(QK7 Online) – Cách mạng công nghiệp (CMCN) là một khái niệm dùng để chỉ những nấc thang phát triển mang tính đột biến, triệt để trong tiến trình phát triển công nghiệp, làm thay đổi sâu sắc các hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội của nhân loại. Sự phát triển của nhân loại trong hơn 3 thế kỷ qua chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những thay đổi từ các cuộc cách mạng công nghiệp.
Khái niệm về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Đến nay, thế giới đã trải qua 3 cuộc Cách mạng công nghiệp. Cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỷ 18 bởi các thành tựu về cơ khí hóa với sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc CMCN lần thứ hai xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với việc phát minh ra động cơ điện và dây chuyền lắp ráp để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ ba bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20 với đặc trưng là việc sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Từ đầu thế kỷ 21, thế giới bắt đầu bước vào cuộc CMCN lần thứ tư hay còn được gọi là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc CMCN lần thứ 4 (The Fourth Industrial Revolution), được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ 3, đó là cuộc cách mạng kỹ thuật số đã được xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc CMCN lần thứ 4 có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.
Cuộc CMCN lần thứ 4 được đánh giá là khác hoàn toàn về chất so với 3 cuộc CMCN trong lịch sử, có tác động nhanh chóng, sâu sắc, toàn diện và triệt để đến mọi mặt đời sống con người, trên mọi lĩnh vực và phạm vi toàn cầu. Việc ứng biến với cuộc CMCN lần thứ 4 đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện và đồng bộ liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân, chính thể trên thế giới, từ khu vực công và tư tới giới khoa học học và toàn xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Sự lên ngôi của công nghệ kỹ thuật số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Sự lên ngôi của công nghệ kỹ thuật số
Những đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Nhờ khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Tốc độ của cuộc CMCN lần thứ tư là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu các cuộc CMCN trước đây diễn ra với tốc độ tuyến tính, thì tốc độ phát triển của cuộc CMCN lần thứ tư là theo hàm số mũ.
Cuộc cách mạng này làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất-giá trị. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.
Về cơ bản, cuộc CMCN lần thứ tư sẽ dựa trên ba lĩnh vực chính: Lĩnh vực Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối Internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); Lĩnh vực Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; Lĩnh vực Vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano.
Có ba yếu tố cho thấy Cuộc CMCN lần thứ tư không phải là sự kéo dài của CMCN lần ba, đó là tốc độ, phạm vi và hệ thống. Tốc độ phát minh những công nghệ đột phá hiện nay chưa từng có trong lịch sử. Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đó, cuộc cách mạng lần thứ tư đang phát triển theo hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc CMCN lần thứ tư có những tác động to lớn mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính phủ, doanh nghiệp/kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh và môi trường… ở tất cả các cấp độ: toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn.
Về kinh tế: Cuộc CMCN lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức. Các thành tựu mới của khoa học công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị…
Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất đang chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ.
Cuộc CMCN lần thứ tư cũng sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng và giá cả. Theo đó, người dân được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với những sản phẩm và dịch vụ mới với chí phí thấp hơn, như: gọi xe taxi, đặt vé máy bay, mua bán sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim qua mạng…
Những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, in 3D giúp giảm mạnh áp lực chi phí, qua đó làm giảm giá cả hàng hóa và dịch vụ. Tất cả sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về xã hội: Cuộc CMCN lần thứ tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội ở nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng đông đảo tầng lớp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, pháp luật… Về việc làm, trong trung hạn và dài hạn, các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ bị tác động trực tiếp và nhiều nhất do nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động phổ thông do rất dễ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa và người máy. Chênh lệch giàu nghèo có khả năng tiếp tục gia tăng.
Về môi trường: Cuộc CMCN lần thứ tư có tác động tích cực kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Về quốc phòng, an ninh: Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và ứng dụng khoa học công nghệ trong những thập kỷ qua vào lĩnh vực quân sự, đặc biệt là xuất hiện vũ khí công nghệ cao đã tác động trực tiếp tới các hoạt động quân sự ở quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Do đó, cuộc CMCN lần thứ tư cùng với sự phát triển của các công nghệ mới, như: in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới… sẽ tác động rất lớn đến sản xuất quốc phòng, làm xuất hiện nhiều loại vũ khí công nghệ cao mới như: vũ khí tự dẫn, rôbốt có trí tuệ nhân tạo và được điều khiển từ xa thông qua mạng Internet kết nối vạn vật… Từ đó, sẽ làm nảy sinh nhiều loại hình chiến tranh và hình thức, phương pháp tác chiến mới, như: chiến tranh lấy mạng làm trung tâm, tác chiến mạng máy tính… tác động trực tiếp, làm thay đổi về tư duy và đến phương pháp chỉ huy tác chiến của người chỉ huy các cấp.
Cùng với đó, cuộc CMCN lần thứ tư cũng đang đặt ra những thách thức gay gắt, đặc biệt là thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Đây là những thách thức an ninh phi truyền thống có nguy cơ đe dọa lớn đến an ninh của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt về vấn đề an ninh mạng.
Sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã tạo nên không gian mạng, mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của loài người. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức, đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của không gian mạng, thế giới cũng phải đối mặt với các nguy cơ, như: tình báo mạng, gián điệp mạng, tiến công mạng, tội phạm mạng và hàng loạt vấn đề phức tạp mới, như: lãnh thổ mạng, chủ quyền mạng, biên giới mạng, cửa khẩu mạng, biên phòng mạng, an ninh mạng…
Với xu hướng kết hợp giữa hệ thống ảo và thực tế, Internet kết nối vạn vật và các hệ thống, tiến công mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống khi xung đột vũ trang xảy ra. Thời gian gần đây, tình hình an ninh mạng trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp với hàng loạt chiến dịch gián điệp, tiến công mạng của tin tặc nhằm vào những cơ quan, tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn. Liên tục xuất hiện siêu vũ khí mạng tiến công xâm nhập, phá hoại, hủy diệt mạng thông tin và những công trình, phương tiện quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Hoạt động sử dụng không gian mạng để tuyển dụng lực lượng, truyền bá tư tưởng khủng bố, cực đoan đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các quốc gia. Chiến tranh mạng đã xuất hiện và được sử dụng vào mục đích chính trị, quân sự. Tình báo mạng trở thành con đường ngắn nhất để đi tắt đón đầu, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia…
Đối với Việt Nam, là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đang đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe doạ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị. Hiện nay, đã xuất hiện hàng nghìn trang thông tin điện tử, blog, trang mạng xã hội; đặc biệt là trên Facebook, có nội dung xấu, đăng tải ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hoạt động tình báo mạng, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức trọng yếu vẫn sẽ là mục tiêu tiến công xâm nhập của tin tặc nước ngoài; nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu…
Cuộc CMCN lần thứ tư tác động đến tất cả các mặt đời sống kinh tế, xã hội, quân sự quốc phòng nói chung và lĩnh vực khoa học công nghệ quân sự nói riêng. Hiện nay, Cuộc CMCN này tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, các học viện, nhà trường, các cấp các ngành, các quân binh chủng Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có công tác nghiên cứu khoa học quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Thu Hà (Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7)
(Tổng hợp theo Mạng Thông tin KHQS/BQP)