Để ứng tuyển vào bất kỳ một vị trí nào cũng cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và thu hút nhà tuyển dụng. Vậy một bộ hồ sơ chuẩn gồm những giấy tờ gì? Cách ghi hồ sơ xin việc 2022 thế nào?
Câu hỏi: Em chào các anh chị biên tập của Hieuluat ạ, cho em hỏi là hiện nay, bộ hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì và cách viết từng mục thế nào ạ? Em cảm ơn (Trương Phụng Nghi – Bến Tre).
Trả lời:
Về nội dung câu hỏi của bạn, Hieuluat xin trả lời bạn như sau:
Thành phần bộ hồ sơ xin việc chuẩn gồm những gì?
Một bộ hồ sơ xin việc chuẩn gồm các giấy tờ sau:
– Mẫu đơn xin việc (viết tay, đánh máy hoặc điền theo mẫu có sẵn trong bộ hồ sơ);
– Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của địa phương;
– CV xin việc nêu cụ thể quá trình làm việc cũng như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển;
– Giấy khám sức khỏe trong vòng 06 tháng;
– Bằng cấp, chứng chỉ liên quan;
– Chứng minh thư, sổ hộ khẩu (photo hoặc công chứng);
– Ảnh chân dung 3*4 hoặc 4*6.
Cách ghi hồ sơ xin việc 2022 như thế nào?
Để có một bộ hồ sơ ứng tuyển tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, cần lưu ý về cách viêt các mục giấy tờ trong hồ sơ như sau:
– Cách viết mẫu đơn xin việc:
Đơn xin việc là một trong những giấy tờ không thể thiếu của một bộ hồ sơ xin việc. Đơn xin việc có thể được viết tay hoặc đánh máy cũng như có thể điền thông tin vào mẫu đơn xin việc có sẵn trong bộ hồ sơ.
Để được người tuyển dụng đánh giá cao, ứng viên nên viết tay đơn xin việc để thể hiện sự cầu thị của mình, đồng thời cần thể hiện được mong muốn, khát khao làm việc, vừa thể hiện được tính chuyên nghiệp, thể hiện rằng bạn là ứng viên tiềm năng của vị trí truyển dụng.
– Cách viết sơ yếu lý lịch tự thuật
Sơ yếu lý lịch là một bản tóm tắt những thông tin cá nhân của người khai sơ yếu lý lịch: tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, thông tin gia đình, bằng cấp,… với mục đích giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt được các thông tin cơ bản về ứng viên.
Cụ thể:
+ Họ và tên: Viết đúng họ, chữ đệm và tên, ghi như trong giấy chứng minh nhân dân và viết bằng chữ in hoa. Ví dụ: NGUYỄN VĂN A
+ Số điện thoại liên hệ: điền số điện thoại mà bạn dùng thường xuyên nhất
+ Giới tính: Nam/nữ
+ Năm sinh: Viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.
+Dân tộc: Kinh/ Thái/ Tày….
+ Tôn giáo: Nếu không theo tôn giáo nào thì ghi “Không”. Các trường hợp còn lại ghi theo tôn giáo mình theo như: Đạo Phật, Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa…
+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/ Nơi ở hiện tại: Cần ghi chi tiết đến số nhà, thôn, xóm… nơi mà bạn đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đang sinh sống hiện nay.
+ Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân: Cần ghi chính xác số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước và ghi rõ ngày cấp, nơi cấp.
+ Nguyên quán: Ghi nơi được sinh ra, là nơi sinh sống của cha mẹ, ông bà, cần ghi chi tiết đến số nhà, thôn, xóm…
+ Thành phần bản thân hiện nay: ghi rõ hiện nay đang là học sinh, sinh viên, tự do, viên chức, công nhân….
+ Trình độ văn hóa: Đã học hết lớp 12 theo hệ chính quy thì ghi 12/12 chính quy, hoặc 12/12 bổ túc văn hóa. Trình độ học cao hơn thì ghi cao đẳng, đại học…
+ Trình độ ngoại ngữ: Điền ngôn ngữ mình biết và đã đạt đến đâu.
+ Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam: Điền ngày kết nạp và nơi kết nạp (neus đã được kết nạp vào Đảng).
+ Nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn: Được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật gì thì viết theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức…
+ Cấp bậc: thường dành cho công chức nhà nước, ghi bậc lương đang nhận (nếu có).
+ Ngày nhập ngũ, xuất ngũ
Mục này dành riêng cho những ai ghi giới tính là Nam và đã đủ tuổi nhập ngũ, cần ghi rõ ngày, tháng, năm, nhập ngũ/ xuất ngũ của mình và ghi thêm lý do xuất ngũ.
+ Hoàn cảnh gia đình: Cần khai thông tin cá nhân của cha, mẹ, anh, chị, em ruột thịt trong gia đình.
+ Quá trình hoạt động của bản thân: Trình bày cụ thể thế mạnh của bản thân thông qua quá trình hoạt động, kinh nghiệm làm việc, các chức vụ đã làm trước đó.
+ Khen thưởng, kỷ luật: Điền các thành tích khen thưởng đã đạt được cũng như những vi phạm mình đã mắc phải.
– Cách viết CV xin việc
CV xin việc là hồ sơ năng lực, thể hiện trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, năng lực cũng như điểm yếu, điểm mạnh của ứng viên. Thông thường, CV được làm bằng word đơn giản, hoặc chuyên nghiệp hơn thì được thiết kế bằng các phần mềm chuyên viết CV.
Đặc biệt với phần liệt kê kinh nghiệm làm việc, thành tích, kết quả đạt được, cần nêu thật chi tiết, đầy đủ nhưng ngắn gọn, súc tích.
– Giấy khám sức khỏe, các chứng chỉ, bằng cấp liên quan, các giấy tờ cá nhân khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay sổ hộ khẩu là các giấy tờ có sẵn, tùy vào yêu cầu của từng nhà tuyển dụng mà bạn cần chuẩn bị bản photo hoặc là công chứng.
Những lưu ý khi ghi hồ sơ xin việc
Ngoài việc nắm được cách ghi hồ sơ xin việc cần chú ý tới vấn đề sau đây, tránh gặp những lỗi này khi viết hồ sơ:
– Không được viết tắt khi ghi các thông tin trong hồ sơ
– Khi viết hồ sơ nên dùng một loại mực
– Chữ viết phải ngay ngắn, rõ ràng, không tẩy xóa
– Đơn xin việc có ảnh, ảnh chụp trong 6 tháng trước đó tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin việc.
Hồ sơ được trình bày rõ ràng, sạch đẹp cũng là một trong những điểm cộng của bạn đối với nhà tuyển dụng, đó cũng là điều mà bất kỳ người xin việc cũng cần lưu ý.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách ghi hồ sơ xin việc 2022. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài 19006199 của chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Hồ sơ xin việc 2022 gồm những gì và các lưu ý cần biết