Có phải ‘chạy tình tình theo’?

Tại sao có câu ‘Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo’ trong khi với rất nhiều người, càng bỏ công nhiều thì bạn càng có được nhiều.

Trong quyển hồi ký tạo cảm hứng có tiêu đề “Ăn, Cầu nguyện, Yêu”, tác giả Elizabeth Gilbert nhớ lại một vài lời khuyên từ vị Thầy đáng kính của bà: “Hạnh phúc là kết quả của nỗ lực cá nhân. Ta đấu tranh, nỗ lực nhằm đạt hạnh phúc, kiên định với nó, và đôi khi thậm chí đi du lịch vòng quanh thế giới để tìm kiếm nó.”

“Ta phải không mỏi mệt thể hiện điều phúc lành của mình. Và một khi ta đạt được trạng thái hạnh phúc, ta phải nỗ lực vô cùng để tiếp tục bơi về hướng hạnh phúc đó vĩnh viễn, để luôn nổi trên đỉnh hạnh phúc. Nếu không làm vậy, sự mãn nguyện của ta sẽ dần bị bào mòn đi.”

Trong khi thái độ này có thể có tác dụng với một số người thì nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy nó phản tác dụng nghiêm trọng với rất nhiều người khác – bởi nó có thể dẫn tới trạng thái căng thẳng, cô đơn và cảm giác thất bại.

Theo quan điểm này, hạnh phúc giống như một chú chim nhút nhát: bạn càng cố gắng bắt nó, nó càng bay xa.

Những kết quả nghiên cứu này giúp giải thích tình trạng căng thẳng và thất vọng tương tự mà một số người gặp phải trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, Giáng Sinh hay Năm Mới.

Nhưng nghiên cứu cũng đem lại kết quả sâu sắc với hạnh phúc lâu dài của bạn, với một số hướng dẫn hữu ích giúp sắp xếp các mục tiêu lớn trong đời của bạn.

Tự giúp hay tự tạo rào cản?

Iris Mauss, hiện đang làm việc tại Đại học California, Berkeley, là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên nghiên cứu ý tưởng này một cách khoa học.

Bà cho biết bà được tạo cảm hứng từ một lượng lớn các loại sách self-help (các loại sách tự hướng dẫn bản thân) được xuất bản tại Mỹ trong vòng vài thập niên gần đây, rất nhiều loại trong số đó cho rằng hạnh phúc là nhân tố thiết yếu cho sự tồn tại.

“Nhìn vào đâu bạn cũng thấy những quyển sách nói rằng hạnh phúc tốt cho bạn ra sao, và bằng cách nào bạn nên làm chính mình hạnh phúc hơn, như một kiểu nghĩa vụ,” bà nói. Nhưng những loại sách đó chỉ khiến cho người ta thất vọng.

“Mọi người có thể đặt tiêu chuẩn rất cao cho hạnh phúc bản thân vì tác động của những quyển sách này – họ có thể nghĩ họ lẽ ra phải luôn hạnh phúc, hoặc cực kỳ hạnh phúc. Vấn đề là thứ này có thể khiến mọi người bị thất vọng với bản thân, rằng họ không thể đạt mục tiêu – và điều đó có thể gây ra hiệu ứng tự hạ gục mình.”

Bà cũng tự hỏi rằng liệu chỉ đơn giản là đặt câu hỏi – tôi hạnh phúc cỡ nào – có thể tạo ra ý thức chèn ép cảm xúc mà bạn đang cố kiếm tìm không.

Làm việc với Maya Tamir, Nicole Savino và Craig Anderson, Mauss thí nghiệm ý tưởng này với hàng loạt nghiên cứu. Chẳng hạn, một bảng câu hỏi chi tiết hỏi những người tham gia đánh giá những câu như sau:

  • Tôi hạnh phúc tới mức nào tại một thời điểm nào đó, khi mà có rất nhiều thứ cho thấy cuộc sống tôi thật đáng giá
  • Để có cuộc sống ý nghĩa, tôi cần phải hầu như lúc nào cũng thấy hạnh phúc
  • Tôi coi trọng nhiều điều trong cuộc sống đến mức chúng ảnh hưởng đến hạnh phúc của tôi

Đúng như dự đoán, nhóm nghiên cứu nhận thấy người tham gia trả lời càng khẳng định mạnh mẽ cảm xúc trên bao nhiêu thì họ càng cảm thấy ít bằng lòng với cuộc sống hiện tại bấy nhiêu.

Bức tranh trở nên phức tạp hơn vì hoàn cảnh của những người tham dự.

Với những người vừa trải qua chuyện căng thẳng như sự mất mát thì thái độ với hạnh phúc không có khác biệt gì.

Vì vậy, khao khát được hạnh phúc không hẳn sẽ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi hoàn cảnh của bạn trở nên thực sự khó khăn, nhưng lại có thể dập tắt sự hài lòng vốn tự nhiên sẽ nảy nở khi thời điểm tốt đến.

Bước kế tiếp của Mauss và cộng sự là xem liệu họ có thể thao túng thái độ của mọi người để biến đổi hạnh phúc của mọi người trong ngắn hạn không.

Để làm điều này, họ yêu cầu một nửa số người tham dự đọc một bài báo giả nồng nhiệt ca ngợi tầm quan trọng của hạnh phúc, trong khi nhóm khác đọc bài báo về tác dụng của “việc biết đưa ra đánh giá đúng đắn” mà không nhắc tới cảm xúc.

Nhóm nghiên cứu sau đó yêu cầu người tham gia xem bộ phim ấm lòng về một chiến thắng ở Olympic, và đặt câu hỏi xem cảm xúc họ ra sao sau đó.

Một lần nữa, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu ứng đáng mỉa mai: bộ phim có vẻ nâng tâm trạng của những người khao khát tìm hạnh phúc ít hơn so với những người đọc bài báo có nội dung trung tính.

Kỳ vọng quá lớn?

Có vẻ như đọc về hạnh phúc khiến người tham dự thử nghiệm tăng chuẩn mong đợi mà họ “nên” cảm thấy khi xem điều gì đó tích cực và đầy hi vọng, và vì vậy họ liên tục tự hỏi bản thân cảm thấy gì. Khi cảm xúc thực sự của họ không đạt tới những chuẩn đó, họ xem bộ phim và cảm thấy thất vọng nhiều hơn là thấy phấn chấn.

Có lẽ bạn cũng cảm thấy như vậy trong những sự kiện lớn như tại đám cưới, hay trong một chuyến đi “để đời” đắt tiền: bạn càng muốn tận hưởng những khoảnh khắc đến tận cùng bao nhiêu, thì chuyến đi càng trở nên nhạt nhẽo bấy nhiêu, trong khi đó một chuyến đi ngẫu hứng đến nơi nào đó gần nhà lại có thể khiến bạn vui vẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Mauss chỉ ra điều này cũng có thể áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống.

Từ đó Mauss đã cho thấy việc khao khát (và theo đuổi) hạnh phúc cũng có thể tăng cường cảm giác cô đơn và mất kết nối, có lẽ vì nó khiến bạn tập trung sự chú ý vào bản thân và cảm xúc cá nhân hơn là trân trọng những người quanh bạn.

“Tập trung vào bản thân khiến tôi giao tiếp với người xung quanh ít đi, và khiến tôi phán xét người khác theo cách tiêu cực hơn nếu tôi cho rằng họ đang ‘làm hỏng’ hạnh phúc của tôi,” Mauss cho biết thêm.

Những hiệu ứng này không chỉ dừng ở đó. Đầu năm nay, Sam Maglio tại Đại học Toronto và Aekyoung Kim tại Đại học Rutgers nhận thấy việc chủ tâm theo đuổi hạnh phúc có thể gây phản tác dụng theo cách khác: Đó là khiến ta cảm thấy thời gian đang trôi trượt đi.

Giống như Mauss, Maglio và Kim sử dụng hàng loạt các nghiên cứu tinh tế để cho ra một hiệu ứng nhân quả, bao gồm bảng hỏi tự báo cáo và can thiệp.

Một trong những nghiên cứu của họ hỏi người tham gia liệt kê ra 10 thứ khiến họ hạnh phúc trong đời (những thứ đó có thể đơn giản như dành vài giờ mỗi tuần để ở bên gia đình).

Thay vì dẫn dắt tới cảm xúc tích cực về tương lai, nó khiến họ cực kỳ căng thẳng vì họ có quỹ thời gian giới hạn mà phải làm tất cả mọi việc trên – và kết quả là họ thấy ít hạnh phúc hơn.

Điều này không xảy ra nếu họ đơn giản chỉ liệt kê những thứ khiến họ hạnh phúc ở khoảnh khắc đó – chính khao khát tăng hạnh phúc là thứ gây ra vấn đề.

Maglino cho biết, vấn đề là hạnh phúc là một mục tiêu luôn biến động và mờ ảo.

Rất khó để cảm thấy bạn đạt được hạnh phúc tối đa và nếu bạn cảm thấy viên mãn, bạn muốn kéo dài cảm giác đó.

Kết quả là bạn luôn thấy phải làm nhiều hơn. “Hạnh phúc vì điều gì đó dễ chịu mà tôi có thể tận hưởng ngay bây giờ đã bị hạ thấp thành như gánh nặng mà tôi phải cố gắng thực hiện, lặp đi lặp lại mãi mãi,” Maglio nói.

Bạn còn nhớ miêu tả của Elizabeth Gilbert về “phải nỗ lực vô cùng để tiếp tục bơi về hướng hạnh phúc đó vĩnh viễn, để luôn nổi trên đỉnh hạnh phúc” trong tác phẩm “Ăn, Cầu Nguyện, Yêu” không? Đó chính xác là kiểu suy nghĩ đó, mà theo nghiên cứu của Maglio, nó thực ra khiến ta kém hạnh phúc đi.

Kết quả này không nên được áp dụng trong điều trị những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiên trọng như trầm cảm: với vấn đề y tế, tốt hơn là bạn luôn luôn tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.

Maglio cũng cho rằng kết quả nghiên cứu không phải là lý do để tránh những quyết định lớn trong đời vốn có thể giúp bạn cải thiện hạnh phúc, ví dụ như quyết định rời bỏ người bạn đời có tính bạo hành. Đôi khi, ta thực sự cần tập trung vào hạnh phúc tức thời của bản thân.

Tuy nhiên, nếu bạn không phải đối mặt với những thách thức lớn trong đời, những hiệu ứng này có thể giúp ta suy nghĩ lại về thái độ và hành vi của bản thân.

Maglio chỉ ra rằng mạng xã hội khiến ta cực kỳ chú tâm vào cuộc sống được tô vẽ của người khác, về tiềm năng có thể khiến ta có thêm khao khát sống hạnh phúc và thú vị hơn. Ông nghĩ ta có thể hạnh phúc hơn nếu ta không nhìn vào người khác để thiết lập chuẩn mực cho chính mình về những thành tố cấu thành cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp.

“Nếu bạn liên tục được bạn bè nhắc nhờ về địa điểm đẹp quyến rũ này hay bữa tối sang trọng nọ, tôi nghĩ rằng hành động đó có thể coi như một kiểu nhắc nhở là người khác đang hạnh phúc hơn bạn – và khởi động lại mục tiêu hạnh phúc lần nữa,” Maglio cho biết. “Tôi chắc chắn nghĩ rằng khao khát về hạnh phúc ngày nay đang tăng dần.”

Trong khi đó, Mauss chỉ ra rằng rất nhiều nghiên cứu nhận thấy những người có thái độ “chấp nhận” hơn đối với những cảm xúc tiêu cực – thay vì liên tục cố gắng chiến đấu chống lại chúng như kẻ thù của hạnh phúc – thì thực ra về lâu về dài lại thỏa mãn với cuộc sống hơn.

“Khi bạn cố gắng hạnh phúc, bạn có thể trở thành kẻ phán xét và không chấp nhận những điều tiêu cực trong đời… bạn gần như trách móc bản thân khi thấy không hạnh phúc,” bà nói.

Vì những lý do này, bà khuyên nên có thái độ khắc kỷ hơn với những thời điểm thăng trầm trong cuộc sống, khi bạn có thể chấp nhận cảm xúc xấu như những sự việc thoáng qua thay vì cố gắng loại bỏ chúng hoàn toàn.

Không có nghiên cứu nào trên đây phủ nhận một số mẹo nhỏ như viết “nhật ký lòng biết ơn” và thể hiện sự tử tế với người khác – để tăng cường hạnh phúc, đặc biệt nếu những điều đó giúp bạn nhận ra sự viên mãn của bản thân ngay trong hiện tại.

Nhưng đừng đòi hỏi cảm xúc được tăng cường ngay lập tức và đến thật nhiều, và cố gắng đừng tự hỏi bản thân đang cảm thấy gì.

Hạnh phúc thực sự là kẻ rất nhút nhát. Khi bạn ngừng đuổi theo nó, bạn có thể nhận ra hạnh phúc tự nhiên sẽ đến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *