Kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản | CHĂN NUÔI VIỆT NAM

Thỏ là động vật hữu nhũ rất mắn đẻ. Trong đời sống hoang dã, mỗi tháng thỏ đẻ được một lứa con. Có thể nói sức sinh sản của thỏ không thua kèm gì loài chuột, mặc dầu thỏ không thuộc bộ gặm nhắm.

Thỏ sinh sôi nảy nở bầy đàn rất nhanh. Hễ thỏ mẹ đẻ sang lứa con thứ tư thì lứa con đầu lòng của nó đã bắt đầu động dục. Chính vì thấy chúng quá mắn để như vậy nên từ xa xưa giới chăn nuôi khắp các châu lục mới chú ý đến nguồn lợi béo bở này, và bắt tay vào việc thuần dưỡng chúng từ thỏ rừng thành thỏ nhà.

Nuôi thỏ nhà chúng ta không cho chúng sinh sản theo cách hoang dã như vậy. Vì cho sinh sản sớm và đẻ nhặt lứa quá thỏ mẹ sẽ mau kiệt sức, khoảng hai năm phải loại thải ra bán thịt, mà thỏ con sinh ra đa số cũng èo uột khó nuôi.

 Phân biệt giới tính:

Việc phân biệt giới tính thỏ đã trưởng thành là việc dễ dàng, nhưng với thỏ con là việc hơi khó, đôi khi dễ bị nhầm lẫn. Thỏ con vài ba tuần tuổi trở xuống, chỉ có người chuyên môn mới biết được đâu là con đực, đâu là con cái. Riêng thỏ được ba bốn tuần tuổi trở lên, ta phải quan sát lỗ sinh dục của chúng để biết được điều này. Lật ngửa con thỏ con ra, dùng ngón tay ấn nhẹ vào lỗ sinh dục, nếu thấy có các cục thịt nhỏ hình trụ nhô lên chừng 1mm, đó là cơ quan sinh dục của thỏ đực. Ngược lại, ấn tay vào mà chỉ thấy một lỗ sinh dục không thôi, lại có một rãnh nhỏ kéo dài về phía hậu môn thì đích thị là thỏ cái.

Chờ khi thỏ con biết ăn cỏ khá rành thì việc phân biệt giới tính của chúng ta không còn bị lầm lẫn nữa.

Tuổi động dục:

Trong đời sống hoang dã thỏ rừng động dục rất sớm, nhiều con mới bốn tháng tuổi đã bắt đầu sinh sản. Thỏ công nghiệp nuôi chuồng, tuổi động dục của chúng thường trễ hơn một tháng, nghĩa là đến tháng tuổi thứ tư chúng mới bắt đầu động dục.

Thế nhưng, để thỏ có đủ thời gian phát triển cơ thể hoàn thiện hơn, sức vóc mạnh mẽ hơn, ta nên cho chúng sinh sản vào lứa tuổi tháng thứ bảy hay thứ tám mới tốt. Nghĩa là phải bỏ qua ba hay bốn chu kỳ động dục liên tiếp rồi mới cho phối giống. Nhờ có thể lực mạnh nên thỏ sinh sản tốt, và thời gian sinh sản của đời thỏ cái được kèo dài hơn là nuôi cho đẻ sớm.

Hiện tượng động dục của thỏ cái:

Đến kỳ động dục, dù lần đầu cũng như các lần kế tiếp, thỏ cái có những biểu hiện khác lạ bộc lộ ra ngoài. Nếu ta chú ý quan sát, theo dõi sẽ dễ dàng biết được. Ngược lại, nếu ta lơ là không chú ý đến thì đành phải lỡ một chu kỳ (khoảng nửa tháng), vì những hiện tượng “sôi nổi” mà thỏ cái bộc lộ ra khi động dục thường rất ngắn ngủi chỉ trong một buổi mà thôi.

Có hai cách giúp ta phát hiện được thỏ cái đang đến kỳ động dục:

– Quan sát mọi hoạt động khác thường của thỏ: Bình thường thỏ di chuyển trong ngăn chuồng của nó rất khoan thai, nhẹ nhàng, chậm rãi, nhưng khi đến kỳ động dục thì mọi hoạt động của nó đều trở nên khác lạ, nó thường nhảy qua lại trong chuồng như cách “rửng mỡ” của nhiều loại thú khác. Đã thế nó còn hung hăng cắn phá máng ăn, máng uống, rồi xới tung rơm rạ, cỏ khô lót chuồng … Trong suốt mấy giờ liền thỏ cái không chịu đứng yên một chỗ. Nếu nằm thì nó chổng mông cao lên, sẵn sàng chờ thỏ đực đến phối giống. Thêm một hiện tượng khác lạ nữa dễ thấy là ngày đó thỏ rất biếng ăn, có con không màng đến chuyện ăn uống.

– Quan sát niêm mạc âm hộ thỏ cái: Bình thường niêm mạc thỏ cái có màu hồng lợt, nhưng khi động dục thì màu lại đỏ tươi. Âm hộ sưng mọng và to gấp đôi bình thường, bên trong lại có chút dịch nhờn xảy ra.

Thời điểm mà thỏ cái đang nôn nao rạo rực này mà cho phối giống, tỷ lệ thụ thai ở thỏ cái sẽ rất cao. Nếu để qua khoảng 10 giờ không cho phối giống thì phải chờ nữa tháng sau, thỏ mới trở lại với trạng thái cũ và niêm mạc cũng trở nên tái lợt. Nhưng, nếu cho phối giống thì niêm mạc ở âm hộ cũng có màu tím bầm.

Ngay sau khi vừa đẻ xong, nếu cho phối giống, thỏ mẹ vẫn sẵn sàng cho phối và có nhiều khả năng thụ thai. Tuy vậy, nhiều chủ nuôi không làm điều này, vì họ muốn cho thỏ mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi để hồi sức, nên chỉ cho phối sau đẻ một chu kỳ động dục, tức nửa tháng đối với thỏ tơ, và tháng nghỉ tháng để đối với thỏ vài năm tuổi.

Cách cho thỏ phối giống:

Nên cho thỏ phối giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Đa số thỏ cái động dục cũng vào những lúc mát trời này. Thường thì lúc đầu hôm hay lúc mờ sáng ta nghe từ phía chuồng thỏ cái có những tiếng động lạ do chúng cắn phá liên tục máng ăn, ổ đẻ thì biết ngay rằng con thỏ đó đang lên giống. Nếu lúc này cho phối giống ngay thì tỉ lệ thụ thai sẽ rất cao.

Việc cần làm là bắt thỏ cái sang chuồng của thỏ đực, chứ không nên làm ngược lại. Sở dị phải làm như vậy vì đa số thỏ đực đều có tính nhát gái, nhất là những thỏ mới phối giống lần đầu. Những thỏ đực này khi thả vào chuồng thỏ cái thì càng nhát hơn do “lạ nước lạ cái”. Nếu gặp con cái đang thời kỳ động dục thì việc truyền giống sẽ dễ dàng. Ngược lại, nếu thỏ cái chưa đến độ “muồi” thì đôi khi còn cắn lại con đực, khiến đực từ đó nhát luôn.

Cho thỏ phối giống, ta nên đứng gần bên để theo dõi, nhờ đó mà biết được kết quả của việc phối giống tốt xấu ra sao. Thời gian chờ đợi này thưởng không lâu, chỉ khoảng từ năm đến mười phút mà thôi:

– Nếu gặp đực sung sức, thỏ cái lại đang đúng giai đoạn cho phối thì việc phối giống rất nhanh trước sau chỉ vài ba phút là xong. Vì thỏ cái gặp đực thì đứng yên tại chỗ, mông lại chổng lên cao cho đực phối dễ dàng. Thỏ đực vừa chồm lên lưng thỏ cái chưa bao lâu thì thỏ đực đã bị té nghiêng sang một bên, đồng thời nghe có tiếng kêu thét lên (một tiếng duy nhất) là coi như việc phối giống đã xong. Ta nên bắt thỏ về chuồng ngay.

– Có một số thỏ cái tính nhút nhát, hễ thả vào chuồng thỏ đực là chạy. Thế là một con chạy một con đuổi cho đến khi mệt phờ người ra mới thôi. Khi thấm mệt thỏ cái thường rút đầu vào góc kẹt hoặc nép mình vào thành chuồng rồi mới chổng mông cao lên cho đực phối giống.

– Nếu thỏ cái lên giống chưa đến độ “muồi” (quá sớm) hoặc đã qua giai đoạn động dục (quá trễ) thì khi thả vào chuồng thỏ đực, thỏ cái chỉ biết cắm đầu phóng khắp chuồng thỏ đực, quyết không cho thỏ đực lại gần phối giống. Gặp trường hợp này ta nên bắt ngay thỏ cái ra, nếu không nó có thể bị thỏ đực cắn.

Mỗi kỳ lên giống, thỏ cái chỉ cần được phối một lần là đã thụ thai. Nếu sau khi phối giống xong, thỏ cái còn tỏ ra bồn chồn rạo rực thì nên cho phối thêm lần thứ hai. Ví dụ lần trước buổi sáng thì lần sau buổi chiều (cách nhau độ 5-6 giờ đồng hồ), hoặc phối lần đầu buổi tối thì mờ sáng hôm sau cho phối lại lần hai.

Phương pháp nuôi thỏ chửa:

Thời kỳ mang thai của thỏ khoảng 30 ngày, nhưng cũng có trường hợp bị trồi hay sụt một đôi ngày, được coi là chuyện bình thường.

Thỏ cái mới chửa lần đầu, dù mang thai nửa tháng bụng nó vẫn chưa to. Chỉ chờ đến tuần lễ cuối của thai kỳ thì bụng nó mới to dần lên và đi đứng khệ nệ, nặng nhọc.

Khi vừa phối giống xong, ta nên nuôi thỏ cái vào ngăn chuồng dành cho thỏ đẻ, và nuôi cách ly mỗi ngăn chuồng một con. Sở dĩ không nuôi tập thể vì thỏ chửa rất bẳn tính, buy sale ventolin ưa cắn lộn nhau dễ gây truỵ thai. Vì vậy, nắp chuồng thỏ cái lúc nào cũng đậy kỹ, tránh để thỏ khác xâm nhập vào, chúng sẽ cắn nhau gây hư thai.

Trong thời kỳ thỏ mang thai, ta hạn chế việc bắt nó, trừ trường hợp đặc biệt như cần tiêm chủng hoặc cho uống thuốc. Nếu cần bắt ra khỏi chuồng cũng nên hết sức cẩn thận và làm nhẹ tay.

Bắt thỏ như cách làm của ông bà ta trước đây như nắm hai tai xách lên là KHÔNG đúng, vì như vậy thỏ vì quá sợ nên cố sức giẫy giụa mạnh khiến thỏ chửa hư thai, thỏ thịt, thỏ hậu bị dễ đứt mạch máu hoặc ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Tốt nhất là một tay nắm da gáy nhấc lên, còn tay kia bợ phần mông của nó.

Việc di chuyển thỏ chửa đi xa cũng cần tránh vì rất dễ hư thai, nhất là với thỏ sắp đến ngày sinh đẻ.

Trong thời gian thỏ mang thai, ngoài việc giữ nó được sống yên tĩnh hàng ngày còn cung cấp cho chúng khẩu phần ăn bổ dưỡng hơn. Ngoài thức ăn viên nên cho ăn thêm nhiều thức ăn xanh và các loại rau cũ quả như rau lang, rau muống, thân và lá các cây thuộc họ đậu, các loại cỏ cao sản, củ cà rốt, củ khoai lang ta … nếu cho ăn theo bữa thì bữa ăn chính trong ngày của thỏ chính là bữa ăn tối.

Bước chuẩn bị trước ngày thỏ đẻ:

Trước ngày thỏ đẻ khoảng một tuần, ta nên làm vệ sinh thật kỹ ngăn chuồng của nó cho sạch sẽ. Sau đó đặt vào góc chuồng một cái ổ đẻ (như đã mô tả ở phần trước). Trong ổ đẻ nên lót sẵn một lớp rơm mỏng hay cỏ khô sạch cho thỏ mẹ nằm cho êm ấm. Nên đặt thường trực một máng nước cho thỏ mẹ uống thoải mái.

Cách đẻ của thỏ ra sao? Khoảng một ngày, có trường hợp chỉ một buổi trước khi đẻ, thỏ mẹ biếng ăn, chỉ dành thì giờ cho việc lăng xăng lót ổ, bằng cách tha thêm cỏ rác vào ổ. Sau đó, nó tự rứt lông ngực, lông bụng thành một nắm lớn phủ lên trên giúp ổ được êm ấm hơn.

Thỏ tự đẻ và nhiều con đẻ rất dễ dàng, trong một vài giờ là đã cho ra đời xong lứa con. Vì vậy, ta không cần trợ giúp đỡ đẻ cho thỏ, nhưng cũng nên túc trực canh chừng để can thiệp kịp thời khi gặp trường hợp thỏ mẹ quay lại ăn chính con của nó.

Tại sao thỏ mẹ lại ăn con sơ sinh của nó? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính thường gặp là do thỏ mẹ quá khát nước. Sau khi đẻ xong, thỏ mẹ thường nhảy ra khỏi ổ để tìm đến máng nước để giải khát. Nếu không có nước uống nó cũng trở lại ổ với bầy thỏ con, và việc biểu lộ tình cảm với bầy thỏ con của nó là lần lượt liếm khô bộ lông tơ mịn của con.

Các bạn cũng biết là da non của thỏ sơ sinh rất mỏng, nếu gặp thỏ mẹ đang cơn khát nước cực độ, với cái lưỡi ráp nhám sẽ dễ dàng làm rách da thỏ con. Máu càng rịn ra nó càng liếm tới và ăn hết thịt con nó một cách thích thú. Nếu ta không can thiệp kịp thời, con thỏ mẹ đó có thể ăn thịt hết cả bầy con.

Vì vậy, trong chuồng thỏ sắp đẻ ta nên đặt sẵn máng nước uống thật đầy.

Đẻ xong, thỏ mẹ lại tiếp tục rứt thêm một ít lông ngực và bụng để phủ ấm cho con. Có lẽ đây cũng là một cách nguỵ trang khéo léo để kẻ thù bên ngoài không thấy được bầy con của nó.

Nhiều thỏ mẹ không nằm trong ổ ủ ấm cho con sơ sinh mà nhày ra khỏi ổ nằm cạnh bên canh chừng. Nó chỉ vào ổ khi bầu sữa căng để cho con bú.

Thỏ mẹ không hám con như nhiều loài thú khác, vì vậy ta có thể đến kiểm tra số con trong tổ để nắm số lượng thỏ con nhiều ít ra sao. Nên nhặt ra khỏi ổ những mẫu nhau mà thỏ mẹ chưa ăn hết, cả những thỏ con bị chết, nếu có. Việc kiểm tra và làm vệ sinh ổ này cần làm gọn nhẹ và càng nhanh càng tốt. Điều cần làm trước đó là nên rửa sạch tay với xà phòng.

Nguồn tin: Farmvina

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *