Mở quán bán chè cần chuẩn bị những gì? Các món chè ngon nào bán mùa đông, mùa hè đắt khách nhất? Hai câu hỏi trên là những câu hỏi thường gặp nhất của nhiều người khi bắt đầu ý tưởng bán chè. Nếu bạn đang chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hãy bỏ túi ngay những kinh nghiệm mở quán chè đắt giá cùng danh sách các món chè siêu hot để bắt đầu thực thi ý tưởng kinh doanh chè trong bài viết sau đây.
Chè là món ăn vặt truyền thống của người Việt Nam và luôn nằm trong top những món ăn vặt được yêu thích nhất. Đặc biệt, ngày nay khi các công ty, doanh nghiệp mọc lên như nấm thì chè được xếp vào trong danh sách “những món ăn vặt khoái khẩu nhất của chị em văn phòng. Vì thế mà ý tưởng bán chè hốt bạc triệu hiện nay đã trở nên hot hơn bao giờ hết. Bán chè khá đơn giản, không yêu cầu bạn phải bỏ ra quá nhiều vốn. Điều cốt lõi là bạn cần tìm cho mình hướng đi đúng đắn. Những kinh nghiệm mở quán bán chè sau đây sẽ giúp bạn đáng kể từ việc kinh doanh các món chè ăn vặt.
Bán chè cần chuẩn bị những gì
Vốn
Vấn đề đầu tiên trong mọi ý tưởng kinh doanh vẫn luôn là vốn. Số vốn bạn có trong tay sẽ quyết định đến hình thức kinh doanh cũng như quy mô và cách vận hành của quán chè. Nếu như bạn sở hữu số vố từ 20 đến 40 triệu, bạn có thể mở một quán chè nhỏ.
Trong trường hợp bạn có số vốn dưới 20 triệu thì có thể nghĩ tới việc kinh doanh chè bằng tủ bán chè lưu động để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Bạn chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng để mua một chiếc xe bán chè lưu động và lấy lại vốn nhanh chóng sau vài tuần kinh doanh.
Thực đơn các món chè
Một số quán chè nổi tiếng thường sẽ chú trọng vào một món chè ngon và nổi bật nhất trong thực đơn chè để nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ cần đầu tư từ 10 – 15 các món chè khác để đa dạng thực đơn cho quán chè của mình và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng hơn nhé. Hãy tham khảo các món chè bán là hết trong danh sách dưới đây
Bán chè mùa hè nên bán loại chè gì?
Bán chè mùa hè bạn nên tập trung hơn vào các món chè ngon giải nhiệt cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng thì sẽ được ưa chuộng hơn cả. Bạn hãy tham khảo những gợi ý 5 món chè ngon, thanh mát dưới dây:
Chè ngô
Chè ngô, hay còn gọi là chè bắp, là món chè ngon rất thanh mát và dễ ăn. Món này không bị ngọt đậm đà như những loại chè khác. Vị ngọt thơm của ngô cộng với vị bùi bùi, béo béo của nước cốt dừa giúp chè ngô rất hợp để bán trong mùa hè.
Cách nấu chè ngô:
Nguyên liệu:
- 3 bắp ngô tươi (có thể dùng ngô ngọt hoặc ngô nếp)
- 1 bát bột sắn dây
- 4 thì canh đường
- 100ml nước cốt dừa
- 1/2 thìa nhỏ muối
- 1 thìa nhỏ bột bắp
Công thức:
Bước 1: Bạn gọt lấy phần hạt ngô, giữ lại lõi ngô.
Bước 2: bạn cho một nồi nước sôi nhỏ khoảng 2 bát con nước lên bếp, cho lõi ngô và hạt ngô luộc chung. Đun to lửa đến khi hạt ngô mềm thì vớt lõi ngô bỏ đi. Tiếp theo, bạn cho 2 thìa đường vào, đun sôi lửa nhỏ để đường thấm vào ngô.
Bước 3: Trong thời gian đợi ngô mềm, bạn hòa tan bột sắn dây với chút nước lạnh. Tới khi ngô chín mềm thì bạn chế từ từ bột sắn vào nồi chè ngô đang ninh, khuấy đều và nhẹ tay cho đến khi bột sắn dây trở nên trong suốt thì tắt bếp.
Bước 4: Sau đó, đổ ngay nước cốt dừa, muối, đường, bột bắp vào nồi. Tiếp tục đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đến khi nước cốt dừa đặc lại là món chè ngô đã sẵn sàng để bán
Chè cốm
Cốm là thức quà đặc biệt của Hà Nội vào dịp hè và chớm thu. Món chè xanh mát, ngọt dịu, giản dị một màu xanh vô cùng dễ chịu này đảm bảo luôn cháy hàng nhanh nhất trong tủ chè của bạn đó.
Cách làm chè cốm:
Nguyên liệu:
- Cốm
- Bột sắn dây
- Đường phèn
- Lá dứa
- Dừa xiêm
Công thức nấu chè cốm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bạn rửa sạch lá dứa, cắt khúc sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi lọc lấy nước.
- Cốm bạn rửa qua với nước cho sạch. Lưu ý không ngâm vì sẽ làm cốm bị nhão, nấu không ngon.
- Bột sắn dây bạn pha 2 muỗng trong bát con nước và khuấy thật đều.
Bước 2: Nấu chè
- Bạn pha nước cốt dừa, đường phèn và nước dão dừa trong một chiếc bát lớn. Sau khi đường tan hết thì cho thêm hỗn hợp lá dứa vào. Sau đó cho hỗn hợp nước vào nồi đun sôi.
- Sau khi sôi, bạn vặn nhỏ lửa rồi cho nước pha bột sắn dây vào và khuấy đều. Cho cốm vào và đảo đều dưới lửa nhỏ để cốm không bị khô nhé.
- Khi nồi chè gần được thì bạn nêm đường cho vừa ăn và đun thêm chừng 3 – 5 phút nữa là thành phẩm chè cốm đã hoàn thành rồi.
Chè dừa non thạch lá dứa
Món chè dừa non thạch lá nếp vừa thơm ngon, ngọt bùi lại bổ dưỡng, vô cùng thích hợp để ăn trong mùa hè.
Cách làm món chè dừa non thơm mùi lá dứa:
Nguyên liệu
- 4g bột rau câu
- 1 bó lá dứa (khoảng 6 lá)
- 150ml nước cốt dừa
- 40g bột báng
- Cùi dừa mềm
- 30g đậu phộng rang giã nhỏ
- Gia vị gồm: muối, đường
Công thức:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
- Cùi dừa: Bạn dùng dao cắt cùi dừa non thành những sợi nhỏ, dày vừa phải, ướp với 1/2 muỗng cà phê đường và một chút muối trong khoảng 10 – 15 nphút.
- Bột báng đem ngâm nước 15 phút cho nở mềm rồi bạn đem luộc với 500ml nước trong khoảng 15 phút. Cho đến khi thấy bột báng chuyển màu trong thì vớt ra khỏi nồi.
Bước 2: Làm thạch lá dứa
- Lá dứa rửa sạch, cắt khúc, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hỗn hợp cùng với 100ml nước và chắt lấy nước cốt lá dứa.
- Trộn đều đường và bột rau câu lại với nhau. Sau đó cho nước lá dứa vào nồi đun cho sôi thì cho từ từ bột rau câu và đường vừa trộn vào cùng. Bạn nhớ vừa cho vừa khuấy đều để thạch không bị vón cục. Đun trong khoảng 5 – 7 phút cho hỗn hợp rau câu chín thì tắt bếp.
- Bạn đổ nước ra một tô vuông, để nguội và cho vào ngăn mát tủ lạnh trong 2 tiếng rồi đem ra cắt thành những thanh vừa ăn.
Bước 3: Nấu chè
- Cho 300ml nước cùng với 150ml nước cốt dừa vào nồi, khuấy đều, nấu cho sôi lên.
- Sau đó cho dừa đã ướp đường vào nồi, đun lửa nhỏ thêm 5 phút cho dừa chín. Bạn cho tiếp bột báng vào khuấy đều và điều chỉnh lượng đường cho phù hợp. Nấu cho đến khi chè sôi trở lại thì mới tắt bếp.
- Bạn đợi tới khi chè nguội một chút thì thì cho thạch lá dứa vào nồi chè và khuấy đều là đã hoàn thành món chè dừa non thạch lá nếp rồi.
Chè hạt sen
Chè hạt sen là thức quà đặc biệt, vị thơm mát, ngọt bùi được nấu cùng đậu xanh có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể rất tốt.
Nguyên liệu:
- Hạt sen: 300 gr
- Đậu xanh: 300 gr
- Đường: 300 gr
- Bột sắn dây : 2 thìa nhỏ
Công thức:
Bước 1: Sơ chế
- Hạt sen: Nếu bạn dùng hạt sen tươi thì bỏ vỏ, chọc bỏ tâm sen rồi rửa sạch. Với hạt sen khô thì bạn ngâm 1 – 2 tiếng.
- Đỗ: ngâm từ 1 – 2 tiếng với chút muối rồi rửa sạch với nước
Bước 2: Nấu chè
- Bạn cho hạt sen vào nồi luộc với nước sôi 5 phút rồi vớt ra rửa sạch.
- Sau đó, cho 1, 5 lit nước vào nồi nấu khoảng 15 phút thì cho đậu xanh vào nấu cùng đến khi chín mềm.
- Khi nồi chè chuẩn bị được, hòa bột sắn dây với nước và đổ từ từ vào nồi chè, khuấy đều tới khi bột tan và sánh mịn rồi nêm đường cho hợp khẩu vị.
Chè đỗ đen
Nguyên liệu:
- 400gr đỗ đen
- 150gr đường cát trắng
- 1 thìa nhỏ muối
- 100gr bột năng
- vani
- 100gr thạch đen
- Dừa khô, sợi dừa tươi, nước cốt dừa.
Công thức:
Bước 1: Sơ chế
- Đỗ đen rửa sạch, ngâm nước với 1 thìa muối.
- Sau khi vớt ra, cho lên chảo rang chừng 10 phút rồi cho ra ngoài.
Bước 2: Nấu chè
Cho nước lọc vào nồi và bỏ đỗ đen vào đun cho tới khi sôi. Dùng muôi vớt hết bọt và hạ lửa nhỏ ninh tới khi hạt đỗ mềm ra.
Bước 3: Xào đỗ đen
Bạn múc đỗ đen ra ngoài, ướp với đường trong 10 – 15 phút cho ngấm. Sau đó, cho phần đỗ đã ướp đường lên chảo và đảo đều đến khi hạt đỗ bện đường và se lại.
Bước 4: Nấu chè:
Cho phần đỗ này vào nồi nước chè đã ninh trước đó cho đến khi sôi. Nêm thêm đường cho vừa với khẩu vị là được.
Mùa đông nên bán chè gì?
Trong tiết trời se se lạnh, những bát chè nóng hổi, thơm ngon ấm lòng thực khách sẽ được ưa chuộng nhiều hơn cả. Bạn hãy tham khảo những món chè bán mùa đông hấp dẫn dưới danh sách sau:
Chè trôi tàu
Chè trôi tàu là một trong những thức đồ ăn vặt hấp dẫn nhất trong mùa đông. Món bánh ngọt đậm, thơm hương bột nếp, vị đậu xanh, vừng đen, lạc rang béo ngậy với vị đặc trưng của gừng sẽ nhanh chóng làm ấm chiếc bụng đói của bạn.
Nguyên liệu:
- Phần nhân bánh: 50gr lạc, 15gr đường và 50gr vừng đen
- Phần vỏ bánh: 200gr bột nếp, 1 thìa bột gạo tẻ, muối
- Phần nước đường: đường nâu, đường vàng, 1 củ gừng
- Dừa bào sợi
- Dầu ăn
- Nước ấm
Cách làm:
Phần vỏ bánh và nhân bánh:
- Cho bột nếp, bột gạo, muối trộn đều trong 1 cái tô. Thêm từng ít nước ấm vào để trộn bột, vừa trộn vừa cho nước tới khi thấy bột mềm thì dừng lại rồi bọc kín tô bột để bột nghỉ trong vòng 20 phút.
- Bột sau khi đã nghỉ xong thì bạn cắt thành từng viên đều nhau, vo tròn rồi ấn dẹt miếng bột. Bạn đặt từng viên nhân bánh vào giữa, gói lại cho kín và để riêng ra đĩa.
- Bánh sau khi đã gói xong bạn tẩm với một chút hạt vừng đen trên bề mặt cho đẹp
- Cho nước vào nồi đun sôi sau đó thả bánh vào luộc, chờ tới tới khi bánh nổi lên là vớt ra.
Phần nước đường:
Bạn cho nước vào nồi và thực hiện nấu nước đường. Cho đường vàng, đường nâu và khuấy đều đến khi tan. Sau đó bật bếp lên rồi nấu cho nước đường sôi. Bạn thái gừng thành sợi nhỏ rồi cho vào nồi nước đường, bánh chín bạn cho sang nồi nước đường, nấu thêm 5 phút cho bánh ngấm nước đường thì tắt bếp.
Chè sắn
Bát chè sắn nóng hổi vừa thổi vừa ăn sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho những ngày đông buốt giá. Từng miếng sắn mềm dẻo, vuông vắn ăn lẫn cùng chút dừa nạo, thơm béo của hạt vừng chỉ nghĩ thôi đã không thể cưỡng lại được.
Cách làm chè sắn:
Nguyên liệu:
- 3 củ sắn
- 1 nhánh gừng nhỏ
- 1 thìa canh bột sắn dây
- Đường hoa mai (điều chỉnh lượng đường tùy khẩu vị)
- Cùi dừa nạo
Công thức:
Bước 1: Chế biến củ sắn
- Sắn rửa sạch, gọt bỏ vỏ và ngâm trong nước lạnh chừng 1 giờ để sắn ra hết nhựa và không bị say. Sau đó, cắt sắn thành các miếng vừa ăn, bỏ lõi.
- Cho sắn vào nồi và đổ nước ngập mặt rồi đun sôi. Bạn nên cho lượng nước vừa đủ, không đổ quá nhiều nước khiến món chè sắn dễ bị loãng. Sau khi nước sôi, bạn mở vung và vặn lửa nhỏ để nước không bị đục. (Nếu nồi luộc sắn có bọt thì bạn dùng muôi hớt bỏ bọt đi. Lưu ý không nên đảo nhiều lần trong cả quá trình nấu, chỉ đảo theo 1 chiều cố định.)
Bước 2: Nấu chè sắn bằng bột sắn dây
- Bạn thêm đường vào nồi sắn sau khi sắn đã chín mềm. Lượng đường sẽ được điều chỉnh tùy khẩu vị của bạn. Bạn từ từ cho đường vào khuấy đều cho đến khi cảm thấy độ ngọt vừa là được.
- Trong thời gian chờ sắn mềm, bạn thái gừng thành sợi nhỏ và cho vào nồi sắn đun cùng. Bạn đảo nhẹ để sắn không bị nát nhé.
- Tiếp theo, bạn hòa tan bột sắn dây với nước lọc rồi cho vào nồi khuấy và từ từ đổ hỗn hợp bột vào nồi sắn.
- Khi hỗn hợp chè sắn trở nên trong hơn là có thể tắt bếp. Món chè sắn ngon tuyệt cho mùa đông đã hoàn thành rồi
Trên đây là công thức 7 món chè ngon để bán trong mùa hè và mùa đông đắt khách nhất. Chắn hẳn bạn đã có được ý tưởng cho menu chè của mình rồi phải không nào. Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu những món chè đặc trưng khách mà chưa nhiều người biết đến giúp thực đơn của bạn đa dạng hơn để khách tìm đến cửa hàng ngày một đông nhé.