paul H. đã viết “The Religion of Confucius: The first Humanist” năm 1988 tạm dịch là “Đạo lý Khổng tử, nhà nhân văn đầu tiên” để phân tích về qua điểm đạo đức, nhân đạo của ông.

Bloom, Irene T viết “The Analects of Confucious: Then and Now” năm 1997, cuốn sách này viết về lịch sử của Châu á, Âu và thế giới, tác giả đặt ra vấn đề về sự chỉ dẫn cho việc giảng dạy của đạo Khổng trong thực tế. 

Bui, Duc Tin viết “Essai sur le “Luan Ngu” ou “Entretiens” de Confucius năm 1989 bằng tiếng Pháp. 

Trên thế giới và Việt Nam, có vô số sách được viết về Khổng Tử và các đạo lý của ông, Khổng Tử còn được so sánh với những triết gia lừng danh như Aristotle và Mark:

Tác giả Hamburger, Max viết “Aristotle and Confucius: A Study in Comparative Philosophy” năm 1956, năm 1959 ông này lại viết “Aristotle and Confucius: A Comparison” đăng trên tạp chí History of Ideas. 

Tác giả Danton, George H năm 1943 đã viết “Schiller and Confucius”, tác phẩm này đặt Khổng Tử với ông Schiller, người được xem là nhà chính trị, triết gia, Shakespeare của văn học Đức.

Trong các tác phẩm tiêu biểu, Khổng Tử thường được so sánh với các triết gia khác về tư tưởng triết học của họ, tư tưởng đạo đức, chính trị và giáo dục. Số tác phẩm, công trình nghiên cứu, bài báo nói về Khổng Tử không thể liệt kê ra hết được.

Ngoài ra còn rất nhiều kỷ yếu khoa học, tạp chí khoa học như Việc nghiên cứu Khổng tử và Nho giáo ở Trung Quốc trong thập kỷ 80 của Phan Văn Các công bố trên tạp chí Triết học số 1/1991, Nghiên cứu con người giáo dục và phát triển thế kỷ XIX là kỷ yếu công trình khoa học năm 1995 (Hà Nội), Phạm trù Đức trong học thuyết của Khổng Tử của Trần Nguyên Việt trên tạp chí triết học số 3 năm 2004…

Rất nhiều công trình nghiên cứu ở các tiểu luận, luận văn về triết học của Khổng Tử có liên quan như: Tư tưởng của Khổng Tử trong sách Luận ngữ (luận văn Thạc sĩ Triết học của Vũ Thị Bích Ngọc năm 2012)….

Tuy vậy, do hạn chế của bản thân trong việc tìm kiếm thông tin hoặc một lý do khách quan nào đó, tôi không tìm thấy các nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng “Luận ngữ” của Khổng tử vào hình thành nhân cách sống, làm việc cho thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XXI. Bản thân tin rằng triết học của Khổng Tử có giá trị rất to lớn với sự phát triển, hình thành tư tưởng sống cho con người, mặc dù có những điểm ít còn phù hợp với sự phát triển hiện tại do tư tưởng của ông được viết vào thời phong kiến, cũng còn rất nhiều điểm cần phải học hỏi, giữ gìn.

VỀ KHỔNG TỬ: 

Khổng Tử tên Khâu, hiệu Trọng Ni là người của nước Lỗ, ông là nhà tư tưởng, nhà giáo dục đầu tiên của Trung Hoa cổ. Có sách chép lại Khổng Tử tên Khâu vì trán ông cao và gồ lên như một cái gò (chữ Trung Hoa thì Khâu là gò). Khi Khổng Tử lên 3, phụ thân ông mất, năm 19 tuổi Khổng Tử có gia đình sinh con đầu lòng đặt tên là Lý, tự Bá Ngư và sau đó nhậm chức Ủy lại với công việc chính là cai quản việc đong thóc trong kho. Tại thời điểm này Khổng Tử đã nổi tiếng tài giỏi và được vị quan nước Lỗ tên Trọng Tôn Cồ cho con là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo ông học. 

Khổng Tử cũng có thời gian làm quan ở Lỗ trong vài năm nhưng hầu hết thời gian trong cuộc đời công đi đến các nước để trình bày về quan điểm chính trị và mở trường dạy học. Số học trò được kể tên của ông gồm 77 người, tổng số học trò tương truyền trên 3000 người trong đó có rất nhiều người thành danh.

Khổng Tử nghiên cứu về nho thuật nên trong các tác phẩm của ông rất chú trọng đến nghi lễ, phép tắc của các bậc vua chúa thời trước. Khổng Tử chỉnh lý rất nhiều sách như: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. Tác phẩm được ghi chép lại những lời nói của Khổng Tử và các học trò của ông được chép lại thành Luận ngữ, tác phẩm cũng thể hiện quan điểm của ông về đạo đức và giáo dục. Năm 28-29 tuổi Khổng Tử đến Lạc Dương để tìm hiểu về các văn thư cổ ghi chép những biến cố từ năm 23 TCN trở về sau, khi trở về lại quê nhà, kiến thức của Khổng Tử trở nên uyên thâm hơn và rất nhiều học trò ngỏ ý muốn theo học. Ông muốn đem sở học của bản thân ra để giúp nước, giúp vua trị dân nhưng vua Lỗ không đồng ý. Khi Lỗ gặp loạn, Khổng Tử chạy sang nước Tề, vùa Tề là Tề Hầu tỏ ra rất khâm phục và muốn trọng dụng ông nhưng không thành. Khổng Tử trở về Lỗ nghiên cứu đạo thánh hiền và mở trường ra tiếp tục dạy học. 

Đến năm Khổng Tử 51 tuổi, vua Lỗ mời ông làm quan Trung Đô Tể rồi thăng lên Đại Tư Khấu. Suốt thời gian nhậm chức, ông đã giúp vua đề ra nhiều phép tắc phân minh, giúp người nghèo khó và các luật lệ của ông giúp cho tình hình cai trị nước Lỗ phân minh hơn, người dân được dạy bảo lễ nghĩa, trai gái theo lễ giáo. Sau này, vua Lỗ cho Khổng Tử nhậm chức Nhiếp Tướng Sự được bàn việc nước khiến nước Lỗ trở thành vùng đất thanh bình, yên ổn. Nước Tề thấy thế bèn tìm cách hãm hại Khổng Tử bằng cách dâng cho vua Lỗ nhiều gái đẹp, ngựa tốt khiến vua Lỗ đam mê, bỏ bê việc nước. Khổng Tử từ chức, sang nước Vệ cùng các môn đệ (Tử Lộ, Nhan Hồi…) nhưng không được trọng dụng. Năm 55 tuổi, ông qua nước Trần, Tống để đem sở học của ông thuyết phục các bậc cua chúa làm theo nhưng đặt vào bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ các nước đều loạn lạc nên vua chúa các nước này đều ít chú ý đến lễ nghĩa của Khổng Tử. Bên cạnh đó, thời gian ông rong ruổi khắp các quốc gia, số học trò của Khổng Tử cũng tăng lên rất nhiều. 

Khổng Tử trở về nước Lỗ vào năm ông 68 tuổi (484 TCN), quãng thời gian cuối đời ông đều dùng để dạy học. Khổng Tử mất năm 479 TCN thọ 72 tuổi.

Có thể thấy, Khổng Tử ra đời tại nước Lỗ là một nước có bề dày văn hóa dưới thời Chu. Khi Khổng Tử chào đời, trong cảnh cơ hàn cũng là lúc đất nước nhiễu nhương, thời kỳ bá đạo lấn át vương đạo. Khổng Tử lúc ấy than rằng “vua không phải đạo vua, tôi không phải đạo tôi”[2,trang 323]. 

Khổng Tử là một nhà tư tưởng lớn của thế giới, ông là người sáng lập ra Nho giáo và rất nhiều sách để dạy bảo cho con người sống có đạo đức, phép tắc, hợp luân thường đạo lý. Khổng Tử hệ thống hóa các tư tưởng và tri thức của các nhà nho sĩ trước thời Xuân Thu thành học thuyết mang tên Khổng giáo (Trung Hoa gọi là trường phái của các học giả). Sách Xuân Thu ông viết để thể hiện quan điểm của bản thân. Bộ Tư được xem là bộ sách quan trọng của các nho sĩ xưa. Cho đến ngày nay, Tứ thư được dịch được các tác giả viết ứng dụng rất nhiều vào trong đạo kinh doanh, quản lý. Tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử trong các tác phẩm là về chính trị, xã hội và đạo đức làm người. 

Quan điểm của Khổng Tử rõ ràng về thế giới như chính trị xã hội, luân lý đạo đức và phép tắc con người. Quan niệm về vũ trụ của Trung Hoa cổ ảnh hưởng rất lớn lên nhân sinh quan triết học của Khổng tử. Ông cho rằng vụ trụ vận hành biến hóa không ngừng một cách có trật tự và hòa điệu nhưng con người không thể lý giải hết. Vũ trụ có “thái cực” huyền diệu chứa các mặt đối lập, liên hệ nhau gọi là “âm” và “dương”, nó tạo ra mọi sự biến đổi vô cùng tận hay gọi là “đạo” và “dịch”. Đạo biến hóa trời đất âm dương tạo ra thanh khí, trọng khí. Thanh khí làm trời, trọng khí làm đất. Sự điều hòa âm dương sinh vạn vật. Thế giới quan của ông là thế giới quan duy tâm.

Khổng tử cho rằng hòa bình trên thế giới chỉ có được trên nền tảng đại đồng trong thiên hệ (có thể thấy quan điểm này của ông trong thời điểm loạn lạc lúc bấy giờ ít được các vua chúa trọng dụng). Thế giới đại đồng, mọi người xem nhau như anh em, như gia đình và cùng chăm lo cho nhau thì thiên hạ thái bình là điều không thể có được trong bối cảnh xã hội phức tạp. Khổng Tử cho rằng muốn dân giàu nước mạnh, con người cần phấn đấu tu dưỡng, phải tề gia mới trị quốc và bình thiên hạ. Vua là bậc tối thượng, vua nên lấy nhân làm trọng để trị quốc, lấy nhân, lễ làm đầu. 

Về giáo dục, ông cho rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng cực kỳ để lấp bằng hố sâu phân chia giai cấp và để đức hóa nhân trị thì cần phải có sự giáo dục. Ở thời điểm này, Khổng Tử đã đề ra sự giáo dục kết hợp lý thuyết – thực hành “học lý thuyết mà luôn luôn thực nghiệm” [2, trang 101]. Sự học tập được cho rằng tất cả mọi người đều có thể được nhận không phân biệt giai cấp “kẻ nào mà không bộc lộ được tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho. Kẻ nào mà ta dạy một mà không biết hai ta chẳng dạy nữa”[2,trang 231]. 

Nho học của Khổng Tử thông qua sự giác ngộ, tu dưỡng đạo đức để có được nhân cách và lấy đó làm đức tính cho các cơ sở hoạt động trong đời sống. Hạt nhân của đạo đức là chữ “nhân” (là cái quy định bản tính con người thông qua “lễ”, “nghĩa”). “Nhân” quy định đến mối quan hệ giữa con người trong xã hội và là tâm điểm bản chất của con người, Khổng Tử cho rằng người có nhân cần phải biết nhịn, tiết chế cái sự nói “kẻ nào miệng nói những lời hoa mỹ, mặt mày trang điểm, hình dáng kiểu cách, áo quần lòe loẹt thì kẻ ấy ít lòng nhân”[2, trang 480]

NHẬN XÉT – QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN:

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp, quan điểm chính trị, giáo dục, đạo đức của Khổng Tử, tôi nhận thấy rằng xuyên suốt quãng thời gian ông sống đều dành cho một mục đích chính là không ngừng nâng cao tri thức của bản thân và truyền dạy lại cho các học trò, thuyết phục các quốc gia đi theo đường lối tư tưởng của ông. Có thể đối với thời điểm hiện tại triết học Khổng Tử ít còn được trọng dụng do xuất hiện quá nhiều thông tin, các quốc gia không còn đường biên giới, thay vào đó nền tri thức toàn cầu tiệm cận với nhau tạo ra sự giao thoa về mặt tri thức, nhưng không vì như thế mào giá trị của Khổng giáo biến mất đi. Nó được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Ví dụ như câu “kẻ nào miệng nói những lời hoa mỹ, mặt mày trang điểm, hình dáng kiểu cách, áo quần lòe loẹt thì kẻ ấy ít lòng nhân” ở trên không hẳn hoàn toàn đúng, cũng giống như câu “xem mặt bắt hình dong” của ông bà ta vậy, ngày nay có rất nhiều người do đặc điểm ngành nghề, do hoàn cảnh sống, bị ảnh hưởng bởi người khác họ xăm mình chẳng hạn, xã hội trước đây xem người có hình xăm như kẻ chẳng ra gì, khi mọi thứ thay đổi theo hướng thoáng hơn thì con người cũng có thể lựa chọn cách xăm hình như một sự trang trí, mang tính thời trang (tuy vậy ở xã hội Việt Nam, để tránh bị hiểu nhầm cũng không nên lạm dụng). Tôi nghĩ rằng, để có thể hiểu hết được Nho giáo của Khổng Tử là một chuyện, cảm thụ và áp dụng được vào cuộc sống (xem việc học tập là trọng yếu, sống tu thân tích đức…) là cả một quá trình lâu dài chiêm nghiệm, ứng dụng, trở lại chiêm nghiệm để thẩm thấu.

NHO GIÁO KHỔNG TỬ.

Nho giáo của Khổng Tử là học thuyết chính trị – đạo đức đã có hơn 2500 ra đời và tồn tại đến ngày nay. Tư tưởng của ông ảnh hưởng đến nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam trên nhiều phương diện đặc biệt là đạo đức. 

Nho giáo chủ yếu luận bàn về đạo đức và sức mạnh to lớn của đạo đức đối với xã hội. Năm mối quan hệ cơ bản của con người theo Khổng Tử là ngũ luân: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh em,bạn bè. Ba mối quan hệ cơ bản nhất ngoài anh em,bạn bè ra được gọi là Tam cương. “Đức” là phẩm chất cần phải có để thực hiện các mối quan hệ cơ bản, “Tam đức” (nhân, trí, dũng). Tam cương và ngũ thường được kết hợp lại và hay được gọi là đạo cương – thường. Cương – thường là nguyên tắc chi phối mọi suy nghĩ, hành động và cũng chính là để đánh giá phẩm chất con người, góp phần điều chỉnh hành vi con người

NHẬN XÉT – QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN 

Đất nước Việt Nam trong suốt thời kỳ phong kiến đã tiếp thu rất nhiều nền văn hóa, tư tưởng như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo…Trong đó, Nho giáo đóng góp to lớn vào tổ chức nhà nước, duy trì trật tự xã hội và phát triển kinh tế trong các triều đại Lý, Trần, Lê…Nội dung của nho giáo đề cập nhiều đến vấn đề đạo đức và học tập nhưng chưa nêu rõ ra những kiến thức, nhận thức về giới tự nhiên và sự hữu hạn của tri thức con người trong vô hạn của tự nhiên. Bằng thế giới quan duy tâm, người học được tư tưởng của Nho giáo cần điều chỉnh lại cho phù hợp trong ứng dụng thực tiễn, đưa vào cả kiến thức khoa học, sản suất cũng như sự vận động về mặt thể lực. Vào thời điểm những năm 2000 ở Việt Nam nhất là vùng quê nơi tôi sinh sống (Đồng Nai, vùng kinh tế mới) đa số là các gia đình ngoài Bắc di cư vào miền Nam còn ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng Nho giáo xem việc học chỉ để đi thi, để ra “làm quan” dẫn đến việc giáo dục con cái trong gia đình nặng tính giáo điều, chưa ủng hộ cho con cái lấy trải nghiệm để tích lũy cho bản thân, chưa nhận thức được cái thực tế và các hành động sáng tạo. Những năm gần đây, do thông tin trở nên phổ biến đến mọi ngóc ngách nên quan điểm trên cũng có phần thay đổi trong sự vận động chung của xã hội. Tuy vậy, nền tảng văn hóa Việt Nam vẫn có truyền thống tư tưởng đạo đức, coi hiếu học, tôn trọng người có học thức, coi trọng gia đình, tình nghĩa cũng như câu nói thường thấy trên các lớp học “Tiên học lễ, hậu học văn” có lẽ cũng xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo.

TÁC PHẨM LUẬN NGỮ 

Luận ngữ là tác phẩm trong bộ Tứ thư của Khổng Tử, được trình bày không theo một thứ tự nhất định mà do môn đệ của Khổng Tử ghi chép lại những lời dạy của ông, bao quát các lĩnh vực: triết học, chính trị, đạo đức, giáo dục, đạo lý làm người…Tác phẩm được cho là viết vào đầu thời Chiến Quốc (420 – 221 TCN). Sách Luận ngữ bao gồm 20 thiên không có liên hệ với nhau được lấy tên của các học trò ông 

Thiên 1: Học Nhi/Thiên 11: Tiên Tiến/Thiên 2: Vi Chính/Thiên 12: Nhan Uyên/Thiên 3: Bát Dật/Thiên 4: Lý Nhân/Thiên 14: Hiến Vấn/Thiên 5: Công Dã Tràng/Thiên 15: Vệ Linh Công/Thiên 6: Ung Dã/Thiên 16: Quý Thị/Thiên 7: Thuật Nhi/Thiên 17: Dương Hóa/Thiên 8: Thái Bá/Thiên 18: Vi Tử/Thiên 9: Tử Hãn/Thiên 19: Tử Trương/Thiên 10: Hương Đảng/Thiên 20 Nghiêu Viết. 

Trong thời Trung Hoa cổ, Luận ngữ được xem là tư tưởng dẫn đường cho việc quản lý đất nước. Trịnh Y Xuyên, một nhà nho đời Tống nói “Ai đọc xong Luận ngữ mà vẫn còn tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận ngữ vậy. Tóm lại sách Luận ngữ chỉ dạy đạo quân tử cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu cho người đời sau noi theo” 

[https://vi.wikipedia.org/wiki/Lu%E1%BA%ADn_ng%E1%BB%AF’]

Khổng Tử nhận thấy sự rối ren của tình hình xã hội Phong Kiến thời nhà Chu tại nước Lỗ “tôi thí vua, con giết cha không phải nguyên nhân của một sáng chiều”, ông cho rằng mọi sự đều có duyên cớ nào đó và được tích tập dần qua thời gian, đến một điểm tạm gọi là điểm nút như trong khái niệm sự phát triển của triết học Mác – Lê Nin thì sẽ xảy ra sự kiện. Khổng Tử không phải người thích chiến tranh, ông đưa ra thuyết chính danh nhằm thay đổi thời cuộc làm cho mọi người trở nên ôn hòa hơn khi giải quyết vấn đề trong khi bạo lực ví dụ như tôi giết vua, con giết cha chỉ làm bạo lực, trả thù gia tăng thêm chứ không giải quyết được nguồn gốc của vấn đề, chỉ có cách mạng thay đổi trong tư tưởng mới thật sự làm cho bi kịch không xảy ra.

Học thuyết chính danh được các nhà nghiên cứu xem là phát kiến của Khổng Tử thời ấy xuất phát từ việc quan sát tình hình lộn xộn của nước Lỗ, nhà Chu trị vì dài nhất 900 năm từ 1122-221 TCN, rực rỡ nhất trong ba nhà (Hạ, Thương, Chu) và có công tạo nên nền văn minh Trung Quốc nhưng trong đời nhà Chu chế độ lập đích tử không làm giảm sự tranh ngôi vua, vì có khi cả mấy chục người cùng tranh ngôi báu. Thời Chu đã có ba vụ con giết cha, anh em giết nhau trong triều đình vua chúa[2,trang 50]. Học giả Nguyễn Hiến Lê đã cho rằng “Triết thuyết nào cũng để cứu cái tệ của một thời thôi, muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó giải quyết được các vấn đề của thời đó không….Nếu sau mười thế hệ nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến cho nhân loại rồi”[3, trang 1]. Nguyễn Hiến Lê còn viết trong hồi ký của ông rằng thuyết chính danh của Khổng tử đẻ ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh, bắt bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân, ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ của vua tôi, ông lại đào tạo một giai cấp mới: Kẻ sĩ để trị nước, thay thế bọn quý tộc thiếu tài, thiếu đức, giai cấp đó đa số sống ở trong giới bình dân, địa chủ mới và thương nhân mà ra, ông cảm thấy rằng “Điều tôi quý nhất ở Khổng Tử là ông rất gần chúng ta, rất hiểu tâm lý con người, học thuyết của ông thật đầy đủ từ tu thân tới tề gia, không triết thuyết nào được như vậy. Ông thực tiễn, sáng suốt mà ôn hòa, vừa nghiêm, vừa khoa. Những lời ông khuyên về bất cứ vấn đề gì tới nay vẫn còn có giá trị[3, trang 403] và “Đạo Khổng là thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực cho con người”[4, trang 406]. 

Nói về nội dung của học thuyết chính danh, trong Luận ngữ có một số câu vấn đáp tiêu biểu của Khổng Tử và học trò như sau:

“Tử Lộ viết: Vệ quân đãi Tử nhi vi chính, Tử tương hề tiên?”

Tử viết: Tất dã chính danh hồ!

Tử Lộ viết: Hữu thị tai, tử chi vu dã, hề kỳ chính?

Tử viết: Dã tai Do dã! Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết danh như đã. Danh bất chính tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận tắc sự bất thành. Sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng. Lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng. Hình phạt bất trúng Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc. Cố quân tử danh chi tất khả ngôn dã. Ngôn chi tất khả hành dã, quân tử ư kỳ ngôn vô sở cẩu nhi dĩ hỹ.”

Nghĩa là: Tử Lộ hỏi: Nếu vua nước Vệ mời thầy về giúp cai trị nước, thầy làm gì trước?

Khổng tử đáp: Tất phải lấy chính danh làm trước vậy!

Tử Lộ hỏi: Có việc ấy sao? Thầy vu khoát lắm! Thế nào gọi là chính danh?

Khổng tử đáp: Anh Do quê mùa này! Người quân tử có điều gì mình không biết thì bỏ qua mà không nói. Nay danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói mà không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành thì tất lễ nhạc không hưng thịnh. Lễ nhạc không hưng thịnh thì tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép thì tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy. Cho nên người quân tử quan niệm được danh ắt nói ra được, mà nói ra được tất làm được. Người quân tử nói ra điều gì nên dè dặt không cẩu thả được!”[5,trang 304]. Học thuyết chính danh này được Khổng Tử áp dụng vào cho cả đồ vật, sự vật, ông xem tôn ti, trật tự là điều cần thiết. Mục đích của học thuyết chính danh là giữ “lễ” của kẻ trên đối với người dưới và ngược lại “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử trả lời), khi “lễ” không hưng vượng và hình phạt không được sử dụng phù hợp thì dân sẽ không biết nên làm gì. Khổng Tử có một câu nói kinh điển “chính giả, chính dã” nghĩa là muốn được chính danh thì lời nói hành động phải đúng đắn, nói suông sẽ không được và sẽ không ai theo. Khi vua làm tròn trọng trách để nhân dân được hưởng hòa bình thì nhân dân sẽ ủng hộ, trái lại vua bạo ngược độc ác có thể bị lật đổ và thay thế, nếu cuộc khởi nghĩa thành công để người khác lên thay cũng là hợp với mệnh trời (ví dụ như vua Kiệt và Trụ nổi tiếng bạo lực, hoang dâm trong lịch sử) để dân điêu linh khổ sở nên mất danh phận làm vua và còn bị giết.

LỜI BÌNH

Trong xã hội Việt Nam có truyền thống tôn trọng trước sau, theo tôi nghĩ, thời nào người làm lãnh đạo đất nước, tổ chức hoặc trong gia đình cũng cần nêu cao gương đức hạnh của mình, điều chỉnh bản thân sao cho đoan chính, trong sạch. Liên hệ thực tế đến tình hình đất nước còn nhiều tham nhũng, còn những mặt trái của người làm công vụ (cảnh sát giao thông ăn tiền hối lộ, người có chức quyền nhiễu sách người dân…) thì không thể xem là người quân tử, không thể bắt người khác phải noi theo khuôn phép được đề ra. Giả dụ như một người cha làm trụ cột gia đình, nhưng lao vào tệ nạn xã hội (bài bạc..) nhưng lại về nhà răn dạy con cái phải làm người tử tế, không được dính vào thói hư tật xấu, đây cũng có thể là không chính danh, nói làm không theo một logic hợp lý, thì không thể khiến con cái tôn trọng, nghe lời. Cá nhân tôi nghĩ rằng, thuyết chính danh này của Khổng Tử đến nay vẫn còn giá trị to lớn trong và có thể điều chỉnh để học hỏi, ứng dụng tùy theo điều kiện hoàn cạnh cụ thể của đất nước, của chính mỗi con người chúng ta. 

Thuyết chính danh ứng dụng vào công việc, vào quản lý gia đình: “Quân Quân, Thần thần, phụ phụ, tử tử” cần uyển chuyển để đưa vào thực tế. So với tình hình lúc Khổng Tử sống ở nước Lỗ thì cần có khoảng cách rõ và quyền lực rõ ràng, vua là vua, tôi là tôi, vua bảo thần phải chết thần không dám cãi lời. Tức là, ở mỗi vị trí nhất định, cách ứng xử của vị trí đó phải tuân thủ, không được tùy tiện, phải tuân theo quy củ xã hội được quy định, nếu không xã hội sẽ đảo lộn. Trong thời buổi hiện tại, các mối quan hệ xã hội đã cởi mở hơn, thứ bậc trong công việc cũng được san phẳng hơn để dễ quản lý và kích thích, động viên tinh thần làm việc, giữ chân người tài, cho nên thuyết chính danh nên linh hoạt hơn để dung hòa giữa các cấp bậc. Tuy vậy, người làm quản lý khi có “danh” rõ ràng (vị trí được tổ chức giao phó) thì lời nói cũng có hiệu quả. Người làm quản lý cần phải “lời nói đi đôi với việc làm” thì dù có danh mới được cấp dưới tôn trọng, lắng nghe. Sự linh hoạt trong quản lý, tương tác và giữ chữ tín hành động nhất quán lời nói có thể giúp cho đội ngũ đồng lòng để đạt mục tiêu chung. Tương tự như thế, trong một gia đình luôn có “đầu tàu” là người trụ cột, cần luôn làm tấm gương cho những thành viên khác noi theo, không nên quá cứng nhắc phân cấp thứ bậc mà điều chỉnh cho linh hoạt trong mối tương tác giữa các thành viên khác trong nhà, có như vậy gia đình mới đầm ấm, yên vui

Học thuyết chính danh cũng đặt ra vấn đề coi trọng hiền tài, sử dụng họ đúng với trình độ và năng lực thì sẽ phát huy được tiềm năng của họ. Điều này hoàn toàn đúng đắn cho tình hình hiện tại khi các doanh nghiệp theo xu hướng quản trị nguồn nhân lực của thế giới xem nguồn lực con người là tài sản có giá trị nhất, tạo ra giá trị thặng dư cho tổ chức.

Thuyết chính danh ứng dụng vào thái độ làm việc cá nhân: Học thuyết còn có giá trị khi làm cho mỗi người có trách nhiệm với chính mình hơn. Bản thân của mỗi thanh niên là hạt nhân của gia đình, rường cột đất nước tương lai. Vì thế, quan hệ đạo đức và cách ứng xử giữa người với người, trong công việc, trong mối quan hệ gia đình cần phải được rèn luyện. Sự lệ thuộc vào thiết bị công nghệ, vào các mối quan hệ ảo làm cho nhận thức về đạo đức của thanh niên ngày nay còn nhiều phần lệch lạc khi xem các giá trị ảo (cái tôi cá nhân, sự tự do tức là không bị ràng buộc bởi chuẩn mực xã hội nào để có thể làm bất cứ điều gì…) là một suy nghĩ sai lầm khi Mác đã nói rằng “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” cho đến nay vẫn còn đúng đắn, thực tế chúng ta muốn tách rời ra khỏi khuôn phép nhưng những hành động ví dụ như cả cộng đồng mạng lên tiếng làm nhục những đối tượng cụ thể khi họ có hành động như câu chuyện của Tiến Dũng và Hồng Phương ăn cắp kính trong một cửa hàng ở nước ngoài (họ cũng là những người trong hoặc vừa bước qua tuổi thanh niên). Ở đây không bàn đến hành vi sai trái của cá nhân cụ thể, mà tôi muốn đề cập đến sự lệch lạc trong suy nghĩ của bộ phận thanh niên Việt Nam trong thời đại của công nghệ, lời nói, việc làm không còn sự đồng nhất, muốn bứt phá ra khỏi tập thể để trở nên “nổi tiếng” nhưng mặt khác lại là một phần của tập thể, xem sự tàn nhẫn với người khác như để giải khuây như Đặng Hoàng Giang đã nói “chúng ta đang sống trong một văn hóa căm ghét và làm nhục. Mấy thập kỷ trước, người ta còn hoan hỉ với hình dung về Ngôi làng toàn cầu và sự tự do mà nó đem lại: truyền thông và công nghệ thông tin rút ngắn khoảng cách, trái đất trở nên nhỏ bé như một ngôi làng thân thiện”[6, trang 102]. Thanh niên cần cảnh tỉnh về lối sống của mình để tạo ra mối quan hệ hai chiều có sự đồng thuận lẫn nhau trong xã hội dựa trên việc “chính danh” “lời nói đi đôi việc làm” không ngừng học tập, hoàn thiện bản thân có như vậy mới đẩy lùi được các mặt trái của xã hội thông tin, của cơ chế thị trường làm con người ta đi quá nhanh mà ít kịp dừng lại để tự vấn chính mình như Tử Cống hỏi thế nào là quân tử, Khổng Tử đáp “làm trước điều mình muốn nói rồi hãy nói sau”[11, trang 20] hoặc”Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?”- dịch: Khổng Tử nói: “Người mà không đức tín thì không hiểu sao thành người được (hoặc làm nên việc được). Cũng như xe lớn không có đòn nghê (đòn gỗ ngang để buộc trâu); xe nhỏ không có đòn ngột (đòn gỗ cong để buộc ngựa) làm sao mà đi được”[11, trang 22]. 

Học thuyết chính danh coi trọng sự học tập, có học hành tử tế mới được “làm quan”. Theo quan điểm cá nhân tôi, giáo dục ở đây được hiểu là sự rèn dũa cả về thể chất, tinh thần, trí lực, đạo đức để có thể nuôi sống bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội bằng chính năng lực của bản thân. Không nên xem việc học để có bằng cấp như một bước để đạt được địa vị xã hội mà xem trọng tiếp thu tri thức để vận dụng vào thực tế khách quan yêu cầu. Có như vậy mới thích ứng và phát triển bản thân được trong “ngôi làng toàn cầu” cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng lắm cơ hội như hiện nay.

1. CHỮ “NHÂN” TRONG TÁC PHẨM LUẬN NGỮ

Khổng Tử xây dựng hệ tư tưởng của ông trên quan điểm chủ đạo đưa con người tìm ra bản ngã của chính họ, làm sao có thể vận dụng tri thức để tìm kiếm, mưu cầu hạnh phúc cho con người, ông muốn tìm kiếm xem “con người là gì và có cái gì?”. 

Chữ Nhân (仁) gồm có bộ nhân (人) và bộ nhị (二) hợp thành một chữ hội ý, ý nghĩa của chữ Nhân nói đến “cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một” [7, trang 44], ngụ ý chỉ phẩm chất đạo đức trong quan hệ người với người [8] và từ nhân có hai bộ, bộ nhân người và bộ nhị nghĩa là có ít nhất hai người trong thế giới này và nhân là cách sống, đối xử với nhau [9]. Tạm tóm lại ý nghĩa của chữ “nhân” là cách thức ứng xử giữa con người với con người trong mối quan hệ với nhau. Tử viết “Lý nhân vi mĩ, Trạch bất xử nhân, yên đắc trí”-dịch: Khổng Tử nói: “Làng nào có đức nhân, là nơi ấy tốt, Chọn chỗ ở mà không lựa chọn nơi có đức nhân, thì làm sao là sáng suốt được”[11, trang 32]. 

Cho đến thời đại của Khổng Tử, chữ Nhân được biến thành tâm điểm bản chất trong bản tính người. Đặt vào bối cảnh xã hội nơi ông sống, vua chúa, chư hầu nổi loạn, dân chúng lầm than nên quan điểm của ông liên quan đến cụ thể ở đây là đức nhân. Nhân trước hết là biểu hiện của bản tính con người mà cái gốc ấy chính là cái con người đón nhận từ Thiên (Trời), Nhân chính là mệnh mà mệnh suy hay thịnh lại do thiên mệnh quyết định “Đạo chi tương hành dã hựu, mệnh dã”[10, trang 100]. Quan niệm của Khổng Tử rằng thiên phú đạo đức con người “nhân chi sơ tính bổn thiện” và không ai có thể tước đoạt được, do đó, con người phải kính sợ thiên tử là những người trong thời lúc bấy giờ được xem là thuận theo thiên mệnh “Định Công vấn: “Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà? Khổng Tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” – dịch: Vua Lỗ là Định Công hỏi: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải như thế nào? Khổng Tử đáp “Vua khiến bề tôi phải giữ lễ, bề tôi thờ vua phải trung (hết lòng”[11, trang 29]. Ông cho rằng chỉ cần không oán trách người khác, có chí hướng học tập thì có được Nhân. Chữ Nhân của ông có tính hai chiều một là con người do Thiên chi phối, thuận lòng Thiên thì có Nhân, hai là Nhân chính là thành quả lao động, học tập. Khổng Tử bàn về chữ Nhân ở phạm vi toàn xã hội cũng chính là lòng thương người, Nhân không chỉ dừng lại ở chính bản thân mà còn là cầu mong cho người khác được như thế, điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác và có sự phân biệt phải trái, thị phi đúng sai “ [11]. Ông cho rằng “Nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, hạng người đó ít có lòng nhân”[11, trang 12].Chữ Nhân theo Khổng Tử để một con người có thể làm được, cần phải biết nhận thức giữa điều nhân và điều bất nhân, sống có chừng mực “Ta chưa thấy ai thật ham điều nhân và ghét điều bất nhân. Người thật ham điều nhân thì không cho điều gì hơn điều nhân; người thật ghét điều bất nhân thì khi làm điều bất nhân không để điều bất nhân vướng vào mình. Có ai trọn ngày tận lực làm điều nhân chăng? Ta chưa thay ai không đủ sức làm điều nhân cả. Hoặc có chăng mà ta chưa thấy” [11, trang 33]. 

Một quan điểm rất hay của Khổng Tử trong Luận ngữ là “Lỗi của một người thuộc về từng loại. Xét một người phạm những lỗi nào, có thể biết người đó có đức nhân hay không”[11, trang 33].

 VẬN DỤNG THỰC TẾ

Quan điểm của Khổng Tử bàn về chữ Nhân tôi xin được phân ra thành hai khía cạnh: 

Chữ Nhân trong mối tương quan chiền dọc với Thiên (Trời, Thiên tử…): Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên Xã hội chủ nghĩa, nhà nước là “của dân, do dân, vì dân”. Mặc dù trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập khi thực hiện khẩu hiệu trên, tuy vậy cho thấy được sự thay đổi của thể chế chính trị mà người dân có quyền được lên tiếng để bảo vệ ý kiến, quyền lợi của bản thân họ trong mối liên hệ cân bằng đôi bên. Chữ Nhân ở khía cạnh này trở nên ít phù hợp hơn và cần được điều chỉnh với thực tiễn khách quan. 

Chữ Nhân trong mối liên hệ chiều ngang giữa con người với con người: Truyền thống dân tộc Việt với cây đa, mái đình, làng biển và văn hóa làng xã, nông nghiệp từ ngày xưa trong tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra rất rõ con người Việt sống lối sống tập thể trọng tình, xem trọng việc giao tiếp và khiêm tốn, biết quan tâm đến người khác. Có thể văn hóa này ảnh hưởng một phần bởi Nho giáo trong quá trình đất nước bị đô hộ bởi Trung Hoa. Ở đây tôi xin không bàn đến tính đúng sai của vấn đề, chỉ bàn về chữ Nhân ở thế kỷ XXI phần nào bị mai một bởi thế hệ thanh niên trẻ. Không đại diện cho tất cả trường hợp, nhưng tình hình tội phạm ở Việt Nam ngày càng trở nên tinh vi hơn, tàn ác hơn (giết người hàng loạt…), trong các tổ chức thường xuyên đưa ra khảo sát thế hệ Y (sinh từ 1990-1980) tại nơi làm việc thường hay có chủ nghĩa cá nhân, thiếu tương tác với tập thể, chỉ biết lợi ích cho riêng mình. Để đạt được mục tiêu của tổ chức, của cá nhân, không ai có thể sống tách biệt ra khỏi cộng đồng công việc, xã hội, gia đình. Nếu chúng ta chỉ biết tập trung vào bản thân mà quên hỗ trợ (để được hỗ trợ lại) thì khó đạt thành ý nguyện. 

Sống lối sống có chừng mực, biết nhận biết phải trái, đúng sai, biết chọn lọc thông tin để tiếp thu và xử lý tránh bị cuốn vào cơn bão truyền thông đến khi nhìn lại thì sự việc đã đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát.

Một quan điểm rất hay của Khổng Tử trong Luận ngữ là “Lỗi của một người thuộc về từng loại. Xét một người phạm những lỗi nào, có thể biết người đó có đức nhân hay không”[11, trang 33]. Tôi rất quan tâm đến câu nói này của Khổng Tử, trên mạng xã hội như đã đề cập, hoặc trong tổ chức tôi đang làm việc, những nơi tôi đã từng biết qua. Đối với thế hệ thanh niên trẻ do kinh nghiệm, trải nghiệm sống, kiến thức chưa tường tận dẫn đến khi ứng dụng vào ứng xử giữa con người với con người rất hay mắc phải lỗi đánh giá bản chất người khác chỉ dựa trên những hiện tượng đơn lẻ, chỉ “thấy một cây mà không thấy rừng”, bị mắc bệnh chủ quan duy ý chí. Ví dụ, trong một công ty chuyên về Công nghệ Thông tin, đa số đội ngũ cán bộ nhân viên là người thế hệ Y, kể cả người quản lý, nhân viên mỗi người có cá tính riêng (người ít nói chuyện do đặc thù nghề IT cần tập trung…) nhưng vẫn hoàn thành công việc được giao. Tuy vậy, người quản lý đội ngũ bằng suy nghĩ của mình không nhìn đến mức độ hoàn thành mục tiêu công việc mà chỉ chăm chú vào xem nhân viên của mình có hay “lơ là với đồng nghiệp”, người có chuyên môn tư vấn, kỹ năng giao tiếp, giải quyết tình huống sâu sắc thì lại bị bắt lỗi ở công việc đánh máy văn bản thiếu cẩn thận. Khi nhìn vấn đề không chú trọng điểm yếu, mạnh của người khác và đặt vào một hoàn cảnh cụ thể thì chẳng khác nào thầy bói xem voi. Từ đó đánh giá người khác và có những suy nghĩ tiêu cực (hoặc ngược lại yêu thích ai đó chỉ qua vài hành động nhìn thấy được mà không hiểu hết họ) sẽ dẫn đến sai lầm trong quản lý, trong công việc cũng như làm cho bản thân trở nên chủ quan, nóng vội, thiếu sự thấu hiểu, thiếu lòng thương người và nhẫn nại để thấu hiểu người khác như trong chữ Nhân của Khổng Tử. Sự quan tâm, tôn trọng đồng nghiệp, mạnh dạn giúp đỡ và không phàn nàn người khác là phẩm chất của người thanh niên trong cuộc sống cũng như trong môi trường công việc cần có. 

Trong sách “Luận ngữ”, “nhân ái” là phần của chữ Nhân bao gồm rất nhiều mặt sau “nhân giả ái nhân” (người nhân từ biết yêu thương người khác), “chấp sự kính”(làm việc phải nghiêm túc cẩn thận), “kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn làm thì đừng bắt người khác làm), “thành nhân chi mỹ” (ủng hộ điều tốt đẹp của người khác), “đương nhân bất nhượng”(làm việc nhân đạo thì không phải khiêm nhường)…Những điều này tôi nghĩ rằng mỗi một con người khi sống trong cộng đồng xã hội đều cần thiết phải có, phải rèn luyện cho bản thân. 

Tuy nhiên, Khổng Tử cũng dạy rằng, người quân tử là ủng hộ điều tốt đẹp ở người khác nhưng không ủng hộ cái xấu, cái ác. Điều này các bạn thanh niên cần thấm nhuần để tránh những tình huống như hùa theo đám đông để cổ vũ cho những việc làm xấu (đánh người nơi công cộng, giết trộm chó hai sai thành một đúng khi giết kẻ xấu thì đám đông tự cho mình là nhân danh pháp luật…). Thực tế trong môi trường doanh nghiệp rất hay gặp các tình huống nhân viên là một nhóm với nhau, họ định nghĩa việc ủng hộ, giúp đỡ nhau là “trong mọi trường hợp”, có những hành vi bòn rút của công, gian lận trong công việc. Điều này không thể chấp nhận được và cũng không thể xem là người có Nhân. “Thấy việc nhân đạo thì không phải nhượng bộ”[13], phải kiên trì bảo vệ cho sự đúng đắn, trong quá trình va chạm thực tế, không ai tránh khỏi bất đồng quan điểm, sai sót khi làm việc, cần kiên định bảo vệ lập trường và luôn lắng nghe ý kiến người khác.

2. VẬN DỤNG LUẬN NGỮ TRONG VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH

a. THÀNH TÍN VỚI BẢN THÂN – NGƯỜI KHÁC

o Thành tín: lòng thực giữ lời hứa, không dối trá [14, theo Wikipedia]

 Nội dung – Vận dụng

Khổng Tử nói “người là con em trong nhà phải kính yêu, nghe lời cha mẹ, ra ngoài tôn kính bậc cha anh, việc làm cẩn thận, nói năng giữ chữ tín, thương yêu mọi người rộng rãi, gần gũi người có nhân đức. Làm như vậy rồi mà còn dư sức thì dùng vào việc học những sách về lễ nhạc như Kinh thi, Kinh thư”[Luận ngữ, Học Nhi, 12, trang 359].

Khổng Tử nói: “Phải trách mình nhiều, trách người khác ít, làm như vậy sẽ không làm cho người ta oán giận mình[Luận ngữ, Vệ Linh Công, 12, trang 360]

Trong những doanh nghiệp mà tôi đã từng làm việc hoặc tìm hiểu qua, yếu tố để họ đề bạt nhân viên hoặc tuyển dụng ứng viên luôn có sự thành tín làm trọng yếu ngoài các kỹ năng, kiến thức chuyên môn. Sự thành tín luôn được người khác yêu mến và tôn trọng. Đó là lí do tôi muốn lựa chọn hai nội dung trên để tìm hiểu, vận dụng. Một lần, Không Tử lâm trọng bệnh và các đệ tử hầu hạ chăm sóc ông. Khi bệnh tình của Khổng thuyên giảm, ông biết được việc điều người chăm sóc là hành động của Tử Lộ thì liền tức giận mà nói: “Thật quá đáng, hành vi của Tử Lộ quả thực là hành vi chí trá! Ta rõ ràng không có tư cách được hầu hạ, tại sao lại dám mạo phạm có kẻ hầu người hạ. Ta lừa gạt ai? Lừa gạt ông trời ư? Hơn nữa ta thà chết trong tay kẻ được gọi là bề tôi còn hơn chết trong tay những môn sinh như các ngươi!”[13]. Khổng Tử còn nói rằng “giấu giếm nhất thời không thể giấu được cả đời, người không có lòng thành tín cuối cùng tất nhiên sẽ bị lật tẩy, bị người khác khinh bị, coi thường”[13]. Tôi cho rằng, tại thời điểm ấy Khổng Tử hơi cứng nhắc một chút về điều này, đệ tử là những người thân thiết hàng ngày gặp gỡ với ông thì có thể quan tâm khi ốm đau cũng là chuyện không phải bất thường. Tuy vậy, ở đây khi bàn về lòng thành tín thì cho đến tận ngày nay quan điểm này của Khổng Tử vẫn rất đúng đắn. Phàm là con người, nếu không có lòng thành tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì và sớm muộn cũng sẽ bị người khác phát hiện. “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết”, sợ người khác thấy mình sai trái, phạm lỗi là bệnh của những thanh niên ngày nay, họ có xu hướng giấu diếm lỗi, khoe ra. Thậm chí, trong rất nhiều lần tôi kiểm tra đối chiếu thông tin của những ứng viên nộp vào công ty hầu hết họ đều thiếu trung thực ở vài thông tin cung cấp nào đó. Năng lực của một con người bao gồm kỹ năng, kiến thức, thái độ. Kỹ năng và kiến thức có thể rèn luyện qua thời gian, riêng về thái độ nếu ngay từ đầu đã không ngay thẳng, sẽ khó có được sự tin tưởng của tổ chức. Có người hỏi Khổng Tử “Lấy ân đức để báo đáp oán hận, như vậy có nên chăng? Khổng Tử đáp: “vậy, lấy gì để báo đáp ân đức? cần phải lấy công bằng, ngay thẳng để báo đáp oán hận, dùng ân đức để báo đáp ân đức”[13]. Nghe qua có vẻ dễ dàng nhưng trong thực tế rất khó khăn để có thể làm được như thế nếu chúng ta không thấm nhuần được chữ Nhân, thuyết Chính danh và tính trung tín để luôn nhìn sự việc trong vai trò của bản thân, của người khác. Chỉ có tâm lý ổn định, lắng nghe với sự tôn trọng ngay cả khi người khác chỉ trích, phê bình và xem đó những quan điểm khác hay gặp trong cuộc sống, công việc thì mới có thể đối đãi lại với mọi đối tượng một cách tử tế, điều này người thanh niên cần chú trọng để ra làm việc, ứng xử có cái nhìn toàn vẹn hơn trong việc điều tiết các mối quan hệ.

b. HIẾU HỌC – KHÔNG PHẢI CHỈ CHÚ TÂM VÀO SÁCH VỞ 

Sở dĩ tôi muốn chọn sự Hiếu học để phân tích ở đây vì ngay cả trong lớp học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của chúng tôi đang theo học lẫn trong môi trường làm việc trải qua, tôi nhận thấy rằng những bạn trẻ Việt Nam vẫn còn chú trọng xem học để lấy bằng cấp như một “phiếu thông hành”, một “tấm vé” giúp họ mở mọi cánh cửa của cuộc đời. Tư tưởng này có thể một phần xuất phát bởi kì vọng của cha mẹ, của xã hội. Sự học ở đây nên được hiểu là khả năng học hỏi liên tục và học từ nhiều nguồn để cập nhật kiến thức, nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu cho công việc để tránh sa đà vào chạy theo bằng cấp mà quên trang bị nền tảng kiến thức thu nhặt được.

Khổng Tử có lẽ là một nhà triết học quan tâm đến việc giáo dục, học tập nhất so với những triết gia khác. Trong Luận ngữ, ông nhắc đến từ “học” 64 lần, sau từ “nhân” 109 lần, và “lễ” 75 lần[13]. Ông cho rằng việc học đã tạo ra chính bản thân ông, là “học nhi tri chi” (học rồi thì mới biết), sự hiếu học ở đây chính là cơ sở để so sánh mình với người khác. Tử viết “Quân tử, thực vô cầu bảo, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ – dịch: Khổng Tử nói “Người quân tử ăn không cầu được đầy đủ, ở không cầu được yên vui, làm việc siêng năng mà thận trọng lời nói, tìm người đạo đức để thụ giáo sửa mình, như vậy mới gọi là người ham học”[11, trang 14]. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng Khổng Tử khuyên chúng ta không chỉ học hành trong sách vở, mà còn tìm những người sống có nhân cách tốt để học hỏi từ họ. Tôi chưa đồng tình với suy nghĩ của ông làm người quân tử không cần mưu cầu sự đầy đủ, mà người thanh niên hoặc tất cả mọi người trong xã hội khi ra ngoài làm việc đều mưu cầu cho bản thân danh, lợi hoặc điều gì trong mục tiêu của họ. Con người cần được đảm bảo các nhu cầu cá nhân (tiền lương, sự tôn trọng, được học hỏi…) để có động lực tự hoàn thiện, phát triển bản thân hơn, từ đó họ cũng có mong muốn được học, được biết nhiều thêm lên. 

Khổng Tử nhấn mạnh việc học không phải chỉ là tri thức, mà là thực tiễn, không ngừng nâng cao thành tựu bản thân thông qua hành động, lời nói, sự tự rèn luyện và uốn nắn bản thân, mọi người xung quanh ta đều có ưu điểm nhất định cần học hỏi và việc học phải kết hợp với suy nghĩ, chỉ học mà không nghĩ hoặc ngược lại thì cũng không đạt được thành tựu gì “Tử viết: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” – Dịch: Khổng Tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối (không hiểu được gì, quá tin sách), suy nghĩ mà không học thì nguy hại (hao tâm lực)”[11, trang 20]. Ông cho rằng chỉ chuyên tâm nghiên cứu những cực đoan thì có hại “Tử viết: “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ” – dịch: Khổng Tử nói: “chuyên tâm nghiên cứu những cực đoan thì có hại”[11, trang 21]. Học tập cần có tâm thái trống để “hữu nhược vô, thực nhược hư” (có tài năng mà nhìn qua như không có, có học thức mà thể hiện như không [13] thì mới là học. 

Như vậy, ở đây Khổng Tử không nhắc đến sách vở, ông chú trọng vận dụng những điều học được vào thực tế để từ đó phát triển bản thân, một người có đọc sách nhưng không hiểu đạo lý làm người thì cũng không có giá trị sống gì. Tôi rất đồng tình với những câu nói trên của Khổng Tử, và nhất là câu mở đầu cho Luận ngữ “học mà thực hành theo điều mình học, chẳng vui lắm sao?”[11]. Người thanh niên trong thế hệ đất nước đang phát triển mạnh mẽ cần ứng dụng những điều mình học được từ những người xung quanh, từ sách vở, trường lớp vào trong hoạt động thực tế để đạt những thành tựu nhất định. Học với một tâm thái luôn sẵn sàng tiếp thu tri thức từ nhiều phía, sau khi học xong phải hành động ngay để tạo thành thói quen và cần suy nghĩ để cải tiến thành quả lao động. Có như thế, việc học mới phát tác hết được giá trị và giúp tạo ra được của cải, tích lũy tri thức đến một điểm nút để biến đổi lượng của chính mình thành một chất khác ở mức độ cao hơn.

Qua việc tìm hiểu về Khổng Tử, Nho giáo và Luận ngữ. Tôi nhận thấy không nên chỉ chạy theo các xu hướng mới, chạy theo sự thay đổi và những kiến thức mà xã hội, nhà trường luôn truyền thông xem đó như cách chúng ta trở thành con người mới cần phải tiếp thu và làm theo.

Khổng Tử nói riêng trong trường hợp này và các tác phẩm của ông có giá trị lớn về mặt giáo dục nhân cách con người, cách đối nhân xử thế phù hợp với văn hóa Á Đông, con người Việt Nam sống lối sống trọng tình, tôn trọng trước sau.

Tuy không phải tất cả những gì trong quan điểm của Khổng Tử tôi đều đồng ý (ví dụ như trong bối cảnh xã hội khi ông sống thì cần nghiêm khắc tuân thủ theo thứ bậc xã hội, gia đình…) ngày nay quan điểm này cần linh hoạt hơn.

Sống, làm người thanh niên có ích cho gia đình, cho xã hội nếu không tự bản thân mình ngộ ra và suy nghĩ về những sự đã học, đã được giáo dục thì mọi thứ cũng chỉ là lý thuyết suông. Nếu chỉ học mà không vận dụng vào thực tế, không hành động thì học cũng chỉ phí thời gian, tiền bạc, công sức mà không gặt hái được thành tựu gì.

————————

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tư pháp, Luật Thanh niên, Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10

2. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong, Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, HCM, 2003

3. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, NXB Văn hóa, 1995

4. Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn học, 1993

5. Lý Minh Tuấn biên soạn, Tứ Thư Bình Giải, In ấn phát hành tại nhà sách Quang Bình, 2010

6. Đặng Hoàng Giang, Thiện, Ác và Smart Phone, NXB Hội nhà văn, 2016

7. Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Quyển Thượng, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971

8 Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc ( bản dịch tiếng việt của Lê Minh Anh, nxb: Khoa học Xã hội, 2006).

9 Từ http://www.chinese-word-roots.org/cwr011.htm (The word 仁 has two radicals, radical ( 人 , man) and radical ( 二 two) . That is, there are at least two men in this world, and 仁 is the way to live with others or the way to govern others.)

10 x. Trương Lập Văn, Thiên, Nxb: Khoa học xã hội, 2003

11 Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, Luận ngữ, 

12.Trịnh Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Diên dịch, Khổng Tử gia giáo, NXB Thế giới, 1999

13. Thiệu Vũ, Luận ngữ ứng dụng trong kinh doanh, NXB Lao động-Xã hội, 2015

14. https://vi.wiktionary.org/wiki/th%C3%A0nh_t%C3%ADn…

Một số nguồn Website:

– https://khoavanhoc.edu.vn/…/…/hannom/342-ths-inh-thanh-hiu34

– http://text.xemtailieu.com/…/tu-tuong-cua-khong-tu-trong-sa…

– http://philosophy.vass.gov.vn/…/Nhan-trong-Luan-ngu-cua-Kho…

– http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download…

– http://luanvan.co/…/chu-nhan-trong-luan-thuyet-ngu-thuong-…/

– http://123doc.org/…/2592003-tu-tuong-dao-duc-cua-khong-tu-t…

– http://www.ussh.vnu.edu.vn/…/TTLV-Tu-tuong-triet-hoc-cua-Kh…

– http://doc.edu.vn/…/tieu-luan-tim-hieu-nhung-tu-tuong-trie…/

– http://luanvan.co/…/tim-hieu-tu-tuong-nhan-sinh-quan-trong…/

– http://documents.tips/…/tu-tuong-cua-khong-tu-trong-sach-lu…

– http://s1.downloadmienphi.net/…/downloadfil…/221/1339676.pdf

– http://buihathinhliet.blogspot.com/…/loi-day-cua-khong-tu_2…

– https://towardstransparency.vn/…/chi-cam-nhan-tham-nhung-20…

– http://isach.info/story.php…

– https://books.google.com.vn/books…

– https://www.wattpad.com/235883-kh%E1%BB%95ng-t%E1%BB…/page/3

– https://books.google.com.vn/books…

– http://nvdaihvbctt.blogspot.com/…/chi-thay-cay-khong-thay-r…

– https://dongten.net/noidung/39198

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *