Hướng dẫn xử trí sốt cho trẻ tại nhà – Bệnh viện Quân Y 103

Sốt là phản ứng sinh học bình thường để bảo vệ cơ thể trước nhiều yếu tố tác động thông thường như vi khuẩn, virus… Cơn sốt có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong 24 giờ, trẻ có thể sốt cao về chiều tối, ban đêm. Ở trẻ em dưới 6 tuổi khi bị sốt cao có thể gây co giật. Thuốc hạ sốt thông thường sau khi dùng khoảng hơn 30 phút mới có tác dụng. Do vậy người chăm sóc trẻ cần biết cách xử trí sốt cho trẻ tại nhà trước khi cho bé đến cơ sở y tế thăm khám và tìm nguyên nhân.

1.Thế nào là sốt?

– Nhiệt độ cơ thể bình thường ở trẻ: 36,5o C – 37,4o

– Sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5°C).

2. Cách xác định trẻ có bị sốt hay không?

Dụng cụ đo: Nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử

– Đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí: tai, trán, nách, miệng, hậu môn.

– Đo nhiệt độ ở miệng hoặc hậu môn chính xác tuy nhiên người đo phải thành thạo cách sử dụng, nhiệt kế phải được vệ sinh sạch trước và -. sau mỗi lần đo. Nhiệt kế đo nhiệt độ hậu môn nên có một cái riêng. Không nên sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ ở miệng vì nếu nhiệt kế bị vỡ sẽ rất nguy hiểm.

– Đo nhiệt độ ở nách là cách hay được sử dụng. Nhiệt độ ở nách thông thường sẽ thấp hơn nhiệt độ đo hậu môn khoảng 0,5°C. Sử dụng nhiệt kế thủy ngân sẽ phải kẹp khoảng 5 – 7 phút. Thời gian cặp nách của nhiệt kế điện tử là 2 phút nên rất thích hợp với các bé dưới 2 tuổi.

3. Cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

– Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ ≥ 38.5°C nếu đo ở hậu môn (nếu cặp nách là ≥ 38°C), tránh để trẻ chờ đến cơ sở y tế mới được dùng thuốc hạ sốt.

– Thuốc hạ sốt: Paracetamol 15mg/kg/lần, cách 4- 6 giờ có thể dùng lại. Chú ý: thuốc hạ sốt paracetamol có nhiều loại, nhiều hàm lượng, nên các bà mẹ nên chú ý dùng đúng liều, đúng loại mà thầy thuốc đã chỉ định.

4. Các biện pháp hỗ trợ hạ sốt

– Để trẻ nằm phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế số lượng người xung quanh. Nới bớt quần áo cho trẻ. Cho trẻ tiếp tục bú mẹ (nếu trẻ còn bú), uống nhiều nước.

– Chườm ấm hạ sốt: Dùng khăn tẩm nước ấm 33°C – 35°C (kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước cảm giác ấm giống như nước tắm em bé là được) lau mặt, cổ, 2 tay, 2 chân và đắp ở trán, nách, bẹn, thay khăn sau 3- 5 phút, khi nước hết ấm pha chậu khác, chườm đến khi nhiệt độ ≤ 37,5°C thì dừng chườm.

5. Một số chú ý khi trẻ bị sốt

– Không xác định trẻ sốt bằng cách dùng tay sờ da trẻ, mà phải dùng nhiệt kế đo.

– Không nên mặc nhiều quần áo, đắp chăn cho trẻ khi thấy trẻ rét run (vì cảm giác của trẻ là rét run, nhưng thực chất nhiệt độ cơ thể của trẻ khi ấy lại khá cao, nếu đắp thêm chăn, mặc thêm nhiều quần áo cho trẻ khi ấy có thể làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao, dễ dẫn đến co giật)

– Không nên chườm cho trẻ bằng nước đá, cồn.

– Không đóng kín cửa phòng, mà nên để phòng thông thoáng, tránh gió lùa.

6. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi nào?

– Trẻ sốt cao (≥ 39°C) hoặc cơn sốt dày (chưa đủ thời gian dùng lại thuốc hạ sốt).

– Thời gian sốt ≥ 3 ngày

– Xuất hiện thêm một trong các biểu hiện khác kèm theo như: co giật, nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, ho nhiều, khó thở, ăn kém, quấy nhiều hoặc ngủ li bì.

Tóm lại sốt là triệu chứng báo hiệu bất thường trong cơ thể của bé. Trẻ cần được người có chuyên môn tìm nguyên nhân chữa trị. Thuốc hạ sốt không phải là biện pháp điều trị mà chỉ là giải pháp giúp trẻ tránh nguy cơ bị co giật, không phải sau khi sốt hạ thì bạn yên tâm để con tại nhà. Vì vậy, khi trẻ bị sốt cao, các mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

ThS. Bs Vũ Thị Minh Thu, Lê Thị Thúy Hằng

Bộ môn – Khoa Nhi – Bệnh viện Quân y 103

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *