Hãy hiểu đúng về chữ Nhẫn

Thụy Bất Nhi.

  –  

Thứ hai, 07/09/2020 14:11 (GMT+7)

Đương thời tại thế, thầy tôi thường cho người ta chữ đẹp về treo trong nhà đầu năm, cầu sự cát tường. Nên một lần cao hứng, tôi cùng đồng học cũng đến nhà thầy cũng xin chữ như vậy.

Hãy hiểu đúng về chữ Nhẫn
Luôn rèn giũa tính sắc bén như có đao kiếm trong lòng, đó là thực hành Nhẫn, kiên trì đạt mục đích cuối cùng. (Ảnh minh họa).

Đồng học làm giáo viên cấp 3, có lẽ nghe người khác nói, nên xin thầy chữ Nhẫn. Thầy gật gù song cả buổi nói chuyện, thầy không đề cập gì. Mãi khi chúng tôi về, thầy mới lấy giấy bút viết một chữ Ái gởi cho.

Hôm sau tôi mang sự thắc mắc đến hỏi. Thầy cười bảo, vậy theo trò nghĩa chữ Nhẫn là gì?

Chữ Nhẫn (忍) là chữ Hán được viết với chữ Nhẫn (刃) ở trên và bộ Tâm (心) phía dưới, nghĩa động từ là chịu đựng, kiên trì. Chữ này được nhiều người giải thích là bộ Tâm bỏ chữ Đao đi, tức loại bỏ ý niệm tranh đoạt làm hại ở trong lòng đi, là thực hành Nhẫn.

Tôi theo nghĩa bàn ấy nêu ra với thầy, và lý giải thêm, những từ tiếng Việt như nhẫn nại, nhẫn nhịn… đều mang nghĩa tu dưỡng tâm tánh như vậy.

Không ngờ thầy nghe xong lại bật cười và bảo, việc học phải tìm hiểu thấu đáo, chứ không nên chỉ nghe người đời nói sao rồi lặp lại y vậy. Nếu nói là Nhẫn hàm nghĩa tu dưỡng tâm tánh thì không sai, nhưng phải nói rõ sự tu dưỡng ấy nhằm mục đích gì, thì mới hiểu đúng nghĩa chữ được.

Chữ Nhẫn (刃) ban đầu được viết với hình vẽ một con dao có cạnh sắc (bộ Đao, 刀) và bộ Chủ (丶, nét chấm), chỉ vào sự sắc bén của vũ khí. Nghĩa sơ khởi của chữ Nhẫn, chính là giết chết, mở rộng là sự bén ngọt của đao kiếm. Sách cũ viết, hãy luyện đao kiếm đạt đến chỗ sắc bén nhất, tinh thục nhất, ấy là Nhẫn. Chữ này thuộc bộ Đao.

Về sau, người đời lại ghép bộ Tâm vào chữ Nhẫn này, tạo ra chữ Nhẫn (忍) thuộc về bộ Tâm và có nghĩa sự tu vi hàm dưỡng của một người nào đó. Có điều, sự tu dưỡng này nhằm phải đạt mục đích đã đặt ra, không hề khoan nhượng, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn để làm cho bằng được.

Đại diện cho chữ Nhẫn này, chính là câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn 10 năm nằm gai nếm mật để báo thù quốc hận với Ngô Vương Phù Sai ở thời Xuân Thu (Trung Quốc). Vị vua này bị bại trận, bị bắt làm nô dịch 3 năm ở đất Ngô, chịu nhiều nhục nhã nhưng vẫn nhất quyết chịu đựng, chờ đến khi được thả về, tập trung binh lực, mới quyết chiến với quân Ngô và đánh bại Phù Sai, buộc kẻ thù phải tự tử. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “quân tử báo thù mười năm không muộn” chính từ tích này mà ra.

Rõ ràng chữ Nhẫn của Việt Vương Câu Tiễn chính là sự đúc kết thâm cừu uất hận trong lòng, cắn răng dồn nén mọi oán thù để đến lúc có dịp sẽ hành động. Sự đúc kết ấy phải được hàm dưỡng và nung nấu rất ghê gớm mới có được, và đây là tính chất rất cần có ở những ai ôm mộng làm chính trị hoặc đầu cơ làm ăn. Bỏ qua tất cả để đạt tới mục đích cuối cùng, ấy là cảnh giới cao nhất của chữ Nhẫn.

Nhưng cũng chính vậy, chữ Nhẫn không thích hợp với việc chọn lựa của ai có tấm lòng nhân ái hay hành động văn hóa.

Thầy tôi bảo, “thậm nhẫn cực ác”, nghĩa là người càng nung nấu tính Nhẫn sẽ càng hành động kiên quyết, thậm chí tàn ác để thỏa mãn khi thành công. Trước khi đạt mục đích, dù phải phải tổn thất thế nào, có làm người khác ra sao, người Nhẫn cũng bất chấp. Lưỡi đao trong chữ Nhẫn là lưỡi đao luôn được mài giũa sắc bén nhất, chứ không phải bỏ đi như nhiều người hiểu.

Vì lẽ ấy, đồng học của tôi là người theo giáo dục, nhất định không thể dùng chữ Nhẫn, mà nên dùng chữ Ái (愛, tình yêu) làm kim chỉ nam hành động.

Theo đó, trong tiếng Việt, chữ Nhẫn thực sự dùng đúng với từ tàn nhẫn (殘忍, hết sức cay nghiệt) hay bất khả nhẫn (不可忍, không thể cay nghiệt với người khác). Từ nhẫn nại (忍奈) chính là kiên trì chịu đựng đến cùng để có được mục đích đặt ra. Không hề có nghĩa nào về sự bao dung, nhân ái… ở chữ Nhẫn để con người theo đó biết buông bỏ, thôi tranh chấp.

Bỏ chữ đao trong lòng, chính là cách suy luận sai lệch về chữ Nhẫn, vì thực tế phải nói, chính là “luôn mài giũa bén ngọt lưỡi đao trong lòng mình, đó là thực hành Nhẫn”. Một sự thủ chấp đến lạnh lùng tột độ như vậy, làm sao đồng nghĩa với các lựa chọn buông bỏ, bao dung hay kiêm ái, mà người đời cứ gán ghép cho những hoạt động như tu thiền, dưỡng sinh?

Người tập tính Nhẫn chính là tập kiên trì lý trí, gần như không còn bị điều phối bởi tình cảm nữa, nên Nhẫn không gần với đức Nhân.

Trong tiếng Việt, chữ Nhẫn có nghĩa tính từ tàn bạo, ác độc là do vậy!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *