Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2017, cả nước xảy ra 287 vụ cháy, nổ, làm 9 người chết và 20 người bị thương, thiệt hại ước tính 52,3 tỷ đồng. Tính chung năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên cho ta thấy toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của “giặc lửa” nhưng cũng vừa cho ta thấy một nghịch lý đang diễn ra với công tác phòng chống cháy nổ. Đó là ý thức của phòng chống chảy nổ của người dân vẫn còn thiếu và yếu. Mặc dù, Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã nêu rõ quyền và nghĩa vụ của mọi người dân trong công tác PCCC nhưng thực tế chẳng mấy người cho rằng đó là nghĩa vụ của mình.
Trong khi đó, đa số các vụ cháy nổ đều xảy ra ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện về kinh tế để đầu tư phương tiện phòng cháy chữa cháy và có lực lượng phòng cháy chữa cháy đông đảo thì dường như số vụ cháy nổ càng nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Cứ sau mỗi một vụ cháy lớn, con số thiệt hại lại trở nên ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà cho toàn xã hội và bài học về phòng ngừa cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại do cháy lại được nhắc đến.
Công tác PCCC cần đặc biệt coi trọng, nhất là thời điểm cận tết như hiện nay
Điều đáng buồn hơn cả là khi xảy ra hỏa hoạn hầu như người dân trở nên bất lực trước ngọn lửa hung tàn. Mọi sự ứng phó, thoát hiểm đều trông chờ vào lực lượng cứu hỏa. Phải chăng, bấy lâu nay, xã hội vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm và nghĩa vụ của lực lượng phòng cháy chữa cháy chứ không phải nghĩa vụ chung của mọi người?
Có lẽ vậy, cứ cháy là thiệt hại nặng nề, cứ cháy là có thương vong. “Nước xa không cứu được lửa gần” là câu thành ngữ đúc kết rõ ràng nhất trong các trường hợp hỏa hoạn, điều đó khẳng định dù lực lượng cứu hỏa có tinh nhuệ, có hiện đại thế nào thì cũng không thể trở tay kịp với ngọn lửa. Chính bởi sự thờ ơ với trách nhiệm chung mà các vụ cháy nổ xảy ra thường xuyên và liên tục. Phải chăng người dân vẫn cứ đợi chờ “bà Hỏa” viếng thăm rồi mới nâng cao ý thức như câu nói “mất bò mới lo làm chuồng” ?.
Như vậy, rõ ràng cần phải nhắc lại công tác phòng cháy chữa cháy có hiệu quả hay không, trước hết phải xuất phát từ ý thức của mỗi công dân. Nếu công tác này được quan tâm đúng mức, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, thay thế; từ cán bộ cho đến người dân thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn hoặc được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy… thì chắc chắn các vụ cháy, nổ sẽ được phát hiện và dập tắt kịp thời ngay từ khi mới phát hỏa.
Người xưa cũng đã nói “Phòng hỏa hơn cứu hỏa” hay “Nước xa không cứu được lửa gần”. Thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra.