Hướng Dẫn Cách Trồng Sen Đá từ A đên Z đơn giản

Trồng sen đá là một cách tuyệt vời để giúp bạn quên đi những âu lo thường nhật, từ đó lấy lại nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục tiến về phía trước. Tuy nhiên, đối với người mới tập tành trồng cây sen đá thì lại là một cơn ác mộng không bao giờ mong muốn. Hãy theo dõi bài viết cách trồng sen đá này để tự mình sở hữu một vườn sen đá khỏe mạnh nhé.

Vào một ngày đẹp trời, trong lúc đang lướt mạng xã hội, bỗng bạn nhìn thấy những tấm ảnh tuyệt đẹp của sen đá, với đủ các loại màu sắc và kiểu dáng. Sự lung linh của sen đá đã khiến cho bạn phải lòng chúng. Và cảnh tượng về một khu vườn sen đá rực rỡ bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của bạn.

Thế rồi bạn quyết định lên mạng để tìm hiểu, hỏi “chị google” về cách trồng sen đá, và rồi sau đó “chị ấy” đưa ra hàng tá kết quả cho bạn. Sau một hồi đọc quá các thông tin về cách trồng sen đá, bạn cảm thấy tự tin là mình có thể “chinh phục được chúng một cách dễ dàng.

Bởi đa phần các nguồn thông tin sẽ nói với bạn rằng “sen đá rất dễ trồng”, “phù hợp trồng trong nhà”, “ít chăm mà vẫn sống”, “không cần tưới nhiều”,…

Có phải bạn sẽ mua cả rổ cây sen đá về nhà để trồng ngay sau đó đúng không? Và thực tế thì không bao giờ suôn sẻ như theo cách mà ta suy nghĩ cả.

Ai rồi cũng phải trải qua việc “trả học phí” thì mới có thể rút ra được những kinh nghiệm quý báu cả. Cũng bình thường thôi, vì đó là những trải nghiệm mà hầu hết người mới trồng sen đá đều trải qua.

cách trồng sen đá

Tuy nhiên, nếu sớm gặp được một “ân sư” chỉ dẫn cho mình những điểm mấu chốt, thì có lẽ khoản “học phí” sẽ thấp hơn nhiều, và đỡ phải rơi vào cái vòng lẩn quẩn “chết, mua, chết, rồi lại mua“, mà lại chẳng thể biết được lý do. Nếu để ý thì bạn sẽ thấy các nguồn thông tin trên mạng đa phần là copy lại bài cũ. Có rất ít bài viết là chia sẻ đúng với thực tế.

Nguyên nhân khiến cho cây bị chết mà phần lớn các bạn mới trồng sen đá bị chết đều mắc phải là không biết sử dụng loại giá thể phù hợp, hoặc tưới nước không đúng cách, khiến cho cây sen đá bị úng nước. Do đó, kỹ thuật trồng cây sen đá khỏe mạnh tập trung vào phần tạo ra môi trường phù hợp cho chúng phát triển.

Để giúp bạn tránh rơi vào cái vòng lẩn quẩn “chết, mua, chết, rồi lại mua“, và đỡ phải tốn những “khoản học phí” vô nghĩa, MOW Garden mong rằng bài viết chia sẽ kinh nghiệm trồng sen đá của mình sẽ giúp bạn được phần nào.

I – Cây sen đá có dễ trồng không?

Phần lớn những người mới tìm hiều về sen đá đều có chung một thắc mắc “cây sen đá có dễ trồng không?”, nhưng việc đặt ra cây hỏi như vậy sẽ khó giúp bạn tìm được câu trả lời. Trước đây mình cũng đã từng như vậy, khi mới mua cây sen đá về thì chỉ chú tâm tới việc làm cách nào để cây sen đá sống khỏe mạnh.

sen đá có dễ trồng không

Và tất nhiên, theo một cách cảm tính mình trồng cây sen đá theo cách mà mình mong muốn, chứ không hề quan tâm tới nó là cái “thứ gì” hết, không trồng chúng theo cách mà chúng thực sự mong muốn.

Và kết quả là mình đã phải “đóng học phí” rất nhiều cho sự thiếu hiểu biết này, nhưng mà vẻ đẹp quyến rũ của loài sen đá thì khó ai có thể cưỡng lại.

Nếu bạn đã từng gặp câu nói “sen đá có sức sống mãnh liệt”, thì điều này chẳng có gì sai cả, nhưng nó chỉ đúng một vế mà thôi, còn vế khác của câu nói là phải đặt chúng trong môi trường thích hợp.

Do đó, để trồng cây sen đá khỏe mạnh và bền vững thì cần phải hiểu chúng sống ở đâu? Và phải mô phỏng cho gần giống với môi trường thích hợp với chúng.

Vậy để trả lời cho câu hỏi “cây sen đá có dễ trồng không?” thì chúng ta sẽ phải hỏi “làm sao để mô phỏng môi trường thích hợp với sen đá?”. Và tất nhiên, việc phải tạo ra được môi trường thích hợp với sen đá thì sẽ rất khó khăn. Bởi không phải lúc nào thời tiết cũng như mình mong muốn.

Ngoài ra, loài sen đá lại rất đa dạng về chủng loại, mà mỗi loại thì mang một đặc điểm khác nhau, yêu cầu môi trường sống cũng khác nhau. Nếu gặp may mắn thì bạn sẽ trồng đúng chủng loại vào đúng môi trường thích hợp với nó. Xác xuất này xảy ra thì rất thấp. Vậy nên đa số người mới trồng sen đá lần đầu đều bị chết, dù cũng đã tìm hiểu rất kỹ về chúng.

Tóm lại, để trồng cây sen đá sống khỏe mạnh thì KHÔNG DỄ chút nào, trừ khi bạn trồng tại Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ và khô ráo quanh năm.

II – Đặc tính của sen đá

Trước khi trồng cây thì việc nắm rõ được các đặc tính của sen đá sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu của chúng, từ đó bạn sẽ biết cách làm sao để đáp ứng các nhu cầu của sen đá như thế nào. Có như vậy thì việc trồng sen đá mới trở nên dễ dàng hơn và mang lại cho bạn những kết quả tích cực, phát triển lâu dài và ổn định hơn.

Khi mới tìm hiểu cách trồng sen đá mình cũng chỉ muốn “ăn ngay” trong lần trồng đầu tiên , và như đã đề cập bên trên thì xác xuất của một người trồng sen đá thành công lần đầu là rất thấp. Phần đông trong chúng ta ai cũng đều lười tìm hiểu các thông tin về đặc tính trước khi trồng.

dac tinh cay sen da

Vì không phải ai cũng có thể “tiêu thụ” các thông tin khô khan này, và cứ nghĩ rằng các hướng dẫn từ nhân viên cửa hàng là đủ, và theo như lời quảng cáo “sen đá dễ trồng lắm” nên có tìm hiểu chỉ tốn thời gian. Cuối cùng khi nhận được kết quả không mong muốn thì cũng phải quay lại để tìm hiểu về đặc tính của sen đá.

Sen đá (hoặc hoa sen đá) là tên gọi mà mọi người đặt cho một loại thực vật mọng nước (Succulent plant), với những chiếc lá căng mọng, được xếp lại có hình dáng bên ngoài khá giống với bông hoa sen. Ngoài ra, bên trên những chiếc lá thường được phủ bởi một lớp phấn trắng mịn, trông khá giống với đá tự nhiên.

Tuy nhiên, đây cách gọi tên này mang tính chung chung chứ không thể hiện riêng một loài thực vật nào. Có những nguồn thông tin viết rằng cây sen đá có tên khoa học là Succulent plant, nhưng điều đó không đúng.

Succulent plant là để chỉ các loài thực vật mọng mọng nước, gồm có nhiều chi khác nhau trong họ lá bỏng (Crassulaceae).

Đa phần các giống sen đá mà bạn nhìn thấy trên thị trường thuộc chi Echeveria, Sempervivum và một số loài Sedum.

Có thể bạn nhận thấy việc làm rõ tên các loại sen đá là dư thừa, nhưng khi đi trồng sen đá thực tế thì sẽ thấy nó có ý nghĩa như thế nào. Với mỗi chi khác nhau thì lại sở hữu một đặc tính riêng.

cach trong sen da dep 1

Tuy nhiên, giữa các chi sen đá vẫn có một số đặc tính giống nhau. Trong giới hạn của bài viết này sẽ hướng dẫn xoay quanh các đặc tính chung này, còn với những đặc tính riêng khác thì bạn có thể tự tìm hiểu thêm tùy ý. Dưới đây là những đặc tính chung:

  • Các loài sen đá có nguồn gốc chủ yếu từ những vùng có khí hậu khô hạn, nên phải tích lũy nước trong để tồn tại, do đó chúng rất nhạy cảm với nước, nếu được trồng trong đất thoát nước kém sẽ gây ra tình úng rễ. Đây là nguyên nhân khiến cho phần lớn sen đá bị chết.
  • Sen đá rất ưu sáng, cần phải được trồng ngoài trời, chúng có nhu cầu về ánh sáng rất cao, thời lượng ánh sáng phải trên 3 giờ/ngày. Mặc dù vẫn có một số giống sen đá có thể trồng được trong nhà, nhưng về cơ bản thì nó vẫn cần sáng. Nếu đặt cây sen đá tại nơi khuất sáng quá lâu có thể khiến cho cây thay đổi hình dạng, mọc dóng lên và thậm chí là bị chết.
  • Sen đá dễ bị sốc nhiệt mỗi khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ngay cả trồng tại vùng khí mát mẻ, nơi chúng dễ sống hơn, vẫn có trường hợp sen đá bị sốc nhiệt nếu có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Tóm lại, để trồng sen đá luôn khỏe mạnh thì cần tới 4 yếu tố: Giống cây phù hợp, môi trường, giá thể và cách chăm sóc. Nếu có thể đáp ứng được các yếu tố này thì bạn có thể yên tâm “kê cao gối ngủ”, không còn phải lo nghĩ về chúng nữa, và rồi bạn sẽ thấy việc trồng sen đá cũng đơn giản mà thôi.

III – Nên lựa chọn sen đá nào thì phù hợp

1 – Sen đá cho người mới tập chơi

Trồng sen đá thì không hề dễ dàng, nhưng đừng vì vậy mà dừng ngay sự nghiệp sen đá của bạn, hãy tiếp túc theo dõi bài viết này. Tin tốt là vẫn có một số loại sen đá phù hợp với những người mới tập chơi đá.

Bạn có thể lựa chọn những giống cây sen đá này để làm quen với các loại bệnh trên cây. Giá thành của những loại này cũng khá rẻ để bạn bắt đầu với nó.

sen da de trong cho nguoi moi tap choi

Một số loại mà bạn có thể tham khảo như là sen đá đỏ, sen đá cam, chuỗi ngọc, móng rồng, kim cương… Đối với một số giống sen dạng đài thì có sen phật bà, sen viền lửa, sen đá nâu… Lưu ý rằng sen đài sẽ khó chăm sóc hơn, do chúng dễ bị thối ngọn, mất màu, lá bị héo và thường không giữ được độ cứng cáp như ban đầu.

2 – Sen đá trồng được trong nhà

Với kiểu dáng nhỏ nhắn của sen đá thì hầu như ai cũng muốn đưa sen đá vào trong nhà để tiện cho việc ngắm nghía chúng. Thật không may là chỉ có số ít loài sen đá là có thể sống thiếu ánh sáng mà thôi. Nếu như bạn muốn đưa chúng vào trong nhà thì cần phải đặt gần cửa sổ, giếng trời hoặc ban công.

sen da trong trong nha

Cũng có thể lựa chọn mua đèn quang hợp để cung cấp ánh sáng cho cây sen đá, nhưng mà việc này khá tốn kém. Còn phương án nữa là đưa ra phơi nắng định kỳ, nhưng điều này có thể hưởng tới quá trình phát triển của sen đá. Hơn nữa, việc di chuyển cây quá nhiều sẽ làm cho cây không thể lớn.

3 – Chọn theo sở thích

Nếu như bạn hoàn toàn nắm rõ về đặc tính của sen đá, biết cách trồng sen đá một cách bài bản và khoa học thì có thể tự do lựa chọn bất kì giống nào mà mình thích. Tuy nhiên, dù là người “cứng tay” trong “làng sen đá” thì đôi lúc vẫn trồng sen đá bị chết như thường.

chon sen da dung cach

4 – Cách lựa sen đá khỏe và tốt

Trước tiên cần phải kiểm tra xem phần lá có bị mềm hay không, những loại cây bị sốc nhiệt, úng nước hoặc bị bênh thường sẽ bị hỏng lá rất nhanh, và không còn giữ được độ căng cứng.

Trường hợp chỉ có phần lá bên dưới bị bền, còn phần ngọn vẫn giữ được độ cứng cáp thì cây vẫn ổn. Có thể lựa chọn những loại cây này.

Xem xét loại giá thể mà nhà vườn đang sử dụng có tốt hay không. Những giá thể tốt sẽ thấy có các nguyên liệu như đá perlite hoặc pumice.

Tuy nhiên, bạn có thể tự mình thay cho nó giá thể mới, xịn hơn cũng được. Quạn trọng là giá bạn mua có tốt hay không?

Một số cây đã được thuần tại môi trường mới thì phần ngọn/ đài sen sẽ nhỏ hơn so với phần lá cũ, nhưng lá rất cứng cáp.

Cây ở môi trường mới cây sẽ phát triển gọn hơn cây ở Đà Lạt màu mỡ. Những cây đã thuần sẽ có tỉ lệ sống rất cao

cach lua chon sen da khoe manh

Nếu lựa được cây sen đá có phần thân hóa gỗ hoặc có thể nhìn thấy phần thân cây thay vì chỉ thấy lá thì rất tốt. Vì những cây này có tuổi đời lâu hơn, khỏe hơn và dễ xử lý hơn

IV – Giá thể trồng sen đá

Yêu cầu: Cần có phải có 3 yếu tốt cơ bản gồm: thoát nước tốt, tơi xốp và đầy đủ chất dinh dưỡng. Lấy một nắm bóp chặt, rồi thả ra mà thấy tơi xốp là đạt tiêu chuẩn.

Nguyên liệu: Xỉ than tổ ong – Đá Perlite – Đá Pumice – Viên đất nung, sỏi/ Keramzit – Trấu hun (hoặc trấu sống) – Xơ dừa (hoặc đất thịt) – Đá Akadama – Phân hữu cơ. Có thể bổ sung thêm một ít thuốc tím cho sen đá.

Tỉ lệ phối trộn: 30% than tổ ong + 30% đá perlite + 15% phân hữu cơ + 15% đất thịt (hoặc xơ dừa) + 10% trấu. Hãy đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu giúp thoát nước tốt phải trên 60%.

giá thể trồng sen đá

Tùy vào nguồn nguyên liệu tại mỗi địa phương sẽ có sự khác nhau, do đó bạn có thể tùy chỉnh giá thể sao cho phù hợp với lại nguồn nguyên liệu nơi bạn sinh sống nhất. Luôn đảm bảo rằng giá thể phối trộn khi bóp vào sẽ không bị vón thành cục, nếu vẫn bị vón cục thì hãy thêm trấu hun và xỉ than vào tới khi nào như đạt yêu cầu.

V – Cách trồng sen đá từ lúc mới mua về

Để trồng cây sen đá thành công thì công đoạn xử lý bạn đầu đóng vài trò rất quan trọng. Khi bạn di chuyển sen đá từ nơi này tới nơi khác thì bạn đã vô tình làm thay đổi môi trường của chúng. Do đó, bạn không thể giữ nguyên loại giá thể cũ để trồng tại nơi mới được.

Vậy mà đa phần các bạn lại không hề chú tâm tới công đoạn này, khiến cho cây sen đá mới mua về bị chết trong vòng 2 tuần. Không phải mua về cầm bầu đất đặt vào giá thể mới là được đâu nha. Dưới đây là 02 cách để trồng một chậu sen đá đẹp.

1 – Vì sao nên tỉa rễ cho sen đá

Nếu như chỉ nhìn bên ngoài thì sẽ rất khó để mà biết được sen đá khi mới mua về có mang mầm bệnh hay không.

Công đoạn cắt tỉa rễ sẽ giúp bạn kiểm tra được điều này. Đồng thời, việc loại bỏ bớt rễ cũ là một cách để phòng bệnh cho cây sen đá.

Một số rễ cũ đã già hoặc đã bị đứt sẽ là nguồn “thức ăn” cho các loại vi khuẩn, nấm và các tuyển trùng phát triển.

Chúng còn là nguyên nhân gây chèn ép, cản trở, khiến cho hệ rễ mới rất khó phát triển được. Do đó, loại bỏ rễ cũ là điều rất cần thiết khi mới mua sen đá về.

xu ly sen da moi mua ve 1

2 – Cách loại bỏ giá thể cũ và tỉa rễ

Trước tiên bạn nên phân biệt được hai loại rễ, đó là rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc là loại rễ chính của cây, thường có kích thước to và có chức năng đâm sâu giúp cây bám chặt vào đất. Còn rễ phụ là những nhánh rễ nhỏ mọc ra xung quanh từ phần rễ cọc, nó giúp cho cây hấp thụ dinh dưỡng và nước tốt hơn.

cach xu ly sen da moi mua ve

Trước khi tiến hành cắt tỉa rễ cho sen đá cần phải đam bảo giá thể phải thật sự khô ráo. Bởi vì cắt tỉa trong lúc đất còn ẩm sẽ khiến cho cây sen đá dễ bị nhiễm khuẩn, đồng thời việc tháo bầu đất cũng khó khăn hơn. Bên cạnh đó bạn cũng phải vệ sinh dụng cụ bằng cồn sát khuẩn trước khi cắt tỉa.

Bước 1: Gỡ sạch phần giá thể cũ ra khỏi bộ rễ. Lúc này bạn đã có thể quan sát được rễ sen đá, và kiểm tra xem chúng có đạng bị bênh gì không?

Bước 2: Tiếp theo dùng kéo đã khử trùng để cắt tỉa rễ cho sen đá. Rễ cần cắt tỉa là những rễ chùm đã già cỗi, khô mục, rễ có u cục, rễ bị thối nhũn và rễ đã bị dập hư hỏng. Nên chừa lại phần rễ cọc khoảng 1,5 – 2cm, để đỡ mất thời gian rễ mới sau này.

Bước 3: Sau khi đã cắt tỉa xong, không nên trồng sen đá ngay mà hãy đặt cây tại nơi khô ráo, thoáng gió và nắng nhẹ trong khoảng 3 – 7 ngày để các vết cắt khô .

Bước 4: Sau khi phần rễ đã được phơi khô, ta có thể tiến hành trồng sen đá vào giá thể mới. Sau khi trồng vào giá thể thì các bạn chỉ tưới 1 chút để cấp ẩm vs kích thích mọc rễ thôi nhé . Đợi 1 – 2 tuần kiểm tra thấy lá cây bắt đầu căng lại thì tức là đã mọc rễ mới thì tưới nhiều hơn 1 chút (tùy từng loại cây nhé – cái này các bạn nên tìm hiểu từng loại).

3 – Xử lý cắt gốc khi sen đá mới mua bị bệnh

Trường hợp mà bạn gỡ giá thể cũ khỏi bộ rễ mà phát hiện bộ rễ đã bị hỏng hoàn toàn, hoặc bị thối tới tận thân thì nên cắt bỏ hết phần gốc. Do bệnh thối rễ đá xâm nhập vào sâu trong cây, khiến cho một phần gốc cây bị thâm lại, úng nhũn và mềm ra. Chúng ta sẽ loại cắt gọt luôn những phần này để tránh bệnh lây lan nghiêm trọng hơn.

Sau khi đã cắt bỏ phần gốc, cần đặt cây tại nơi khô thoáng, nắng nhẹ trong vòng 3 – 7 ngày. Có thể bôi một chút kích rễ để cây ra rễ nhanh hơn. Sau khi thấy gần vết cắt đâm rễ trắng là bạn có thể mang trồng được rồi. Bạn có thể xử lý theo cách này nếu như cây sen đá có hiện tượng bị bệnh thối rễ.

VI – Hướng dẫn các bước trồng sen đá trong chậu

Bước 1: Chọn chậu

Rễ cây mọng nước có thể phát triển mạnh ở cả chậu nông hay chậu sâu, chỉ cần đảm bảo chậu có hệ thống thoát nước tốt. Điều đó có nghĩa là bạn phải khoan lỗ ở đáy (nếu chậu không có sẵn lỗ). Nước đọng trong chậu có thể giết chết cây của bạn.

Bước 1 Cách Trồng Sen Đá

Bước 2: Che các lỗ thoát nước

Cắt một miếng lưới nhỏ bằng nhựa đủ lớn để che lỗ thoát nước dưới đáy, điều này giúp cho đất trồng ở trong chậu đồng thời giúp thoát lượng nước thừa. Nếu không có lưới nhựa bạn có thể thay bằng vải màn (mùng) để chắn phần lỗ chậu.

Bước 2 Cách Trồng Sen Đá

Bước 3: Thêm đất trồng

Cho đất đã chuẩn bị vào chậu, lưu ý chỉ bỏ đất khoảng ½ chậu để khi đặt cây vào sẽ không bị tràn đất ra ngoài và cũng giúp bạn tưới cây dễ dàng hơn.

Bước 3 Cách Trồng Sen Đá

Bước 4: Xem xét vị trí đặt cây

Bạn thử đặt các chậu nhỏ riêng lẻ vào trong chậu để ước lượng khoảng cách giữa các cây sao cho phù hợp và đặt ở vị trí nào là đẹp mắt nhất.

buoc 4 cach trong sen da

Bước 5: Cho cây mọng nước vào trồng

Lấy các cây mọng nước ra khỏi chậu nhỏ mua sẵn, lần lượt trồng từng cây vào chậu lớn của bạn, nhẹ nhàng thêm đất xung quanh mỗi cây.

Bước 5 Cách Trồng Sen Đá

Bước 6: Hoàn thiện chậu trồng

Sau khi đã cố định cây vào châu, bạn dùng bàn chải lông mềm vệ sinh đất bám trên cây mọng nước. Phủ thêm một lớp đá, sỏi trắng hay vài viên bi thủy tinh be bé lên lớp đất để trang trí cho chậu cây thêm bắt mắt.

Bước 6 Cách Trồng Sen Đá

Giờ thì bạn đã có một chiếc chậu với những loại cây mọng nước nhỏ xinh để trang trí cho phòng khách, bếp hay phòng làm việc bừng lên sức sống rồi đấy.

Team MOW Garden

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *