Một điều không thể phủ nhận ở Đen Vâu đó là tính thức thời. Cận Tết Nguyên đán năm 2021, Đen Vâu cùng với Đi về nhà khuấy đảo mạng xã hội, đánh thức tâm trạng háo hức trong lòng người trước giây phút đoàn viên sau 1 năm bôn ba. Tới nay, khi chỉ còn 1 tháng đồng hồ điểm thời khắc giao thừa, nam rapper lại tiếp tục khiến khán giả nôn nao, đồng cảm bằng những thanh âm báo xuân về, cận kề Tết đoàn viên.
Với thứ âm nhạc được đánh giá là hoàn toàn khác biệt, những ca từ của Đen Vâu thường hướng tới đối tượng người trẻ ở độ tuổi 20 – 30. Đó là một thế hệ trẻ còn đang chênh vênh với cuộc đời, mang hoài bão, nhiệt huyết chứng tỏ bản thân trong khi vật lộn trước cuộc sống mưu sinh và đôi khi lơ là chuyện gia đình.
Dưới những câu rap bình dị ở Mang tiền về cho mẹ, Đen Vâu như nói lên tấm lòng của những đứa trẻ đi xa nhà. Bên ngoài dù cuộc sống chẳng bằng ai, nhưng đứa trẻ nào cũng mong muốn cho bố mẹ tất cả: “Con trai mẹ chỉ là người phục vụ nhưng muốn đời đối xử với mẹ như một bà hoàng” hay “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”.
Song, anh cũng thay lời nhắc nhở những đứa con đừng vì mải mê chạy theo cuộc sống “cơm áo gạo tiền” mà quên đi ánh nhìn của người mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân con. Hay những âu lo luôn thường trực sợ “đứa con bé bỏng” của mẹ gục ngã trước muôn vàn cám dỗ ngoài kia: “Những đứa con khi ra đời, hãy cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện, sống tốt cho mẹ yên lòng”.
Cuộc sống xoay vần, chuyện mưu sinh diễn ra hằng ngày hằng giờ. Chúng ta có thể đi kiếm tìm những hạnh phúc mới, niềm vui mới hay cuộc sống mới nhưng đừng quên điểm khởi đầu. Đen Vâu nhẹ nhàng dùng lời rap để nhắc nhở những đứa con: “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? (Chính là mẹ)… Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè. Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ mà chưa thấy về. Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang”.