Sắp đến ngày 5/5 tết Đoan Ngọ rồi chúng mình cùng làm bánh gio hay còn gọi là bánh tro nhé. Công thức làm bánh tro dưới đây sẽ giúp bạn có được những bánh tro thơm ngon, cùng bắt tay vào làm món bánh tro đơn giản này nhé.
Nguyên liệu cho bánh tro (bánh gio) cho 6 người ăn:
Gạo nếp: 500g
Đỗ xanh đã bỏ vỏ: 100g
Đường, muối, nước tro
Lá tre bương hoặc lá chuối
Dây lạt
Cách làm bánh tro (bánh gio) mật mía:
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tro:
Để làm bánh gio ngon bạn nên chọn gạo nếp của mùa mới, không lẫn gạo tẻ. Gạo nếp phải được vo đãi nhiều lần cho thật sạch sau đó ngâm vào xoong nước lạnh to có hòa 1 ít muồi, thời gian ngâm lần 1 là 5-6h.
Để làm nước gio, người ta lấy cây thạp nhạp (là loại cây mọc trên rừng, rất phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc) cùng với quả của cây xoan mang về đốt thành tàn tro. Sau đó, lọc lấy phần nước. Tuy nhiên, bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn. Bạn có thể pha nước tro với tỉ lệ như sau: 1 thìa canh nước tro thì pha với 1 lít nước lọc.
Sau khi đã ngâm nước muối, bạn cho gạo nếp ngâm với nước tro theo tỉ lên trên trong 22h. Bạn có thể kiểm tra gạo nếp đã ngấm nước tro đủ hay chưa bằng cách lấy hạt gạo nếp đặt vào giữa 2 ngón tay cái và ngón trỏ, ấn nhẹ, nếu thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì tức là có thể làm bánh.
Gạo nếp ngấm đủ nước tro cần xả lại nhiều lần với nước lọc cho thật sạch rồi xóc thêm muối để ra rổ cho ráo nước.
Đỗ xanh cần ngâm với nước ấm 2h, khi thấy hạt đỗ xanh nở gấp đôi thì cho đỗ xanh vào hấp chín. Sau khi đỗ chín thì dùng máy xay sinh tố hoặc giã cho mịn. Cho đỗ lên chảo đảo cho đến khi mặt đỗ se khô lại, cho thêm đường sao cho vị ngọt theo sở thích của bạn và gia đình. Sau khi để nguội thì vê viên lại thành viên tròn như viên bi.
Lá tre sau khi rửa sạch cần cho vào nồi nước sôi trần qua lá, sau đó để lá ráo nước.
Các bước thực hiện làm bánh tro:
Xếp chồng 2 lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình phễu. Dùng thìa múc 1 thìa gạo nếp, đặt 1-2 viên đỗ xanh lên trên sau đó múc 1 lần gạo nếp nữa để phủ lên đỗ, dùng thìa ấn nhẹ phần gạo nếp xuống cho thật chặt. Gấp hết phần góc còn lại của lá cho kín, dùng lạt buộc chặt. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết gạo và đỗ.
Dùng xoong to ( ước lượng nồi đủ để luộc bánh) đun nước sôi rồi thả bánh vào luộc ( ước lượng làm sao cho nước ngập bánh 10cm), cứ khi nào nước cạn thì lại thêm nước sôi vào và luộc trong 2h. Khi bánh chín thì xả dưới vòi nước lạnh sau đó treo lên chỗ thoáng mát.
Cách làm mật mía chấm bánh tro:
Bạn có thể cho đường trắng vào chảo nóng, đun nhỏ lửa cho đến khi đường chảy thành nước màu vàng cánh gián, đường tan hoàn toàn, đường trở thành nước đặc, quánh lại là được.
Sau khi học cách làm bánh tro (bánh gio) chấm mật mía ngon này hy vọng các bạn có thể tự tay làm những chiếc bánh tro cực ngon hấp dẫn cho cả nhà trong dịp tết đoan ngọ hay đơn giản là ăn vặt hàng ngày. Chúc các bạn thành công và làm nên món bánh tro ngon tuyệt hấp dẫn này nhé.
Những lưu ý khi làm món bánh tro:
Làm bánh tro phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỷ mẩn của những bàn tay khéo léo, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm
Gạo để làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo. Nước để làm bánh là nước tro (sau khi đốt các loại lá) được đánh kỹ với nước vôi trong. Dung dịch nước vôi và tro phải trong, có màu vàng hổ phách mới đạt yêu cầu, sau đó cho gạo vào nước này ngâm một đêm. Không nên ngâm gạo quá lâu, khi đó bánh sẽ bị nồng.Ngâm khi nào ta lấy 2 đầu ngón tay di hạt gạo thấy vỡ vụn là được. Khi vớt gạo gói bánh cần phải xả với nước thật sạch, xóc với một chút muối, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị thanh mát của bánh.
Lá dùng để gói bánh tro thường là lá tre rừng tẻ được luộc hoặc hấp, tước hết phần gân lá cho mềm, dai và dễ gói hơn. Đặc biệt, lá phải được lau khô trước khi gói.
Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới được bóc ra chứ chưa cần thưởng thức. Bởi vậy, dáng hình và màu sắc của bánh là rất quan trọng. Người gói bánh phải khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối, sao cho chiếc bánh nhìn nuột nà và có hình dáng đặc trưng giống chiếc răng bừa và thường người ta gói bánh dài giống như chiếc chuôi liềm để bán hàng ngày. Còn bánh vuông chỉ gói khi có người đặt bày cỗ. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.
Nước luộc bánh cũng cho một ít nước tro, dưới đáy nồi được lót một ngòn măng tre đập dập cho khỏi sát nồi, người luộc bánh sẽ dùng một rổ lớn đậy lên bánh, lấy một vật nặng đè lên rổ để bánh không nổ irồi đổ nước ngập hơn bánh ít nhất khoảng 15-20cm.
Đặc biệt, khi gói và luộc bánh tối kỵ dây vào mỡ, có mỡ là bánh bị ngân, không nhừ. Bánh luộc khoảng 3 – 5 giờ là rền sẽ được vớt ra để nguội. Khi bóc tấm bánh là một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó.
Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát…