Cuộc cách mạng thực sự ‘làm cho đến nơi’, thực sự ‘dân chủ, cộng hoà’

Kỉ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Cuộc cách mạng thực sự ‘làm cho đến nơi’, thực sự ‘dân chủ, cộng hoà’

Trong thế kỷ XX, thậm chí kể cả từ khi xuất hiện những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên thời cận hiện đại cho đến nay, hiếm có một cuộc cách mạng nào làm cho đến nơi, thực sự dân chủ, cộng hòa như Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.


Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch
đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng
hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam).

 

Khi lựa chọn Đường Kách mệnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Người cũng đưa ra thực tế có cuộc cách mạng tuy “thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai” và “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”.

 

Dứt khoát theo lựa chọn đó từ năm 1930, một “đảng cách mệnh”- Đảng Cộng sản Việt Nam – được thành lập “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Trong vòng 15 năm Đảng cách mệnh ấy vượt qua bao khó khăn gian nguy hiểm nghèo (nhất là hàng ngàn đảng viên và cả Tổng Bí thư của Đảng bị địch bắt, giam cầm, xử bắn; cả Xứ ủy Nam Kỳ tan vỡ sau khởi nghĩa tháng 11/1940…), đến khi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”, Đảng phất cao lá cờ Việt Minh kêu gọi “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

 

Chỉ 15 ngày, ý chí quyết tâm “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, những cuộc khởi nghĩa lần lượt và đồng loạt nổ ra. Cả Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945 rực màu cờ đỏ sao vàng; hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng, rồi tỏa đi các nơi giành chính quyền. Cả kinh đô xưa của nhà nước phong kiến Việt Nam – TP. Huế, ngày 23/8 hàng vạn nhân dân chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc biểu dương lực lượng của cách mạng. Cả Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định và các tỉnh Nam Bộ sáng sớm ngày 25/8 hòa vào cuộc biểu tình, tạo thành sức mạnh áp đảo giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Ngọn lửa thần kỳ từ sức quật khởi của dân tộc bùng lên loang cháy khắp cánh đồng cỏ khô là chế độ thuộc địa hơn 80 năm áp bức của thực dân, phát xít và tay sai. Cả dân tộc “đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều”, trong nửa tháng của mùa Thu 1945 lịch sử, đã giành toàn bộ chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân từ đất liền đến hải đảo.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà ngày 17/9/1945) lần đầu tiên tóm tắt về cách mạng tháng Tám: “Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể dân chủ cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Người đánh giá đầy đủ về ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng tháng Tám: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

 

Những người yêu nước và cách mạng Việt Nam không phải làm theo mô hình cách mạng nào đã có sẵn mà là đi theo ánh sáng Cách mạng tháng Mười để làm cách mạng Việt Nam với hướng riêng của mình: “Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất” và từ đó đã đưa đến kết quả to lớn – như Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1951 minh định: “… Đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta. Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới”.

 

Ngày 2/9/1945 cả nước đón mừng Ngày Độc lập, Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; một “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng chân lý phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và trịnh trọng tuyên bố:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập”. Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

 

Nền dân chủ cộng hòa non trẻ có bao nhiêu khó khăn và thử thách trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhất là trước nguy cơ chiến tranh ập đến tưởng chừng như không vượt qua nổi, đến mức Đảng cầm quyền phải “tuyên bố tự giản tán” để tạm thời rút trở lại vào bí mật. Dù đã lấy “dĩ bất biến” để “ứng vạn biến”, nhưng “càng nhân nhượng” thì kẻ thù “càng lấn tới” bởi chúng “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

 

Với chính danh nền dân chủ cộng hòa đã nêu cao tinh thần và ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, từ Sài Gòn ngày 23/9 đã trả lời bằng hành động “Độc lập hay là chết”, đến Thủ đô và cả nước kiên quyết giữ vững lời thề độc lập bằng cách “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến”. Cả dân tộc trong 30 năm đã nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và hẹn “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khi đất nước đã thống nhất, non sông đã thu về một mối, cả dân tộc từ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc, từ đất liền đến quần đảo Trường Sa, vẫn còn phải hàng chục năm chiến đấu vì độc lập – tự do như một “lẽ sống cao đẹp cho mọi người” để “giữ vững quyền tự do và độc lập”.

 

Chính danh nền dân chủ cộng hòa từ Ngày Độc lập 2/9/1945 và từ trong quá trình “giữ vững quyền tự do độc lập ấy”, Việt Nam đồng thời thiết lập, xác lập, mở ra những thành công lớn có tính thời đại, sáng tạo nên những giá trị bền vững mang bản chất cách mạng của quốc gia dân tộc Việt Nam – không chỉ chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng mà còn không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển nhà nước dân chủ nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật hiện đại, phát huy quyền dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế và giúp bạn láng giềng anh em; mà còn đổi mới, phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội; thực hiện đối ngoại rộng mở, đa phương, đa dạng; giữ vững độc lập tự chủ; tích cực đóng góp nhiều kinh nghiệm và thực tế lịch sử cho hòa bình và thế giới phát triển.

 

Hiếm có trong thế kỷ XX và cả trong thế giới cận hiện đại kể từ khi xuất hiện những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên cho đến nay lại có một cuộc cách mạng “làm cho đến nơi” như Cách mạng tháng Tám của Việt Nam năm 1945. Cuộc cách mạng của cả dân tộc và của toàn dân do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo, sau khi thành công đã phải “trui rèn” trong những thử thách hiểm nghèo của 4 cuộc chiến tranh lớn, xây dựng một quốc gia dân tộc hoàn toàn mới, không hổ danh “tiếng là dân chủ cộng hòa” như nhiều cuộc cách mạng đi trước, đích thực là cách mạng “đã thành công và thành công đến nơi”. Hơn nữa, chính danh nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam còn đưa dân tộc vào thời kỳ chấn hưng với kỷ nguyên mới, sáng tạo một điển hình thành công về cách mạng vô sản ở thuộc địa, khai phá thành công một mô hình cách mạng xã hội mang bản sắc Việt Nam.

 

Không chỉ tái sinh và có tên trên bản đồ thế giới, làm “mát dạ ông cha nghìn thuở trước”, Việt Nam từ đó còn làm rạng rỡ một quốc gia dân tộc con Lạc cháu Hồng, đủ uy tín và tầm vóc để hội nhập bàn chuyện bốn biển năm châu, đủ sức lực, năng lực, tài lực để đặt tham vọng chính đáng về một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Theo Chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *