Hiện nay, ở các tỉnh/thành trong cả nước đã áp dụng nhiều phương pháp nuôi lươn mang lại hiệu quả, như : nuôi lươn trong ao đất, nuôi lươn trong bể xi- măng, nuôi lươn sử dụng con giống tự nhiên… Sau đây, xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể bạt bằng con giống nhân tạo, sử dụng nước ngầm.
I. Thiết kế bể
1. Vị trí: Bể phải đặt ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại; có nguồn nước ngầm, không bị ô nhiễm bởi các loại chất công nông nghiệp và kim loại nặng; giao thông thuận tiện.
2. Diện tích: Diện tích cần thiết để bố trí trại nuôi lươn thương phẩm tối thiểu là 200 m2. Trong đó, diện tích sàn (nền) đặt khung sắt, lót bạt làm bể nuôi tối thiểu 50m2 và có mái che. Phần diện tích còn lại thiết kế bể lọc nước, bể chứa lắng và bể xử lý nước thải.
3. Vật liệu làm bể: Sắt hộp vuông 25 x 25 mm, bạt nhựa màu (đen hoặc vàng), ống nhựa phi 90, co phi 90 và ống nhựa phi 114.
4. Vật liệu sử dụng thường xuyên:
Sợi dây ni-lông làm giá thể có chiều ngang 1cm
Lưới, vợt, học phân cỡ lươn giống.
Máy bơm, bể nhựa 1m3, đá mi, đá 4 x6, cát mịn, đá nâng pH.
Ống nhựa, van cấp nước phi 27.
5. Thiết kế bể bạt nuôi:
Trên phần diện tích 50 m2, thiết kế 2 dãy khung sắt, mỗi dãy 6 ô, mỗi ô có kích thước: dài 2.7m x rộng 1m x cao 0,4m. Mỗi khung sắt sau khi thiết kế được đặt trên mặt sàn bằng phẳng, độ dốc 7 độ, hướng ra phía ngoài. Sử dụng bạt nhựa khổ 4m, cắt bạt nhựa lót vào theo đúng kích thước khung sắt. Sau khi lót bạt, mỗi khung sắt trở thành một bể có diện tích đáy là 2,7 m2, có thể tích 1,1 m3. Mỗi bể đặt một co vuông 90 mm, một đầu co đặt bằng mặt đáy bạt để gắn ống giữ nước và thay nước (khi đặt co dùng keo dán kỹ phần bạt đáy xung quanh vành co), đầu còn lại nối với một ống phi 90 để làm ống thoát.
Dây nhựa (dây buộc chuyên dùng có chiều rộng 1cm) bó thành bó, mỗi bó 2 kg.
Ống, van cấp nước bố trí chạy dọc theo thành bể để tiện thao tác.
Hình ảnh bể bạt nuôi lươn
6. Thiết kế bể lọc: Sử dụng bể nhựa 1m3 xếp vật liệu thứ tự từ phía dưới lên: đá 4×6: 10 cm; đá mi: 10 cm; đá nâng pH: 20 cm; cát mịn: 10 cm. Chú ý giữa các lớp nên lót một tấm lưới ngăn cách để tiện khi vệ sinh.
7. Thiết kế bể lắng: Bể lắng có kích thước dài 10m x rộng 5m x cao 1m. Lót bạt nhựa cả đáy và thành bể. Có thể làm bể nổi hoặc bể chìm. Đối với bể chìm, phải sử dụng bơm; bể nổi thì có thể tự chảy mỗi khi thay hoặc cấp nước cho bể nuôi.
8. Thiết kế bể xử lý nước thải: Với 12 bể nuôi như thiết kế trên thì bể xử lý nước thải có diện tích tương đương bể lắng nhưng thiết kế bể chìm, không cần lót bạt đáy.
II Kỹ thuật nuôi lươn
1. Nguồn nước:
Nước sử dụng để nuôi lươn được bơm từ giếng khoan vào bể lọc, rồi chảy vào bể lắng. Sau khi để lắng, kiểm tra độ pH thích hợp trong khoảng từ 6,8-7,5 (Chú ý, nếu pH <5 thì phải thiết kế hai bể lọc hoặc nâng chiều cao đá nâng pH lên gấp đôi). Sau đó chuyển vào bể nuôi. Mực nước trong bể nuôi từ 7 – 15 cm. Mỗi bể nuôi 2,7 m2, treo 2 kg dây ni-lông làm giá thể để lươn trú ẩn.
2. Chọn và thả giống:
a. Chọn giống: Mua con giống nhân tạo ở các cơ sở sản xuất có uy tín và được nhiều người tín nhiệm. Lươn biết ăn thức ăn công nghiệp, có màu vàng sẫm, không bị sây sát, không dị hình, khỏe mạnh, đồng cỡ. Kích thước lươn giống phù hợp thả nuôi là 400 – 500 con/kg.
b. Mật độ nuôi: Mỗi bể có diện tích 2,7 m2, lươn có kích cỡ 500 con/kg, thả với mật độ tốt nhất là 3.000 con/bể; lươn có kích cỡ 200 con/kg, thả 2.000 con/bể. Lươn giống mua từ các trại sản xuất, trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối 2 – 3% trong 10 – 15 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.
3. Quản lý và chăm sóc:
a.Thức ăn: Sử dụng cám viên công nghiệp có hàm lượng đạm cao (>40%), không ôi thiu, ẩm mốc, kích thước viên thức ăn theo giai đoạn tăng trưởng của lươn, kết hợp thêm trùn quế làm thức ăn cho lươn trong suốt thời kỳ nuôi.
Lươn có kích cỡ 100 – 500 con/kg, khẩu phần ăn khoảng 0,15 – 0,2% trọng lượng thân; sử dụng thức ăn viên và trùn quế theo tỷ lệ 7:3.
Lươn có kích thước 10 – 100 con/kg, khẩu phần ăn 0,5% trọng lượng thân; sử dụng thức ăn viên và trùn quế theo tỷ lệ 8:2.
Trùn quế trộn với cám viên, ủ khoảng 15 phút, đem rải đều lên bề mặt sợi ni-lông nơi lươn trú ẩn. Mỗi ngày cho lươn ăn 1 – 2 lần, vào buổi sáng và buổi chiều, tùy theo thời tiết. Những ngày nắng, nhiệt độ cao nên cho lươn ăn 2 lần/ngày; khi trời âm u, mưa, lạnh chỉ nên cho lươn ăn một lần.ngày.
Định kỳ 7 ngày trộn thêm vitamin C và các loại khoáng vào thức ăn để tăng đề kháng và kích thích tính bắt mồi của lươn.
Lươn chỉ tham gia bắt mồi chủ động trong thời gian từ 10-15 phút, sau thời gian này lươn không không còn bắt mồi nữa. Dựa vào đặc điểm bắt mồi của lươn mà chúng ta điều chỉnh thức ăn cho hợp lý.
b.Thay nước: Hàng ngày thay nước mới 100% sau mỗi lần cho lươn ăn. Việc thay nước được tiến hành ngay sau khi lươn ngừng ăn 1 giờ. Sử dụng vòi xịt loại bỏ tất cả các chất cặn bã bám trên mặt bể, tường bể và sợi ni-lông, sau đó cấp nước mới vào, độ sâu nước bể khoảng 7-10cm nếu lươn còn nhỏ, khi lươn lớn mức nước cao 10 – 15 cm. Giữ yên tĩch sợi ni-lông nơi lươn trú ẩn.
4. Phát hiện và phòng trị lươn bệnh:
Khi rải thức ăn, nếu thấy hiện tượng lươn bắt mồi kém, âm thanh bắt mồi của lươn rời rạc, lươn bò rải rác trong bể mà không nằm trú ẩn trong sợi ni-lông là dấu hiệu cho biết lươn nuôi có triệu chứng bệnh.
Khi phát hiện lươn bệnh thì phải ngừng cho ăn, thay nước mới, sử dụng thuốc tắm cho lươn như nước muối có hàm lượng 3 – 5%, Formol nồng độ 3 – 5‰; hoặc dùng Tetracyline trộn với thức ăn hàm lượng 5 – 7g/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 3 ngày, hoặc có thể hòa tan với nước tạt đều lên mặt bể với liều lượng 5 – 10 g/m3, ngâm lươn trong 30 phút rồi thay nước mới.
Trọng Hoàng