Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Văn Thành – Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tránh thai khẩn cấp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn, tránh nguy cơ phá thai. Để đạt hiệu quả, cần sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt sau quan hệ. Biện pháp này không có tác dụng với những trường hợp đã thụ thai.
1. Tránh thai khẩn cấp là gì?
Biện pháp tránh thai khẩn cấp làm giảm khả năng thụ thai sau quan hệ không bảo vệ. Tránh thai khẩn cấp thường được sử dụng trong một số trường hợp như quên uống thuốc tránh thai hàng ngày, bao cao su rách hoặc trượt, không sử dụng biện pháp tránh thai trong quan hệ, hoặc quan hệ ngoài ý muốn.
2. Các biện pháp tránh thai khẩn cấp
Có hai phương pháp phổ biến:
- Đặt vòng tránh thai
- Uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thuốc tránh thai khẩn cấp gồm 3 loại:
- Ulipristal.
- Thuốc khẩn cấp chỉ chứa Progestin.
- Thuốc ngừa thai phối hợp.
Có những loại thuốc tránh thai khẩn cấp bắt buộc bán theo đơn và có một số loại có thể mua không cần đơn của bác sĩ.
3. Hình thức tránh thai khẩn cấp hiệu quả nhất
Đặt vòng là hình thức tránh thai khẩn cấp hiệu quả nhất
So sánh trong số các loại thuốc tránh thai, ulipristal là loại hiệu quả nhất nếu sử dụng theo đúng hướng dẫn, tiếp đến là thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa Progestin, cuối cùng là thuốc ngừa thai phối hợp.
- Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai
Cơ chế hoạt động chủ yếu của vòng tránh thai là ngăn không cho tinh trùng gặp trứng, đây cũng là phương pháp tránh thai hiệu quả nhất. Lưu ý, trong trường hợp muốn tránh thai khẩn cấp, cần đặt vòng trong vòng 5 ngày kể từ khi quan hệ không có biện pháp bảo hộ. Thời hạn tránh thai của phương pháp này có thể lên tới 10 năm. Có thể dễ dàng có thai lại sau khi tháo vòng tránh thai, và có thể tháo vòng bất cứ khi nào.
- Tác dụng phụ có thể gặp phải sau đặt vòng
Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, chảy máu tăng trong vài tháng đầu đặt vòng là một vài tác dụng phụ. Có thể mua thuốc giảm đau không cần đơn của bác sĩ để giảm triệu chứng đau bụng. Tình trạng chảy máu nhiều cũng có thể được điều trị bằng thuốc.
Thông thường, cả hai tác dụng phụ kể trên (nếu có) sẽ giảm trong vòng 1 năm kể từ khi đặt vòng.
Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai
- Ulipristal: Thuốc hoạt động bằng cách tác động lên hormone progesterone trong cơ thể, trì hoãn hoặc ngăn không cho trứng rụng. Thuốc chứa Ulipristal có thể sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi giao hợp không bảo vệ mà không làm giảm hiệu quả của thuốc. Ulipristal là thuốc phải kê đơn. Nếu thực hiện đúng theo chỉ dẫn, ulipristal có hiệu quả ngừa thai cao hơn so với thuốc chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai phối hợp.
- Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ chứa Progestin: Nên uống thuốc càng sớm càng tốt sau quan hệ không bảo vệ. Progestin ngừa thai bằng cách ngăn chặn hoặc trì hoãn sự rụng trứng, phát huy tác dụng hiệu quả nhất trong vòng 3 ngày sau giao hợp không bảo vệ, tương đối hiệu quả nếu uống trong vòng 5 ngày. Thuốc không cần kê đơn.
- Thuốc phối hợp: Là thuốc chứa cả estrogen và progestin, ngừa thai bằng cách trì hoãn sự rụng trứng. Thuốc cần được sử dụng càng sớm càng tốt, không quá 5 ngày sau quan hệ. Thuốc thường được chia làm hai liều, số lượng viên uống khác nhau đối với các hãng khác nhau.
4. Có thể uống thuốc tránh thai thường xuyên hay không?
Có thể uống thuốc tránh thai nhiều hơn một lần trong một chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để sử dụng với mục đích tránh thai hàng ngày. Thuốc tránh thai khẩn cấp không ngừa thai hiệu quả bằng và nếu lạm dụng có thể có nhiều tác dụng phụ hơn so với việc sử dụng các biện pháp tránh thai hàng ngày đúng cách. Khám bác sĩ Sản – phụ khoa để được tư vấn phương pháp tránh thai phù hợp nhất.
5. Tác dụng phụ có thể gặp phải sau uống thuốc tránh thai khẩn cấp
Hiện tại các loại thuốc tránh thai khẩn cấp chưa gây ra biến chứng nghiêm trọng nào. Có thể gặp phải một số tác dụng phụ như kinh nguyệt sớm hoặc muộn, ra máu bất thường,vv.. trong vòng một vài tuần hoặc một tháng sau khi uống thuốc. Sau đó, các triệu chứng sẽ tự hết. Ngoài ra, một số tác dụng phụ ngắn hạn có thể gặp khác bao gồm:
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn (đặc biệt gặp ở những người uống thuốc ngừa thai phối hợp)
- Đau ngực
- Đau bụng
- Hoa mắt, chóng mặt
- Mệt mỏi
6. Thể trạng có ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc?
Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể giảm hiệu quả ngừa thai đối với phụ nữ có thể trạng thừa cân hoặc béo phì. Nếu thừa cân, béo phì, hãy cân nhắc phương pháp đặt vòng tránh thai, bởi cân nặng không ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp này.
7. Mua thuốc tránh thai khẩn cấp hay đặt vòng ở đâu?
Thuốc chỉ chứa progestin không cần đơn và không giới hạn độ tuổi, có thể mua tại các hiệu thuốc. Để mua được thuốc ulipristal, cần được bác sĩ kê đơn. Để đặt vòng, cần đến các cơ sở y tế.
8. Sau bao lâu kể sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp có thể sử dụng biện pháp tránh thai lâu dài?
Điều này phụ thuộc vào loại thuốc đang sử dụng:
- Đối với thuốc tránh thai chỉ chứa progestin hoặc thuốc dạng phối hợp, có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khác ngay sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, trong 7 ngày đầu tiên sử dụng biện pháp tránh thai hằng ngày, cần sử dụng kết hợp bao cao su hoặc tránh quan hệ để đảm bảo an toàn
- Đối với thuốc ulipristal, cần chờ 5 ngày sau khi ngưng thuốc mới có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khác. Cùng với đó, cần kết hợp sử dụng bao cao su hoặc tránh quan hệ cho đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Sử dụng đồng thời phương pháp tránh thai nội tiết và uống ulipristal có thể làm giảm hiệu quả ngừa thai của cả hai loại.
9. Có cần theo dõi gì sau khi sử dụng tránh thai khẩn cấp hay không?
Sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, không cần làm thêm xét nghiệm hay thủ thuật gì. Tuy nhiên, vẫn nên thử thai nếu bị chậm kinh. Chưa có cơ sở chứng minh các loại thuốc tránh thai gây hại cho việc mang thai hoặc sức khỏe thai nhi, trong trường hợp người uống đã mang bầu.
Các biện pháp tránh thai khẩn cấp không có chức năng phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục (STIs). Nếu nghi ngờ bản thân có khả năng đã mắc bệnh lây qua đường tình dục, và có quan hệ không bảo hộ, hãy liên hệ với bác sĩ Sản – phụ khoa để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec
để được giảm ngay 20% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 – 31/12/2022).
Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn
tư vấn từ xa qua video
với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Acog.org