Hà Nội đã ứng phó như thế nào khi nguy cơ cấp độ dịch tăng?

Tiêm vaccine phòng COVID-19 và tuân thủ 5K là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trên đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hà Nội.

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, ngày 01/11 Hà Nội chỉ có 57 ca mắc COVID-19 với 18 ca mắc trong cộng đồng, tuy nhiên, 10 ngày sau đó (tính đến 18h ngày 09/11) số ca mắc COVID-19 của Hà Nội đã tăng lên đến 222 ca, trong đó 105 ca trong cộng đồng, thuộc 13 chùm ca bệnh, ổ dịch.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay là 5.326 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.122 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.204 ca.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19: Tính từ tháng 3/2021 đến nay, Thành phố đã tiêm được hơn 10,5 triệu mũi vaccine COVID-19. Trong đó hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 93,2% dân số trên 18 tuổi và 70,09% tổng dân số), 4,4 triệu mũi 2 (đạt 67,4% dân số trên 18 tuổi và 50,7% tổng dân số). Riêng đối tượng trên 50 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 79,57% và tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 51,2%.

Cấp độ dịch sẽ cao theo số ca mắc

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc các ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng lên trong những ngày gần đây đã được dự báo từ trước khi Thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội và người dân từ khu vực có dịch về Hà Nội dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện cách ly tập trung sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, làm tăng tỉ lệ ca mắc trong khu vực này.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, về cơ bản Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên việc không công bố tỉ lệ % bao nhiêu F0 không có triệu chứng đã dẫn đến việc khó nhận định, đánh giá một cách chính xác về tình hình dịch của Hà Nội.

Các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường theo tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nên nếu có ca F0 xuất hiện thì tiến hành phong tỏa diện hẹp theo từng hộ hoặc khu vực nhỏ.

Đánh giá về cấp độ dịch của Hà Nội trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết: Hiện Thành phố có 30 quận huyện, thị xã vẫn ở cấp độ 2. Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay khi các ca bệnh cao, nếu người dân không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì thời gian tới các ca mắc sẽ tiếp tục tăng, cấp độ dịch của Thành phố cũng sẽ tăng theo.

Hà Nội triển khai đồng loạt nhiều biện pháp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh với nhiều ổ dịch xuất hiện và ca mắc trong cộng đồng tăng cao, ngày 1/11, Hà Nội công bố chuyển cấp độ dịch từ 1 lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Ngoài ra, 30/30 quận, huyện thuộc cấp độ 2; có 312 xã, phường thuộc cấp độ 1; 264 xã, phường ở cấp độ 2, 3 xã, phường thuộc cấp độ 3 và tổ dân phố Ngô Sài (Quốc Oai) là khu vực duy nhất chuyển đỏ, nguy cơ rất cao.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 243/KD-UBND quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, yêu cầu hàng quán ăn uống đóng cửa trước 21h, đám cưới không tập trung quá 30 người, hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm). Đồng thời, Hà Nội tiếp tục dừng các hoạt động vũ trường, karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh, trong tình hình cấp bách như hiện nay, các sở ngành, quận huyện cần tích cực trao đổi trực tiếp để phối hợp triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, xử lý công việc bất kể ngày đêm để điều phối hiệu quả các công việc. Đồng thời tổ chức xét nghiệm, trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để có biện pháp phù hợp, đưa F0 đi điều trị tại các cơ sở y tế của Thành phố, F1 đi cách ly tập trung.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội. Đồng thời luôn thực hiện thông điệp 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định. 

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng thông qua sàng lọc ho, sốt. Vì vậy, đơn vị cũng khuyến cáo người dân nếu có một trong các biểu hiện (như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác), cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế đối với người đến/về từ các địa phương khác. Theo đó, đối với người đến/về Hà Nội, không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (vùng phong toả) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, để tăng cường phòng, chống dịch, trước hết người dân cần nghiêm túc hơn nữa trong việc tuân thủ “5K” khi ra ngoài giao lưu đi lại, những nơi tập trung đông người, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

“Chúng ta cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, vì vậy nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời”.

“Ngoài ra Thành phố cũng nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, tập trung tiêm vaccine cho nhóm tuổi này hoặc những người có bệnh lý nền trước để giảm nguy cơ cao. Đối với các trường hợp F1 và F0 triệu chứng nhẹ nên cách ly tại nhà, vì thực tế theo như kinh nghiệm tại TPHCM trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua khi F0 có triệu chứng nhẹ và F1 cách ly tại nhà thì tỉ lệ tử vong đã giảm xuống rõ rệt”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Thiện Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *