Bài viết này giải đáp mọi thắc mắc cho các em về những gì một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống cần phải có
Khái niệm, kỹ năng phân tích đề và các bước cần thiết để viết được một bài văn nghị luận đạt điểm cao sẽ có trong bài viết này
Cùng bắt đầu nhé…
I Khái niệm cơ bản của nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống là gì?
Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…).
Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê. Những sự việc, hiện tượng này phải phổ biến, được dư luận chú ý, quan tâm và có tầm ảnh hưởng lớn.
2. Đặc điểm cơ bản
Gồm có 2 đặc điểm chính
– Đặc điểm về nội dung
+ Nêu rõ sự việc có vấn đề cần nghị luận: Cần tập trung giới thiệu và nêu rõ vấn đề chính cần nghị luận và tập trung vào vấn đề này.
+ Phân tích đúng – sai : Là cách thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của mình về vấn đề cần nghị luận. Phải chỉ ra được những việc đúng – sai, lợi – hại, tiêu cực – tích cực trong hiện tượng đó.
+ Chỉ ra nguyên nhân: Khi đã phân tích những điểm đúng – sai về hiện tượng hay sự việc đó thì các bạn cần đưa ra các nguyên nhân và lý giải được đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan tác động.
+ Bày tỏ thái độ: Bày tỏ về tư tưởng, ý kiến riêng của chính mình về vấn đề đó nhưng phải dựa trên cơ sở khách quan là lý lẽ và dẫn chứng phải thuyết phục được người đọc, người nghe.
– Đặc điểm về hình thức
+ Bố cục phải mạch lạc: Bài nghị luận phải chia rõ bố cục gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài và các ý phải sắp xếp theo trình tự hợp lý.
+ Luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực: Luận cứ là những dẫn chứng, lý lẽ mà mình đưa ra để chứng minh cho luận điểm đó. Dẫn chứng phải có tính xác thực hay được trích dẫn từ những nguồn tin đáng tin cậy.
+ Lập luận hợp lý: Có thể sử dụng nhiều phương pháp lập luận như chứng minh, so sánh, đánh giá… để tạo được hiệu quả cao nhất.
+ Lời văn chính xác, sống động: Lời văn phải chính xác, đanh thép, mạnh mẽ nhưng văn nghị luận là phải nói lý, nhưng trong lý cần phải có tình. Có thể diễn đạt một cách khéo léo như sử dụng thêm các biện pháp tu từ, hình ảnh để giúp bài văn thêm sinh động.
3. Các dạng đề của nghị luận về một hiện tượng đời sống
– Vấn đề nghị luận là hiện tượng đời sống có tác động xấu đến con người
– Vấn đề nghị luận là hiện tượng đời sống có tác động tốt đến con người
II Cách làm bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
1. Kỹ năng phân tích đề
– Yêu cầu của kiểu bài này là học sinh cần làm rõ hiện tượng đời sống ( qua việc miêu tả, phân tích nguyên nhân, các khía cạnh của hiện tượng…) từ đó thể hiện thái độ đánh giá của bản thân cũng như đề xuất ý kiến, giải pháp trước hiện tượng đời sống.
– Kỹ năng phân tích đề: Xác định ba yêu cầu
+ Yêu cầu về nội dung: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào? Đó là hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán ? Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết ? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
+ Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng? Giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, bác bỏ, so sánh,…
+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: Bài viết có thể lấy dẫn chứng trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).
– Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ
+ Luận điểm 1 :Thực trạng
+ Luận điểm 2 : Nguyên nhân
+ Luận điểm 3 : Tác hại / tác dụng
+ Luận điểm 4 : Giải pháp, bài học
2. Các bước triển khai bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
– Xác định yêu cầu của đề
+ Đề thuộc loại gì: Là đề thuộc nghị luận đạo lý, nghị luận đời sống xã hội…
+ Đề nhắc đến hiện tượng nào: Phân tích và tìm đề bài đang nhắc đến hiện tượng nào.
+ Đề yêu cầu làm gì: Như trình bày suy nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá … Nhưng đôi khi nhiều đề bài có những yêu cầu khác như chỉ bàn luận một phần nào đó trong các vấn đề cần nghị luận. Vì vậy các bạn nên chú ý đọc kỹ đề và thực hiện theo đúng yêu cầu mà đề bài đưa ra.
– Các bước cụ thể cần thực hiện trong thao tác giải thích gồm:
+ Bước 1: Giải thích
Tìm và giải nghĩa những từ ngữ, từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên có những sự việc xảy ra phổ biến như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề…là những sự việc hiển nhiên nên không cần giải thích.
+ Bước 2: Nêu hiện trạng
Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao…
+ Bước 3: Lý giải nguyên nhân
Nêu thực trạng và nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội…)
- Nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người…).
+ Bước 4: Đánh giá kết quả, hậu quả
Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng (nếu là hiện tượng tích cực; tác hại- hậu quả, nếu là hiện tượng tiêu cực).
+ Bước 5: Giải pháp
Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển
– Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý
Mở bài
– Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận
– Mở ra hướng giải quyết vấn đề: Thường là trình bày suy nghĩ
Thân bài
– Giải thích hiện tượng đời sống
Khi giải thích cần lưu ý:
- Bám sát hiện tượng đời sống mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.
- Làm nổi bật được vấn đề cần bàn bạc trong bài.
– Bàn luận về hiện tượng đời sống
- Phân tích các mặt, các biểu hiện của sự việc, hiện tượng đời sống cần bàn luận
- Nêu đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, lí giải mặt tích cực cũng như hạn chế của sự việc, hiện tượng ấy, bày tỏ thái độ đồng tình, biểu dương hay lên án, phê phán.
- Chỉ ra nguyên nhân của của sự việc, hiện tượng ấy, nêu phương hướng khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của sự việc, hiện tượng.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống
Liên hệ với bản thân và thực tế đời sống, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Kết bài
– Đánh giá chung về sự việc, hiện tượng đời sống đã bàn luận
– Phát triển, mở rộng, nâng cao vấn đề.
Ví dụ:
—————
Vậy là các em đã nắm được những kỹ năng cơ bản nhất để có thể làm được một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống đạt kết quả cao. Hy vọng đây là tài liệu hữu ích giúp các em trong quá trình học bài và làm bài.
Chúc các em học tốt!