​ĐẠO MẪU –NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG

ĐẠO MẪU –NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực của người Việt, giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Cũng như các hiện tượng xã hội khác, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Đạo Mẫu luôn bị chi phối bởi các nhân tố khác nhau.

1. Nhân tố tôn giáo, tín ngưỡng

Đạo Mẫu chịu sự tác động mạnh mẽ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác cùng tồn tại và phát triển trong một nền văn hóa nhất định. Sự tương tác giữa các tôn giáo, tín ngưỡng tạo nên hai xu hướng rõ rệt là dung hòa lẫn nhau để cùng tồn tại, phát triển hoặc triệt tiêu, loại bỏ nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng thứ hai gần như không xảy ra với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khi định hình hoặc du nhập. Các tín ngưỡng dân gian đã có vai trò quan trọng trong việc triệt tiêu đi tính cực đoan trong tôn giáo ngoại lai. Nói cách khác, chính tín ngưỡng đã buộc các tôn giáo phải bản địa hóa, tín ngưỡng hóa và hòa nhập với tín ngưỡng để tồn tại phát triển trong đời sống cộng đồng Việt. Từ đó, các tín ngưỡng thông qua tôn giáo để tự nâng cấp, hoàn thiện mình trong tiến trình phát triển. Có thể thấy, sự tương tác hai chiều giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là một đặc tính chung trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã dung hòa với tín ngưỡng thờ Nữ thần, kết hợp với hiện tượng thờ Tứ pháp mà hình thành các ngôi chùa. Rồi chính tín ngưỡng thờ Nữ thần này đã qua Phật giáo trở nên thịnh hành, có quyền năng hơn trong đời sống cộng đồng. Sau này, các điện thờ Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam có thêm gian thờ Phật hoặc các ngôi chùa đều có thêm điện thờ Mẫu để một mặt, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh vốn đa dạng của người Việt, mặt khác cũng cho thấy sự hỗn dung đan xen giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhiều vị thánh Mẫu mang trong mình hai tư cách vừa là Nữ thần vừa là hóa thân của Bồ Tát trong không gian thờ tự Phật giáo.

Bên cạnh sự tương tác với Phật giáo thì tín ngưỡng Thờ Mẫu còn chịu sự tác động khá rõ nét của Đạo giáo. Những tích truyện mang đậm chất thần tiên về mẫu Liễu Hạnh là minh chứng cho quá trình hỗn dung giữa đạo Mẫu và Đạo giáo.

Cùng với Đạo giáo và Phật giáo, Nho giáo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, khác với Phật giáo và Đạo giáo, Nho giáo không tác động trực tiếp đến Đạo Mẫu mà ảnh hưởng gián tiếp thông qua những hình thức biểu hiện khác nhau. Đặc biệt, trong nhiều lễ hội thì hình thức biểu hiện có ảnh hưởng từ Nho giáo rõ nhất là nghi lễ kéo chữ. Nội dung chữ được xếp gắn liền cầu mong cho đất nước phát triển, cuộc sống được thái bình hạnh phúc. Đây chính là nội dung tư tưởng mà Nho giáo đều mong ước, họ phải cố gắng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để cho thiên hạ thái bình, đời sống no đủ, thịnh vượng.

Như vậy, nhân tố tôn giáo, tín ngưỡng đã tạo ra sự tích hợp, đan xen giữa các loại hình tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó tác động trực tiếp đến nội dung thực hành, nghi thức tâm linh của Đạo Mẫu.

2. Nhân tố cộng đồng

Đây có thể được coi là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng là nơi dung dưỡng, che chắn cho các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ khó khăn và giúp cho tôn giáo có thể phát triển mở mang rộng rãi sức ảnh hưởng mỗi khi có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, tác động của các nhóm cộng đồng khác nhau thì sức ảnh hưởng cũng khác nhau, trong đó, nhóm cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào công việc quản lý và vận hành tín ngưỡng thờ Mẫu là những cá nhân trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý, thực hành nghi lễ và tổ chức các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội. Bên cạnh đó, họ cũng là người nắm nguồn thu kinh phí do khách thập phương công đức và trực tiếp chi trả, trang trải những khâu vận hành liên quan đến ngôi đền, tổ chức xây dựng, tu sửa đền./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *