BS.CKI. Lê Thị Thơm
Nội dung chính
1. Cách chăm sóc da của trẻ sơ sinh
2. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh
3. Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh
4. Chăm sóc cân nặng của trẻ
5. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ
6. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
7. Giao tiếp với trẻ
Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm đòi hỏi sự tỷ mỉ và cẩn thận của người mẹ. Nhất là trong những tuần đầu tiên, khi mẹ còn vụng về, lóng ngóng, đây là lúc mẹ cần nhiều lời khuyên nhất về những kỹ năng cơ bản để chăm sóc bé yêu.
1. Cách chăm sóc da của trẻ sơ sinh
Màu sắc: Da em bé rất mỏng và nhạy cảm nên ba mẹ cần chú ý và chăm sóc một cách cẩn thận. Vài phút đầu sau khi sinh, da của bé có màu xanh nhưng sau đó màu sắc cơ thể bé chuyển từ xanh sang hồng hào. Bắt đầu từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3, trẻ có hiện tượng vàng da sinh lý và đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4 nhưng sau đó sẽ giảm dần. Đến 15 ngày tuổi trẻ bị vàng da thì nên cho trẻ đi khám vì có thể phải chiếu đèn. Sau 15 ngày tuổi, trẻ vàng da nhẹ, bú tốt, tăng cân thì mẹ không cần lo lắng gì, thường 1 tháng sau trẻ sẽ tự hết.
Chất gây: Khi ra đời, cơ thể bé được bao bọc bởi lớp chất “gây”, giúp giữ nhiệt và bảo vệ da cho trẻ. Do vậy mà ngay sau khi sinh, mẹ không nên tắm sạch lớp chất “gây” ấy. Nhưng sau khoảng 24 – 48 tiếng, trẻ phải được tắm sạch mỗi ngày do lúc này lớp chất “gây” lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Cứt trâu: là do viêm da tiết bã vùng da đầu, thường sẽ hết dần khi trẻ lớn. Thông thường có thể dùng dầu dừa hoặc sữa tắm của em bé xoa vào vùng da trước khi tắm gội 1 giờ, khi tắm gỡ ra nhẹ nhàng, không cạy ra khi chưa đủ mềm.
Hăm tã: là tình trạng viêm da kích ứng. Vùng da ở mông, ở vùng kín của con xuất hiện vết mẩn đỏ nhẹ, lan rộng ở các ngấn, kẽ vùng bẹn, mông, đùi. Con khóc suốt vì ngứa ngáy, khó chịu. Mức độ hăm tã nặng nề có thể gây ra tình trạng đau rát, thậm chí chảy máu.
Nguyên nhân thường do tã lót không thoải mái, đóng bỉm quá chặt hoặc dùng loại tã lót kém chất lượng, chất liệu nhiều nylon gây bí da hoặc tiếp xúc chất thải bài tiết. Chính vì vậy, mẹ nên kiểm tra tình trạng bỉm tã của trẻ sơ sinh, chọn loại tã tốt, sử dụng chất liệu thông thoáng thân thiện và thường xuyên thay tã để tránh hiện tượng hăm da. Tuy nhiên, một khi đã bị hăm, bạn nên tránh cho trẻ sử dụng tã thời gian dài. Vùng da quanh tã thông thoáng, khô ráo sẽ mau lành hơn.
Mẹ cũng bỏ ngay thói quen sử dụng phấn rôm cho bé. Loại phấn này không những không giảm được viêm da mà còn bít lỗ chân lông, làm bệnh nặng hơn. Thành phần phấn rôm có bột talc, muối canxi, kẽm, chất béo, chất tạo hương sẽ gây hại cho đường hô hấp của bé.
Đổ mồ hôi trộm: Mồ hôi ở trẻ thường do thời tiết và khả năng điều tiết mồ hôi của hệ thần kinh thực vật chưa hoàn chỉnh, do vậy nếu trẻ vẫn bú tốt, lên cân đều thì không liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, cha mẹ không cần lo lắng quá, chỉ cần lau mồ hôi và thay quần áo cho trẻ tránh bị để ẩm.
Chàm sữa: hay còn gọi là viêm da cơ địa là bệnh không lây, có yếu tố di truyền. Trẻ thường có biểu hiện đỏ da, khô da, hay gặp 2 má, vùng mặt, có thể toàn thân, gây cho trẻ ngứa khó chịu khó ngủ. Cần để không gian thoáng mát, tránh hơ hám, đắp các loại lá cây hay các mẹo dân gian có thể gây nên tình trạng bội nhiễm da. Có thể sử dụng các thuốc bôi mềm da, nếu tình trạng nặng hoặc không đỡ thì đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Bên cạnh đó mẹ nên kiểm tra các khiếm khuyết trên da. Ví dụ như các vết bớt, được hình thành sau khi sinh hoặc phát triển sau này, để mẹ có cách xóa chúng đi sớm cho trẻ.
2. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh
Trước tiên mẹ cần phải để ý đến tư thế nằm ngủ của trẻ, đặt bé nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất dành cho bé:
– Nhiệt độ phòng ngủ: Nhiệt độ trong phòng bé nên giữ trên 26 độ C là tốt nhất. Nên cho bé nằm cạnh mẹ, giúp cho việc theo dõi và cho con bú dễ dàng hơn.
– Thời gian ngủ: trung bình của trẻ sơ sinh là 18 – 20 giờ mỗi ngày. Mẹ cần đặc biệt quan tâm đến giấc ngủ của trẻ vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
– Dỗ dành bé yêu
+ Nên: Sự dỗ dành, vỗ về của mẹ hay một vài động tác mát xa nhẹ nhàng của bố giúp giấc ngủ của trẻ sơ sinh đến dễ dàng hơn.
+ Không nên: rung lắc em bé quá mạnh để tránh làm tổn thương cơ thể non nớt của bé, đặc biệt ảnh hưỡng tới não bộ của trẻ.
– Làm thế nào để trẻ sơ sinh luôn ngủ ngon và sâu giấc?
– Thường xuyên thay tã: mẹ cần chú ý kiểm tra xem tã của con mình có vấn đề gì không? có bị ẩm ướt, nếu thế đây cũng là một trong những nguyên do dẫn đến bé yêu quấy khóc.
– Biện pháp: Trước khi đi ngủ các mẹ hãy chuẩn bị sẵn các loại tã vải đặt ở trên giường để có thể thay cho bé nhanh chóng nhất.
– Tắt đèn ngủ trước khi đi ngủ
Việc hạn chế để đèn ngủ giúp bé phân biệt được ban đêm đến giờ đi ngủ và bé sẽ mau chóng hình thành giấc ngủ dễ dàng hơn.
– Cho bé bú sữa no, đầy đủ
Trẻ sơ sinh bị đói cũng là một trong những lý do dẫn đến bé quấy khóc và không ngủ. Vì thế các mẹ cần chú ý cho bé bú no để trẻ không bị thức giấc vì đói bụng, giấc ngủ của bé sẽ lâu hơn.
– Bật âm thanh cho bé ngủ
Âm thanh sẽ giúp bé ngủ sâu giấc hơn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý không nên để các thiết bị như điện thoại di động, máy nghe nhạc quá gần với chỗ nằm của bé.
– Bổ sung các dưỡng chất cho bé
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ít ngủ là do thiếu các loại chất dinh dưỡng như: vitamin D3, canxi. Vì vậy, để trẻ có giấc ngủ ngon, mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé bằng cách như: tắm nắng hàng ngày cho trẻ trước 8h sáng, hoặc cho uống các dạng Vitamin D3.
3. Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh
– Tắm: là một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé. Tắm cho bé đúng cách có thể giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có một giấc ngủ ngon. Với những bé chưa rụng rốn có thể tắm bằng khăn, dùng khăn nhúng nước sạch và lau toàn thân bé. Đối với bé đã rụng rốn rồi có thể tắm bằng chậu.
Cần tắm cho trẻ sơ sinh ở nơi kín, tránh gió lùa. Mẹ nên chọn tắm cho con vào lúc có ánh nắng mặt trời và thuận tiện cho bố mẹ. Không nên tắm cho bé vào lúc sáng sớm và chiều muộn, hoặc giữa trưa. Nhiệt độ nước tắm của các bé thông thường là 36 độ C. Theo phương pháp dân gian, mẹ có thể tắm cho con bằng các loại nước lá như lá kinh giới, trà xanh, quả mướp đắng, nhưng cần nhớ rửa sạch các loại lá, quả trước khi xayhoặc giã lấy nước cho bé tắm (nên pha loãng). Ngoài ra, các mẹ có thể dùng một số loại xà phòng, sữa tắm dành riêng cho bé sơ sinh. Khi tắm cho bé, nên rửa mặt trước, rồi chuyển dần xuống vùng mông. Gội đầu cho bé để sau cùng. Nhấc bé lên khỏi mặt nước, mẹ phải quấn và lau khô cho bé ngay, tránh bị nhiễm lạnh.
– Vệ sinh mũi và tai: nhỏ mũi nước muối sinh lí dùng bông gòn khô lau thấm nước ngoài tai sau tắm. Không nên ngoáy bên trong mũi và tai em bé.
– Mắt: một số trẻ có hiện tượng chảy nước mắt sống hoặc đổ ghèn thường nguyên nhân do hẹp lệ đạo, cần nhỏ nước muối sinh lí và day góc trong mắt hàng ngày.
– Miệng lưỡi: chỉ cần rơ vệ sinh hàng ngày bằng nước muối sinh lí, không rơ bằng mật ong. Trẻ nhỏ có những nốt trắng trên nước chỉ là nanh sữa, không cạy nốt này, sẽ tự hết, không ảnh hưởng tới việc bú và sức khỏe của trẻ.
– Vệ sinh móng tay, chân: Không nên để móng tay, chân bé quá dài, bé sẽ tự cào xước da mình. Thời gian cắt móng tay cho bé là sau khi tắm, lúc này móng tay bé mềm.
– Vệ sinh rốn: sau sinh trẻ được kẹp rốn, để hở không cần băng kín, cần giữ cho rốn khô, sau khi tắm dùng bông gòn lau khô rốn. Sau 7 – 10 ngày chào đời, dây rốn của em bé sẽ dần dần khô, trở thành màu đen và tự rụng ra.
– Phân của trẻ sơ sinh: Trong những ngày đầu sau khi sinh, phân trẻ sơ sinh được gọi là phân su. Phân su xuất hiện là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé hoạt động bình thường. Phân su có màu xanh đen, dính và sệt. Quá trình quan sát màu phân của trẻ sơ sinh, mẹ có thể nắm được tình hình sức khỏe của bé cũng như phát hiện một số bệnh trẻ em.
* Sau khoảng ba ngày bú sữa mẹ:
+ Màu sáng hơn, chuyển từ màu xanh nâu sang màu vàng. Phân vàng này có thể có mùi hơi ngọt.
+ Hơi lỏng. Thỉnh thoảng phân có thể lợn cợn hoặc vón cục.
* Phân trẻ sơ sinh bú sữa ngoài:
+ Nhiều hơn so với phân của bé bú sữa mẹ. Lý do là vì sữa công thức không thể được tiêu hoá hoàn toàn như sữa mẹ.
+ Màu vàng nhạt hoặc nâu vàng, có thể màu xanh do hàm lượng sắt dư thừa trong sữa trẻ không hấp thu hết.
4. Chăm sóc cân nặng của trẻ
Giảm cân là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong năm ngày đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh. Vì đây là giai đoạn những chất lỏng dư thừa trong cơ thể bé được tống ra ngoài. Bé giảm số cân không quá 10% trọng lượng sơ sinh của mình, gọi là hiện tượng sụt cân sinh lí. Nhưng mẹ yên tâm là bé sẽ lấy lại được cân nặng khi sinh của mình sau 01 – 02 tuần.
5. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ
Mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt để bé có thể nhận được lượng sữa non bổ dưỡng. Nếu mẹ cảm thấy sữa về chậm thì trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú. Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú mỗi lần cách nhau02 – 04 tiếng và khoảng 8 – 12 lần trong ngày. Mẹ cũng lưu ý tư thế bú và cách bú đúng giúp bé hấp thụ được lượng dinh dưỡng cần thiết, sau mỗi cử bú giúp trẻ ợ hơi tránh hiện tượng trẻ ọc sữa, chướng hơi khó chịu cho trẻ. Trẻ sơ sinh không cần uống thêm nước, nếu mẹ không đủ sữa có thể cho trẻ bú thêm sữa ngoài nhưng phải lưu ý khâu vệ sinh bình sữa, cách pha chế, bảo quản sữa pha.
Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ không có vitamin D3 nên cần bổ sung vitamin D3 hàng ngày cho trẻ với liều lượng 200 – 400 UI/ ngày, kèm theo tích cực cho trẻ phơi nắng.
6. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
Ngay sau khi sinh vài giờ, việc tiêm phòng 1 – 2 mũi cho bé là vô cùng quan trọng. Bé cần được tiêm bổ sung vitamin K và chủng ngừa viêm gan B chủng ngừa vắc xin lao(BCG), các mũi tiêm này được thực hiện tại bệnh viện trong 24 giờ sau sinh.
7. Giao tiếp với trẻ
– 01 tuần tuổi trẻ có thể nhìn được đồ vật ở khoảng cách 20 – 25 cm, trẻ học cách phản ứng với ánh sang, chuyển động, âm thanh, giọng nói.
– Ngày thứ 10 trẻ chỉ có thể nhìn được màu trắng đen và hình thù màu xám, trẻ đang học cách nhận ra mặt bố mẹ mình, trẻ tập trung nhìn nụ cười của mẹ, do đó mẹ nên cười thường xuyên với trẻ.
– 17 ngày tuổi, trẻ vẫn chỉ có thể nhìn thấy đồ vật ở khoảng cách 20 – 25cm, trẻ cũng có thể nhìn chăm chú vào một điểm lâu hơn trước, trẻ có thể quay đầu để nhìn đồ vật xung quanh, trẻ bắt đầu học cách giao tiếp bằng mắt với người lớn.
– 03 tuần tuổi, trẻ bắt đầu nhìn chăm chú vào vật màu trắng – đen trong vài phút, bố mẹ nên đưa các vật màu trắng đen lại gần để trẻ luyện thị giác, khả năng phối hợp giữa mắt và tay đang phát triển dần, trẻ nhận thức được nhiều đồ vật hơn, đặc biệt trẻ thich ngắm khuôn mặt của bố mẹ, lúc này bố mẹ hãy nói chuyện, cười, thè lưỡi để giao tiếp với trẻ, thường xuyên đưa các đồ vật khác nhau lại gần để luyện tập thị giác.
– Khi trẻ được 01 tháng tuổi, trẻ bắt đầu dùng tay với đồ vật lại phía mình, tìm kiếm các đồ vật xung quanh, phân biệt được các màu sắc khác nhau. Bạn có thể giao tiếp với bé của bạn bằng giọng nói, thị giác và khứu giác, nụ cười của bạn. Tất cả những thái độ hành động của bạn sẽ được bé tiếp thu và ghi nhận. Mẹ cũng sẽ nhanh chóng nhận thấy được ngôn ngữ cơ thể của bé.
Tài liệu tham khảo
1. Phác đồ điều trị bệnh lí sơ sinh 2012 Bệnh viện nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản y học.
2. Bệnh học da liễu 2017, Bộ môn da liễu Hà Nội, nhà xuất bản y học.
3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em 2016, Bộ Y tế, nhà xuất bản y học.
4. Phác đồ điều trị nhi khoa phần ngoại trú 2017, Bệnh viện nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản y học.