“Con mất cha còn ăn cơm với cá/Con mất mẹ liếm lá dọc đường”. Câu nói ấy không hàm ý trách móc người cha mà chia sẻ một thực tế: Cha nuôi con làm sao bằng mẹ! Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có những người cha khi ở hoàn cảnh “gà trống nuôi con” đã làm tròn trách nhiệm của mình một cách tuyệt vời.
Khi cha… là mẹ.– Khi nói đến câu “gà trống nuôi con”, ai cũng hiểu đó là một hoàn cảnh đặc biệt. Nó không phải là sự phân chia trách nhiệm mà là sự bắt buộc, người chồng giành được quyền nuôi con sau khi ly dị hay vợ mất. Lúc ấy người cha phải “đảm nhiệm” cả vai trò của người mẹ, đồng thời cũng thể hiện sự bù đắp tình cảm đối với người con thân yêu của mình.
Ông G. (43 tuổi, giáo viên, Q. Tân Phú – TPHCM) tâm sự: “Khi đứa con gái đầu lòng của chúng tôi được ba tuổi thì bà xã tôi qua đời do một tai nạn giao thông. Lúc ấy tôi chới với, hụt hẫng, không biết bấu víu vào đâu, không biết nương nhờ vào ai. Cha mẹ tôi ở Bảo Lộc kêu tôi mang con về đó cho ông bà nuôi. Nhưng tôi không thể bỏ dạy cũng như không thể xa con. Thế là tôi quyết định mướn một người giúp việc ban ngày và bắt đầu những ngày tháng “gà trống nuôi con” gian khổ. Tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm: Trong những tình huống khó khăn nhất tôi thường nghĩ, nếu như bà xã còn sống thì bả sẽ xử lý như thế nào? Thế là tôi đã mang cả suy nghĩ và tình cảm của hai vợ chồng vào việc nuôi dạy con. Điều đó đôi khi cũng thật kỳ diệu…”.
Cũng ở trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng ông N. (47 tuổi, công nhân, Q. Phú Nhuận – TPHCM) lại may mắn hơn khi có một người em gái sống độc thân và rất thích em bé. Tuy nhiên, trong cái hay lại có cái dở là cô em của ông rất vụng về, hậu đậu. Thế là ông N. gần như quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà như: đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đến trường, dạy con học v.v… Khổ sở nhất là khi đứa con gái đến tuổi dậy thì, thay đổi tâm lý, cứ muốn bỏ học, đi tìm việc làm, sống tự lập. Khuyên răn mãi con không nghe, một lần vừa buồn vừa giận ông đã… òa khóc. Khi nhìn cha khóc như một đứa trẻ, cô con gái sững sờ và chợt hiểu ra rằng cha thương mình biết bao nhiêu. Thế là từ đó cô trở nên ngoan ngoãn, giỏi giang hơn. Khi được nghe hỏi về kinh nghiệm nuôi con, ông N. mỉm cười: “Thật ra không có kinh nghiệm gì hơn là phải yêu thương con hết lòng!”.
Nỗi niềm.- Vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị khi đứa con đang học lớp 8. Anh V. lúc đó đang là kiến trúc sư, còn chị L. làm kế toán cho một hãng sơn nước ngoài. Chị nói thẳng là mình không thích vướng bận con cái, vì chị muốn tìm “bến đỗ’’ hạnh phúc mới. Còn anh cũng chẳng bao giờ hình dung mình sẽ nuôi con như thế nào. Nhưng lúc ấy, không cần suy nghĩ, anh gật đầu nhận nuôi con vì không thể để nó sống với “người đàn bà bội bạc”. Nhưng càng lớn, cậu con càng tỏ ra là người nhạy cảm, hay buồn. Nó không chấp nhận việc anh đi nhậu về quá khuya, hay không bao giờ nhận quà của một phụ nữ là “bạn gái” của ba. Lúc đầu anh phớt lờ, cho qua chuyện. Nhưng đến khi nghe con nói… muốn vô chùa tu thì anh hốt hoảng thực sự. Từ đó, anh sống có trách nhiệm hơn, vì gia đình, vì con hơn. Vừa rồi, đứa con đoạt được một suất học bổng du học ở Canada ngành quản lý khách sạn, anh thực sự thấy hãnh diện và thấy những hy sinh của mình được “đền bù” xứng đáng.
Trong thực tế, đàn ông ở hoàn cảnh “gà trống nuôi con” đều phải trải qua một thời gian dài vất vả, gian nan. Sự khó khăn về vật chất đã đành, nhưng làm sao để bù đắp sự mất mát tình cảm của người mẹ là điều không dễ chút nào. Trong khi đó, với bản tính đàn ông, hiếm có người nào dịu dàng, nhỏ nhẹ với con. Mà sự dịu dàng, nhỏ nhẹ luôn cần thiết khi con đang chập chững vào đời. Bên cạnh đó sự chu đáo, tận tụy trong từng bữa ăn, giấc ngủ đối với con cái cũng thật là quan trọng. Nhiều đàn ông thường “vò đầu, bứt tai” than: “Ôi, thật trên đời này không có gì khổ bằng phải ở trong cảnh “gà trống nuôi con”!…
Khi hỏi một phụ nữ, chị nghĩ gì về những người “gà trống nuôi con”, chị nói ngay: “Đương nhiên là khổ rồi. Nhưng có như thế, mấy ổng mới thấy được nỗi khổ của phụ nữ chúng tôi”. Thấy được nỗi khổ mới cảm nhận được niềm vui. Niềm vui của những người “gà trống nuôi con” là đã làm được điều “kỳ diệu” vượt ra ngoài “chức năng gà trống” của mình.