Huỳnh Anh

Huỳnh Anh là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Ông được biết đến nhờ những ca khúc: Mưa Rừng, Rừng Lá Thay Chưa, Thuở Ấy Có Em,… và tài năng đánh trống khiến người ta gọi ông là “tay trống giang hồ”.

Huỳnh Anh

Nhạc sĩ Huỳnh Anh ở tuổi 72

Tên thật, tên gọi khác (nếu có)

Huỳnh Anh
Tay trống giang hồ (biệt danh)

Giới tính

Nam

Sinh

2 tháng 1 năm 1932

Mất

13 tháng 12 năm 2013

Tuổi

Hưởng thọ 81 tuổi

Sự nghiệp

Vai trò chính

Nhạc sĩ

Vai trò khác (nếu có)

Nghệ sĩ trống

Trạng thái sự nghiệp

Ngừng hoạt động

Năm bắt đầu sự nghiệp

Đầu thập niên 1950
2004 (cộng tác với trung tâm Thúy Nga)

Năm kết thúc sự nghiệp

2013

Cộng tác với trung tâm Thúy Nga

Chương trình Paris By Night đầu tiên xuất hiện

Paris By Night 45 – Vào Hạ

Chương trình Paris By Night cuối cùng xuất hiện

Paris By Night 95 – 25th Anniversary (Phần 2) – Cảm Ơn Cuộc Đời

Số chương trình đã xuất hiện

PBN
TNMB
Live
Khác

3
0
0
0

Gia đình

Trạng thái hôn nhân

Đã kết hôn

Gia đình

– Huỳnh Văn Sâm (tức nghệ sĩ Sáu Tửng, cha)
– Lệ Hằng (người vợ trước)
– Nghệ sĩ Bạch Huệ (em gái) (1933 – 2013)
– Nghĩa (anh em kết nghĩa) (? – 2013)
– Một người vợ thứ hai chưa rõ tên
– Một người con trai chưa rõ tên
– Hai người con gái chưa rõ tên
– Các cháu nội, ngoại chưa rõ tên

Tiểu sử

Huỳnh Anh sinh ngày 2 tháng 1 năm 1932 tại Cần Thơ, cha ông là danh thủ Sáu Tửng, nghệ sĩ đàn kìm nổi tiếng của cải lương miền Nam và sau này là thầy dạy cổ nhạc của nữ nghệ sĩ Hương Lan.

Huỳnh Anh khởi đầu con đường nghệ thuật của mình với nghề đánh trống. Trong một buổi đứng xem các bạn học tập dượt văn nghệ để chuẩn bị trình diễn trong ngày bế giảng năm học, tay trống của ban nhạc hôm ấy bị bệnh mà không có người thay thế. Ông thầy hướng dẫn văn nghệ chợt thấy trong đám học sinh đứng coi có Huỳnh Anh, chú bé để tâm theo dõi tiếng đàn, giọng hát, hai tay gõ và chân nhịp rất đúng. Ông thầy gọi Huỳnh Anh vào chơi trống thử, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú bé chơi trống rất đúng, thế là Huỳnh Anh trở thành tay trống chính thức cho buổi trình diễn. Sau buổi trình diễn đó, Huỳnh Anh đã có một niềm đam mê lớn với bộ trống.

Năm 15 tuổi, ông lên Đà Lạt chơi trống cho một ban nhạc và chính thức bước vào con đường nghệ thuật từ đó. Những năm đầu thập niên 1950, tên tuổi của tay trống Huỳnh Anh đã lẫy lừng, ông ôm cặp dùi trống khuấy đảo khắp Sài Gòn, khi thì chơi trong các đoàn cải lương, khi thì chơi ở những phòng trà có các ban nhạc Philippines. Huỳnh Anh đã học được ở họ các ngón nghề độc đáo, chẳng mấy chốc ông đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí khác như guitar, piano, kèn, percussion,… Vào thời điểm đó, Sài Gòn có hai tay trống lừng lẫy là Huỳnh Anh và Huỳnh Hiếu. Huỳnh Hiếu là con của ông bầu cải lương Tư Chơi, được cha mướn thầy Philippines về dạy trống, trong khi Huỳnh Anh chủ yếu tự học (sau này có thêm tay trống nổi danh thứ ba là Phùng Trọng).

Mười năm sau, Huỳnh Anh trở thành trưởng ban nhạc và ông đã ký hợp đồng trình diễn với hầu hết các phòng trà ca nhạc và vũ trường của Sài Gòn đến năm 1975. Nhiều người còn nhắc đến một giai thoại lẫy lừng của anh, đó là cuộc “đọ trống” vô tiền khoáng hậu giữa Huỳnh Anh và tay trống người Mỹ lừng danh thế giới Buddy Rich tại rạp Hưng Đạo vào năm 1961, khi ấy ông mới 29 tuổi.

Song song với việc là một tay trống, ông cũng là một nhạc sĩ tân nhạc dù cha ông lại là một nhạc sĩ, nghệ sĩ cổ nhạc, và ca khúc đầu tay của ông là Em Gắng Chờ.

Năm 1961, đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga dựng vở cải lương Mưa Rừng của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, và Huỳnh Anh được mời viết ca khúc chủ đề cho vở tuồng này, và vở tuồng đã thành công ngoài dự kiến khi nó được chuyển thể thành phim vào năm 1962. Soạn xong ca khúc Mưa Rừng, ông tập cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga thể hiện nó trong vở tuồng và từ đó hai người nảy sinh tình cảm với nhau. Ông còn viết cho Thanh Nga bài Kiếp Cầm Ca, nhưng tình cảm giữa hai người đã không đủ lớn, và sau đó Thanh Nga đã lên xe hoa với Phạm Ngọc Lân.

Năm 1963, một phóng viên có bút danh Nguyễn Ngu Ý đã thực hiện bốn cuộc phỏng vấn với bốn nhạc sĩ: Trúc Phương, Huỳnh Anh, Lê Dinh và Minh Kỳ. Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi của Huỳnh Anh được thể hiện như sau:

Huỳnh Anh: Tôi thấy nhiều bạn lấy đôi điệu trong cổ nhạc miền Bắc, miền Trung, rồi chế biến ra. Nghe lên là ta thấy liền. Còn cổ nhạc miền Nam, thì có thể kể như là chưa được khai thác. Chẳng biết vì nó không hợp với việc này, hay là nó bị bỏ quên…

Nguyễn Ngu Ý: Nhưng mà ảnh hưởng cổ nhạc miền Nam đối với dân chúng vẫn khá đậm đà chớ?

Huỳnh Anh: Dĩ nhiên là đậm đà nhiều. Anh vô chơi những xóm lao động ở Đô thành, hoặc về nhà quê, thì anh thấy rõ. Tôi có thể nó mà không sợ trật bao nhiều, là ảnh hưởng đó đến bảy chục phần trăm chớ chẳng ít. Chắng biết anh có để ý không, chớ tôi thấy những người dân thường, dạy đi dạy lại một bài Tân nhạc dê dễ, họ thường hát sai; nhưng dạy qua một bài Bình bán, hay nói lối Vọng cổ, thì họ hát đúng dấu nhịp nhàng chưa vững. Điều này chứng tỏ nhạc cổ truyền đã ăn sâu vào hồn dân tộc.

Nguyễn Ngu Ý:  Anh gần bạn trẻ nhiều, chắc anh rõ sở thích của họ về nhạc.

Huỳnh Anh: Bạn trẻ đây là bạn trẻ Đô thành, anh phải hiểu cho tôi như thế mới được. Cổ nhạc, thì họ không thích mấy, anh còn lạ gì tuổi trẻ hay chuộng những gì mới, lạ. Tân nhạc, thì họ thích vừa vừa, còn nhạc Âu-Mĩ, thì họ rất thích. Tôi xin nói rõ nhạc Âu-Mĩ đây, không phải là loại nhạc cổ điển, mà là loại nhạc vui nhẹ (musique légère), loại nhạc khiêu vũ.

Cũng trong năm 1963, nhạc sĩ Huỳnh Anh gặp một cậu bé 12 tuổi tên là Trương Chiêu Thông (ca sĩ Thái Châu sau này) và ông đã dạy trống miễn phí cho cậu bé này. Chính ông cũng là người đã dìu dắt nữ danh ca Phương Dung trên con đường âm nhạc. Vào những năm 1968 – 1969, ban nhạc của Huỳnh Anh thường xuyên mời Phương Hồng Quế đi hát cùng, khi ấy bà đang là một cô bé 15 tuổi đang trên đà nổi tiếng.

Ngoài ra, ông còn có ca khúc Sa Mạc Tuổi Trẻ, vốn là kết quả của việc không kịp sáng tác xong một ca khúc để dùng cho một bộ phim có tên Điệu Ru Nước Mắt với nguyên tác bởi nhà văn Duyên Anh. Bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím là ông đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của một thi sĩ có hai bút danh Kiên Giang/Hà Huy Hà, người được cho là bậc thầy của hai soạn giả cổ nhạc nổi tiếng là Hà Triều và Hoa Phượng (hai tác giả của tuồng Mưa Rừng). Huỳnh Anh còn được biết đến là một người bạn đồng niên tri kỉ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và cũng là người đã đóng góp vào sự thành công của hai hãng đĩa Sơn Ca và Continental do vị đại tá Quân lực VNCH quản lý.

Năm 1970, ông lại được gặp lại Thanh Nga thông qua đề nghị viết nhạc của chị gái bà, và đề nghị đó là viết nhạc cho phim Loan Mắt Nhung của đạo diễn Lê Dân, vốn là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Và ca khúc Loan Mắt Nhung đã ra đời. Cũng trong năm đó, ông viết cho Phương Hồng Quế một ca khúc mà sau đó bà phải biểu diễn nó ngay trong buổi tối sau khi ca khúc đó được viết xong.

Về cuộc sống gia đình, trước năm 1975, nhạc sĩ Huỳnh Anh từng kết hôn với Lệ Hằng, một người phụ nữ đẹp nức tiếng thời đó. Bà là con của chủ một hộp đêm nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không lâu sau tan vỡ khi hai người đã có với nhau một con gái. Theo lời danh ca Phương Dung, lý do là bởi nhạc sĩ Huỳnh Anh rất hay ghen và cuộc sống của hai người có nhiều điều bất đồng. Sau khi chia tay vợ, nhạc sĩ Huỳnh Anh trở nên mất phương hướng. Ông gần như buông xuôi tất cả. Những ca khúc của ông ra đời trong giai đoạn đó đều thể hiện niềm đau chất chứa của một người đàn ông hết lòng trong tình yêu nhưng bị đời, bị người trả lại toàn những cay đắng, trái ngang.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Huỳnh Anh định cư ở Mỹ. Không sống được với nghề nhạc khi ông thành lập một ban nhạc rồi tan rã chỉ sau sáu ngày hoạt động, ông làm nghề lái taxi ở vùng San Francisco một thời gian dài, rồi chuyển về sống ở San Jose. Năm 1981, bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của thi sĩ nổi tiếng Hoàng Ngọc Ẩn được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc nổi tiếng mà không cần sửa bất kỳ chữ nào của bài thơ. Ngoài ra, ông còn viết thêm một bài khác, đặt tên là Thành Phố Sương Mù (sau này ca khúc được tiết lộ là viết riêng cho nữ ca sĩ Như Quỳnh và được dàn dựng thành MTV bonus trong Paris By Night 54 – In Concert). Ở Mỹ, ông sống lặng lẽ, ẩn dật và ít tham gia các sinh hoạt văn nghệ kể cả khi đã dời về tiểu bang California, nơi có đông các nghệ sĩ, nhạc sĩ người Việt sinh sống.

Mùa hè năm 2003, trong một buổi văn nghệ tại nhà hàng Thành Được do chính nghệ sĩ Thành Được tổ chức, Huỳnh Anh gặp lại nhạc sĩ Lam Phương là một trong những người bạn cũ của ông và đã không khỏi xúc động khi thấy Lam Phương đi đứng, nói chuyện không được bình thường như trước do ảnh hưởng từ cơn đột quỵ cách đây bốn năm trước.

Năm 2004, khi nhạc sĩ đã 72 tuổi, trung tâm Thúy Nga mời ông thực hiện chương trình Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa và chơi trống trong ca khúc Loan Mắt Nhung thể hiện bởi nam ca sĩ Thái Châu vốn là học trò của mình cách đây nhiều năm về trước. Sau phần giới thiệu dòng nhạc của Huỳnh Anh, ông có thể được nhìn thấy là đang ngồi gần ông Tô Văn Lai để theo dõi chương trình và nghe bậc tiền bối của mình là nhạc sĩ Nguyễn Hiền chia sẻ trên sân khấu. Trong chương trình Paris By Night 95 thu hình cuối năm 2008, ông có thể được nhìn thấy đang ngồi dưới sân khấu khi Thế Sơn thể hiện một trong những ca khúc của ông, Đời Tôi Chỉ Một Người.

Sau đó, ông sống lặng lẽ với một người anh em kết nghĩa tên Nghĩa cho đến khi hai người lần lượt qua đời vào ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2013 tại San Francisco, riêng nhạc sĩ qua đời chỉ vài tuần trước ngày sinh nhật thứ 82 của ông do bệnh ung thư phổi và gan.

Di sản để lại

Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã để lại cho hậu thế ít nhất hơn 30 ca khúc, nổi tiếng nhất trong số đó là Mưa Rừng đã được nghệ sĩ Thanh Nga và sau này là nữ ca sĩ Như Quỳnh thể hiện thành công, ngoài ra còn có Kiếp Cầm Ca, Biết Nói Gì Đây, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo TímRừng Lá Thay Chưa.

Các mối quan hệ

Nhạc sĩ Huỳnh Anh có mối quan hệ rất rộng với những nghệ sĩ cổ nhạc (vì cha ông là nghệ sĩ cổ nhạc rất nổi tiếng) và các nhà làm phim khi ông được họ mời viết nhạc phim cho những bộ phim của họ. Ngoài ra, ông có một mối tình đơn phương với nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và quen biết khá rõ gia đình của nữ nghệ sĩ này.

Xuất hiện trong Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa

Nhạc sĩ Huỳnh Anh xuất hiện tổng cộng là năm lần trên sân khấu, tương đương với năm lần ông được phỏng vấn bởi MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Lần 1

Nguyễn Ngọc Ngạn: Kính thưa quý vị, sau hai nhạc phẩm Sa Mạc Tuổi Trẻ và Biết Nói Gì Đây, chúng tôi hân hạnh kính mời quý vị cùng chúng tôi gặp gỡ nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Huỳnh Anh: (bước ra sân khấu, đứng cùng Nguyễn Ngọc Ngạn) Huỳnh Anh xin kính chào quý khán giả Paris By Night Toronto.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa quý vị, anh Huỳnh Anh sinh tại Cần Thơ, năm nay anh vừa bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Nói đúng ra là anh 71 tuổi ta phải không anh?

Huỳnh Anh: (quay sang Nguyễn Ngọc Ngạn, nhắc nhỏ)

Nguyễn Ngọc Ngạn: À… tuổi tây. 71 tuổi tây, 72 tuổi ta, nhưng quý vị thấy rằng là… sở dĩ mà tôi nhấn mạnh như vậy bởi vì tôi sắp sửa khoe với quý vị cái hình này (đưa một tấm hình chụp nhạc sĩ Huỳnh Anh với cố nghệ sĩ Thanh Nga cho khán giả cùng xem) Cái hình này thì chắc là chính anh Huỳnh Anh cũng cảm thấy ngạc nhiên… đây anh. (cho nhạc sĩ Huỳnh Anh xem tấm ảnh đó) Thưa anh, ở trong cái hình này là anh Huỳnh Anh chụp với nữ nghệ sĩ lừng lẫy của chúng ta là Thanh Nga… thì thưa anh, ở đâu ra cái hình này như thế này… giống hình đám cưới thế này anh?

Huỳnh Anh: Chính tôi còn không biết ở đâu mà anh có cái hình này…

Nguyễn Ngọc Ngạn: À, đây là sự sưu tầm của trung tâm Thúy Nga, nhưng mà trước khi hỏi anh thêm thì xin gửi đến quý vị hai bức hình nữa. (đưa một tấm hình chụp một phân cảnh trong tuồng Mưa Rừng cho khán giả xem) Đây là tuồng Mưa Rừng với Hữu Phước và Thanh Nga, và cũng ở trong tuồng Mưa Rừng đó… (đưa một tấm hình khác nữa, cũng về chủ đề tuồng Mưa Rừng) …đây là hình của Hữu Phước và Ngọc Giàu. Sở dĩ chúng tôi trình làng quý vị cái này là bởi vì sắp sửa nhờ anh Huỳnh Anh nói về tuồng Mưa Rừng.

Thưa quý vị, khi nhắc đến anh Huỳnh Anh thì chúng ta có nhiều nhạc phẩm của anh quá nổi tiếng, chẳng hạn như là Thuở Ấy Có Em, quý vị mới nghe Trần Thái Hòa hát mới đây và Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím chẳng hạn. Nhưng mà hễ nói đến Huỳnh Anh thì tên tuổi gắn liền với tác phẩm Mưa Rừng. Thưa anh, Mưa Rừng là một vở tuồng cải lương nổi tiếng, năm 61 là thực hiện tuồng cải lương của Hạ Triều Hoa Phượng, năm 62 chuyển thành phim… thì anh là người viết bản nhạc làm cho tác phẩm ấy trở thành nổi tiếng hơn, thì thưa anh, do sự quen biết hay là Thanh Nga nhờ anh, hay là đạo diễn nhờ anh, hay là hãng phim nhờ anh?

Huỳnh Anh: Thưa anh, nói đến bài Mưa Rừng thì trước nhất tôi phải nói rằng tôi là người tập cho Thanh Nga hát.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng.

Huỳnh Anh: …Vì chỗ đó nên lúc gần cái tuồng Mưa Rừng này sắp thành hình, cô Thanh Nga với cả Hạ Triều Hoa Phượng có nhờ tôi, rằng anh Huỳnh Anh có thể viết cho Thanh Nga một cái bản nhạc tân nhạc cho nó đặc biệt, lạ để cho cô Thanh Nga hát trong cái tuồng Mưa Rừng.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng.

Huỳnh Anh: …Thì anh có thể hiểu là từ chỗ đó mà mới có cái bài Mưa Rừng.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng. Ý của anh Huỳnh Anh có nghĩa là cô Thanh Nga hát đầu tiên mà trước đó không có ca sĩ tân nhạc nào trình bày, có phải không thưa anh?

Huỳnh Anh: Đúng.

Nguyễn Ngọc Ngạn: …Để anh muốn đánh dấu, bất kỳ một người nghệ sĩ nào cũng có một bài ca đánh dấu. Thưa quý vị, xin phép anh Huỳnh Anh là chúng tôi phải kể ngay cái tích Mưa Rừng bởi vì có nhiều quý vị khán – thính giả trẻ tuổi – cái lớp chúng tôi còn hiểu được nhưng lớp cô Kỳ Duyên trở xuống thì chắc là không nhớ tuồng Mưa Rừng của Hạ Triều Hoa Phượng.

Tức là câu chuyện lấy bối cảnh là một đồn điền, có thể là đồn điền cà phê, có thể là thời Pháp thuộc. Ở trong đó, con gái ông chủ đồn điền đã có chồng nhưng người chồng đó bị bệnh tâm thần cho nên vẫn giấu riêng ở trong phòng – thì ông chủ đồn điền mới mướn một người thanh niên ở thành phố lên mà chúng ta gọi là thầy cai tại vì coi thợ, và lại đồng thời mướn một cô sơn nữ tên là K’lai để cô đó lo cơm nước cho người chồng bị bệnh của con gái chủ đồn điền. Chuyện tình xảy ra là cái cô sơn nữ K’lai mà Thanh Nga đóng yêu thầy cai, mà cô gái con ông chủ đồn điền đã có chồng bị bệnh cũng yêu thầy cai. Khi thầy cai đó tìm ra sự thật như vậy, giữa ngã ba đường không biết giải quyết thế nào thì anh đã chọn một con đường đẹp nhất là anh bỏ đồn điền trở về thành thị để xa lánh tất cả những chuyện tình đó. Và thưa quý vị, vở tuồng với bản nhạc nổi tiếng Mưa Rừng, bây giờ chúng tôi mời quý vị thưởng thức – chúng tôi dàn dựng lại theo đúng nội dung đó – mời quý vị thưởng thức phần trình diễn của nữ ca sĩ Như Quỳnh.

Lần 2

Nguyễn Ngọc Ngạn: Kính thưa quý vị, chúng tôi đang nói dở dang với tác giả Mưa Rừng về bài hát đặc biệt anh viết riêng cho Thanh Nga. Thanh Nga, lúc đó thì tên tuổi bên cổ nhạc đã quá lớn, nhưng mà có phải rằng Thanh Nga trước đó chưa bao giờ hát tân nhạc và anh viết bài này rồi anh bắt đầu đưa Thanh Nga vào tân nhạc, phải không thưa anh?

Huỳnh Anh: Đúng ra thì trước khi tôi viết bài Mưa Rừng này, tôi đã viết riêng cho Thanh Nga bài Kiếp Cầm Ca.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng.

Huỳnh Anh: …Nhưng mà Kiếp Cầm Ca thì cô ấy đang dượt, đang tập hát tuồng Mưa Rừng sắp cận chiếu, thành ra tôi mới viết cho cô Thanh Nga bài Mưa Rừng. Nhưng mà phải nói, khi cô Thanh Nga hát đầu tiên ở trong Đài Phát thanh Sài Gòn thì cái bài đó tôi lại nổi tiếng. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng. Tức là anh đang muốn cám ơn Thanh Nga về việc đó. Thưa anh, có lẽ cũng vì cái giao tình gắn bó mà anh dạy Thanh Nga hát, cho nên tôi đọc một bài báo của Huỳnh Công Minh, nói rằng lúc đó Thanh Nga mới có 22 tuổi và anh là một trong những người xếp hàng nộp đơn, có đúng không anh?

Huỳnh Anh: Cái chuyện đó thì… anh đừng có hỏi ở đây.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là anh xác nhận là có?

Huỳnh Anh: Ừ. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: (cười) Nhưng mà nghe nói là anh có quen biết với gia đình Thanh Nga…

Huỳnh Anh: Không, tôi thân với gia đình Thanh Nga nhất, nhất là tôi thân với anh ruột Thanh Nga.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng. Sở dĩ mà phải nói cái đó vì thân phụ của nhạc sĩ Huỳnh Anh đây là danh cầm cổ nhạc “Sáu Tửng” Huỳnh Văn Sâm, trong các tài liệu sưu tầm về cổ nhạc nói rằng các nghệ sĩ cổ nhạc tiền phong thời đó, chẳng hạn như là Phùng Há, mỗi khi thâu đĩa hay trình diễn cổ nhạc vọng cổ thì phải đòi cho được ông Sáu Tửng đến đệm đàn. Ông là một danh cầm lúc đó, nhưng mà anh Huỳnh Anh lại theo con đường tân nhạc và người em gái lại trở thành nữ ca sĩ Bạch Huệ cũng là một người nổi tiếng trong các phòng trà và hãng đĩa Asia của thập niên 40, 50 phải không anh? Nhờ vị trí của nhạc sĩ Sáu Tửng mà anh Huỳnh Anh mới quen biết rất nhiều trong giới cổ nhạc, mặc dầu anh là nhạc trưởng của phòng trà Mỹ Phụng – lúc đó anh lừng danh, được người ta nhắc đến là một tay trống kì tài của Sài Gòn, thưa anh. Nhưng mà, dựng lại màn của Như Quỳnh để hát bản nhạc Mưa Rừng thì chúng tôi cũng mừng vì đã gặp anh ở đây.

Thưa quý vị, anh Huỳnh Anh là một người ít nói cho nên quý vị sẽ thấy hơi phiền vì tôi cứ lấn anh, anh không chịu nói, anh nói thêm một chút thì tôi đỡ phải nói, có phải không anh? Bây giờ xin hỏi thêm, tại sao thân phụ anh là một danh cầm lừng lẫy ở giới cổ nhạc mà anh lại theo đường tân nhạc?

Huỳnh Anh: Thực chất là lúc nhỏ tôi không sống với gia đình. Ba má tôi bận đi hát, tôi đi học ở Cần Thơ. Lúc Cần Thơ… anh có biết cái buổi phát phần thưởng cho học trò đó…

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng.

Huỳnh Anh: Lúc đó tay trống bị bệnh, tôi ngồi tôi mới thấy ban nhạc dượt mà không có trống thì tôi mới nhịp thế này hoài. Thằng kia nó nói: “Ê anh, mày vô mày thử nhịp đi.” Nhịp thì tôi mới thấy rằng tôi mới đúng nhịp. “Cầm dùi lên mày nhịp thử coi!”

Thì tôi đã nói vắn tắt với quý vị, chính đêm đó tôi là người đánh trống đầu tiên.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là anh nhớ ơn cái người đánh trống bị bệnh đó.

Vâng, xin ngắt lời anh Huỳnh Anh ở đây, để trở lại với nhạc phẩm đầu tay của nhạc sĩ Huỳnh Anh, Em Gắng Chờ, mời quý vị thưởng thức tiếng hát của nam ca sĩ Trần Thái Hòa.

Lần 3

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi tuổi già sức yếu, xin mãi trung tâm Thúy Nga mới cho ngồi ghế… Show sau tôi sẽ xin cái giường.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Thưa anh Huỳnh Anh và thưa anh Ngạn và quý vị, em không biết là Kiếp Cầm Ca… ca sĩ trong Kiếp Cầm Ca của anh, đời sống đau khổ thế nào, nhưng mà như quý vị thấy trên sân khấu, 8 ông đẹp trai chung quanh lại có 4 ông bế đi vòng vòng nữa… Ca sĩ bên này có vẻ không hẩm hiu lắm. Em muốn hỏi anh là cái bài này anh viết, tại vì qua cái nhìn nào mà anh thấy cuộc đời ca sĩ đau khổ hay là hẩm hiu?

Huỳnh Anh: Thưa quý vị, hồi nãy anh đã nói với anh Ngạn là Kiếp Cầm Ca, anh đã viết cho cô Thanh Nga. Anh có nghe lời trong đó “Khi cánh nhung khép im lìm” – trong phòng trà thì làm gì có cánh nhung – rồi “…ánh đèn lặng tắt, hỡi ai nỗi niềm”, anh muốn viết cho cô Thanh Nga mà không biết anh gửi nỗi niềm hay cô gửi nỗi niềm. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Bây giờ chúng ta chuyển sang một chút, là… trước đây tôi có nhắc đến bài thơ lừng danh mà anh phổ nhạc là Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, sau đó ra hải ngoại anh lại phổ nhạc một bài thơ khác mà cũng tạo nên tên tuổi lớn là Rừng Lá Thay Chưa, có phải không thưa anh? Thì thường thường tác giả bài thơ đưa thơ cho anh để nhờ hay anh tự tìm những bài thơ anh cảm thấy tâm đắc để anh phổ nhạc, thưa anh? Chẳng hạn anh nói lùi lại về bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím rồi sau đến bài thứ hai là Rừng Lá Thay Chưa.

Huỳnh Anh: Hai bài thơ mà anh vừa nói đến, trước nhất cái bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, tôi đã đọc thấy dòng chữ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím tôi đã thấy phê rồi. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là anh đã thấy cái nhịp điệu…

Huỳnh Anh: Tôi đã viết câu nhạc nằm trong Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím rồi. Sau 75 tôi qua đây, tôi lại gặp một bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn. Khi tôi đọc dòng chữ “Anh đi rừng chưa thay lá, em về rừng lá thay chưa?” thì tôi nói thật, tôi cũng phê và tôi mới viết bài đó đấy. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là trong câu thơ anh đã thấy chất nhạc rồi.

Huỳnh Anh: Lúc ấy tôi đã có nhạc cho tựa đề của câu thơ đó rồi.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Nếu như vậy thì thưa anh, thế thì còn cả một bài thơ, khi anh sáng tác anh có phải đổi chữ nào để cho phù hợp với nốt nhạc hay là anh giữ nguyên bài thơ đó?

Huỳnh Anh: Nó có hai trường hợp: bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím rất hay, nhưng mà trong đó hơi dài quá, thành ra nếu mình viết hết thì tôi nghĩ là không được, nhưng hên là tôi viết bài đó của ông “Kiên Giang” Hà Huy Hà, chính ông Hà Huy Hà đã tới nói chuyện với tôi, ông ấy nói “Huỳnh Anh ơi, viết như thế được rồi.” thành ra tôi mới dám viết.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Cũng xin thưa với quý vị là “Kiên Giang” Hà Huy Hà, nhà thơ này cũng có gắn liền với giới cổ nhạc và văn nghệ tại Việt Nam.

Huỳnh Anh: Ông “Kiên Giang” Hà Huy Hà cũng là một soạn giả mà chính ông đã đưa tên tuổi Thanh Nga lên nổi tiếng trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng thưa quý vị, bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc, chúng tôi mời quý vị thưởng thức qua hai tiếng hát Hương Thủy và Mạnh Quỳnh.

Lần 4

Nguyễn Ngọc Ngạn: Kính thưa anh Huỳnh Anh, sở dĩ tôi giữ anh lại đây là bởi vì để hỏi thăm anh về nhạc phẩm kế tiếp có tựa đề Loan Mắt Nhung.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Xin anh, em thì chưa bao giờ nghe nhạc phẩm này nhưng lúc nãy anh vừa mới nói là nghe tựa đề là Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím là anh đã nghe được cái nhạc, thì em chỉ vừa nghe đến tựa đề bài Loan Mắt Nhung, thì em phải tưởng tượng ra một người con gái có cặp mắt đẹp mơ huyền đen nhánh. Người đàn bà này là ai mà có trong nhạc vậy anh?

Nguyễn Ngọc Ngạn: Khoan. Cô hỏi vậy chẳng những nhạc sĩ Huỳnh Anh buồn, tác giả Nguyễn Thụy Long lại còn buồn hơn và khán giả thì lại vui hơn, bởi vì Loan đây là đàn ông. Loan “mắt nhung” là một người du đãng mà là đàn ông chứ không phải là đàn bà.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: (ngạc nhiên) Nhưng mà sao du đãng mà tên Loan? Em nghe Loan là phải tên một người con gái yểu điệu – nếu là du đãng thì phải là Ngạn “mắt nhung” hay cái gì thì nghe nó mới oai chứ – mắt anh Ngạn mà gỡ kính ra cũng đẹp lắm, thưa quý vị. (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa quý vị, đúng ra chúng ta phải nói rằng nhạc sĩ Huỳnh Anh có cái duyên với các nhà làm điện ảnh.

Đầu tiên là bài Sa Mạc Tuổi Trẻ do Nguyễn Hưng trình diễn, đúng ra là anh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt dựa theo tiểu thuyết Duyên Anh, nhưng anh viết không kịp vì nhà sản xuất cần sản xuất ngay cuốn phim đó mà anh là người cẩn trọng, viết không kịp, đúng ra nó là một trong những bản nhạc phim nên anh mới đổi thành Sa Mạc Tuổi Trẻ. Bài thứ hai, Mưa Rừng, anh viết cho tuồng và phim Mưa Rừng, và bản thứ ba là bản Loan Mắt Nhung – anh viết cho cuốn phim Loan Mắt Nhung, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thụy Long. Đây là tác phẩm đầu tay viết về thanh thiếu niên bụi đời – lúc đó có một phong trào viết về du đãng, có hai nhà văn nổi tiếng là nhà văn Duyên Anh và nhà văn Nguyễn Thụy Long. Nhà văn Nguyễn Thụy Long hiện còn sống. Ở Việt Nam, lối văn của anh sát với lớp thanh thiếu niên bụi đời hơn. Khi cuốn này được thực hiện thành phim, chúng tôi thấy có bản nhạc đề là tác giả Huỳnh Anh. Xin hỏi anh là đạo diễn mời anh hay là Nguyễn Thụy Long mời anh, hay là hãng phim nhờ anh viết nhạc phẩm này cho cuốn phim đó, thưa anh?

Huỳnh Anh: Thưa anh, không. Người yêu cầu tôi viết là chị của Thanh Nga với ông đạo diễn Lê Dân – lên trên chỗ phòng trà tôi làm bả mới nhờ tôi: “Em, chị muốn nhờ em một chuyện về nhạc. Chị sắp sửa làm một cuốn phim mà cần đến em viết viết một bản nhạc đệm.”, tôi mới trả lời là tôi phải coi phim tôi mới có thể theo dõi chứ, rồi mới nói: “Ngoài cái chuyện đó em còn phải viết một bản nhạc. Bản nhạc thì em viết được nhưng chính em phải hát trong phim đó nữa.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là hồi đó anh cũng là ca sĩ?

Huỳnh Anh: Tôi cũng là ca sĩ. Ca sĩ mà khi nào tôi uống hai, ba ly Martell là tôi ca còn hơn cái gì nữa… (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: (mở tập bản nhạc ca khúc Loan Mắt Nhung) Thưa quý vị, cái này không phải là anh Huỳnh Anh nói đùa, là bởi vì trong nhạc phẩm này đã có ghi là “Nhạc phẩm này do chính tác giả trình bày trong phim.” Tiếc là chúng ta không có phim này để coi lại nhưng mà thưa quý vị, hồi đầu chúng tôi có trình với quý vị, anh Huỳnh Anh là một tay trống lừng danh ở Sài Gòn, mặc dù tuổi đã ở 72, nhạc phẩm này chất chứa đầy kỷ niệm chơi trống ở phòng trà cho nên không thể không mời anh trở sang sân khấu để cùng với ban nhạc biểu diễn với hai cây dùi trống. Nhạc phẩm Loan Mắt Nhung với phần trình diễn của nam ca sĩ Thái Châu, xin mời anh.

Huỳnh Anh: (đứng lên) Xin có một điều nói với anh Ngạn. Lớn tuổi rồi, bây giờ quý vị nhìn hình ảnh tôi ngồi trên trống thôi chứ không biết tôi có rớt dùi hay không, quý vị tha thứ cho Anh. (rời sân khấu và đi đến ban nhạc)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng, thưa quý vị, anh Huỳnh Anh lúc nãy khi trung tâm Thúy Nga đề nghị anh đánh trống thì anh ấy ngại ngùng lắm, anh ấy nói là không biết cái hình ảnh của tôi, tại vì trống là phải biểu diễn, mà cái hình ảnh ông cụ 72 như thế này thì “Không, người ta hình dung ra cái hình ảnh 40, 50 năm về trước nên anh cứ yên chí.”

Lần 5

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh, trước khi giới thiệu một, hai bản để tạm biệt phần của anh trong chương trình ngày hôm nay thì xin có một vài câu hỏi nữa. Thưa anh, anh sáng tác bằng gì, bởi vì không lẽ anh viết nhạc bằng trống?

Huỳnh Anh: Tôi đàn piano, đàn guitar, đàn violin.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng, vậy là thường thì anh viết nhạc trên piano.

Huỳnh Anh: Có nhiều khi tôi viết bằng cái này (chỉ vào đầu) xong rồi tôi mới lấy piano viết sau.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng. Thưa anh, từ ngày anh ra hải ngoại thì anh định cư ở thành phố nào? Anh là một người trầm lặng, ít có tham gia trở lại sinh hoạt văn nghệ, thành thử chính anh em chúng tôi cũng không biết anh ở đâu.

Huỳnh Anh: Tôi qua bên đây năm 75 là ở lại đây cho đến bây giờ.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thế thì anh, trong suốt gần ba mươi năm đó thì anh có sáng tác thêm, anh có liên lạc với các trung tâm hay có đi trình diễn bởi vì lúc anh sang đây thì anh mới có 50 tuổi, đâu có gì gọi là già lắm? Còn đánh trống được chứ, phải không anh?

Huỳnh Anh: Tôi qua bên đây, năm 76 tôi có họp lại với một số anh em, lần đầu tiên ban nhạc Việt Nam chơi ở Hollywood, nhưng mà được sáu ngày thì bỏ luôn.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Tức là vì đời sống khiến anh bỏ, rồi anh không viết thêm bài nào nữa hay sao?

Huỳnh Anh: Thì tôi viết thêm cái bài Rừng Lá Thay Chưa đó.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Chỉ có một bài thôi?

Huỳnh Anh: Sau có viết một bài nữa, quý vị đã nghe rồi – Thành Phố Sương Mù mà Như Quỳnh đã thâu cho Thúy Nga.

Nguyễn Ngọc Ngạn: À… Nói chung là trong 30 năm vừa qua anh viết hai bài, 15 năm anh mới viết được một bài. Vâng. (cười)

Thưa anh, tại vì anh Huỳnh Anh chúng tôi ít gặp lắm, gần như là các nhạc sĩ khác mà trong 12 năm chúng tôi sinh hoạt văn nghệ thì ít nhiều cũng có tiếp xúc hoặc phần lớn là các nhạc sĩ cũng như các ca sĩ của chúng ta dọn về phía nam Cali là một tổ ấm, trung tâm sinh hoạt văn nghệ, thành thử chúng tôi được gặp nhiều. Lâu lâu mới có một vài nhạc sĩ ẩn mình như là nhạc sĩ Huỳnh Anh đây, thành thử ra ít khi được gặp.

Thưa anh Huỳnh Anh, trước khi giới thiệu nhạc phẩm kế tiếp, hôm nay trung tâm Thúy Nga được hân hạnh đón anh trở lại đây để quý vị khán thính giả bốn phương, nhưng người yêu nhạc của anh hoặc là những người yêu những bản nhạc rất quen thuộc mà không biết đó là của Huỳnh Anh thì hôm nay mới được diện kiến anh, được biết những bản nhạc đó và cống hiến cho đời. Trước khi tạm biệt quý khán thính giả, cũng xin anh có một đôi lời gửi đến quý vị.

Huỳnh Anh: Trước hết tôi xin cám ơn quý khán thính giả Toronto. Cám ơn các ca, nhạc sĩ đã ca ra nhạc phẩm của tôi, và gửi lời thăm đến các ca, nhạc sĩ còn ở Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh Huỳnh Anh, trong giây phút này tôi biết là anh rất xúc động bởi vì nó ôn lại cho anh rất nhiều kỉ niệm, không dám làm phiền anh thêm vì biết anh đang bồi hồi lắm. Chúng tôi chỉ xin mời quý vị cùng anh nghe lại bản nhạc quen thuộc của anh, Lạnh Trọn Đêm Mưa, dàn dựng bởi một người nghệ sĩ mù yêu một cô ca sĩ nhưng không dám nói. Thưa quý vị, Lạnh Trọn Đêm Mưa, qua phần trình diễn của nữ ca sĩ Minh Tuyết.

Thông tin bên lề

  • Nhạc sĩ Huỳnh Anh thích uống rượu Martell V.S.O.P. nhãn đỏ, và ông tiết lộ rằng ông chỉ hát sau khi đã uống một lượng rượu nhất định. Được biết, có một lần chính bản thân ông đã thể hiện ca khúc Thuở Ấy Có Em với một tay cầm micro và tay còn lại cầm chai rượu và diễn tả hình ảnh của một người say rượu.
  • Huỳnh Anh từng viết một ca khúc có tựa đề Đời Tôi Chỉ Một Người, tuy nhiên ông đã từng kết hôn tới hai lần và cả hai lần đều đi đến kết cục không mấy tốt đẹp.
  • Huỳnh Anh và Tùng Giang đều từng nổi danh tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 nhờ tài chơi trống, cả hai người đều có sáng tác trước và sau năm 1975, đều đã từng kết hôn hai lần và đều được trung tâm Thúy Nga mời tham gia chương trình vinh danh dòng nhạc của mình. Tuy nhiên, Huỳnh Anh có thể chơi trống trong chương trình vinh danh dòng nhạc của mình dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng Tùng Giang lại không thể vì tình trạng sức khỏe không cho phép.
  • Giống như hai nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Song Ngọc, Huỳnh Anh cũng qua đời vào quý cuối cùng trong năm (Song Ngọc qua đời tháng 10 và Nguyễn Hiền qua đời tháng 12). Đặc biệt, ông qua đời vào đúng ngày thứ sáu ngày 13.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *