Ma sói: Trò chơi được chia làm hai phe chính là người (nông dân/dân làng) và Sói, bên cạnh đó là các tuyến nhân vật phụ bổ trợ. Sẽ có một người quản trò, điều khiển trò chơi trong ban đêm và ban ngày. Ban đêm, nhiệm vụ của Sói là chọn ra một người để giết còn ban ngày, tất cả người chơi có nhiệm vụ tìm ra ai là Sói để bình chọn giết. Trò chơi kết thúc khi một trong hai bên không còn thành viên nào sống sót.
Những trò chơi Boardgame vốn nổi tiếng trong cộng đồng người trẻ vài năm trở lại đây; người ta yêu thích chúng cũng có lý do cả: Lành mạnh hơn, chơi được đông người, phù hợp với các chuyến đi du lịch nhóm, cũng chẳng mất nhiều chi phí. Mèo nổ, Uno hay các trò chiến lược hơn như Shadowhunters, Avalon, Ma sói… đều là những cái tên phổ biến với cộng đồng yêu Boardgame.
Nhưng với nhiều người, “Ma sói” mới là trò chơi thực sự “làm mưa làm gió” trong cộng đồng người chơi boardgame tại Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ 8x hay 9x. Trò chơi này nổi tiếng tới mức đã được chuyển thể thành phim tại Nhật Bản. Người ta nhắc nhiều tới Ma sói như một trò chơi tập thể “hại não” nhưng sự thực, đằng sau Ma sói là vô vàn những bài học cuộc sống để khi mỗi ván ma sói kết thúc, người chơi lại tặc lưỡi: “Sao tao không nhận ra nó là mới là Sói nhỉ”.
Cuộc đời không chỉ có người tốt, người xấu
Nếu bạn không biết luật chơi Ma sói thì tóm gọn, ván chơi được chia ra làm hai phe chính là “Dân làng” hoặc “Người” và “Sói”. Nhiệm vụ của hai phe là làm sao để “giết” được phe còn lại, bên nào còn lại người chơi thì thắng. Cuộc đời lý tưởng về cơ bản, cũng có một phe tốt và một phe xấu như vậy.
Tuy nhiên, cuộc đời không chỉ có người tốt, người xấu – có những người sẵn sàng trở mặt, trở thành một kẻ xấu chỉ sau một đêm. Cuộc đời chúng ta đôi khi như một sự ghép cặp Cupid cho “người” và “sói”: Chúng ta không quan tâm xem người tốt hay kẻ xấu sẽ giành chiến thắng, kết cục của chính mình mới là điều quan trọng. Phe nào thắng không có nghĩa lý gì, chỉ có chiến thắng của bản thân mới là cú chốt hạ của cuộc đời.
Người tốt không phải lúc nào cũng tốt, người xấu cũng vậy
Chúng ta luôn nhìn cuộc đời với những định kiến và gắn nhãn: Là một người tốt, ắt hẳn người đó bản chất đã tốt sẵn. Đó thực sự là một câu hỏi mang tính triết học: “Liệu một người được coi là có đạo đức, ông ta còn là một người có đạo đức khi đi ngủ không?”. Câu chuyện ma sói dạy cho chúng ta một điều rằng, không có ai là tốt mãi mãi và cũng không có người nào là xấu mãi mãi.
Nhân vật “Con hoang” sẽ chọn một người làm “Bố”, nếu “bố” bị sói cắn thì “con hoang” sẽ trở thành Sói. Đó quả thực là một cú “plot twist” trong vô vàn chi tiết khiến người chơi vừa thích thú, vừa bực mình. Từ một nhân vật đứng về phe người, “Con hoang” chuyển về phe phản diện, còn không biết lúc nào cuộc sống kéo mình về phía “bóng tối” trong cuộc sống. Không ai trong chúng ta sống một cuộc đời đơn sắc, ranh giới giữa tốt và xấu mỏng manh tới mức không biết khi nào bạn sẽ trở thành một người xấu. Có những người xấu như “Sói trắng”, sau vài đêm sẽ lại hạ sát một “Sói đen”. Suy cho cùng, xấu hay tốt cũng chỉ là hai mặt tương đối của một người; không có điều gì là bất biến, mọi thứ đều vô thường và cả cuộc sống này cũng vậy.
Ai là bạn, ai là thù?
Bạn có biết được rằng một ngày, ai sẽ đâm sau lưng mình không? Không, chắc chắn là không thể, khi mỗi người trong cuộc đời này đều đeo nhiều chiếc mặt nạ. “Chiếc mặt nạ” chắc chắn là câu chuyện kinh điển nhất trong trò Ma sói khi bạn phải rơi vào những vai diễn không dự tính được của cuộc đời.
Cuộc chơi ma sói như cuộc đời vậy, hôm nay bạn diễn vai người tốt, ngày mai bạn là một kẻ xấu, hôm nay bạn được cho sức mạnh cứu người khác nhưng đến ngày sau đó, điều duy nhất bạn có thể làm là bảo vệ bản thân. Nếu có điều gì quan trọng tôi học được từ ma sói, đó chính là bạn không nên đặt niềm tin vào ai đó 100%. Chỉ khi nhập cuộc chơi, mọi người mới lộ khả năng “diễn” của mình, như những gì họ thể hiện ra với cuộc sống bên ngoài. Đó là khi các mối quan hệ thân tình, người yêu, bạn bè trở nên hoàn toàn vô nghĩa trong cuộc chơi.
Nếu chúng ta bị đẩy vào vai một con sói, người ta sẽ chơi trọn vẹn nhất vai diễn của mình, dù biết đó là một cuộc chơi vô thưởng vô phạt nhưng dư vị của chiến thắng chắc chắn hơn sự tổn thương của một tình bạn. Một cuộc chơi đã như vậy, cuộc đời thực sự sẽ ra sao?
Ma sói phản ánh hết những tính chất của con người: Lừa dối, ngụy tạo, thỏa hiệp, tham lam, sự nhún nhường. Bạn nhìn thấy những lý lẽ đầy thuyết phục trên gương mặt một người nhưng đâu biết rằng đằng sau đó là một quân bài sói. Nhập tâm vào một ván chơi sói, tôi thấy mình thực sự như đang nhập tâm vào cuộc đời.
Ai cũng sẽ có những quyết định sai lầm
Có những người chơi luôn nhận định mình là kẻ khôn ngoan nhất, lõi đời và biết đủ mọi mánh khóe của lũ sói trong cuộc đua nhưng cuối cùng lại để lọt một con sói chiến thắng trong lượt bình chọn: “Bây giờ, cả làng hãy bình chọn ra một người chơi bạn cho là sói để treo cổ”. Kết thúc cuộc chơi, nhiều người cứ tiếc nuối rồi xin lỗi nhau: “Tao không biết mày là nông dân, cứ nghĩ nói nhiều vậy là Sói”.
Khi đứng giữa hai lựa chọn, việc đi theo một quyết định sai lầm là điều không quá khó hiểu, dù ta tưởng rằng mười mươi chuẩn xác. Chúng ta không chỉ bị giằng xé với vấn đề lý trí mà còn phân vân trong chuyện tình cảm, ai nói cũng thuyết phục cả, biết chọn ai trong câu chuyện này?
Chuyện tình cảm trong cuộc sống đôi khi cũng diễn ra với kịch bản tương tự: Đứng giữa lựa chọn hai người cho một cuộc tình, lý trí và tình cảm giành giật nhau trong đầu, để rồi mọi quyết định đưa ra đều có phần lấn cấn, ngập ngừng. Chỉ một quyết định sai, đôi khi kéo cả cuộc đời đổ vỡ. Cuộc đời chúng ta không gói gọn trong hai lựa chọn nhưng có những khoảnh khắc, bạn cũng phải lựa chọn giữa A hay B, tin vào đám đông hay tin vào chính bản thân mình? Trong đám đông đó có những kẻ nói dối nên hãy cứ tin vào những gì bạn quyết định; dù đó là quyết định sai nhưng chí ít, bạn đã không lừa dối bản thân.
Ai che lưng cho bạn?
Bạn có nhớ lần chơi cuối cùng, người bảo vệ có bảo vệ bạn trong đêm không? Phù thủy có dùng bình cứu để cứu bạn khi Sói chọn giết bạn trong đêm không? Những điều đó, người chơi không biết, chỉ tới khi tàn cuộc, mọi người mới vỡ lẽ ra ai là ân nhân, ai là tội đồ.
Tôi tin rằng sẽ luôn có ai đó giúp đỡ trong những khoảnh khắc khó khăn; số khác chọn lên tiếng – như sự bênh vực bạn lúc ban ngày, còn số khác chọn bảo vệ cho bạn âm thầm khi màn đêm buông xuống. Điều bạn cần làm là tỉnh táo để nhận ra ai là người sẵn sàng che lưng cho bạn. Nhìn một cách tích cực, dù nhập cuộc với bất cứ cuộc chơi nào, nếu bạn là một người “chơi đẹp” và được lòng mọi người, sẽ luôn có ai đó sẵn sàng giúp đỡ bạn. Đừng bao giờ than thở rằng sao mình sống tử tế nhưng không có ai tốt với mình; không có điều gì hy sinh mà không nhận lại được quả ngọt cả. Sự tử tế, cần lắm nhẫn nại và cuối cùng, bạn sẽ được đền đáp.
Cuộc đời là một màn kịch
Tôi tin rằng những người trẻ – một thế hệ Millennials lớn lên với nhiều đổi thay của cuộc sống, sự lung lay những giá trị tinh thần và niềm tin, có lý do để thích Ma Sói. Họ nhìn cuộc đời này như một màn kịch lớn và trò Ma sói như một màn kịch nhỏ. Chúng ta thấy bản thân trong từng nhân vật, soi vào từng câu chuyện để nhận ra cuộc đời mình thấp thoáng sau những lá bài.
Ta là sói, là người dân, là người tốt, là người xấu, là kẻ phản bội, là kẻ dối trá, là người bảo vệ người khác nhưng cũng là người đương tâm đẩy một ai đó tới cái kết của cuộc chơi. Ma sói là câu chuyện của mỗi cá nhân; không, đó là câu chuyện của cả một cộng đồng với nhiều bài học thu gom từ hàng chục cuốn sách.