Việt Nam chúng ta là đất nước có nền ẩm thực phong phú và đặc biệt có những món ăn sáng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn như: cơm tấm, bánh mì, bánh ướt, xôi, nui,… Và không thể không nhắc tới là các món bún đặc biệt là bún riêu cua. Sự kết hợp nhiều nguyên liệu đa dạng, truyền thống đã tạo nên một món ăn thân thuộc của mọi nhà, bún riêu không những chinh phục được khẩu vị của người dân Việt Nam mà ngay cả những thực khách nước ngoài cũng yêu thích hương vị của món ăn này.
Nguyên liệu nấu món bún riêu cua
- 2kg cua đồng
- 600g thịt đùi
- 600g thịt xay
- 3 quả trứng vịt
- 1kg giò heo
- 5 trái cà chua
- Chả lụa
- 600g huyết
- 600g củ sắn
- 5 miếng tàu hủ tươi
- Tôm khô
- Dầu điều
- Mắm ruốc
- Hành tím
- Các loại gia vị: đường, muối, bột ngọt, tiêu.
- Các loại rau sống: rau muống, giá, bắp chuối.
Cách chế biến món bún riêu cua thơm ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cua mua về ngâm nước trong vòng 1 giờ để trôi hết những đất cát, vi khuẩn sau đó rửa sạch lại với nước. Bóc mai cua rồi lấy phần gạch để ra một chén riêng.
- Thịt heo mua về trụng sơ với nước sôi sau đó lấy muối chà xát bề mặt thịt để loại bỏ hết các chất bẩn và khử mùi hôi của thịt. Sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo rồi cắt thành từng khúc vừa ăn.
- Chả lụa mua về cắt thành từng miếng vừa ăn.
- Huyết heo tươi mua về luộc với nước sôi khoảng 6-7 phút rồi xả với nước sạch để huyết không bị rỗ, sau đó cắt thành miếng vuông vừa ăn,
- Đậu hũ mua về cắt nhỏ rồi chiên cho vàng đều.
- Củ sắn gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng khúc vừa ăn.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Các loại rau sống ngâm với nước muối pha loãng, rửa sạch, cắt thành từng khúc vừa ăn.
- Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
Bước 2: Làm riêu cua
Cho cua vào máy xay, cho thêm ½ muỗng cà phê muối rồi xay cho nhuyễn. Sau đó cho phần cua đã xay vào một cái thau lớn rồi cho khoảng 1,5 lít nước vào rồi dùng tay bóp nhẹ phần cua. Dùng rây lược phần xác cua. Lặp lại bước này 2 lần, sau đó lược lại phần nước cua để loại bỏ phần cặn.
Cho phần nước cua vào nồi rồi đun bếp ở lửa vừa, không để lửa quá to vì riêu cua sẽ dễ bị cháy. Phần riêu nổi lên, bạn lấy vợt vớt ra để vào tô riêng. Chia phần riêu cua làm 2 phần, 1 phần để làm riêu cua, 1 phần để làm chả cua.
Bước 3: Làm chả cua thịt
Phần riêu còn lại cho thêm thịt xay, 2 quả trứng vào. Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu điều, hành tím vào phi lên cho thơm rồi cho phần gạch cua vào xào khoảng 3-4 phút để khử đi mùi tanh của gạch.
Sau đó cho phần gạch cua vào tô riêu cua lúc nãy rồi trộn cho đều. Cho lần lượt 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối, nửa muỗng cà phê bột ngọt, nửa muỗng cà phê tiêu vào tô rồi trộn đều. Cuối cùng đem phần riêu cua hấp trong vòng 20 phút.
Bước 4: Nấu nước dùng
Bắc chảo lên bếp cho dầu điều và hành tím vào phi lên cho thơm rồi cho cà chua vào xào khoảng 5 phút.
Lấy phần nước lúc nãy nấu riêu cua, cho thêm khoảng 5 lít nước rồi cho phần củ sắn vào. Sau khi nước đã sôi, cho phần giò heo và thịt đùi vào nấu cho đến khi phần giò heo mềm. Tiếp theo cho 3 muỗng canh đường, 2 muỗng canh muối, 1 muỗng canh bột ngọt, cà chua đã xào, chả, huyết, tàu hủ, tôm khô vào nồi nước dùng rồi nêm nếm gia vị lại cho vừa khẩu vị. Nấu đến khi nồi nước dùng sôi là hoàn thành.
Bước 5: Thành phẩm
Bún riêu cua thường ăn kèm với các loại rau sống và không thể thiếu đó chính là mắm ruốc giúp hương vị của món ăn thêm phần đậm đà và hấp dẫn.
>>> Có thể bạn quan tâm:
Cách nấu lẩu cua đồng đơn giản đậm đà hương vị
Cách làm bún thịt nướng đơn giản, thơm ngon tại nhà
Công thức nước detox táo giảm mỡ bụng cấp tốc
Cách chọn nguyên liệu tươi ngon nấu bún riêu cua
Cách chọn giò heo ngon
Khi mua giò heo để nấu bún riêu cua, bạn nên chọn phần giò trước vì phần thịt sẽ mỏng, mềm và ngọt hơn. Ngoài ra, hãy nhìn vào màu sắc của giò, nếu giò heo có màu đỏ nhạt hoặc hồng tươi, phần thịt rắn chắc, khi ấn vào có độ đàn hồi thì đó là giò heo ngon. Không chọn những chiếc giò heo có màu sắc thẫm và có mùi hôi.
Cách chọn cua đồng ngon
Khi mua cua đồng, hãy chọn những con cua di chuyển nhanh, mập mạp, còn đủ chân và càng chĩa lên trên, khi ấn tay vào yếm cua thấy có nổi bọt khí tức là cua còn tươi. Nếu muốn ăn nhiều gạch thì chọn cua cái, còn nếu muốn ăn cua nhiều thịt thì chọn cua đực.
Cách phân biệt cua đực và cua cái cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần quan sát phần yếm cua, nếu yếm cua nhỏ thì đó là cua đực còn cua cái là cua có phần yếm lớn hơn.
Kết luận
Chỉ cần qua vài bước đơn giản thôi là bạn đã có thể chế biến món bún riêu cua cho cả nhà rồi. Sự kết hợp của nước dùng đậm đà, thơm ngon cùng với những nguyên liệu đa dạng đậm chất Việt Nam đã tạo nên một món ăn mà ai đã từng thử qua sẽ không thể nào quên được. The Water MAN chúc bạn thực hiện món ăn này thành công nhé!
Tài liệu tham khảo: Tú Lê Miền Tây