Có biện pháp nào điều trị bệnh sùi mào gà sinh dục không?

/vi/vac-xin/kien-thuc-tiem-chung/co-bien-phap-nao-dieu-tri-benh-sui-mao-ga-sinh-duc-khong/

Sùi mào gà là bệnh gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân vì hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để. Các biện pháp điều trị bệnh thường chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, giảm thương tổn cho bệnh nhân.

1. Sơ lược về bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà (Genetal Warts) là bệnh mụn cóc sinh dục. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus Human Papilloma Virus (HPV – virus gây u nhú ở người) gây ra. Ngoài quan hệ tình dục không an toàn, virus HPV cũng có thể lây truyền qua các đường tiếp xúc gián tiếp. Bệnh ủ bệnh trong thời gian khá dài, có thể sau 2 – 9 tháng sau khi quan hệ tình dục không an toàn với người mang mầm bệnh HPV.

Biểu hiện của bệnh gồm: Xuất hiện các mụn cóc, hạt cơm, u nhú hay tổn thương phẳng, mềm, có màu hồng nhạt, có chân hoặc có cuống, không đau, dễ chảy máu, khu trú ở bất kỳ vị trí nào trong cơ quan sinh dục như âm hộ, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, hậu môn, dương vật,… hay thậm chí ở miệng, họng. Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương do bệnh sẽ phát triển nhanh, lan rộng ra xung quanh, tạo thành các mảng, khối lớn.

Bệnh sùi mào gà nguy hiểm vì virus HPV có thể thay đổi cấu trúc các tế bào bị nhiễm bệnh, dẫn đến các biến chứng khác như: Ung thư (ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng), các vấn đề trong thai kỳ (sản phụ có thể truyền bệnh sùi mào gà sang trẻ sơ sinh khi chuyển dạ), trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV thanh quản có thể có sùi mào gà trong miệng,…

2. Bệnh sùi mào gà có chữa dứt điểm được không?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà, trước tiên bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và được bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bệnh nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà và tránh để lâu vì bệnh sẽ nặng thêm và khó chữa trị hơn.

Về khả năng chữa khỏi hoàn toàn, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị virus HPV gây bệnh sùi mào gà. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể mang bệnh suốt đời. Người bệnh có thể có biểu hiện triệu chứng hoặc không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài và họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không an toàn.

Các phương thức điều trị bệnh hiện nay chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc loại bỏ thương tổn, không thể trị khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, mục đích của việc trị liệu là phá hủy các sẩn, khối u, sùi, đồng thời tăng cường miễn dịch toàn thân và tại chỗ để diệt virus HPV. Không chỉ vậy, bệnh sùi mào gà dễ tái phát do vệ sinh kém và tự lây nhiễm vì HPV không được tiêu diệt hoàn toàn. Trong trường hợp không được điều trị, sùi mào gà sẽ tiến triển mạn tính, các triệu chứng ngày càng tăng nặng. Thỉnh thoảng sẽ xuất hiện các đợt bội nhiễm, gây loét các sẩn sùi và chảy máu, khiến người bệnh đau đớn khó chịu.

co-bien-phap-nao-dieu-tri-benh-sui-mao-ga-sinh-duc-khong-1

3. Bệnh sùi mào gà và cách chữa trị

3.1 Dùng thuốc

Một số loại thuốc trị bệnh sùi mào gà có thể thoa trực tiếp lên da gồm:

Imiquimod (Aldara, Zyclara): Có công dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại sùi mào gà. Khi kem vẫn còn trên da, người bệnh không nên quan hệ tình dục vì có thể làm giảm chất lượng của bao cao su và màng nhầy, dễ gây kích ứng da của bạn tình. Thuốc có tác dụng phụ bao gồm: Gây đỏ da, mụn nước, đau nhức cơ thể, ho, đau, phát ban và mệt mỏi;

Podophyllin và podofilox (Condylox): Podophyllin là một loại nhựa thực vật, có khả năng phá hủy các mô sùi mào gà. Podofilox có hợp chất hoạt tính giống với podophyllin. Podofilox không được sử dụng cho các khu vực bên trong bộ phận sinh dục, không dùng khi đang mang thai. Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm sưng, đau, kích ứng da nhẹ;

Sinecatechin (Veregen): Sử dụng để điều trị sùi mào gà bên ngoài, trong hoặc xung quanh vùng hậu môn. Thuốc có tác dụng phụ nhẹ, thường là đỏ da, ngứa, rát hoặc đau;

Axit tricloaxetic (TCA): Có thể đốt cháy sùi mào gà, sử dụng điều trị mụn rộp bên trong bộ phận sinh dục. Loại thuốc này có tác dụng phụ gồm kích ứng da nhẹ, sưng hoặc đau.

Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên được bác sĩ tư vấn. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh gây đau, kích ứng nhiều hơn hoặc gặp phải các biến chứng không mong muốn.

3.2 Can thiệp phẫu thuật

Đối với các sùi mào gà lớn, không phản ứng với thuốc điều trị hoặc có thể ảnh hưởng tới thai nhi (đối với phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà), bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật gồm:

  • Liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng (cryotherapy): Gây một vết rộp xung quanh các mụn rộp sinh dục. Khi da lành lại, các tổn thương sẽ bong ra, da mới sẽ thay thế vị trí tổn thương. Bệnh nhân có thể cần điều trị bằng liệu pháp áp lạnh với nitơ nhiều lần. Tác dụng phụ của phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà sinh dục này là đau và sưng;
  • Điều trị bằng laser: Bác sĩ sử dụng một chùm ánh sáng có cường độ cao để điều trị sùi mào gà. Phương pháp này có chi phí điều trị cao nên thường áp dụng cho các trường hợp sùi mào gà trên diện rộng và khó điều trị. Điều trị bằng laser gây tác dụng phụ là đau đớn, có thể để lại sẹo;
  • Dùng dao mổ điện: Đốt cháy sùi mào gà bằng dòng điện, có thể gây đau và sưng sau khi thực hiện thủ thuật;
  • Phẫu thuật cắt bỏ sùi mào gà: Bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc toàn thân, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ hoàn toàn sùi mào gà. Sau phẫu thuật, người bệnh thường bị đau.

3.3 Điều trị tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị sùi mào gà y tế, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà như:

  • Dùng trà xanh: Trà xanh được cô đặc thành một hợp chất trong thuốc mỡ sinecatechin (Veregen), thường được bác sĩ chỉ định điều trị sùi mào gà cho bệnh nhân. Người bệnh sùi mào gà có thể mua chiết xuất trà xanh, thêm 1 – 2 giọt dầu dừa vào rồi thoa lên mụn rộp sinh dục khi điều trị tại nhà;
  • Dùng tinh dầu tràm trà: Là loại nguyên liệu có tác dụng điều trị nấm và các sinh vật khác, kể cả sùi mào gà. Bệnh nhân có thể thoa 1 giọt tinh dầu tràm trà pha loãng (có thể hòa với dầu dừa) và thoa trực tiếp vào mụn rộp sinh dục. Dầu cây tràm trà có thể gây kích ứng, bỏng hoặc viêm, làm giảm kích thước sùi mào gà. Một số người có thể bị dị ứng với dầu cây trà nên trước đó cần kiểm tra trên cánh tay, nếu sau 24 giờ không có phản ứng kích ứng thì có thể sử dụng. Bệnh nhân chú ý không dùng tinh dầu tràm trà để uống hoặc thoa trong âm đạo và ngưng sử dụng nếu thấy khó chịu;
  • Dùng tỏi: Theo một số nghiên cứu, việc thoa chiết xuất tỏi vào các sẩn sùi mào gà cũng có tác dụng điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể thoa trực tiếp chiết xuất tỏi vào các nốt sùi mào gà hoặc ngâm miếng gạc sạch trong hỗn hợp tỏi, áp vào mụn rộp sinh dục;
  • Dùng giấm táo: Các thành phần có tính axit trong giấm táo có thể tiêu diệt virus. Người dùng có thể ngâm gạc trong giấm táo và áp vào các khu vực nổi sẩn sùi mào gà.

Khi áp dụng các biện pháp trên, bệnh nhân cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Người bệnh không tự ý điều trị để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.

4. Biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà sinh dục

Virus HPV gây bệnh sùi mào gà rất dễ lây truyền, đặc biệt là qua đường quan hệ tình dục không an toàn nên nếu muốn phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Sống chung thủy một vợ một chồng;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mắc bệnh;
  • Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sùi mào gà cần đi thăm khám ngay;
  • Có biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em;
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV;
  • Thực hiện khám, chữa bệnh hiệu quả, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.

Bệnh sùi mào gà không thể tự khỏi, không thể điều trị dứt điểm nên việc phòng ngừa bệnh cần được đặt lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và bạn tình. Trong số các biện pháp phòng bệnh, tiêm vắc-xin ngừa HPV chính là giải pháp hữu hiệu nhất.

co-bien-phap-nao-dieu-tri-benh-sui-mao-ga-sinh-duc-khong-2

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin ngừa HPV. Điểm nổi bật khi lựa chọn tiêm phòng tại Vinmec:

  • Khách hàng được khám sàng lọc sức khỏe trước tiên bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, tư vấn sử dụng vắc-xin đúng phác đồ, đúng độ tuổi theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, đảm bảo an toàn tối đa và hiệu quả cao nhất khi tiêm chủng;
  • Sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, các khâu kiểm nhập, vận chuyển, bảo quản đều đạt tiêu chuẩn quốc tế;
  • Có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả các biện pháp giảm đau trước và sau tiêm;
  • 100% khách hàng được theo dõi sức khỏe sau tiêm 30 phút và được đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về;
  • Có ekip cấp cứu được đào tạo bài bản, phòng theo dõi sau tiêm trang bị nhiều thiết bị hiện đại, sẵn sàng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn,… xảy ra sau tiêm;
  • Phòng tiêm chủng sạch sẽ và thoáng mát, có khu vui chơi cho trẻ em, tạo cảm giác thoải mái cho trẻ khi tiêm chủng;
  • Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec
để được giảm ngay 20% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 – 31/12/2022).
Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn
tư vấn từ xa qua video
với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn thông tin tham khảo về vắc-xin ngừa HPV: Theo thông tin đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *