Hôm Nay, Tôi Đã Làm Được Gì cho Người Khác?

Những người khác luôn luôn có nhu cầu, và mỗi người chúng ta có thể làm một điều gì đó để giúp đỡ một người nào đó.

Các anh chị em thân mến, vào buổi sáng đẹp trời hôm nay, tôi chào mừng các anh chị em với tình yêu thương tha thiết đối với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và đối với mỗi anh chị em. Tôi biết ơn về đặc ân được đứng trước mặt các anh chị em và cầu nguyện rằng tôi có thể truyền đạt hữu hiệu điều tôi cảm thấy được thúc giục để nói.

Cách đây vài năm, tôi đọc một bài viết của Jack McConnell, một vị bác sĩ. Ông ấy lớn lên trong vùng đồi núi của miền tây nam Virginia ở Hoa Kỳ, là một trong số bảy người con của một mục sư đạo Methodist và một người mẹ ở nhà lo việc nội trợ. Gia cảnh của họ rất khiêm tốn. Ông thuật lại rằng trong thời thơ ấu, mỗi ngày khi gia đình ngồi quanh bàn ăn tối thì cha ông lần lượt hỏi mỗi người: “Hôm nay con đã làm được gì cho người khác?”1 Mấy đứa con quyết tâm phải làm một điều gì tốt mỗi ngày để chúng có thể kể lại cho cha mình rằng chúng đã giúp đỡ một người nào đó. Bác sĩ McConnell gọi lối rèn luyện này là di sản quý báu nhất của cha ông, vì kỳ vọng và những lời đó đã soi dẫn cho ông và các anh chị em của ông giúp đỡ những người khác trong suốt cuộc đời họ. Khi lớn lên và trưởng thành, động cơ phục vụ của họ thay đổi thành ước muốn nội tâm để giúp đỡ những người khác.

Ngoài sự nghiệp y khoa lẫy lừng—như hướng dẫn việc khai triển phương pháp thử nghiệm bệnh lao, tham gia trong việc phát triển đầu tiên phương pháp chủng ngừa bệnh bại liệt, giám sát việc khám phá thuốc Tylenol và đã có công trong việc phát triển quá trình chụp hình cộng hưởng nam châm, hoặc MRI—ông còn lập ra một tổ chức có tên là Tình Nguyện Viên Y Tế, mang đến cho nhân viên y tế đã về hưu cơ hội tình nguyện tại các phòng khám bệnh miễn phí nhằm phục vụ các công nhân không có bảo hiểm. Bác Sĩ McConnell nói rằng thời gian rảnh rỗi của ông kể từ khi về hưu “biến thành 60 giờ một tuần làm việc không lương, nhưng sinh lực [của ông] đã gia tăng và có một niềm mãn nguyện trong cuộc sống [của ông] chưa từng có trước đó.” Ông phát biểu: “Một điều ngược đời trong cuộc sống là tôi đã hưởng lợi từ tổ chức Tình Nguyện Viên Y Tế nhiều hơn là các bệnh nhân của tôi.”2 Hiện có hơn 70 phòng khám bệnh như vậy ở khắp Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, chúng ta đều không thể giống như Bác Sĩ McConnells được, trong việc thành lập các phòng khám bệnh giúp đỡ người nghèo; tuy nhiên, những người khác luôn luôn có nhu cầu, và mỗi người chúng ta có thể làm một điều gì đó để giúp đỡ một người nào đó.

Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Hỡi anh em hãy làm đầy tớ lẫn nhau.”3 Xin hãy nhớ lại với tôi những lời quen thuộc của Vua Bên Gia Min trong Sách Mặc Môn: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”4

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy các môn đồ của Ngài: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu.”5

Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi đang phán bảo rằng trừ phi chúng ta hy sinh bản thân để phục vụ những người khác, thì có rất ít mục đích trong cuộc sống của chúng ta. Những người chỉ sống cho bản thân họ thì cuối cùng sẽ hẹp hòi phần thuộc linh, và theo nghĩa bóng, sẽ đánh mất sự sống của họ, trong khi những người hy sinh phục vụ những người khác thì sẽ lớn mạnh và phát triển—và thực ra cứu mạng sống họ.

Trong đại hội trung ương tháng Mười năm 1963—đại hội mà tôi được tán trợ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ—Chủ Tịch David O. McKay phát biểu như sau: “Hạnh phúc lớn nhất của con người phát xuất từ sự hy sinh vì lợi ích của những người khác.”6

Chúng ta thường sống gần nhau nhưng không truyền đạt với nhau bằng tấm lòng. Có những người sống trong tầm ảnh hưởng của chúng ta là những người dang tay ra mà kêu lên rằng: “Trong Ga La Át há chẳng có nhũ hương sao?”7

Tôi tin rằng mỗi tín hữu của Giáo Hội đều có ý định để phục vụ và giúp đỡ những người hoạn nạn. Tại lễ báp têm, chúng ta đều giao ước phải “mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng.”8 Có bao nhiêu lần các anh chị em xúc động khi nhìn thấy cảnh hoạn nạn của một người khác? Bao nhiêu lần các anh chị em có ý định là phải giúp đỡ? Tuy nhiên, đã bao lần cuộc sống ngày qua ngày bị cản trở, rồi các anh chị em không làm gì cả và nghĩ rằng “chắc chắn là sẽ có một người nào đó ra tay giúp đỡ.”

Chúng ta trở nên quá bận rộn với cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta ngừng lại và nhìn kỹ vào điều mình đang làm, thì có thể thấy rằng chúng ta đã vướng sâu vào những điều không quan trọng. Nói cách khác, chúng ta thường bỏ đa số thời giờ của mình bận tâm đến những điều không thực sự quan trọng lắm trong cuộc sống nói chung, mà không để ý đến những chính nghĩa quan trọng hơn.

Cách đây nhiều năm, tôi có nghe một bài thơ làm tôi nhớ mãi và nhờ đó tôi đã cố gắng hướng dẫn cuộc sống của mình. Đó là một trong các bài thơ ưa thích của tôi:

Tôi đã khóc trong đêm,

Vì lòng thiển cận,

Làm tôi không thấy cảnh hoạn nạn của người khác;

Nhưng tôi chưa bao giờ

Thấy thoáng hối tiếc

Vì đã tỏ ra một chút tử tế.9

Thưa các anh chị em, chúng ta sống ở giữa những người đang cần chú ý , lời khích lệ, hỗ trợ, an ủi và lòng nhân từ của chúng ta—cho dù họ là những người trong gia đình, bạn bè, người quen hay người lạ. Chúng ta đều ở trong tay Chúa nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta.

Các anh chị em có thể than: tôi chỉ có đủ thời giờ mỗi ngày để làm tất cả những gì cần phải làm. Làm thế nào tôi có thể phục vụ những người khác được? Tôi có thể làm được điều gì?

Mới cách đây hơn một năm, tôi được tập san Tin Tức Giáo Hội phỏng vấn trước ngày sinh nhật của tôi. Vào cuối cuộc phỏng vấn đó, người phóng viên hỏi tôi xem món quà lý tưởng các tín hữu trên toàn cầu có thể tặng cho tôi là gì. Tôi đáp: “Hãy tìm một người nào đang gặp khó khăn hoặc đau yếu, hay cô đơn và làm một điều gì đó cho người ấy.”10

Lòng tôi tràn ngập niềm vui vào sinh nhật năm nay, tôi nhận được hằng trăm tấm thiệp và lá thư của các tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới kể cho tôi nghe họ đã làm tròn ước nguyện của ngày sinh nhật đó như thế nào. Hành động phục vụ gồm có từ việc thu góp những món đồ viện trợ nhân đạo đến làm vườn.

Rất nhiều Hội Thiếu Nhi đã yêu cầu các trẻ em phục vụ, và rồi các hành động phục vụ đó được ghi lại và gửi đến tôi. Tôi cần phải nói rằng phương pháp ghi lại như vậy thật đầy sáng tạo. Có nhiều kiểu ghi lại dưới hình thức trang giấy đặt chung thành nhiều hình dạng và kích thước của cuốn sách. Một số quyển sách chứa đựng các tấm thiệp, hình vẽ hoặc tranh tô màu của trẻ em. Một Hội Thiếu Nhi rất sáng tạo gửi đến một cái bình to chứa đựng hằng trăm thứ mà họ gọi là “quả bông xù,” mỗi quả tiêu biểu cho một hành động phục vụ được thực hiện trong năm bởi một trong số các trẻ em trong Hội Thiếu Nhi. Tôi có thể tưởng tượng được niềm vui trọn vẹn các em này đã kinh nghiệm được khi các em nói về sự phục vụ của mình và rồi đặt một “quả bông xù” vào cái bình.

Tôi chỉ xin chia sẻ với các anh chị em một vài lá thư ngắn trong vô số lá thư ngắn đặt trong nhiều món quà tôi nhận được. Một em viết: “Ông nội của con bị đột quỵ và con đã nắm tay ông.” Một em gái 8 tuổi viết: “Chị con và con phục vụ mẹ con và gia đình bằng cách sắp xếp và dọn dẹp tủ đồ chơi. Chúng con bỏ ra một vài giờ đồng hồ và chúng con thấy rất thích thú. Điều tốt nhất là chúng con làm cho mẹ ngạc nhiên và vui sướng bởi vì mẹ không cần phải bảo chúng con làm.” Một em bé gái 11 tuổi viết: “Có một gia đình trong tiểu giáo khu của con không có nhiều tiền. Họ có ba đứa con gái nhỏ. Hai cha mẹ phải đi đâu đó nên con đề nghị trông ba đứa con gái đó. Khi người cha đưa cho con tờ giấy bạc 5 đô la, thì con nói: ‘Con không thể lấy tiền được.’ Sự phục vụ của con là trông các bé gái miễn phí.” Một em trong Hội Thiếu Nhi ở Mông Cổ viết rằng em xách nước từ giếng về nhà để mẹ em không cần phải làm như vậy. Từ một bé trai 4 tuổi, chắc chắn là được viết bởi một giảng viên trong Hội Thiếu Nhi: “Cha của con đi huấn luyện quân sự trong một vài tuần. Công việc đặc biệt của con là ôm hôn mẹ.” Một bé gái 9 tuổi viết: “Con hái trái dâu cho bà cố của con. Con cảm thấy vui trong lòng!” Và một em khác viết: “Con chơi với một đứa nhỏ cô đơn.”

Từ một bé trai 11 tuổi: “Con đi đến nhà của một bà này và hỏi thăm bà, rồi hát một bài hát cho bà nghe. Con rất vui đã đi thăm bà. Bà vui vì bà không bao giờ có ai đến thăm cả.” Khi đọc những lá thư ngắn và đặc biệt này nhắc tôi nhớ đến những lời do Anh Cả Richard L. Evans thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai viết cách đây nhiều năm. Ông nói: “Thật là khó để những người trẻ tuổi hiểu nỗi cô đơn khi cuộc sống thay đổi từ thời gian chuẩn bị bước vào đời và làm việc đến thời gian các anh chị em giảm bớt sinh hoạt trong cuộc sống… . Từ việc luôn đóng một vai trò chính yếu và cần thiết trong nhà, đến khi đột nhiên phải đứng qua một bên nhìn những người khác trong gia đình tiếp tục sinh hoạt trong cuộc sống—điều này là sống cô đơn… . Chúng ta phải sống một thời gian dài mới biết được một căn phòng trống trải như thế nào, vì chỉ có đồ đạc bàn ghế mà thôi. Phải cần có một người nào đó … ngoài một người giúp việc, ngoài một người điều dưỡng chuyên nghiệp, để nhắc nhở ký ức của thời đã qua và giữ cho những người cô đơn như vậy vui sống với hiện tại… . Chúng ta không thể mang họ trở lại với những năm tháng của tuổi trẻ. Nhưng chúng ta có thể giúp họ sống thoải mái trong những năm tháng cuối đời mình bằng hành động ân cần … và tình yêu thương chân thật.”11

Những tấm thiệp và lá thư ngắn mừng sinh nhật tôi cũng đến từ các em trong lớp Hội Thiếu Niên và Hội Thiếu Nữ, các em đã may chăn mền cho bệnh viện, phục vụ trong những nơi cung cấp thức ăn miễn phí cho người nghèo, chịu phép báp têm cho người chết và vô số những hành động phục vụ khác.

Hội Phụ Nữ, nơi luôn luôn có thể tìm ra sự giúp đỡ, còn phục vụ nhiều hơn việc phục vụ thường lệ của họ. Các nhóm chức tư tế cũng làm như vậy.

Thưa các anh chị em, tôi ít khi nào xúc động và biết ơn như khi Chị Monson và tôi thật sự dành ra nhiều thời gian để đọc những món quà này. Bây giờ, tôi vui mừng biết bao khi tôi nói về kinh nghiệm và nghĩ đến cuộc sống của những người đã được ban phước, là kết quả của cả người ban phát lẫn người tiếp nhận.

Tôi nghĩ đến những lời từ chương 25 của sách Ma Thi Ơ:

“Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất:

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;

“Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta.

“Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho?

“Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta.”12

Thưa các anh chị em, cầu xin cho chúng ta tự hỏi câu hỏi đã được đưa ra cho Bác Sĩ Jack McConnell và các anh chị em của ông vào mỗi buổi chiều trong giờ ăn: “Hôm nay con đã làm được gì cho một người khác?” Cầu xin cho những lời của bài ca quen thuộc thấm sâu vào tâm hồn chúng ta và tìm ra một chỗ trú ngụ trong tim chúng ta

Nhìn lại xem mình làm điều chi tốt trong ngày nay?

Nào ta có giúp cho người kêu xin?

Hoặc an ủi ai đang buồn, hoặc làm cho ai mừng vui?

Không thế thì chính ta sai lầm rồi.

Hôm nay ai vơi được sầu vì ta chung chia sớt?

Có gánh nặng nào được ta ghé vai?

Người bệnh nào yếu đuối những lúc trông mong ta nâng dắt,

Chính ta đã làm những chi cho họ?13

Sự phục vụ mà tất cả chúng ta đã được kêu gọi là sự phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô.

Như Ngài kêu gọi chúng ta đến với chính nghĩa của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta đến gần Ngài. Ngài phán bảo cùng các anh chị em và tôi:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”14

Nếu chúng ta thật sự lắng nghe, thì chúng ta có thể nghe được tiếng nói từ xa đó dành cho mình, khi tiếng nói đó được nói cho một người khác: “Hỡi tôi tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”15 Cầu xin cho mỗi người chúng ta hội đủ điều kiện cho phước lành này từ Chúa của chúng ta là lời cầu nguyện của tôi, trong danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, A Men.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *