Thành ngữ tiếng Anh là một phạm trù tuy vui nhưng đôi khi lại khiến bạn phải vò đầu bứt tai vì không thể nắm được hết ý nghĩa. Thậm chí, còn có những câu thành ngữ chứa toàn đồ ăn mà nếu bạn dịch sát nghĩa là đảm bảo không hiểu gì luôn cho xem. Thế nên, chúng ta có thành ngữ, chúng ta có thức ăn, hãy kết hợp chúng lại với nhau để học các thành ngữ về đồ ăn thật dễ dàng bạn nhé!
Spill the beans
Thành ngữ này có nghĩa là tiết lộ thông tin bí mật dù vô tình hay cố ý, thường làm hỏng sự bất ngờ hoặc một kế hoạch khác.
Người ta tin rằng cụm từ này bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, khi người dân có truyền thống bỏ phiếu bí mật bằng cách đặt hạt đậu trắng hoặc đen vào một cái lọ (hạt trắng mang nghĩa tích cực và hạt đen mang nghĩa tiêu cực). Nếu ai đó vô tình hoặc cố tình lật đổ lọ, những hạt đậu sẽ tràn ra ngoài và “bí mật” sẽ được tiết lộ sớm hơn dự định, do vậy chúng ta có thành ngữ “spill the beans”.
Ví dụ: I have prepared a very special birthday gift for John, so don’t spill the beans!
“Spill the beans” nghĩa là tiết lộ bí mật của bản thân hoặc ai đó (Nguồn: pixels)
Piece of a cake
Thành ngữ này ám chỉ việc gì đó rất dễ thực hiện, như cách chúng ta vẫn hay nói “dễ như ăn kẹo” ấy.
Người ta cho rằng thành ngữ này bắt nguồn từ những năm 1870, khi tặng bánh là truyền thống trao giải trong các cuộc thi. Tại một số vùng ở Mỹ vào thời điểm này, nô lệ sẽ tham gia màn “cake walks”, trong đó các đôi sẽ thực hiện điệu nhảy chế giễu phong cách riêng của chủ nhân. Đôi duyên dáng nhất sẽ nhận được giải thưởng là một chiếc bánh. Từ đó, “a piece of cake” bắt đầu được dùng để mô tả thứ gì đó dễ dàng đạt được.
Ví dụ: I don’t study much for the test, it’s just piece of a cake for me.
Pear-shaped
Từ này khá dễ để đoán nghĩa đen đúng không nào? Bạn sử dụng nó khi muốn miêu tả vật nào đó có dạng quả lê. Câu thành ngữ còn mang nghĩa khác là việc gì đó bị hỏng.
Nhiều người tin rằng cách diễn đạt này bắt nguồn từ cuối thập niên 1940 ở Anh. Các phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) luyện tập bay ngược đầu nhưng rất khó để đạt một đường bay tròn hoàn hảo. Do đó, các vòng bay không được thực hiện chính xác được gọi là “pear-shaped”.
Ví dụ: It looked like they were going to win the football match but in the last 10 minutes it all went pear-shaped.
As cool as a cucumber
Nghĩa của cụm từ này là cực kỳ bình tĩnh, thoải mái và kiểm soát tốt cảm xúc.
Nguồn gốc thực tế của cụm từ này là ngay cả khi thời tiết nóng, nhiệt độ bên trong dưa chuột vẫn thấp hơn không khí bên ngoài xấp xỉ 2 độ. Do đó, một người giữ được bình tĩnh trong tình huống khó khăn được so sánh với quả dưa chuột vẫn mát lạnh trong thời tiết nóng bức.
Ví dụ: I don’t understand how you can stay cool as a cucumber when you give presentations to more than 100 people.
Thư giãn, không bị ảnh hưởng bởi stress là “As cool as a cucumber” (Nguồn: pinterest)
Slower than Molasses
Molasses hay còn gọi là rỉ đường hay rỉ mật, mật rỉ, mật rỉ đường, còn được gọi ngắn gọn là mật, là chất lỏng đặc sánh còn lại sau khi đã rút đường bằng phương pháp cô và kết tinh. Đây là sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến đường. Và điều đặc biệt là tốc độ chảy của nó cực kì chậm, nên câu thành ngữ này dùng để nói những thứ rất chậm chạp.
Ví dụ: That horse I bet on was slower than molasses.
“Slower than Molasses” ý chỉ những thứ chậm chạp (Nguồn: Dailymotion)
Be the apple of one’s eye
Chà chà, câu này có lẽ đã không còn xa lạ với chúng ta sau khi xem bộ phim “You’re the apple of my eye” (dịch ra Tiếng Việt là “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”) đúng không nào? Câu thành ngữ này dùng để chỉ người nào đó mà bạn có tình cảm. Lãng mạn quá chứ nhỉ?
Big cheese
Thành ngữ này được sử dụng để chỉ các ông chủ hay sếp ở các công ty Mỹ hay Anh. Thành ngữ có cùng nét nghĩa với thành ngữ TOP BRASS hay BRASS HAT. Các thành ngữ trên xuất hiện ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Trong những ngôn ngữ này từ cheese có nghĩa là vật hay sự vật. Do đó A big cheese có nghĩa là một vật to lớn hay to tát.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, cheese được hiểu nhầm là cheese (người lãnh đạo, vị lãnh đạo). Vì vậy thành ngữ big cheese dần dần có nghĩa là vị lãnh đạo, ông chủ, người có quyền thế hay địa vị quan trọng.
Ví dụ: That man comes from a normal emplyee to a big cheese in such a short time.
Đừng nhầm big cheese là miếng phomat to bạn nhé! (Nguồn: daytondailynews)
Trên đây là một vài thành ngữ về đồ ăn khá thú vị mà Edu2Review muốn chia sẻ cho bạn. Vẫn còn rất nhiều những thành ngữ hay ho khác đang đợi bạn khám phá đấy, hãy thử tìm hiểu bạn nhé! Việc tìm hiểu các thành ngữ sẽ giúp bạn hiểu được tiếng Anh của người bản xứ và cũng tự tin hơn trong giao tiếp đấy!
Khả Vy (tổng hợp)
Nguồn ảnh cover: Freepik