KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh

Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu
protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để
chế biến nhiều món ăn hấp dẫn lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi
lứa tuổi. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mô hình nuôi lươn không bùn
kiểu mới được nuôi thử nghiệm tại nhiều địa phương và cho nhiều kết
quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Trên
cơ sở một số tài liệu chuyên môn và tình tình thực tế một số mô hình
nuôi lươn trong tỉnh; dưới đây xin lưu ý đến các hộ nuôi về các đặc
điểm sinh vật học và kỹ thuật nuôi Lươn đồng, các hộ nuôi có thể tham
khảo và tùy vào tình hình thực tế cơ sở nuôi của mình xây dựng, phát
triển và nhân rộng các mô hình nuôi lươn thương phẩm:

 

  1. ĐĂC ĐIỂM SINH HỌC CỦA LƯƠN ĐỒNG
  1. Đặc điểm hình thái

– Lươn đồng có tên khoa học là
Monopterus albus. Lươn có thân dài, phần trước tròn, phần
sau dẹp bên và mỏng. Toàn thân không có vẩy. Ðường bên hoàn toàn, chạy
dọc theo trục giữa thân từ sau đầu đến gốc vây đuôi.

– Màu sắc của lươn có thể thay đổi theo
môi trường sống. Nhìn chung, lươn có màu sắc như sau:  Lưng có màu nâu
sậm, vàng nâu, bụng có màu vàng nhạt.

– Lươn có đầu hơi dẹp bên, miệng có thể
mở rất rộng, xương hàm cứng và chắc. Vây ngực và vây bụng thoái hóa
hoàn toàn. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi nối liền với nhau và tia
vây không rõ ràng.

2. Phân bố

Lươn là loài phân bố rộng, nhưng tập
trung nhiều nhất vẫn là khu vực nhiệt đới. Ở ĐBSCL, lươn sống phổ biến
trong trong các ao, hồ, sông rạch, ruộng lúa nơi có nhiều mùn bã hữu
cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Lươn có khả năng chịu đựng khô hạn
bằng cách chui rúc vào trong đất ẩm.

3. Tính ăn

Kết quả khảo sát cho thấy lươn có hàm khoẻ, miệng
lớn, ruột ngắn, không cuộn khúc. Điều đó chứng tỏ lươn là loài cá ăn
động vật.

– Khi còn nhỏ thức ăn của lươn là động
vật phù du, khi trưởng thành thức ăn là động vật đáy như tôm cá con,
ấu trùng côn trùng thuỷ sinh. Nhìn chung, thức ăn của lươn trưởng
thành là động vật và đặc biệt thức ăn có mùi tanh vì vậy khi tôm, cá
trong nước bị thương, bị bệnh, cơ thể tiết nhiều nhớt sẽ trở thành mồi
của lươn. Tuy nhiên tính ăn còn thay đổi và tùy thuộc vào giai đoạn
phát triển của cơ thể, cơ sở thức ăn trong môi trường nước.

– Lươn có tập tính hoạt động kiếm ăn về
đêm, ban ngày ẩn nấp trong hang hoặc chỉ rình mồi ở cửa hang. Khi
thiếu thức ăn, lươn có thể ăn lẫn nhau.

4. Ðặc điểm hô hấp

Ở lươn, ngoài mang còn có cơ quan hô hấp phụ là da
và khoang hầu. Da lươn thuộc da trơn, có nhiều nhớt và dưới da có rất
nhiều mạch máu nhỏ nên rất thuận lợi cho việc trao đổi khí qua da.
Thành khoang hầu của lươn mỏng có nhiều mạch máu giúp cho việc trao
đổi khí xảy ra ở đây khi lươn đớp khí.

– Khi để lươn trên cạn, da khô, chúng sẽ
chết sau 12 – 20 giờ, nhưng nếu giữ đủ độ ẩm cho da lươn sẽ chết sau
27 – 70 giờ. Nếu không được tiếp xúc trực tiếp với không khí lươn sẽ
chết sau 4 – 6 giờ mặc dù oxy trong nước đầy đủ.

5. Ðặc điểm sinh trưởng

Sinh trưởng của lươn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhưng nhìn chung tốc độ sinh trưởng của lươn chậm so với một số giống
loài thuỷ sản khác. Ở môi trường tự nhiên sau một năm lươn có thể đạt
trọng lượng 200 – 300 g/con.

 – Nhiệt độ thích hợp nhất cho lươn sinh
trưởng từ 25 – 28 độ C. Khi nhiệt độ thấp hơn 18 độ C lươn bỏ ăn và
dưới 10 độ C lươn sẽ chui xuống bùn trú đông.

6. Ðặc điểm sinh sản

Lươn thành thục khá sớm (1 tuổi), điều đặc biệt là
lươn có sự chuyển giới tính. Theo Mai Ðình Yên (1978), lươn có kích cỡ
nhỏ (dưới 25 cm) hoàn toàn là lươn cái, cỡ 25 – 54 cm có cả con đực,
con cái và con lưỡng tính, cỡ lớn hơn (trên 54 cm) thì hoàn toàn là
lươn đực. Tuy nhiên đặc điểm này lươn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không
rõ ràng.

– Một số nghiên cứu cho thấy, lươn ở
ÐBSCL có kích cỡ từ 18 – 38 cm là lươn đực và trên 38 cm có cả lươn
cái, lươn đực và lưỡng tính. Tùy vào kích cỡ của lươn, sức sinh sản có
thể từ 100 – 1.500 trứng/con. Đường kính trứng có thể đến 4mm.

– Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách
đào hang ở cạnh bờ và nhả bọt lên miệng hang để bao bọc trứng. Bọt do
lươn nhả ra vừa có tác dụng bảo vệ trứng vừa có tác dụng giữ trứng tập
trung trong tổ. Vào mùa sinh sản, sau những trận mưa và lúc trời gần
sáng là thời điểm lươn đẻ tập trung. Trước khi đẻ, lươn đực phun bọt
vào trong tổ, sau đó lươn cái đẻ trứng và con đực cắp trứng vào tổ.

B. KỸ THUẬT NUÔI

1. Xây dựng bể nuôi

 – Diện tích bể nuôi từ 4 – 6m2 hoặc 10 – 20m2. Độ
cao thành bể từ 0,8 đến 1m. Mức nước 30 – 40cm, trên mặt nước thả bèo
tây hoặc lục bình khoảng 1/3 diện tích bể để tạo bóng mát cho lươn.
Trên mặt bể, treo dây nilon thành từng chùm để cho lươn trú ẩn.

– Bể nuôi lươn nên
thiết kế ống cấp nước và thoát nước chủ động để dễ dàng thay nước. Hệ
thông ống cấp/thoát nên làm đối diện nhau; bể phải trơn láng; đáy thể
thiết kế nghiêng về chỗ thoát nước. 

– Lươn là một loài không ưa ánh sáng nên
bể nuôi phải có mái che, hoặc làm giàn trồng cây leo tránh sự thay đổi
nhiệt độ.

– Lươn thích sống chui rúc, ưa tối nên
phải có hệ thống giá thể; giá thể làm khung nẹp tre hoặc nhựa PVC, sợi
nilon tối màu bó thành từng bó.

2.
Chọn giống và thả giống

Kích thước lươn giống tốt nhất là cỡ 30
– 40 con/kg.

Kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng,
linh hoạt, không xây xát, mất nhớt.

Nên chọn những con lươn thân màu vàng có
chấm lớn, loại này lớn rất nhanh; loại có thân màu vàng xanh, chỉ sinh
trưởng trung bình. Không nên chọn lươn giống có màu xám tro, vì loại
này thường chậm lớn.

*Mật độ thả nuôi

Mật độ thả 1,5 – 2kg/m2, cỡ giống 30 –
40 con/kg.

Trước khi thả lươn, nên tiến hành sát
trùng cho lươn bằng dung dịch muối có nồng độ 2 – 3% trong thời gian 5
– 10 phút hoặc thuốc tím 10 – 15 ppm trong 15 – 30 phút để loại trừ
ngoại kí sinh và sát trùng vết thương do xay xát trong quá trình đánh
bắt và vận chuyển.

3.
Thức ăn, chăm sóc lươn nuôi

Thức ăn cho lươn có nguồn gốc từ động
vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ sẽ lớn nhanh hơn so với thức
ăn có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên để giảm bớt chi phí và chủ động
nguồn thức ăn có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật
và thực vật là 7:3 hoặc 8:2.

Thức ăn đạm động vật nên băm nhỏ hay xay
nhuyễn, để sống hoặc nấu chín. Phần đạm thực vật cần nấu chín, để
nguội. Sau đó trộn đều 2 phần này với nhau, trộn thêm bột gòn để tạo
độ dính cho thức ăn, đồng thời bổ sung thêm các vitamin, men tiêu hóa
như: Vitalec, Mita Glucan, Mita Aquazyme,…để chống stress, tăng cường
sức đề kháng cho lươn, giúp lươn tăng trọng tốt.

Không cho lươn ăn thức ăn đã ươn thối.

* Chăm sóc

Giống nuôi chủ yếu được khai thác từ
nguồn giống tự nhiên nên cần có bể để thuần dưỡng, phân cỡ và
phòng trị bệnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Bể thuần
dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp.

Trong 1 – 2 ngày đầu, không cho lươn ăn
tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng
2 – 4 kg/m2. Thay nước 1 – 2 lần/ngày. Thời gian thuần dưỡng là 5
– 7 ngày.

Lươn là loài ăn đêm nên chỉ cho ăn 1
lần/ngày lúc 6 – 7 giờ tối. Lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân/ngày.

Thức ăn nên được để trong sàn (đan bằng
tre), một đầu có dây treo thả xuống gần sát đáy ao/bể cho lươn đến ăn.
Phải để đủ thức ăn cả đêm để lươn ăn từ từ, sáng hôm sau kéo sàn lên
bỏ lượng thức ăn dư thừa.

Trong quá trình nuôi chỉ nên cho ăn một
loại thức ăn, nếu bắt buộc phải thay đổi thức ăn khác thì không nên
thay thay đổi thức ăn đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn tập quen
dần với mùi vị của thức ăn mới.

Lươn nuôi trong bể với mật độ cao, nhưng
mực nước trong bể nuôi chỉ từ 20 – 30 cm, nên rất mau dơ, do đó 1 – 2
ngày nên thay nước một lần, mỗi lần thay từ 1/2 đến 2/3 lượng nước
trong bể.

* Phòng bệnh

Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp
là làm sạch môi trường nước và bể nuôi, tăng sức đề kháng cho lươn,
ngăn ngừa bệnh.Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng tác động rất lớn
đến hiệu quả sản xuất do lươn được nuôi với mật độ cao, chất thải
của lươn và thức ăn dư thừa làm môi trường nước mau ô nhiễm, nguy cơ
phát sinh bệnh rất cao. Vì thế, định kỳ cần sát trùng bể bằng Iodine
(nồng độ 1 ppm) để hạn chế mầm bệnh và xổ giun cho lươn bằng các sản
phẩm trị nội ký sinh trùng (2 tuần/lần). Nên bổ sung thêm men tiêu
hoá, Vitamin C, Premix khoáng để hỗ trợ tiêu hoá, bổ sung dinh dưỡng
và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi, đồng thời cho ăn thức ăn bảo đảm
chất lượng, giữ vệ sinh bể nuôi và thường xuyên theo dõi hoạt động
của lươn để có biện pháp điều trị thích hợp khi dịch bệnh xảy ra.

  • Một số bệnh thường gặp


+ Bệnh lở loét:
Trước khi nuôi sát trùng bể bằng
vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần kết hợp dùng thuốc tím 2 – 3g/m3 hoặc
Iodine 1 – 1,5g/m3 hòa tan vào nước tạt đều khắp bể nuôi.


+ Bệnh tuyến trùng:
Dùng thuốc tím 2 – 3g/m3 hoặc
Iodine 1 – 1,5g/m3 hoàn tan với nước tạt đều khắp bể nuôi.

4.
Thu hoạch

Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ
thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch nên cho lươn
nhịn ăn 1 ngày.

Thông thường, cỡ lươn giống thả từ 100 –
300 con/kg, thời gian nuôi từ 8 – 10 tháng lươn có thể đạt được 150 – 250g/con.

Cỡ lươn thả 300 – 500 con/kg thời gian
nuôi từ 10 – 12 tháng đạt cỡ 150 – 250g/con.

Sau khi thu hoạch cần vệ sinh bể sạch sẽ
để chuẩn bị nuôi vụ tiếp theo./

 

Sỹ Công – Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *