– Để đảm bảo cách làm giấm táo tại nhà thành công khi chưa có kinh nghiệm, bạn nên chọn những quả táo tươi, mới, không có vết giập hay hỏng. Táo nên có xuất xứ rõ ràng và được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, các loại vi khuẩn có hại…
Xắt táo
– Rửa táo dưới vòi nước chảy, dùng tay kỳ cọ thật nhẹ nhàng để các chất bẩn trôi đi. Sau đó để ráo hoặc dùng khăn sạch lau khô.
– Chỉ cần bỏ phần cuống và một ít vỏ bao quanh cuống. Phần lõi táo hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng giấm. Trong khi đó, vỏ táo chính là phần làm cho giấm táo có màu sắc đặc trưng, cũng như bổ sung các chất chống oxy hóa vào thành phần dinh dưỡng cho món giấm táo tự làm của bạn.
– Xắt táo thành những khối vuông nhỏ kích thước 1.5 x 1.5 x 1.5 cm, giúp tăng diện tích tiếp xúc của táo và đẩy nhanh tốc độ lên men.
Cách làm giấm táo tại nhà – Lên men táo
Xếp táo vào lọ
Cứ một lớp táo, bạn rải một lớp đường mỏng lên sao cho 30gt đường được chia đều từ trên xuống dưới. Đường đóng vai trò bổ sung thức ăn cho vi khuẩn lên men. Trong cách làm giấm táo tại nhà, chúng ta dùng đường tinh luyện để không ảnh hưởng đến màu sắc và hương vị của giấm táo.
Cho nước vào ngập bề mặt táo. Với 3 quả táo cỡ vừa, 1 lít nước là phù hợp. Táo nổi lên mặt sẽ bị hư, khiến việc làm giấm táo không thành công. Do đó, bạn cần dùng vỉ nhựa nén dùng trong muối dưa (dẻo và có nhiều lỗ) khớp với đường kính của lọ để giữ tất cả các miếng táo nằm dưới nước.
Đậy miệng lọ bằng vải mỏng và sạch, cố định bằng dây thun. Dùng vải để đậy có 3 mục đích: chống bụi bẩn và tạp chất rơi vào lọ; tạo sự trao đổi không khí bên trong và ngoài lọ, vì việc lên men cần có không khí; và cho phép khí sinh ra trong quá trình lên men thoát ra ngoài.
Đặt lọ giấm ở nơi sạch sẽ, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp.
Và thế là quá trình lên men bắt đầu…
Giai đoạn lên men rượu
2 – 3 ngày một lần, bạn dùng thìa sạch khuấy nhẹ và vừa đủ để táo, nước đường và vi khuẩn lên men phân bổ đều. Nếu có váng trên bề mặt, bạn vớt bỏ sạch váng này rồi mới khuấy nhé.
Bong bóng khí là dấu hiệu của hiện tượng lên men nên bạn đừng lo lắng.
Sau 2 tuần, khi táo đã chìm xuống đáy, mùi rượu cũng rõ ràng hơn hẳn, bạn dùng rây lọc lấy phần nước. Chú ý dùng rây mắt dày để lọc kỹ, hạn chế giữ lại xác táo lợn cợn. Phần xác táo bỏ đi có thể dùng để bón cho cây.
Giai đoạn lên men giấm
Tiếp tục đậy vải, cất lọ nước táo vào chỗ cũ. Giai đoạn này bạn không cần khuấy nữa.
Bạn nếm thử sản phẩm sau khoảng 2 – 3 tuần. Lúc này, vị giấm đã gần chiếm trọn. Nếu chưa đạt, bạn đợi thêm một vài ngày để có được mùi vị và độ axit như mong muốn.
Áp dụng cách làm giấm táo tại nhà đến đây là thành công.
Bảo quản giấm táo thành phẩm
Dù cách làm giấm táo tại nhà không trải qua khâu tiệt trùng hay sử dụng chất bảo quản, bạn yên tâm rằng sản phẩm của mình vẫn giữ được độ thơm ngon trong vòng 6 tháng nếu được bảo quản đúng cách.
Bảo quản trong tủ lạnh
Bạn thay khăn đậy bằng nắp kín và cất lọ giấm vào tủ lạnh. Ở nhiệt độ thấp, giấm không tiếp tục lên men nữa và sẽ giữ nguyên độ chua qua thời gian.
Bảo quản ở nhiệt độ bình thường
Bạn có thể để giấm ở nơi râm mát mà không lo giấm bị hỏng. Lọ giấm cũng cần được đậy bằng nắp kín và tránh ánh nắng trực tiếp. Ở nhiệt độ phòng, quá trình lên men vẫn tiếp diễn một cách chậm rãi. Để càng lâu giấm sẽ càng chua hơn.
Con giấm
Nếu thấy một lớp mỏng và hơi trong như thạch, bềnh bồng trong lọ giấm táo của mình, đó chính là con giấm – tập hợp các vi khuẩn lên men. Bạn có thể để nguyên con giấm trong lọ hoặc lấy ra để riêng (cùng với lượng nước giấm đủ để ngập con giấm). Khi được thêm vào mẻ giấm lần sau ở giai đoạn lên men giấm, con giấm sẽ giúp bạn nhanh chóng thu được sản phẩm hơn đấy.
Hướng dẫn trên đây giúp bạn nắm được các bước và nguyên tắc cơ bản trong cách làm giấm táo. Khi đã vững tay hơn, bạn có thể điều chỉnh công thức để có được mùi vị như ý của mình, bằng cách kết hợp các loại táo và thay đường tinh luyện bằng các loại đường khác hoặc mật ong. Chúc bạn sớm thu được mẻ giấm đầu tiên và có những trải nghiệm thú vị trong việc sử dụng loại giấm này nhé.